Trước đây tôi có viết một vài entry về kết quả xếp hạng đại học của QS, trong đó có nêu vị trí 13 trường trong số 26 trường của AUN có tên trong danh sách top 500 của thế giới và top 200 châu Á. Có thể đọc một trong những bài ấy ở đây.
Trong bài ấy, tôi có hứa sẽ tìm hiểu và viết về cách phân loại trường đại học để xếp hạng trong hệ thống của QS, nhưng đã lâu lâu rồi mà chưa làm. Sở dĩ cần phải hiểu hệ thống phân loại này là vì QS có đặt ra những yêu cầu khác nhau cho các loại trường khác nhau để cho điểm, và trên cơ sở điểm tổng cộng này mới có thể xếp hạng. Nói cách khác, một trường thuộc loại thiên về nghiên cứu thì sẽ phải có điểm nghiên cứu cao hơn là trường không thiên về nghiên cứu. Điều này đúng hay sai thì còn phải bàn cãi, tranh luận, nhưng những ai muốn tham gia xếp hạng thì nhất thiết phải hiểu điều này để có thể hình dung được mình phải phấn đấu ở những điểm nào để có thứ hạng cao.
Hôm nay có chút thời gian, tôi đã tìm và thấy bài viết giải thích hệ thống phân loại của QS, nên đưa lên đây để lưu và chia sẻ với mọi người.
Các bạn có thể đọc bài ấy ở đây.
Và dưới đây là vài dòng vắn tắt giới thiệu hệ thống xếp hạng của QS.
Hệ thống phân loại của QS dựa trên hệ thống phân loại của Canergie nhưng đã được đơn giản hóa, và sử dụng 3 yếu tố sau đây để phân loại:
1. Quy mô sinh viên, tính trên số sv quy đổi toàn thời gian.
2. Phạm vi ngành nghề, với 5 nhóm nghề là (1) Arts & Humanities (Nghệ thuật và Nhân văn); (2) Engineering & Technology (Công trình và Công nghệ); (3) Life Sciences & Medicine (Khoa học đời sống và Dược học); (4) Natural & Physical Sciences (Khoa học tự nhiên và Vật lý); (5) Social Sciences (Khoa học xã hội). Ngoài ra, còn có thêm loại thứ sáu, dựa trên việc một trường đại học có hoặc không có trường Y (medical school) hay không.
3. Hoạt động nghiên cứu, chia làm 4 mức độ dựa trên số bài báo đăng trên các tạp chí có mặt trong cơ sở dữ liệu Scopus trong vòng 5 năm trước khi thực hiện phân loại. Mức nền (thresholds), tức là mức thấp nhất, về hoạt động nghiên cứu của từng loại trường khác nhau (dựa trên 2 yếu tố phân loại 1 và 2) là khác nhau.
Dựa trên 3 yếu tố này, QS đưa ra hệ thống ký hiệu các trường đại học gồm 2 ký tự như sau:
1. Ký tự đầu tiên là chữ cái để chỉ quy mô sinh viên và số ngành đào tạo, gồm 12 ký hiệu từ A đến L, được chia làm 3 nhóm theo quy mô: Nhóm 1 là A-D, gồm những trường lớn có trên 12 ngàn sv; nhóm 2 là E-H, gồm những trường trung bình từ 5 đến 12 ngàn sv; nhóm 3 là I-L, gồm những trường nhỏ dưới 5 ngàn sv. Mỗi nhóm trên lại chia thành 4 loại theo số ngành. Ví dụ, nhóm 1 từ A đến D gồm 4 loại: A = 6 ngành, B = 5 ngành, C = 3, 4 ngành, và D = 1, 2 ngành. Và cũng vậy với các nhóm khác (vd: E = 6 ngành, F = 5 ngành vv).
2. Ký tự thứ hai là số để chỉ các mức độ hoạt động nghiên cứu của trường, gồm 4 mức độ 1, 2, 3, và 4, chỉ các mức độ nghiên cứu từ rất cao (mức độ 1) đến rất thấp hoặc không có nghiên cứu (mức độ 4).
Dưới đây là những ví dụ lấy từ trang web đã giới thiệu ở trên:
A1 = Large; Fully Comprehensive; Very High Research Activity (e.g. Harvard, Cambridge, NUS)
A2 = Large; Fully Comprehensive; High Research Activity (e.g. Auckland, University College Dublin)
G1 = Medium-sized; Focused; Very High Research Activity (e.g. Tokyo Institute of Technology)
H1 = Medium-sized; Specialist; Very High Research Activity (e.g. London School of Economics)
Như vậy, khi đọc kết quả xếp hạng hàng năm, ta cần chú ý xem loại trường nào thường chiếm những vị trí nào, để còn biết đường mà có kế hoạch phấn đấu, cải thiện.
Nhân tiện, kết quả xếp hạng 2011 đã được công bố. Tôi sẽ viết một entry khác về việc này sau. Ai sốt ruột muốn đọc thì vào địa chỉ dưới đây nhé:
http://iu.qs.com/2011/05/23/summary-of-the-2011-qs-asian-university-rankings/
Saturday, June 4, 2011
Hệ thống phân loại trường đại học của bảng xếp hạng QS
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment