Thursday, August 8, 2013

Giảng dạy ngoại ngữ trong kỷ nguyên "hậu phương pháp" (1): Tinh thần hậu hiện đại trong giáo dục

Dẫn: Loạt bài này tôi viết như phần trao đổi thêm, có thể hơi tản mạn, với các học viên cao học khóa 21 của ĐH NN Hà Nội (chương trình liên kết đặt tại TP HCM), đang học môn Lý luận giảng dạy ngoại ngữ với tôi trong vòng 3-4 tháng tới. Tuy nhiên, rất hoan nghênh các bạn khác, đồng nghiệp hoặc sinh viên, đọc và trao đổi. Đặc biệt là trong khung cảnh vẫn còn đang thiếu những cuộc trao đổi và tranh luận rộng rãi, cởi mở và khách quan trong ngành giáo dục của VN, trong đó có ngành giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng.
------------

Mặc dù đối với VN, "hậu hiện đại" vẫn còn là một cái gì hết sức xa lạ, mơ hồ và nhiều tranh cãi, nhưng ở phương tây thì tinh thần hậu hiện đại đã thấm vào tất cả mọi ngành có liên quan đến tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật, trong đó tất nhiên là có giáo dục. Sự "thấm vào" đó trong lý luận giáo dục đa phần rất tự nhiên, không hề to tát với những tuyên ngôn hùng hồn, rầm rộ như trong lĩnh vực triết học và văn học, nhưng những đặc điểm chính của tinh thần hậu hiện đại là rất rõ ràng. Tinh thần ấy, theo tôi, có thể tóm gọn lại trong một câu: Không có phương pháp thần kỳ nào cả! (Mượn thơ Tố Hữu, có thể nói: Trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân, chỉ có ... nhân dân học tiếng, ha ha ha!)

Xin nói lại, một cách nghiêm túc: Trong thời hậu hiện đại ngày nay, không ai còn có thể tin rằng có tồn tại trên đời này một phương pháp học ngoại ngữ nào đó đúng cho tất cả mọi người! Thậm chí, đúng cho nhiều người cũng chẳng thể có! Nhưng điều ấy không làm cho công việc của những người thầy dễ dàng hơn chút nào, cũng không hề có tác dụng đánh đổ các lý thuyết về giảng dạy ngoại ngữ trước đó, mà trái lại, vẫn đòi hỏi chúng ta hiểu rõ các lý thuyết trước đó cùng những đóng góp của chúng.

Chỉ có điều, tinh thần hậu hiện đại khiến ta cũng phải đồng thời quan tâm đến những hạn chế của từng phương pháp hoặc cách tiếp cận - những lý thuyết mà vào thời cực thịnh của chúng, người ta cứ nghĩ rằng chúng là phép thần thông có thể giải quyết mọi khó khăn của mọi người học. Trước đó, đặc biệt là vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, tạm xem là thời "hiện đại" của giảng dạy ngoại ngữ, người ta đã từng tin vào sự thần kỳ của các phương pháp, chỉ cần các giáo viên áp dụng đúng đến từng li từng tí các kỹ thuật, quy trình đã được vạch ra, và có thể phải có các tài liệu được soạn riêng cho phương pháp/ cách tiếp cận ấy nữa. (Các bạn nào thích lý luận về hậu hiện đại, có thấy tinh thần này giống với "đại tự sự" không nhỉ?)

Nhưng nếu thế, thì người dạy ngoại ngữ phải làm gì đây? Theo tôi, nếu cần tóm tắt quan điểm về phương pháp giảng dạy theo tinh thần hậu hiện đại thì chỉ cần một từ thôi, đó là "eclecticism", tạm dịch là "tùy biến". Thực ra, từ "eclecticism" đã được dịch ra tiếng Việt là chủ nghĩa chiết trung, tức không theo hẳn bên nào, nhưng tôi cảm thấy từ "tùy biến" - một từ mượn trong ngành CNTT - có vẻ phù hợp hơn nhiều với nội hàm của từ eclecticism, nên tạm đề nghị sử dụng từ này.

Ok, vậy thì tùy biến. Nhưng tùy cái gì mới được chứ? À, cái này thì phải học. Vì giảng dạy nói chung, và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng, là một việc làm hết sức phức tạp, vì có hàng trăm yếu tố tác động đến kết quả cuối cùng. Trước hết là người học, với tất cả các đặc điểm cá nhân và môi trường xã hội của từng người. Rồi người dạy, cũng với các đặc điểm cá nhân và môi trường xã hội của người thầy ấy. Rồi còn môi trường sư phạm nữa, với rất nhiều yếu tố - phòng ốc, giờ học, tài liệu, thư viện, phòng lab vv. Rồi thì chương trình, giáo trình, thời lượng, phương pháp ....

Và, trời ơi, lại còn sự tương tác giữa toàn bộ các yếu tố đó với nhau nữa chứ! Ví dụ, dạy theo kiểu này thì hợp với người này và điều kiện này, nhưng không hợp với người khác hoặc điều kiện khác. Đó là chưa hề tính đến ngôn ngữ, vốn cũng tự nó vô cùng phức tạp. Nào là phát âm. Nào là ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa (biểu vật, biểu cảm, nghĩa bóng, nghĩa đen). Chưa hết, còn các vấn đề ngữ dụng, hàm ngôn hiển ngôn, rồi còn những vấn đề về văn hóa của hai ngôn ngữ ... Chao ôi, sao mà phức tạp thế nhỉ?

Ừ, thì thế mới phải học chứ! Và đó cũng là nội dung của cuốn sách về lý luận dạy ngoại ngữ theo quan điểm hậu hiện đại mà tôi đang giới thiệu, viết năm 2006 do NXB LEA ấn hành, ở đây: http://livelongday.files.wordpress.com/2011/08/kumaraposmethod.pdf . Free download, các bạn nhé! Cuốn sách dài hơn 250, là một tài liệu tốt cho những ai muốn làm quen với lý luận dạy ngoại ngữ thời hậu hiện đại - mà tác giả của cuốn sách gọi là "hậu phương pháp" (post-method).

Những nội dung của cuốn sách sẽ còn ở phía trước. Hẹn gặp các bạn thường xuyên ở đây, trên blog này, nhé!
---
PS: Một tài liệu đáng đọc khác: The postmodern language teacher: The future of task-based teaching. Tạm dịch: Người giáo viên ngoại ngữ hậu hiện đại: Tương lai của việc giảng dạy theo tác vụ. Đọc ở đây, khoảng hơn 20 trang, again, free download: http://www.finchpark.com/arts/Postmodern_Language_Teacher.pdf

9 comments:

  1. Cảm ơn Cô thật nhiều, về những chia sẻ, những tài liệu, đường link quý giá, và quan trọng nhất, là về tâm huyết với nghề. Em nghĩ đó là điều rất đáng quý của một người khi theo nghiệp nhà giáo. Giữ được tâm huyết ấy đến tận cuối con đường chính là mở ra nhiều con đường mới cho thế hệ tiếp theo. Kính chúc Cô nhiều sức khỏe và niềm vui.

    ReplyDelete
  2. Sao em lại nhớ Cô như thế này! Thanks for all!

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn Cô về những chia sẽ quý giá của Cô. Chúc Cô sức khỏe để tiếp tục tỏa sáng nhé cô!

    ReplyDelete
  4. Em chào cô.

    Cô ơi, em đang học thạc sĩ về TESOL và cũng đang từng bước tìm hiểu về post-modernism nên những suy nghĩ của em nếu không đúng mong được cô chỉ giáo thêm ạ.

    Trong bài trên cô có dịch từ "eclecticism" là "tùy biến". Theo cảm quan của em thì tùy biến nó gần với từ "flexible" (able to change to suit new conditions or situations) hơn ạ, tức là tùy background của người học, điều kiện trường lớp, môi trường xung quanh,mà có cách điều chỉnh cho phù hợp. Còn eclecticism, theo từ điển Oxford, em thấy nó mang nghĩa "choosing from or using a wide variety", tức nó chỉ đơn thuần là lựa chọn hoặc dùng nhiều nguồn khác nhau, chứ nó không bao hàm ý là "to suit a condition or situation" như "flexible" ạ (dù đôi khi việc lựa chọn đó là cho phù hợp với hoàn cảnh, nhưng cũng không nhất thiết luôn là như vậy).

    Trong TESOL, 1 trong những so sánh giữa modern and post-modern methods là modern method chỉ dạy tiếng Anh tinh túy như trong văn học, còn post-modern thì hướng tới sự đa dạng hơn: internet, pop culture, etc. Vậy eclecticism trong TESOL nên hiểu là "tùy biến" hay là "đa dạng"/"tổng hợp" ạ?

    Em cám ơn cô rất nhiều vì những chia sẻ/bài viết của cô, và chúc cô sức khỏe ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Ngoc Tran,

      Đây là định nghĩa của ecclecticism mà tôi mới chép trên wikipedia, ở đây:
      http://en.wikipedia.org/wiki/Eclecticism

      Em chú ý chỗ tô đậm nhé:

      Eclecticism is a conceptual approach that does not hold rigidly to a single paradigm or set of assumptions, but instead draws upon multiple theories, styles, or ideas to gain complementary insights into a subject, or applies different theories in particular cases.

      Delete
    2. Ý tôi muốn nói: eclecticisim hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa linh hoạt, áp dụng nhiều lý thuyết cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Tất nhiên flexible thì cũng được, nhưng ở đây người ta đang dùng thuật ngữ để chỉ một cách tiếp cận có hệ thống.

      Delete