Friday, April 2, 2010

Nền giáo dục Việt Nam không khủng hoảng

Mấy ngày nay bận quá nên bao nhiêu ý tưởng hay ho đến với tôi nhưng không kịp ghi lại, bị bay đi hết. Thật ra, tôi còn đang định viết liên tục một mạch loạt bài về thống kê trong giáo dục nữa kia, nhưng không sao làm được, vì việc túi bụi.

Nay nhìn thấy bài này với những ý tưởng đã có sẵn trong đầu bấy nay, không thể để nó vụt mất, nên phải ngưng mọi việc để ghi chớp nhoáng lại vài dòng cho khỏi quên. Mọi người đọc và chia sẻ ý kiến nhé! Còn ai đang chờ bài viết về thống kê, xin cứ yên tâm và ... kiên nhẫn chờ, chắc chắn sẽ còn nữa. Vì đàng nào thì tôi cũng đang phải dạy môn học đó cho các sinh viên cao học Đo lường-Đánh giá mà!

--
Cái tựa của entry này là do tôi nhặt được trong bài viết của Hoàng Hưng đăng trên trang boxitvn.wordpress.com ngày hôm nay.

Bài viết đó ở đây. Rất đáng đọc, toàn bài. Tôi cho là chỗ nào cũng rất hay, vì Nguyễn Trần Bạt - người viết bản gốc - đã đành, mà cũng vì Hoàng Hưng, người tóm tắt lại, cũng rất xuất sắc. Toàn là những trí thức sắc sảo, theo cái nhìn của tôi.

Riêng tôi, vì là người làm trong ngành giáo dục, nên chú trọng nhất là phần cuối của bài viết, phần số 5: "Cải cách giáo dục là phi chính trị hoá nhà trường". Chính phần này là nơi tôi nhặt được câu mà tôi đem đặt làm tựa cho entry.

Một vài trích dẫn từ bài viết trên và ý kiến của tôi:
Các anh chị biết rằng xét về mặt phân tâm học thì năng lực tiếp nhận của trẻ con vào những lứa tuổi khác nhau thích hợp với những loại kiến thức khác nhau. Tại sao trẻ con Châu Âu nói chuyện triết học, nói chuyện Kant, Hegel … một cách rất nhẹ nhàng? Bởi vì lúc các em chưa kịp có định kiến thì các em tiếp cận một cách vô thức. Và về mặt phương pháp luận nhận thức mà nói thì kẻ nào vào sớm nhất trong miền tiềm thức của một con người thì kẻ đó trở thành chủ của bộ não và cái còn lại là sự lựa chọn của chính kẻ đó. Chúng ta để cho trẻ con làm quen sớm với một số khái niệm rất hạn chế, và do đó, trẻ con của chúng ta dù có chương trình tốt đến mấy thì khả năng tiếp cận của chúng cũng rất thấp. Nếu làm toán, học sinh chúng ta làm rất tốt, nhưng suy tưởng toán học thì không tốt. Cho nên, về cơ bản chúng ta không có nhà toán học, nhiều lắm là chỉ có nhà dạy toán.

Tôi rất đồng ý với nhận định trên, đặc biệt là những chỗ tô đậm (bold). Đồng thời đưa thêm một suy nghĩ: Phải chăng không cho trẻ em tiếp xúc với những khái niệm triết học từ sớm chính là một biểu hiện của việc thiếu tôn trọng trẻ em ở VN? Tôi tin như thế, dù sẽ có nhiều người phản đối.

Ai sống ở các nước tiên tiến rồi mới thấy VN vi phạm quyền trẻ em như thế nào, một sự vi phạm đã được thể chế hóa. Có ai đã đọc một truyện ngắn có tựa (tương tự) như thế này của tác giả Nam Cao chưa nhỉ: "Trẻ con không được ăn thịt chó". Đấy chính là vi phạm quyền trẻ em đấy. Còn tại sao như thế, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ và tìm cách sửa chữa nhé!
Hôm nọ anh em Vietnamnet có đến đây phỏng vấn tôi về sự khủng hoảng của nền giáo dục VN, tôi trả lời rằng nền giáo dục VN không khủng hoảng. Đây là cuộc khủng hoảng của những người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục chứ không phải khủng hoảng nền giáo dục. Xã hội vẫn lặng lẽ bổ sung những sự thiếu hụt mà những người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục không làm được. Người Việt không để cho nền giáo dục của mình khủng hoảng.

Nếu nói bằng tiếng Anh về đoạn trên, tôi sẽ nói như thế này: "I can't agree more!" Không thể đồng ý hơn được nữa!!!! Và cũng xin thêm: Hôm trước tôi có tham gia tổ chức cho các đoàn đánh giá chất lượng của AUN đánh giá cho 3 chương trình học của VN. Và kết quả mà tôi có được minh họa rất chính xác cho phát biểu của Ông NTB ở trên. Trong khi mục tiêu, nội dung và cấu trúc chương trình, cách tổ chức giảng dạy, và đánh giá sinh viên của VN bị AUN chấm điểm không cao, thì thật bất ngờ, họ đánh giá sinh viên và cựu sinh viên của chúng ta cao hơn nhiều!

Điều ấy cho thấy, in spite of the system (chứ không phải là because of the system), sinh viên ta nói chung vẫn học tốt. Chỉ có điều là kết quả ấy không phải là do nhà trường nhiều lắm, mà chẳng qua là mỗi cá nhân phải tự thân vận động mà thôi. Kết quả này tôi cũng đã rút ra từ một đề tài lớn khác mà tôi đã thực hiện từ năm 2000-2004 về giảng dạy tiếng Anh ở VN: tác động của nhà trường rất nhỏ hoặc không có, kết quả tốt nếu có chỉ là do cá nhân nỗ lực mà thôi!

Buồn! Có còn từ nào chính xác hơn, mạnh mẽ hơn để tả tâm trạng của tôi lúc này không?

4 comments:

  1. Thôi thì cứ hy vọng chớ biết sao giờ? Mấy vị ở hội đồng lí luận muốn lắng nghe ý kiến ngòai Đảng cũng là tốt rồi. Nếu kỳ XI này "vũ như cẫn" thì hy vọng kỳ XII, hay kỳ kết tiếp nữa, chừng nào hết thời kỳ quá độ thì chắc là được ;-)

    ReplyDelete
  2. Hi Đạt,
    Em làm cho chị nhớ một câu mà Bác Hải bác ấy viết ở đâu đó, rằng người VN hết sức yêu nước. Chị muốn nói thêm: và yêu chế độ nữa, thật vậy!!!!! Cứ kiên nhẫn chờ, được chút ơn mưa móc nào là mừng chút đó, còn nếu không thì ráng chờ nữa.

    Như đá vọng phu, hu hu hu!

    PA

    ReplyDelete
  3. Nói như dậy không phải vì mình lạc quan mà vì lực bất tòng tâm. Rõ ràng bài tóan giáo dục VN không giải theo hướng như bác Bạt đề xuất thì cho dù người kế nhiệm bác Nhân co bản lỉnh và tài giỏi đi chăng nữa thì cũng khó mà xoay chuyển đuợc. Nếu có làm giỏi lắm thì chỉ thêm hoa lá cành thôi!

    Chúc cuối tuần vui vẽ!

    ReplyDelete
  4. Đồng ý 2 tay và 2 chân, Đạt ạ!

    PA

    ReplyDelete