Tuesday, June 19, 2012

Nói thêm về Griggs University

Lẽ ra tôi không viết gì về ĐH Griggs nữa, vì không còn liên quan đến công việc của mình. Như các bạn đã biết, trước đây khi tôi làm việc tại Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM thì tôi có viết một bài về ĐH Griggs (đã được đăng lên trên blog này) vào tháng 3/2011, vì lúc ấy ĐH Griggs đang có ý định mở rộng liên kết với một trường thành viên của ĐHQG-HCM.

Với chức năng của mình (cung cấp những thông tin về chất lượng của các trường), tôi đã tìm hiểu và thấy có nhiều thông tin không có lợi, và đã đưa ra lời tham mưu rằng đây không phải là một đối tác tương xứng với ĐHQG-HCM. Và may quá, lời tham mưu ấy của tôi đã được nghe theo, nên bây giờ ĐHQG-HCM không phải đối diện với những khó khăn mà ĐHQG Hà Nội đang gánh chịu. Bài viết cũ ấy các bạn có thể search trên blog này để đọc.

Tưởng rằng "duyên nợ" với ĐH Griggs đến đấy là đã hết, không ngờ hôm nay tôi lại phải viết tiếp về trường này. Số là tôi gần đây có một vài người quen đã theo học chương trình liên kết đào tạo với Griggs ở Hà Nội, có nhờ tôi tìm hiểu thêm về ngôi trường này hiểu rõ thực hư. Tôi đã nhận lời, vì cũng muốn làm rõ thêm một số điều chưa rõ ràng về ngôi trường này từ lần tìm hiểu trước, nhưng chưa kịp làm thì cách đây vài hôm đã đọc trên báo thấy quyết định của Thanh tra chính phủ không công nhận bằng cấp của một số chương trình liên kết, trong đó có trường ĐH Griggs.

Mới vừa kịp thấy "hú hồn" cho ĐHQG-HCM (và cho chính mình, vì nếu thời ấy tôi không xem xét kỹ thì ĐHQG-HCM cũng đã đồng ý cho liên kết, thì bây giờ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm), thì hôm nay lại thấy báo Tuổi trẻ đăng tin về việc ĐHQG Hà Nội phản đối kết luận của Thanh tra chính phủ, ở đây: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497615/DHQG-Ha-Noi-phan-doi-ket-luan-Thanh-tra-Chinh-phu.html. Nói vắn tắt, ĐHQG Hà Nội cho rằng những kết luận của Thanh tra chính phủ là chưa thỏa đáng, trong đó có cả những kết luận liên quan đến ĐH Griggs.

Trong bài viết ấy, tôi chú ý những đoạn này:


ĐH Quốc gia đã có báo cáo giải trình rất đầy đủ gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu điều chỉnh kết luận thanh tra và có công văn kiến nghị khẩn cấp xem xét lại bản kết luận đó. Chương trình đào tạo MBA của Griggs chỉ liên quan đến chuyên ngành quản trị kinh doanh, không có môn nào liên quan đến tôn giáo, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngoài hơn 2.000 em đã được cấp bằng, chương trình liên kết này vẫn đang đào tạo cho những lứa học viên hiện tại.

Tôi khẳng định kiến nghị của thanh tra là không đúng pháp luật và không hiểu biết. Các học viên hoàn toàn yên tâm về những tấm bằng do các chương trình liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia đã cấp cho các em.

Và:

Thanh tra Chính phủ cũng nêu hai chương trình liên kết với ĐH Irvine và ĐH Griggs của ĐH Quốc gia không được kiểm định. Còn ĐH Quốc gia cho rằng từ năm 2008 trường đã đưa kiểm định thành một điều kiện đối với các chương trình của các đối tác đến từ các nước có hệ thống kiểm định. Do đó, vì chưa có điều kiện này nên từ năm 2008 ĐH Quốc gia đã dừng tuyển sinh.

Theo lý giải của ĐH Quốc gia, việc dừng tuyển sinh không có nghĩa đó là chương trình triển khai không đúng quy định hay kém chất lượng. Riêng chương trình MBA của ETC liên kết với ĐH này đã được DETC - một tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ - kiểm định và cấp chứng nhận.



Đọc 2 đoạn trên, nếu tôi hiểu đúng thì hình như có một chút gì mâu thuẫn, chút gì không rõ ràng, và có cả một chút nhầm lẫn. Xin nêu dưới đây:

Ở đoạn 1, ĐHQG Hà Nội khẳng định chương trình này vẫn đang hoạt động (phần in nghiêng đậm trong đoạn đầu tiên ở trên). Tuy nhiên, chương trình này cũng đã ngưng tuyển sinh từ năm 2008 vì chưa có kiểm định ( phần in nghiêng đậm, đoạn 3). Cũng có nghĩa là các sinh viên đang học trong chương trình liên kết với Griggs là những sinh viên cuối cùng của chương trình này, vì sau đó không tuyển thêm ai nữa.

Tuy đã ngưng tuyển sinh vì chưa có kiểm định (xem lại đoạn 3) nhưng chương trình này vẫn được khẳng định là đúng quy định và có chất lượng, và đã được DETC kiểm định (đoạn 4)? Hình như có chút mâu thuẫn và khó hiểu, phải không? Nếu chương trình đã được kiểm định và có chất lượng, đúng quy định, thì tại sao lại phải ngưng tuyển sinh cơ chứ?

Tôi nghĩ ở đây có sự khác biệt giữa hai bên (thanh tra và ĐHQG) về định nghĩa thế nào là được kiểm định. Hình như Thanh tra chính phủ cho rằng kiểm định phải được thực hiện bởi 6 tổ chức kiểm định vùng (regional accreditors), trong khi ĐHQG Hà Nội thì chấp nhận cả các loại kiểm định khác, kể cả kiểm định của DETC (được gọi là kiểm định quốc gia national accreditors).

Thực ra, ngay cả ở Mỹ người ta cũng phân biệt giữa kiểm định vùng và kiểm định quốc gia (và tất nhiên là không chấp nhận các lò kiểm định dỏm). Kiểm định vùng mới là có chất lượng thực sự (tiêu chuẩn vàng), còn kiểm định quốc gia thì giá trị khá hạn chế. Và nếu tôi không nhầm thì Bộ Giáo dục của VN chỉ cho phép liên kết với các trường được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định khu vực mà thôi.

Dưới đây tôi xin cung cấp thêm những thông tin mà mọi người cần biết về Griggs, và một số câu hỏi cho những người có trách nhiệm:

1. Từ đầu tháng 11 năm 2010, ĐH Griggs đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu của mình sang cho ĐH Andrews, một trường đại học tư có trụ sở ở Michigan (ĐH Griggs có trụ sở tại Maryland). Thông tin này do chính ĐH Griggs đưa ra từ cuối năm 2010, tại đây: http://www.griggs.edu/new-ownership.html. Hiện nay, tất cả các chương trình của Griggs tại Hoa Kỳ đều do do các trường khác đảm nhiệm, đó là trường ĐH Andrews (chủ sở hữu mới của Griggs), ĐH Oakwood, và ĐH Cơ đốc Phục Lâm Washington. Thông tin chính thức do Griggs đưa ra ở đây: http://www.griggs.edu/new-ownership.html.

Câu hỏi: Như vậy thì bộ phận của ĐH Griggs hoạt động tại VN và những thu chi từ chương trình này hiện đang làm việc với ĐH Griggs hay với ĐH Andrews, sở hữu chủ chính thức của Griggs hiện nay nhỉ? Điều này  còn mù mờ quá!


2. Riêng các chương trình đào tạo từ xa của Griggs thì được nhập chung hoàn toàn vào ĐH Andrews và sử dụng tình trạng kiểm định của ĐH Andrews. ĐH Griggs chỉ cung cấp các tài liệu giảng dạy, tuyển sinh, tổ chức thi cử, còn AU sẽ là người giám sát chuyên môn. Người học sẽ nhận chứng chỉ/bằng cấp của ĐH Andrews. Xem thông tin chính thức từ trang của Griggs dưới đây:


Andrews University Distance Education Program (AU)
Griggs has a cooperative arrangement with Andrews University to offer several degree programs by distance education. Andrews University (Berrien Springs, Michigan) is accredited by the North Central Association of Colleges and Schools. Students seeking college credits or degrees through AU’s Distance Education Program must be formally accepted by AU. A number of individual courses are available for transfer purposes. Griggs provides course materials and processes course enrollments, lessons, and exams. AU supervises the academic program. Credits are granted by Andrews University. Students receive an AU diploma upon graduation from the program. (Nguồn: 
http://www.griggs.edu/college.html)

Câu hỏi: Chương trình ở VN thì sẽ được ai cấp chứng chỉ, văn bằng nhỉ? Vì trên thực tế, ĐH Griggs hầu như không còn tồn tại như một trường đại học từ khi nó chuyển quyền sở hữu sang ĐH Andrews, mà chỉ tồn tại như một pháp nhân để giải quyết những vấn đề tồn đọng từ trước đó thôi.


3. Catalog chính thức và cập nhật nhất 2011-2013 lấy trên trang web của Griggs, ở đây: http://www.griggs.edu/pdfs/college/catalog/GU_catalog.pdf, nêu rõ chương trình MBA của trường này chỉ thực hiện ở nước ngoài, không tổ chức giảng dạy ở Bắc Mỹ. Ngoài ra, chương trình này được tiến hành thông qua hợp tác với ĐH Cơ đốc Phục lâm Washington. Xem đoạn trích:


The Master of Business Administration degree provides individuals with the opportunity to develop advanced business skills using the flexibility and convenience of distance education. The curriculum consists of 36 hours of study and provides a solid foundation in major business functional areas. Information literacy, speaking, writing, and interpersonal skills are stressed throughout the curriculum. This program is available internationally only, not in North America.


Please note that this program is offered through consortial collaboration between Washington Adventist University and Griggs University.

Câu hỏi: Chương trình MBA đang thực hiện ở VN thì thế nào? Washington Adventist University có vai trò gì không? Hay chương trình ở VN là một chương trình độc lập hoàn toàn, không liên quan đến những gì được nêu trong catalog? Và nếu nó độc lập, thì ai công nhận?

Những câu hỏi trên rõ ràng cần được ĐHQG Hà Nội giải thích rõ ràng hơn. Bằng không, thì sẽ gây cho ta cảm giác là ĐHQG Hà Nội không đủ cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác, không đủ kỹ lưỡng trong tìm hiểu thông tin, và cũng chưa hết trách nhiệm với người học đã tin tưởng vào ĐHQG Hà Nội để theo học các chương trình liên kết tại một trong hai đại học lớn nhất Việt Nam này.
-----------------
Bài viết cũ liên quan đến Griggs:
http://ncgdvn.blogspot.com/2011/03/thong-tin-ve-truong-ai-hoc-griggs-co.html

5 comments:

  1. Tôi có vài anh bạn đã theo học chương trình MBA của Griggs liên kết với ĐHQG HN, do EVN tài trợ cho các CB quản lý của mình. Đầu vào, thời gian học,nội dung chương trình đều rất đáng ngờ. Riêng thời gian theo học MBA của chương trình này nếu so sánh với các chương trình MBA của các ĐH uy tín trong nước, như MBA của Khoa QLCN thuộc ĐHBK TPHCM hay MBA của ĐHKT TPHCM, thì còn chưa bằng chương trình học chuyển đổi - còn được gọi là Pre-MBA. Điều rất lạ là các học viên không phải làm Luận văn hay Khóa luận tốt nghiệp, thay vào đó một nhóm 3-4 người làm chung một bài tập tốt nghiệp. Đúng là potay.com luôn!

    ReplyDelete
  2. Griggs thì thật sự là bán bằng cho người có nhu cầu, và đa số các chương trình liên kết hiện nay có vẻ cũng tương tự. Nhìn chung là thuận mua vừa bán thôi, có lợi cả đôi bên. Còn các chương trình MBA nội thì cũng khó nói lắm, rất bát nháo, nghĩa là thượng vàng hạ cám đủ cả. MBA Bách Khoa TPHCM thì có tiếng lâu rồi, chỉ có điều thi đầu vào quá khó, học thì yêu cầu cũng quá gắt gao nên rất dễ đứt gánh giữa đàng (tôi đã từng theo học, đã từng đứt gánh và cũng nhờ vậy mà có cơ hội lấy MBA ở nước ngoài nên cũng mở mang được đôi chút để nhận xét và so sánh); đào tạo MBA mà như đào tạo các nghiên cứu viên chuyên phân tích định lượng trong kinh doanh chứ không phải đào tạo nhà quản lý thực thụ nên không phù hợp với nhu cầu của số đông những người muốn học MBA. MBA của ĐHKT TPHCM thì không biết nên không dám bàn.

    ReplyDelete
  3. Mấy bạn PR cái MBA của ĐHBK quá nhẫy! Nghe đâu GS Phạm Phụ, PTT Nguyễn Thiện Nhân từng là những người sáng lập và quản lý cái MBA này. Chắc nhờ vậy mà nó được một ít người biết đến. Chứ mấy cái ngữ MBA trong nước thì uy tín uy tiếc gì, chả thể nào tin được.

    ReplyDelete
  4. Cao học QTKD trong nước nhìn chung chất lượng rất kém, chẳng khác gì học lại đại học. Chỉ có MBA của ĐH Mở Tp.HCM là chấp nhận được thôi. Tệ nhất là của ĐH kinh tế Tp.HCM: GV đi trễ về sớm, giảng lại những kiến thức quá cũ, trình độ của GV cũng rất tệ... Tóm lại là các bác cứ chê MBA của nước goài, nhưng những ai đã học MBA trong nước sau đó có điều kiện học thêm CT của nước ngoài thì lập tức thay đổi thái độ liền.

    ReplyDelete
  5. DETC đã kiểm định mà còn chê à ? Bạn đúng là ếch ngồi đấy giếng. Mấy chương trình cao học trong nước thì chỉ được cái làm khó ở đầu vào, sau đó thì đào tạo ra những "con lợn" thôi chứ hay ho gi ???

    ReplyDelete