Sunday, September 30, 2012

Giáo dục đại học tại Hàn Quốc (2): Những bài học có thể rút ra cho VN

(tiếp theo bài 1)

Note: Entry này, cũng như entry số 1 cùng tựa, chỉ là những ghi chép của tôi cho một bài được đặt hàng mà tôi sắp phải hoàn tất. Tôi đưa lên đây vừa để lưu cho mình vừa để chia sẻ với những người quan tâm. Đặc biệt, hôm nay tôi sẽ dịch một đoạn khá dài (thường thì tôi ít dịch tư liệu mà đọc trực tiếp bằng tiếng Anh), nhưng hôm nay thấy có những chỗ rất đáng chú ý vì VN cũng đang trong thời kỳ "dổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục VN" theo Nghị quyết TW mới đây, và có thể học hỏi được nhiều điều từ kinh nghiệm đổi mới của HQ, từ tận cách đây hơn 20 năm.

Dưới đây là phần dịch (của tôi)  trong bài viết mà tôi đã giới thiệu hôm trước (link: http://redie.uabc.mx/contenido/vol2no2/contenido-lee.pdf). Những chỗ tôi in đậm là những gì đáng lưu ý cho VN hiện nay.
----------------

Trong thập niên 90, giáo dục đại học HQ phải đương đầu với một thách thức mới. Mặc dù có sự mở rộng về  số lượng là kết quả của sự ham học của người dân HQ và những chính sách giáo dục của nhà nước để đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội để đáp ứng yêu cầu của xã hội thông tin, nhưng sự mất căn bằng giữa số lượng và chất lượng là rất lớn. Vì vậy rõ ràng là cần phải có một cuộc cải cách. Trong luồng gió đổi mới ấy, vào tháng 2 năm 1994, Ủy ban cố vấn tổng thống về cải cách giáo dục được thành lập với mục đích tạo ra một "Hàn Quốc mới". Ủy ban này bao gồm những con người được chọn ra từ một cuộc họp kín, và những người này đã trình lên Tổng thống Báo cáo sơ bộ số 8 với tựa đề là "Các phương hướng và nhiệm vụ của cải cách giáo dục nhằm tạo ra một đất nước HQ mới" vào ngày 5/9/1994 (MOE, 1998b, p. 38; PCER, 1996, pp. 18-26; PCER, 1998, p. 78; PCER, September 1994, pp. 14-22). Báo cáo này nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học HQ lúc ấy, đó là tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, và cải thiện hệ thống thi tuyển sinh đại học.


(Nhận xét: các nhiệm vụ này của cải cách giáo dục HQ sao nghe giống những gì VN cũng đã đặt ra cho mình quá. Chỉ có điều, HQ rõ ràng là đã củng cố được khả năng cạnh tranh quốc tế của họ, và cũng đã cải cách tuyển sinh theo hướng rất tiên tiến, còn VN thì ...!!!!).


Ngày 31/5/1995, bản Kế hoạch cải cách giáo dục (lần thứ nhất) ra đời, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 48 nhiệm vụ cụ thể, được công bố trong một khuôn khổ giáo dục mới có tính mở để để chuẩn bị bước vào thế kỷ 21. (PCER, 1998, p. 78; PCER, May 1995, pp. 29-70). Các nhiệm vụ trọng tâm là: thiết lập một xã hội giáo dục mở, đa dạng hóa và chuyên môn hóa các trường đại học, tạo ra các cộng đồng nhà trường mang tính dân chủ và tự chủ, nhấn mạnh yếu tố nhân văn và sáng tạo trong chương trình học, đổi mới hệ thống thi tuyển sinh, thiết lập một hệ thống đánh giá và hỗ trợ nhà trường kiểu mới, và cải cách chương trình đào tạo giáo viên,và tăng ngân sách cho giáo dục lên đến 5% của GNP (PCER, 1998, p. 82-110). Như vậy, trong kế hoạch cải cách lần này, hai có nhiệm vụ liên quan đến giáo dục đại học là đa dạng hóa và chuyên môn hóa các trường đại học để tăng cường chất lượng giáo dục, và tạo ra một hệ thống thi tuyển sinh mới để giúp thí sinh thoát ra khỏi "địa ngục thi cử" đồng thời làm giảm nhẹ gánh nặng chi phí của cha mẹ học sinh cho việc đi học thêm ngoài giờ.

[...]
Về cải cách giáo dục đại học, bản Kế hoạch cải cách (lần thứ hai) được công bố vào tháng 2/1996 có những điều chỉnh bổ sung như sau: xây dựng một hệ thống đào tạo dạy nghề mới, đưa vào hệ thống đào tạo chuyên nghiệp sau đại học [(vd: các ngành y học và sức khỏe, luật, quản trị vv)], và cải cách hệ thống luật liên quan đến giáo dục. (PCER, February 1996, pp. 5-74). Bản Kế hoạch cải cách (lần thứ ba) đạt được những thỏa thuận sau: nhấn mạnh tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học và cao đẳng tư thục, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin và thiết lập các trường đại học ảo [(qua mạng Internet)], và tái cấu trúc hệ thống giáo dục xã hội (social education system [- không rõ ở đây ý tác giả muốn nói gì?]) dựa trên một chính sách mở để tăng cường khả năng tiếp cận và sự tham gia của người học (PCER, August 1996, pp. 11-46). Bản Kế hoạch cải cách (lần thứ tư) vào tháng 7/1997 đưa vào triển khai những nhiệm vụ sau: đổi mới quản lý giáo dục -- cải thiện chất lượng và thay đổi hệ thống đào tạo theo học kỳ -- thúc đẩy các đại học nghiên cứu, hỗ trợ các trường cao đẳng và đại học tại địa phương, và đổi mới hệ thống thi tuyển sinh, vv. (PCER, June 1997, pp. 7-48). 

