Sunday, April 18, 2010

Nhập môn thống kê giáo dục (5): "Thống kê và nghiên cứu khoa học"

Tiếp tục giới thiệu với các bạn bài viết của GS Dương Thiệu Tống, lần này là vai trò của thống kê trong nghiên cứu khoa học.
---
[...] [T]ư duy thống kê cũng như các phương pháp tính toán thống kê giúp cho việc nghiên cứu khoa học về nhiều phương diện:

1. Trước hết, thống kê giúp cho việc mô tả các hiện tượng một cách chính xác. Mục tiêu của khoa học là mô tả các hiện tượng một cách đầy đủ và chính xác làm sao cho các điều mô tả ấy trở nên có ích lợi cho bất cứ ai có thể hiểu được nó khi đọc các ký hiệu sử dụng. Toán học và Thống kê học là một bộ phận của ngôn ngữ diễn tả, là một sản phẩm phát triển của các ký hiệu ngôn ngữ của chúng ta, được áp dụng một cách đặc biệt cho các loại mô tả mà các nhà khoa học đòi hỏi.

2. Thống kê học buộc ta phải tư duy một cách thật rõ ràng và chính xác. Có những nhà khoa học xã hội bênh vực cho những kết luận mơ hồ của họ bằng cách cho rằng thà họ phát biểu một cách mơ hồ mà đúng còn hơn là đưa ra những kết luận rõ ràng, minh bạch nhưng lại sai. Nhưng vấn đề không phải chỉ có hai lựa chọn, một là “mơ hồ mà không đúng”, hai là “rõ ràng nhưng sai lầm”. Ta vẫn có thể vừa “rõ ràng” và “đúng”, và cái cơ may có những kết luận đúng thường thiên về phía những lý luận hay phát biểu rõ ràng, chính xác hơn là ở những kết luận mơ hồ.

3. Thống kê cho phép ta tóm tắt các kết quả dưới dạng dễ hiểu và dễ xử lý. Các khối lượng quan sát của chúng, nếu cứ để y nguyên thì thật là phức tạp, hầu như vô nghĩa. Trước khi ta có thể trong thấy được cả cây lẫn rừng, ta phải tạo nên một thứ trật tự nào đó cho các dữ kiện. Thống kê cung cấp cho ta phương tiện để đem lại sự trật tự cho các dữ kiện. Chẳng hạn, ta không thể nhớ hằng trăm điểm số của sinh viên, nhưng nếu ta tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn của phân bố các điểm số ấy thì ta có thể xử lý và giải thích các điểm số ấy một cách dễ dàng hơn.

4. Thống kê cho phép ta rút ra những kết luận tổng quát, và quá trình rút ra các kết luận ấy phải được thực hiện theo đúng quy tắc được chấp nhận. Hơn thế nữa, bằng phương tiện thống kê, ta có thể tuyên bố về mức tin tưởng mà ta có thể đặt vào các kết luận và cả mức độ rộng rãi của việc áp dụng những điều khái quát hóa của chúng ta.

5. Thống kê cho phép ta đưa ra những điều tiên đoán về “mức độ” có thể xảy ra của một sự việc nào đó trong những điều kiện mà ta đã biết và đã đo lường. Chẳng hạn, ta có thể tiên đoán về điểm số một sinh viên năm thứ nhất có thể đạt được về môn Toán học, nếu ta biết được điểm số của sinh viên ấy trên bài trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa về khả năng toán (nếu ta có thể trắc nghiệm như vậy) điểm số trung bình cuả sinh viên ấy ở bậc trung học và có thể cả số giờ học sinh ấy dành hành tuần cho môn Toán v.v. Điều tiên đoán của ta có thể một phần nào sai lầm vì có nhiều yếu tố khác mà ta không biết và chưa kể đến, nhưng các phương pháp thống kê sẽ bảo cho ta biết giới hạn sai lầm là bao nhiêu để cho phép ta đua ra những điều tiên đoán như vậy.. Như thế, không những ta có thể đưa ra những điều tiên đoán mà còn biết mức độ tin tưởng ta có thể dặt vào những sự tiên đoán ấy.

6. Thống kê cho phép ta phân tích một số yếu tố nguyên nhân của các biến số phức tạp. Điều rõ rệt nhất là trong khoa học xã hội nói chung và khoa học giáo dục và tâm lý nói riêng, mọi biến cố, hay kết quả xảy ra do nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau. Lý do vì sao một phương án hay một biện pháp nào đó thành công hay thất bại thật là đa dạng và phức tạp. Các yếu tố nguyên nhân thường được phát hiện và chứng minh tốt nhất là bằng phương pháp thực nghiệm. Nếu ta có thể chứng minh rằng, với tất cả các yếu tố khác được giữ cố định,một phương án hay biện pháp nào đó thất bại theo mức độ thiếu sót một yếu tố X nào đó thì có lẽ rằng yếu tố X là nguyên nhân thất bại của biện pháp ấy. Thật ra đây chỉ là một thí dụ được đơn giản hóa để minh họa. Cố nhiên trong thực tế, vấn đề phức tạp hơn nhiều và người nghiên cứu phải nắm vững các kỹ thuật thống kê cũng như thiết lập đồ án thực nghiệm ( exprimental designs) mới có thể giải quyết một cách hiệu quả, cả về phương pháp lẫn lý luận.

Tuy nhiên, đối với nhà khoa học xã hội, không phải bao giờ học cũng điều khiển được con người và sự việc theo ý muốn để có thể dựng nên những cuộc thí nghiệm trong những điều kiện lý tưởng. Giải pháp thông thường là thực hiện những cuộc nghiên cứu bằng thống kê, dùng những con người ấy bằng hoạt động bình thường của họ, rồi trên cơ sở ấy người ta đưa ra những điều tiên đoán. Các chuyên viên về bảo hiểm nhân mạng thường làm như vậy. Họ theo dõi, nghiên cứu tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian sống lâu của con người, rồi xác định tầm quan trọng của các yếu tố ấy. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu bằng thống kê, họ có thể tuyên đoán một cá nhân thuộc một loại nào đó có thể sống được bao lâu, rồi công ty bảo hiểm căn cứ vào đó mà dự thảo chính sách bảo hiểm thích hợp. Dẫu sao, đây cũng chỉ là một thí dụ cho thấy rằng phương pháp thống kê có thể thay thế cho các cuộc thí nghiệm, các dữ kiện thực nghiệm cũng phải được xử lý bằng các phương pháp thống kê. Do đó, ta có thể nói rằng các phương pháp thống kê với các thực nghiệm khoa học thường đi kèm với nhau như hình với bóng.
---
Dương Thiệu Tống (2005). Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục (trang 139-167). NXB Khoa học xã hội. In tại TP. Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment