Sunday, April 11, 2010

Nỗi buồn giáo dục Việt Nam

Tựa của entry này nhại lại tựa của một bài báo trên tờ China Daily của TQ mà tôi đã giới thiệu trên blog này cách đây ít lâu. Tên đầy đủ của nó là "Nỗi đau giáo dục của người đi xin việc", ở đây. Nỗi đau giáo dục đó là của người TQ, còn hôm nay, tôi muốn nói về nỗi buồn giáo dục VN qua cảm nhận của tôi.

Thật vậy, tôi viết entry này mà lòng nặng trĩu vì nhiều chuyện, tất thảy đều liên quan đến giáo dục của VN. Vâng, làm sao có thể không buồn khi hàng ngày lên mạng, nghe đài, hoặc đọc trên báo thì chỉ thấy toàn là những tin xấu về giáo dục. Ví dụ như nữ sinh đánh nhau và còn tự quay video thảy lên mạng cho mọi người thưởng thức(!) mà báo chí đã làm ầm lên gần đây. Rồi hôm nay là tin về học sinh đốt thư viện trường, ở đây.

Hoặc như sự hoành hành của nạn đạo văn, mà thực chất là sự lừa dối và trộm cắp của những người mang tiếng là trí thức, trong đó có cả những người mang theo những danh hiệu, những phẩm hàm cao quý. Hay như hôm nay, "giáo sư tố đồng nghiệp đạo văn mình bị khủng bố", trên tờ Vietnamnet, ở đây.

Tôi cũng đi dạy, và đã hướng dẫn nhiều luận văn thạc sĩ, từ những luận văn đầu tiên tôi thực hiện từ cuối thập niên 1990. Thời đó, số người có bằng cấp SĐH chưa nhiều, và những người học viên cao học thời ấy lẫn người hướng dẫn là tôi đều xem việc thực hiện một đề tài luận văn thực sự là một vấn đề nghiêm túc đến trầm trọng. Trăn trở, lo lắng, tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước, đọc sách, mua sách từ nước ngoài trong những điều kiện hết sức khó khăn, mà sao họ vẫn kiên trì đến thế? Cũng có những người làm không xong do điều kiện không cho phép, và đành phải ngậm ngùi bỏ dở ....

Để hơn 10 năm sau, số người có bằng SĐH đã tăng lên nhiều lắm, thậm chí có những người ngày xưa khi tôi mới đi học về thì còn chưa bắt đầu cao học, giờ đã xong Tiến sĩ, được phong GS, PGS, nắm những trọng trách trong các trường, và ngồi trong các hội đồng xét duyệt. Đối với họ, các hội đồng này dường như chỉ là nơi để chứng tỏ quyền lực bằng sự khắt khe không có cơ sở của mình, hoặc để ban phát ân huệ cho những người thân quen, hoặc để làm quan hệ, xuê xoa cho sinh viên của đồng nghiệp để giữ hòa khí, "dễ người dễ ta"!

Như một cái chợ trời chữ nghĩa lộn xộn, náo loạn, và vàng thau lẫn lộn mà đôi khi tìm mãi chẳng thấy được vàng ở nơi đâu. Còn các trường đại học thì cứ ào ào mọc lên, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thì cứ tăng, số lượng giảng viên có bằng SĐH cũng tăng, tóm lại nhìn qua số lượng thì mọi thứ đều đang rất tốt đẹp. Nhưng xã hội thì ngày càng bát nháo!

Trước nay tôi đã nhiều lần phát biểu ở nhiều nơi là mọi việc xấu xa của xã hội không thể chỉ một mình ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm. Đến giờ tôi cũng vẫn nghĩ thế, nhưng hôm nay lại nghĩ thêm như thế này: xã hội có thể tạo ra mọi thứ xấu xa, nhưng ít ra cũng phải còn lại ốc đảo bình yên, nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giữ gìn đạo đức của dân tộc và vun đắp lương tri xã hội. Ốc đảo đó, ai cũng nghĩ, và mong đợi, chính là môi trường giáo dục.

Nhưng hiện nay thì chính ngành giáo dục cũng là nơi tiếp tay không nhỏ vào những tệ nạn. Đạo văn, gian dối, quay cóp, thi hộ, mua bằng bán điểm, thậm chí chạy chọt để được mở trường. Và gần đây nhất là bạo lực tràn lan, không sao khống chế được. Thầy cô đánh trò, rồi trò đánh thầy cô. Rồi cả một hệ thống thi cử nặng nề, lều chõng, "sĩ tử rụt rè gà phải cáo/văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi" chắc chẳng khác nào thời của Tú Xương: "tấp tểnh người đi tớ cũng đi/cũng lều cũng chõng cũng đi thi".

Rồi suốt ngày chờ đợi đoán môn thi, cuống cuồng ôn tập sau khi công bố môn thi, rồi dò bài, truy bài mùa thi, học lệch học tủ, học thêm học bớt, đến nỗi đã có cái khẩu hiệu vui (nhưng mà cười ra nước mắt): "Học, học nữa, hộc máu" (!!!!). Chẳng trách hiện nay chúng ta đang có hiện tượng "tỵ nạn giáo dục" ngày càng nhiều cả trong nước (không học trường công của VN, mà học trường tư của nước ngoài tại VN, tuy đóng nhiều tiền một tí nhưng đỡ phải ... "hộc máu"), lẫn ở ngoài nước. Cứ xem số lượng người đến dự các hội thảo du học của nước ngoài ở các thành phố lớn thì đủ biết.

Rồi trường chuyên lớp chọn, chất lượng cao, một cuộc chạy đua đường trường đòi hỏi nỗ lực từng giây phút để vào được những lò luyện nhân tài cho đất nước ... Mỹ! Vì rất nhiều em đã được cha mẹ tính toán vào các trường này chẳng qua là để tìm cơ hội săn học bổng, hoặc nếu không thì cũng có hồ sơ đẹp để xin đi du học dễ hơn.

Học hành như vậy, áp lực đến thế, thì còn đâu thời gian để các em phát triển tâm hồn, để các thầy cô giáo giúp các em điều chỉnh hành vi cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Hèn gì mà chẳng bạo lực, đơn giản chỉ để ... giảm stress? Còn đâu việc "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", để đến hè khi xa trường các em ngậm ngùi luyến nhớ, như "Nỗi buồn hoa Phượng" ngày xưa?

Tôi vẫn luôn tin rằng giáo dục là con suối trong, từ đó luôn chảy ra giòng nước ngọt ngào tưới mát tâm hồn mọi người và rửa sạch các vết nhơ của xã hội. Nhưng nay cả giòng nước ấy cũng đã bị ô nhiễm nặng nề rồi thì biết lấy gì mà uống cho qua cơn khát, hoặc rửa các vết nhơ đây?

Như thế, có thể nói là xã hội VN đã mất đi những phần cốt lõi tinh túy nhất hay chưa? Mục ruỗng đến tận xương tủy rồi hay sao? Rotten to the core?

Nếu bảo rằng giáo dục là ngành công nghiệp chế tạo ra sản phẩm là con người, thì với một nền giáo dục xuống cấp trầm trọng như vậy, những con người VN được tạo ra còn có thể như thế nào nếu không phải là những gì chúng ta đọc được trên báo chí hàng ngày như hiện nay?

6 comments:

  1. Nói đến giáo dục VN hiện thời thì các bậc phụ huynh và các thầy cô có lương tâm và trách nhiệm với con em chúng ta, có hoài bảo và có tấm lòng với đất nước tất thảy điều cảm thấy rất đau xót.

    Sự thật đau lòng là đạo đức giáo dục đang suy đồi, chất lượng giáo dục đang sút giảm. Con người sống ngày càng vật chất và ngày càng thực dụng đã làm cho việc học hành, bằng cấp trở thành công cụ làm giàu (nếu có thể được), chứ không còn là con đường phải đi nếu ta muốn trở thành một con người hữu dụng cho xã hội như ngày xưa cha ông ta thường khuyên dạy con cháu. Kiểu học từ chương, nhồi nhét của xã hội VN hiện tại không giúp cho học sinh phát triển tài năng thực sự. Việc học thiếu thực hành đã khiến các em ngày càng thụ động và chỉ học đối phó. Riêng sinh viên thì dần dần đánh mất đi khả năng tự nghiên cứu . . .Kết quả thì như các bạn đã biết : tốt nghiệp nhưng vẫn không đủ khả năng làm việc hoặc phải chạy vạy mua bằng.

    Một nhóm nghiên cứu của đại học Havard sau khi sang VN thu thập thông tin từ toàn bộ các trường đại học về chương trình đào tạo và hạ tầng cở sở phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu thì đành nhận xét rằng VN không có trường đại học nào đạt chuẩn qui định để có thể xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm khuyến khích mở rộng giáo dục ra thế giới.

    Người Việt mình bản chất rất chịu khó và hiếu học nhưng thật sự với lối giáo dục hiện tại thì đúng như P. Anh nói, chúng ta đang đẩy những nhân tài thật sự ra đi tìm một chân trời mới không phải trên quê hương mình.

    ReplyDelete
  2. Dear Anonymous,

    Rất cám ơn lời chia sẻ tâm huyết của bạn/anh/chị (I feel you are somebody I know, but am not sure who that person is!).

    Bây giờ, trước tình hình như thế này, những người biết, hiểu và có ít nhiều khả năng như chúng ta phải bó tay sao? Ngoài việc than thở như thế này?

    Đông tay vỗ nên bộp. Bao giờ chúng ta sẽ cùng vỗ tay đây nhỉ?

    PA

    ReplyDelete
  3. Có phải do nền giáo dục vn thời bất Nhân chăng? Tôi cho là không vì những cái xấu xa được kể ở trên và còn nữa đã xãy ra
    lâu rồi trước và trong khi bác ấy còn đương nhiệm. Vấn đề là làm sao mà những
    cái xấu xa đó còn "đất" để tồn tại trong "thiên đường" XHCN VN này? Tôi cho là
    đã có sự bao che nào đó cho những cái xấu xa đó và những kẻ vô liêm sĩ kia 
    trong ngành giáo dục. Lẽ ra khi bị tố giác là copy giáo trình của người ta, nếu là người
    còn chút liêm sĩ thì nên công khai xin lỗi và cần có hành động khắc phục sự cố
    thì đằng này họ lại tiếp tục trò võ biền

    ReplyDelete
  4. Hi Đạt,
    Mỗi người phải cố gắng chống lại những sai trái, tiêu cực trong giáo dục thôi Đạt ơi. Lên tiếng, như thế này cũng là một cách (và đôi khi là cách duy nhất của những người dân như chúng ta).

    Vì sự xuống cấp của giáo dục đồng nghĩa với sự xuống cấp của cả một dân tộc!

    PA

    ReplyDelete
  5. Bản thân tôi cũng tiếc khi đã về Việt Nam giảng dạy. Tôi chọn làm giảng viên vì không chấp nhận được (hay không thích ứng được) một số môi trường làm việc khác ở Việt Nam, cho dù là sản xuất hay dịch vụ : rất "nông dân" nhưng lại ít có sự chân chất (mâu thuẫn !). Ngỡ tưởng giáo dục là một ngành dịch vụ công ích, nhưng hóa ra nó lại "tư ích" đến kinh ngạc !

    Là một giảng viên trẻ, cũng may là đến lứa sinh viên thứ hai của tôi thì đa số các em đều "đồng minh" với sự "xé rào" của "anh thầy" : không dạy theo đề cương có sẵn khi chưa thiết thực lắm và thiên về khối lượng hơn là chiều sâu ; có thể làm theo thầy (dành cho những sv chưa khá) nhưng vẫn khuyến khích làm theo cách riêng của chính mình để được điểm trên 10/10 (dành cho sv đã có nền và khiếu) ; kiến thức, kỹ năng là khâu 2, thái độ làm việc mới là khâu đầu tiên, đánh giá thái độ trước, đạt mới đánh giá đến những cái khác v.v...

    Tuy vẫn còn rất buồn, nhiều khi cảm thấy hụt hẫng đến nản lòng, không phải bởi "khách đi đò" (hoàn toàn ngược lại !) mà bởi chính "con đò chông chênh" mà mình đang cố chèo ngược dòng, song nếu bỏ học trò mà đi hay ngậm ngùi tạm xa quê hương, thì chắc tôi sẽ khóc trong lòng còn nhiều hơn cả người trong cuộc của bất cứ một "cuộc tình (sâu nặng) tan vỡ" nào trên đời này !...

    ReplyDelete
  6. Rất chia sẻ với Anonymous, và hoan nghênh đã dám xé rào. Bạn có thể chia sẻ thêm chút gì với chủ nhân blog này không? GD của VN đang rất cần sự góp sức của nhiều người giống như bạn.

    Mail của tôi là vtpanh@gmail.com, biết đâu có khi bạn cần trao đổi! :-)

    PA

    ReplyDelete