Wednesday, August 14, 2013

Trao đổi về hậu hiện đại và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam

Bài viết được đăng dưới đây là của anh Nguyễn Đại Hoàng vừa gửi cho tôi sáng nay. NĐH đối với tôi là một người bạn có chung một số quan tâm, trước hết là quan tâm đến văn học và dịch văn học, sau nữa là về việc giảng dạy tiếng Anh. Trong bài viết này, anh NĐH có những nhận xét và trao đổi về lý thuyết hậu hiện đại và ảnh hưởng (nếu có) của nó lên thực tiễn giảng dạy tiếng Anh tại VN.

Những ý kiến của anh NĐH có thể không hoàn toàn giống với tôi - một điều hoàn toàn dễ hiểu vì tôi nhìn dưới cái nhìn của một professional in the field, trong khi anh NĐH nhìn dưới góc độ của một người ngoài ngành nhận định về tình hình giảng dạy ngoại ngữ ở VN - nhưng cũng có nhiều điểm thú vị (cả hóm hỉnh nữa), và đặc biệt là nó cung cấp thêm những cái nhìn đa dạng về vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Vì vậy, tôi xin đăng nguyên văn bài trao đổi của anh NĐH dưới đây (có đổi tựa một chút) và hy vọng nó sẽ khơi dậy thêm những trao đổi khác.

Enjoy các bạn nhé!
---------------
PHIẾM BÀN VỀ LẠC …HẬU HIỆN ĐẠI & TIẾNG ANH

1. Hậu hiện đại & lạc hậu hiện đại ? 

Dạo gần đây tôi bận nhiều nên không có dịp đọc hết những bài viết về vụ NT, về hậu hiện đại trong văn học, hậu hiện đại trong giảng dạy tiếng Anh…tôi chỉ đọc những bài viết của cô PA thôi. Tôi cho rằng những người đứng về phía NT là những trí thức hậu hiện đại. Đơn giản là chỉ những trí thức hậu hiện đại mới hiểu trí thức hậu hiện đại. Nói cách khác thì những người không phải trí thức hậu hiện đại không thể nào hiểu được trí thức hậu hiện đại. 

Người ta đã nói nhiều về những người đã tấn công dữ dội vào luận văn của NT và vào chính bản thân NT. Người ta đã khoác cho họ những danh xưng như văn nô, phê bình kiểm dịch,phê bình chỉ điểm, bồi bút, … Kể có oan cho họ không nhỉ bởi họ hoàn toàn không phải là trí thức hậu hiện đại ? Nói cho đúng hơn, những người đó đâu đã vươn đến tầm hiện đại mà nói đến tầm hậu hiện đại. Họ là những người lạc …hậu hiện đại. Lẽ tất nhiên lạc hậu hiện đại nên không hiểu hậu hiện đại là chuyện bình thường. Chứ nếu hiểu mới là lạ ! Nói như cố GS. Cao Xuân Hạo thì họ đã :  “ không hề thấy mình lạc hậu chính vì lạc hậu quá xa ”.

Lạc hậu quá xa phải chăng là một tên khác của lạc hậu hiện đại ? Tôi tự hỏi một đất nước mà có quá nhiều trí thức lạc hậu thì sẽ ra sao ? Sẽ hậu hiện đại, hiện đại hay lạc hậu hiện đại ? Người lạc hậu khiến đất nước lạc hậu? Hay đất nước lạc hậu sản sinh ra những người lạc hậu? 

Còn nếu nhìn từ góc độ văn học, tôi không rõ vì sao cái gọi là bên lề ở Việt Nam lại bị coi không phải là văn học, nếu văn học hậu hiện đại quả thật đã có ở đất nước này. Bởi nếu như vậy thì cái gọi là trung tâm sẽ là gì đây? Tôi tự hỏi rằng ở những nước khác thì cái gọi là bên lề và cái gọi là trung tâm sẽ ra sao nhỉ ? Nó tách biệt và kình chống nhau, hay nó hòa nhập, xâm lấn vào nhau ? Và cái nào mạnh hơn cái nào ? Nó có giống tình hình ở Việt Nam không ?