[...]
Những thay đổi trong hệ thống hành chính và pháp luật


Dựa trên Đạo luật khung về giáo dục, Đạo luật về giáo dục đại học bắt đầu được áp dụng từ tháng 3/1998 nhấn mạnh mở rộng cơ hội học tập cho người học, nâng cao chất lượng giáo dục, và tạo sự hài hòa giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình. Với những điểm nhấn này, những nội dung quan trọng trong Đạo luật giáo dục đại học mới được ban hành là: những thay dổi về loại hình trường (Article 2) , những quy định cho các trường (Article 6) , rèn luyện người học thông qua một quá trình phù hợp  (Article 13), phân loại nhân sự và bằng cấp của những vị trí trong trường (Articles 14 & 16) , tự chủ trong việc đặt tên của các trường cao đẳng (Article 18), thực tập và công nhận tính chỉ tích lũy từ các trường khác (Articles 22 & 23), các môn học chuyên sâu trong các trường cao đẳng (Article 49), nhận sinh viên vào các trường cao đẳng và đại học trong khi đang diễn ra học kỳ (Article 51), và khả năng cấp bằng trong các loại hình trường sau trung học khác nhau (Article 59) (Act No. 5437; I. Kang, 1997, pp. 47-48; 9; B. Seo, 1998, pp. 73-74; PCER, 1998, pp. 156-58).

[...]

[...] hệ thống hành chính trong giáo dục đại học cũng được thay đổi cho phù hợp với mục tiêu của cải cách giáo dục. Từ năm 1948, những vấn đề "kinh niên"  của hệ thống hành chính trong giáo dục đại học HQ vẫn là sự kiểm soát thống nhất và chỉ đạo tập trung từ nhà nước, một hệ thống đẳng cấp trong nhà trường dựa trên những luật lệ của hệ thống chính trị - xã hội theo Khổng giáo, các hệ thống thông tin giao tiếp mang tính mệnh lệnh và đóng kín xuất phát từ Khổng giáo thuần túy hoặc Khổng giáo pha trộn với Thần giáo (Shinto) của Nhật Bản, quản lý hành chính kém hiệu quả do các các nhân sự đảm nhiệm công việc thiếu chuyên nghiệp hoặc không phù hợp, quản lý nhân sự thiếu công bằng và không phù hợp với năng lực do các quan hệ cá nhân và bè phái, và tính quan liêu, thủ giấy  tờ nặng nề do quá chú trọng hình thức cũng như các thủ tục rườm rà từ trên xuống trong quá trình ra quyết định (J. Shin et al., 1995, pp. 60-96; B. Ahn, 1992, pp. 19-35).  


Để giải quyết những vấn đề trên, Ủy ban cải cách giáo dục đưa ra đề xuất là hệ thống hành chính  xó tính tự chủ cao và quản lý trên quan điểm hỗ trợ, cơ cấu tổ chức phi tập trung hóa, có tính mở và minh bạch về hành chính, quản lý chuyên nghiệp để đảm bảo sự chuyên môn hóa và hiệu suất cao trong hành chính, công bằng và nghiêm minh trong quản lý và bổ nhiệm nhân sự hành chính cũng như giảng viên, và ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính 
(PCER, 1998). 

[...]

Cải cách hoặc đổi mới trong quản lý trường đại học


[...] những cải cách chủ yếu trong quản lý trường đại học nhấn mạnh đổi mới tổ chức về mặt hành chính theo quan điểm lấy "khách hàng" hay người học làm trung tâm, đa dạng hóa các chức năng và chuyên môn hóa để nâng cao chất lượng, tự chủ trong việc định đoạt chỉ tiêu tuyển sinh và các hoạt động đào tạo khác, đa dạng hóa các tiêu chí tuyển sinh, và hỗ trợ tài chính cho các trường công lập cũng như tư thục (MOE, 1998b, pp. 67-79; PCER, 1998; Yun, 1999, pp. 55-56).  

(Nhận xét: Hai mục in đậm ở đoạn trên là những gì tôi nghĩ VN đang rất cần quan tâm trong đợt "đổi mới căn bản và toàn diện" lần này.)


[...] Sự đa dạng hóa và chuyên môn hóa chức năng các trường đại học là một trong những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến việc cải thiện chất lượng. Hầu hết tất cả các trường đại học Hàn Quốc đều không có bản sắc riêng do tất cả giống nhau trong các hoạt động đào tạo, quy tình tuyển sinh, phong cách hành chính, và chương trình thống nhất dưới sự kiểm soát của nhà nước. Hơn nữa, vì tất cả các trường đã được xếp hạng trong một hệ thống đẳng cấp theo điểm đầu vào của sinh viên (MOE, 1998b, p. 72), nên các trường hầu như không quan tâm gì đến việc cải thiện chất lượng hoặc đa dạng hóa và chuyên môn hóa chức năng. Điều này càng rõ hơn trong các chương trình sau đại học ở HQ, vốn chủy yếu chú trọng vào việc giảng dạy hơn là nghiên cứu và không hề có những chuyên ngành riêng biệt hoặc đa dạng. Để đẩy mạnh đa dạng hóa và chuyên môn hóa các khoa sau đại học, nhà nước quyết định hỗ trợ tích cực những nghiên cứu triển khai được thực hiện trong các trường để thúc đẩy một xã hội ứng dụng CNTT, đồng thời bắt đầu một đề án đầy tham vọng để phấn đấu đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm với tiêu chuẩn của các nướcc tiên tiến trên thế giới. Đề án ấy có tên là “BK 21” (Brain Korea for the 21 st century). 

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment