Friday, April 30, 2010

Giáo dục ở đâu và nên cười hay nên khóc?

Tựa của entry này là lời tôi "họa" (nhái?) lại cái tựa của bài viết rất hay trên Tuần Việt Nam: Chính quyền ở đâu và nỗi mong được khóc.

Cách đây ít lâu tôi có viết một bài cho báo PLTP với tựa đề Không thể dạy đạo đức bằng lời nói dối. Trong bài ấy, tôi có viết đại khái là nhà trường phải chịu trách nhiệm về mọi vấn nạn trong xã hội hiện nay.

Lập luận ấy của tôi sau đó bị/được một độc giả phản biện bằng một comment, cho rằng điều tôi viết "chẳng đúng tí nào" vì "chẳng có thầy cô nào dạy các em xử lý bằng bạo lực, đó là nhân cách tối thiểu của mỗi giáo viên được đào tạo chính quy. Hơn nữa, hiện hầu hết học sinh chỉ có mặt ở trường 4 giờ mỗi ngày, còn lại 20 giờ là ở gia đình."

Tôi hiểu và thông cảm với quan điểm của bạn đọc đó mà tôi đoán là một giáo viên. Tôi đã từng phát biểu nhiều lần ở nhiều nơi, đặc biệt là trên blog này, về cách đối xử của xã hội VN đối với giáo viên khiến cho vai trò và phẩm giá của người thầy hiện nay bị hạ thấp rất nhiều so với trách nhiệm và nghĩa vụ mà xã hội trao cho họ.

Nhưng tôi vẫn cho rằng ngành giáo dục, mà đặc biệt là giáo dục phổ thông, là ngành phải chịu trách nhiệm nhiều nhất cho những hệ lụy của xã hội hiện nay. Vì những con người đang là rường cột lớn nhất của đất nước hiện nay, là hiện tại và tương lai của đất nước, không phải là tôi hoặc lớn hơn, những người thuộc thế hệ 4x, 5x và đầu 6x, mà là những người cuối 6x, 7x, và 8x, sinh ra và/hoặc lớn lên khi đất nước thống nhất, hòa bình (trừ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc), và hưởng một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hoàn toàn.

Để bây giờ có những việc dở khóc dở cười như thế này, thì ngành giáo dục ở đâu, làm gì, nói gì? Hay chỉ lo độc quyền in sách giáo khoa (chương trình là pháp lệnh, và sách giáo khoa là sản phẩm độc quyền của nhà nước giống như ... điện hạt nhân, dầu khí?), quản lý và bán phôi bằng, tổ chức tuyển sinh 3 chung, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, xét duyệt mở ngành, mở trường ... bất chấp hiệu quả, chất lượng, và các mục tiêu chiến lược giáo dục của đất nước?

Nếu không, sao lại có việc in "giáo trình dạy sát sinh" như trong bài viết mà tôi đã đưa link trên đây?

Tôi tâm đắc với phần viết dưới đây của tác giả bài báo trên, nên xin mượn nó làm kết luận của entry này:
Đây không chỉ là sai lầm của một cuốn sách, không phải sai lầm của tác giả biên soạn và cũng không phải chỉ là sai lầm của ông (bà) Giám đốc hay Phó Giám đốc Nhà xuất bản này. Đây là sai lầm một cách có hệ thống trong nền giáo dục chung của chúng ta. Chúng ta đã tạo ra những con người với sự hiểu biết như thế, với trách nhiệm đối với con người và thiên nhiên như thế thì xã hội phải còng lưng gánh chịu những sai lầm như vậy.

Một nền giáo dục đúng đắn sẽ không sinh ra quá nhiều những công chức, cán bộ hay những trí thức như vậy. Cho nên một số công chức, cán bộ, trí thức của chúng ta mới có những phát ngôn và hành động với sự thiếu hụt kiến thức trầm trọng và vô trách nhiệm. Nhưng trong lúc đó, có những người có trách nhiệm thì lại phẩy tay: "Ôi giời, một cuốn sách có gì mà quan trọng hoá đến thế". Cái chết chính là ở những ông bà cán bộ như thế này.

Xin nói thêm, tôi không đổ lỗi cho ngành giáo dục, vì tôi là người suốt đời làm việc trong ngành giáo dục. Tôi tự nhận thấy đấy là trách nhiệm của ngành giáo dục của tôi, và tôi cũng góp phần trong đó. Và để thay đổi nó, tôi chỉ còn một cách là nói lên những suy nghĩ của tôi để góp ý trong ngành. Nếu có ai nghe...

Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại một ý mà tôi đã nói trong bài viết của tôi trên báo PLTP, là: "Không chỉ riêng có ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm." Ở mọi nước trên thế giới, giáo dục phổ thông là công ích, do chính quyền chịu trách nhiệm. Điều đó càng đúng ở VN, một nước theo lý tưởng XHCN, đào tạo ra con người XHCN. Để cho ngành giáo dục có những khiếm khuyết như vậy, đó là trách nhiệm của ai nếu không phải là chính quyền?

Vậy, cuối cùng câu hỏi vẫn phải là: chính quyền ở đâu? Giống như câu hỏi của tác giả Trực Ngôn trong bài báo trên tờ Tuần VN.

Còn tôi, một người cả đời trong ngành giáo dục, vừa là sản phẩm, vừa là nhà sản xuất, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, không hiểu tôi nên cười hay tôi nên khóc?

No comments:

Post a Comment