Do quá bận, nên tôi không đọc kỹ bức thư, vì nghĩ đó chỉ là một câu hỏi mang tính kỹ thuật, để từ từ sẽ mở sách vở ra xem lại rồi trả lời. Nhưng hôm nay khi đọc kỹ câu hỏi thì tôi cũng lây sự băn khoăn của người bạn trẻ ấy. Xin mọi người đọc câu hỏi và đáp án dưới đây.
Chào cô,
Gần đây báo Tuổi Trẻ đã có một bài viết về đề văn nghị luận trong kì thi học kì 2 môn Ngữ văn của TPHCM (http://tuoitre.vn/Giao-duc/374928/Bao-luc-hoc-duong-vao-bai-thi.html). Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao đề thi (cũng như nhiều người đã đánh giá cao hầu hết các đề nghị luận xuất hiện trong các kì thi gần đây).
Có điều, đọc đáp án cho câu hỏi (không được bài báo đề cập tới) thì em thật sự rất hoang mang, vì thấy câu hỏi bị chẻ vụn ra thành nhiều phần, mỗi phần gắn với một điểm số cụ thể (http://www.hcm.edu.vn/TrangTin.aspx?dcw=/ThongBao/2010/4/DevaHDCNguVanKTHKII%20-%202010.htm).
Câu 2
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong mối quan hệ giữa người và người. (3,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng
- Nắm phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận… ).
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.
b. Yêu cầu về kiến thức
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận (0,25)
- Kẻ mạnh không phải là kẻ chứng tỏ sức mạnh bằng những hành động độc ác, chà đạp người khác. Người mạnh là người dùng sức mạnh, khả năng của mình để giúp đỡ, yêu thương người khác. (0,75)
- Người mạnh là người có tài năng và biết dùng khả năng, tài năng ấy để gánh vác trách nhiệm, hi sinh, giúp đỡ (bảo bọc, yêu thương, quan tâm, chia sẻ khó khăn … ) người khác. (1,0)
- Lưu ý : HS cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ ý.
- Lên án, phê phán những kẻ sống bất nhân, lấy sức mạnh, tài năng của mình chà đạp người khác. (0,5)
- Rèn luyện lối sống: dùng tài năng, khả năng của mình để làm những việc tốt đẹp.
(0,5)
Đọc kỹ từng phần của đáp án xong thì tôi thực sự phát hoảng, vì với một đáp án rất chi li, chặt chẽ như vậy, không hiểu còn chỗ nào để cho thầy cô và học sinh sáng tạo? Và nếu chính tôi là thí sinh thì có lẽ tôi sẽ gần như không được điểm nào hết!
Vì nếu tôi phải viết bài nghị luận trên, tôi sẽ không nêu hai định nghĩa về kẻ mạnh ("Kẻ mạnh không phải là ...", và "Kẻ mạnh là ...", xem đáp án ở trên) như thế. Mà biết đâu tôi sẽ say sưa kể một câu truyện về 2 con người bạn học, một người rõ ràng là mạnh, có thế lực và của cải("mạnh vì gạo, bạo vì tiền"), còn một người khác rõ ràng là yếu thế hơn, nghèo hơn, nhưng nhân hậu hơn, tốt bụng hơn, và ... hạnh phúc hơn, vì giúp đỡ được nhiều người hơn ... Rồi sau đó tôi sẽ đưa ra kết luận về thế nào là kẻ mạnh, ở phần cuối cùng chứ không phải là ở phần đầu tiên như đáp án.
Với cách dạy và chấm văn như thế, chẳng trách nào hiện nay học sinh không thích học các môn xã hội, cũng chẳng trách gì sinh viên ngày nay thiếu sáng tạo, thiếu tinh thần phản biện, có phải không? Và những hiện tượng như cô "ABD Tiến sĩ" Đỗ Ngọc Bích có lẽ cũng không có gì là lạ lẫm, có lẽ vậy?
---
Riêng cho SGK: tôi sẽ có một entry riêng về cách chấm các đề nghị luận sau nhé. Vì không thể không đề cập đến việc này, thật vậy!
Cái hướng dẫn chấm này vừa chi tiết mà lại vừa lập lờ, mơ hồ, học sinh làm bài là cấm có kiện điểm được. Ví dụ như em chẳng hạn, nếu em làm bài thì em sẽ không định nghĩa về mạnh-yếu như đáp án, thậm chí còn phê bình lối suy nghĩ không thoát ra nổi các ý niệm về mạnh-yếu. Như thế có thể coi là có ý kiến riêng, cần được khuyến khích theo hướng dẫn chung, người chấm cho điểm cao cũng được. Nhưng nếu mà người chấm thích cho điểm thấp thì cũng xong vì nó chẳng đạt yêu cầu về kiến thức tí nào cả.
ReplyDeleteHà Thanh nói chí phải!
ReplyDeleteEm có thể viết giúp một entry về cách chấm essay sao cho khuyến khích tư duy sáng tạo và tư duy phản biện không? Lấy ví dụ từ IELTS, chẳng hạn?
Vì cô đã hứa với SGK mà vẫn chưa sao tìm được thời gian để viết!
PA