Quan điểm của tôi về hậu hiện đại – về mọi lĩnh vực không chỉ trong văn học – đơn giản chỉ là cái vượt qua cái hiện tại hiện đại. Nhưng tôi không rõ hậu hiện đại liệu có được mặc định là cái tốt hơn cái hiện đại hay không. Và phải chăng sau cái hậu hiện đại sẽ là cái hậu hậu hiện đại, rồi hậu hậu hậu hiện đại… ? 

Theo quan điểm của tôi, nếu văn học đi theo quá trình nói trên, thì đó chính là sự tiến hóa của văn học. Ở Phương Tây hậu hiện đại đã ra đời từ mấy chục năm trước, nghĩa là đã rất cũ so với hiện tại, thì liệu đó có còn là hậu hiện đại không ? Tôi cũng tự hỏi : Phải chăng văn học hậu hiện đại là phản ánh thực tại một cách trần trụi, với những lời lẽ đời thường, những câu văn, cấu trúc thơ, truyện một cách lạ lùng, phi logic ? Ý tôi muốn nói là : liệu nó có hay hơn những nền văn học đã qua, hay là nó lạ hơn, thực hơn ? Ở Việt Nam phải chăng đã và đang hình thành cuộc phân tranh trong văn học ( và có thể là ở các lĩnh vực khác nữa ), gữa một bên là lạc hậu hiện đại và hậu hiện đại ? Bên nào mạnh hơn ? Sẽ có bên thắng cuộc ? 

Có một số phàn nàn về văn học hậu hiện đại, nhất là những bản dịch văn học nước ngoài, quá khó hiểu. Phải chăng điều đó cũng gần giống với trường hợp những bản dịch kinh Phật :  “ kinh Phật chỉ cần tụng niệm chứ không cần hiểu ”? Phải chăng văn học hậu hiện đại hình như phải khó hiểu thì mới “ ra ” hậu hiện đại.  Còn các lĩnh vực khác ngoài văn học thì sao ? Thí dụ trong lĩnh vực giáo dục thì giảng dạy ngoại ngữ theo tinh thần hậu hiện đại sẽ như thế nào ?

2. Giảng dạy ngoại ngữ bằng hậu phương pháp 

Trên trang ncgd, cô PA đã có một bài viết ngắn nhưng tuyệt hay có nhan đề  : Giảng dạy ngoại ngữ trong kỷ nguyên "hậu phương pháp" (1): Tinh thần hậu hiện đại trong giáo dục. Đoạn mở đầu như sau : 

Mặc dù đối với VN, "hậu hiện đại" vẫn còn là một cái gì hết sức xa lạ, mơ hồ và nhiều tranh cãi, nhưng ở phương tây thì tinh thần hậu hiện đại đã thấm vào tất cả mọi ngành có liên quan đến tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật, trong đó tất nhiên là có giáo dục. Sự "thấm vào" đó trong lý luận giáo dục đa phần rất tự nhiên, không hề to tát với những tuyên ngôn hùng hồn, rầm rộ như trong lĩnh vực triết học và văn học, nhưng những đặc điểm chính của tinh thần hậu hiện đại là rất rõ ràng. Tinh thần ấy, theo tôi, có thể tóm gọn lại trong một câu: Không có phương pháp thần kỳ nào cả!

Và : 

Trong thời hậu hiện đại ngày nay, không ai còn có thể tin rằng có tồn tại trên đời này một phương pháp học ngoại ngữ nào đó đúng cho tất cả mọi người! 

Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý, không có một phương pháp học ngoại ngữ nào đúng cho tất cả mọi người. Điều này tương tự như tác dụng của thuốc chữa bệnh trên người. Những cơ địa khác nhau đáp ứng với thuốc khác nhau. Nhưng nói chung thì chữa bệnh vẫn cần đến thuốc, nên việc giảng dạy ngoại ngữ vẫn cần đến phương pháp. 

Nhưng tôi muốn nói đến một vấn đề mà tôi nghĩ là trước và cao hơn phương pháp. Đó là việc xét đến đặc tính riêng của từng dân tộc. Cụ thể là nếu trong y khoa định bệnh chính xác là vấn đề  tối quan trọng để cho đúng thuốc, nghĩa là vấn đề định bệnh phải đi trước phương pháp điều trị , thì trong việc giảng dạy ngoại ngữ cũng tương tự như thế : việc định ra được những khó khăn cơ bản của người Việt trong việc học ngoại ngữ ( ở đây là tiếng Anh ) phải đi trước phương pháp giảng dạy . Và mỗi dân tộc đều có những khó khăn khác nhau trong việc tiếp cận ngoại ngữ, do đó mỗi dân tộc đều cần đến những phương pháp khác nhau trong việc giảng dạy ngoại ngữ. 

Vậy liệu những giáo trình do người nước ngoài biên soạn có tính đến đặc tính của từng dân tộc không ? Và khi người Việt chúng ta đến với tiếng Anh thì có một câu hỏi đặt ra là : Để giỏi tiếng Anh, họ có bắt buộc giỏi tiếng Việt không? Hay là : Nếu họ không giỏi tiếng Việt thì liệu họ có thể thụ đắc tiếng Anh không ? Và tình chung ở Việt Nam như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra là rất tệ : sinh viên, học sinh, kể cả giảng viên nữa đều nói và sử dụng tiếng Việt ngày càng kém. 

Một nhà nghiên cứu đã cho rằng : người ta đang dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam như dạy cho người nước ngoài học tiếng Việt. Có hài hước chăng khi cùng với tiếng Anh, thì tiếng Việt cũng đang chính là một ngoại ngữ của người Việt ? 

Nếu đúng như vậy thì trong giai đoạn hiện tại, giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam là một hàm hai biến. Nhưng là hai biến quá lớn.  “ Nội ngữ ” hay “ ngoại ngữ ” đều là vấn đề nan giải ở Việt Nam. 

Tinh thần hậu hiện đại sẽ giúp được gì cho vấn nạn tiếng Việt – tiếng Anh ở Việt Nam ? Chắc chắn là sẽ giúp được rất nhiều. Nhưng với điều kiện là tinh thần hậu hiện đại ở Việt Nam phải rất lớn. Nghĩa là Việt Nam cần rất nhiều, rất nhiều trí thức hậu hiện đại. Thế nhưng đây lại là một vấn đề rất lớn khác của Việt Nam.

NGUYỄN ĐẠI HOÀNG 
8/2013

4 comments:

  1. Trời hay quá !

    ReplyDelete
  2. Đề nghị thầy NĐH phân tích thêm một biến nữa. Đó là biến đang làm lung lay niềm tin nơi người dạy tiếng Anh như chúng tôi : mời giáo viên bản ngữ thay thế chúng tôi. Theo thầy giảng viên tiếng Anh người Việt phải làm những gì để có thể cạnh tranh và vượt ( ! ) giảng viên bản ngữ ?

    ReplyDelete
  3. Thầy NĐH có nói đến trí thức hậu hiện đại. Nhưng liệu lực lượng này đã có ở Việt Nam chưa ? Và đã đủ sức lấn átlực lượng trí thức - mà như thầy nói là lạc hậu hiện đại - chưa ? Theo ý kiến của thầy thì những nhà quản lý giáo dục của VN hiện nay thuộc về lực lượng nào ?

    ReplyDelete
  4. Theo thầy thì điều kiện cần và đủ để có một nền giáo dục hậu hiện đại là như thế nào? Mỗi người giáo viên và học viên tiếng Anh người Việt phải làm sao để TỰ MÌNH trở thành giáo viên và học viên tiếng Anh hậu hiện đại.Thế giới người ta tiến ầm ầm mà VN có chuyển động gì đâu. Nếu không có bài viết của cô PA thì ai mà biết đến hậu phương pháp trong giảng dạy ngoại ngữ. BGD chỉ biết làm mỗi một việc : thuê lính lê dương về đánh giặc ngoại ngữ ! Than ôi! Cám ơn cô PA - cám ơn thầy NĐH.

    ReplyDelete