Sunday, October 30, 2011

Về "chuẩn đầu ra" và các khái niệm liên quan

Bài viết này chỉ là những ghi chép nhanh của tôi để nối tiếp những ý tưởng có liên quan đến loạt bài viết về “chuẩn đầu ra” hoặc “năng lực đầu ra” hoặc “kết quả học tập” mà tôi đang viết trong thời gian gần đây. Hôm nay, chỉ bàn về khái niệm và thuật ngữ.

Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, hiện nay trong cả nước chúng ta đang dùng cụm từ “chuẩn đầu ra” (CĐR) để dịch cụm từ “learning outcomes” (LO) trong tiếng Anh. Tôi không thích cách gọi này, vì nó rất xa với bản gốc tiếng Anh, vốn chỉ có nghĩa là kết quả (outcome) học tập (learning), và đã từng đề nghị dịch LO là “kết quả đầu ra” để nhấn mạnh đây là kết quả cuối cùng, và cũng là để tránh nhầm với cách hiểu hiện nay ở VN xem kết quả học tập chỉ là bảng điểm trong đó mỗi cột điểm có những con số nào đó, và điểm tổng kết cuối cùng của từng môn học, từng cấp lớp, hoặc kết quả cuối các bậc học.

Một cách dịch khác, tôi nghĩ cũng khá phù hợp với cách hiểu hiện nay của Bộ Giáo dục đối với từ “CĐR”, đó là “năng lực đầu ra”. Khi nói “năng lực đầu ra”, chứ không phải là “kết quả đầu ra”, thì tôi muốn nhấn mạnh năng lực hiện có của người học (tức khi họ tốt nghiệp), chứ không quan tâm đến việc đó là “kết quả” của việc học trước đó. Đó chính là cái mà Bộ Giáo dục muốn các trường công bố, như một yêu cầu về sự minh bạch thông tin của các trường đối với người tiêu dùng giáo dục, ở đây là chính người học, gia đình của họ, nhà tuyển dụng lao động, và toàn xã hội. Cần nói thêm là cách hiểu này tương tự như cách hiểu khái niệm “competency” trong tiếng Anh, vốn cũng hay được dùng khi nói về mục tiêu giáo dục và năng lực của người học. Về từ này, các entry trước của tôi cũng đã nêu.

Tóm lại, CĐR như đang được dùng hiện nay nên được gọi là “kết quả đầu ra” hoặc “năng lực đầu ra” thì hợp lý hơn, vì ở đây không có cái gì gọi là “chuẩn” cả. Đã là “chuẩn”, thì phải có 2 nghĩa sau: (1) nó khách quan đối với người bị chuẩn ràng buộc (chứ không phải như hiện nay, đó là chuẩn do chính các trường muốn đặt ra theo ý muốn chủ quan của mình, muốn như thế nào cũng được, rồi lâu lâu lại tự ý thay đổi mà chẳng có ràng buộc gì hết); và (2) việc đạt hoặc không đạt chuẩn phải dẫn đến một hậu quả/kết quả nào đó (hiện nay thì không ai kiểm tra việc này, nên chẳng có hậu quả gì).

Ngoài từ CĐR vốn đang được dùng tại VN để chở khái niệm tương đương với LO hoặc competency trong tiếng Anh, còn có một số từ khác có liên quan mà ta không thể không quan tâm khi bàn về CĐR. Đó là hai từ goals (mục tiêu tổng quát) và objectives (mục tiêu cụ thể), mà theo tác giả của cuốn Effective Grading (2010) thì chúng rất thường bị dùng lẫn lộn với LO; nói cách khác, 3 từ goals, objectives, và learning outcomes thường được xem là có nghĩa gần trùng khớp với nhau. Điều này không phải là không đúng, như tác giả đã nêu:

The first step for any assessment program is to articulate goals (also called objectives or outcomes ). The three terms are used confusingly within the assessment movement. Our advice is not to worry about the terminology.

Điều đầu tiên trong việc thiết lập một chương trình đánh giá là nêu rõ các mục tiêu lớn (goals, có khi còn được gọi là objectives và learning outcome). Ba từ này thường được dùng một cách lẫn lộn trong “phong trào đánh giá”. Lời khuyên của chúng tôi là đừng quan tâm nhiều đến các thuật ngữ làm gì.

Nếu không cần quan tâm, thì phải chăng các thuật ngữ này đồng nghĩa với nhau? Không hẳn thế. Chúng tương tự, nhưng khác nhau, và đây là một sự khác biệt về mức độ tổng quát. Hãy xem phần giải thích dưới đây, dựa trên bài viết tại link: http://assessment.uconn.edu/primer/goals1.html.

Program goals: Mục tiêu tổng quát của chương trình đào tạo

Program objectives: Mục tiêu cụ thể của CTĐT (những gì người học sẽ đạt được sau vài năm kể từ khi tốt nghiệp)

Program outcomes: Kết quả cụ thể, hoặc năng lực đầu ra, của người học ngay khi tốt nghiệp

Course objectives: Mục tiêu cụ thể của từng môn học, góp phần vào việc đạt được mục tiêu của chương trình

Course outcomes: Kết quả cụ thể hay năng lực của người học ngay sau khi học một môn học

Cần thấy rằng objectives và outcomes có liên hệ mật thiết với nhau, và có thể xem là một cặp hay là hai mặt của một đồng tiền. Objectives là cái đặt ra để thầy và trò phấn đấu mà đạt, còn learning outcome là cái mà người học (hy vọng sẽ) đạt được ngay sau khi học.

Nói thêm, tài liệu tôi đưa link ở trên rất hay, nhiều hướng dẫn với những ví dụ cụ thể, có thể làm theo được dễ dàng.

Tạm thế nhé các bạn, hẹn các bạn entry khác.

2 comments: