Bài viết này là phần tiếp theo tất yếu của entry tôi đưa lên hôm qua về “CĐR” (tức “năng lực đầu ra” theo cách gọi của tôi).
Số là sau khi đưa bài ấy lên thì nhận được khá nhiều phản hồi của bạn bè, đồng nghiệp, học viên, hỏi rằng nếu tôi cho rằng việc công bố “CĐR” như hiện nay là vô ích, vậy thì phải đánh giá “CĐR” như thế nào để cho việc công bố là có ích?
Xin nói lại một lần cho rõ trước khi tôi tiếp tục: Ở đây chúng ta đang bàn chuyện đánh giá “năng lực” (đầu ra) của sinh viên, chứ không phải là đánh giá “chuẩn”. Cụm từ "đánh giá chuẩn đầu ra" (như ngôn ngữ mà chúng ta hay thấy dùng hiện nay ở VN) nên để dành để chỉ một việc hoàn toàn khác. Đó là công việc của những người đặt ra chuẩn, tức các hiệp hội nghề nghiệp, và chúng ta nên để cho các hiệp hội nghề nghiệp họ làm, chứ đừng làm thay, đá lộn sân lung tung như thế. Với tư cách là các trường đại học, chúng ta chỉ có trách nhiệm đưa ra những yêu cầu về năng lực đầu ra cho sinh viên của chúng ta mà thôi.
Tất nhiên, khi xây dựng yêu cầu về năng lực đầu ra thì ta có quyền tham khảo các loại chuẩn, và nếu ở VN chưa có chuẩn nghề nghiệp thì ta có thể tự thực hiện điều tra nhu cầu thị trường và xác định ra những năng lực cần đạt. Thậm chí chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên si chuẩn của nơi này, nơi khác nếu chúng ta thấy nó phù hợp với quan điểm của nhà trường. Nhưng lợi ích của tất cả những việc này là để đảm bảo cho đầu ra của sinh viên tốt hơn, tức chúng ta quan tâm đến năng lực thực sự của sinh viên ra trường, chứ không quan tâm đến việc những phát biểu về chuẩn đầu ra có được viết hoành tráng, ấn tượng, có lời lẽ thuyết phục, hay ho hay là không. Chúng ta thống nhất như vậy nhé.
Như vậy, thì năng lực đầu ra (thực sự) của sinh viên sẽ phải được đánh giá như thế nào nhỉ? Trước hết, xin nói luôn là khi cho sinh viên ra trường thì chúng ta đã thực hiện một lần đánh giá năng lực người học rồi đấy: chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp, hoặc đồ án, đề tài luận văn tốt nghiệp với những điểm số có lẽ là cũng khá gắt gao để lọc bớt những sinh viên chưa tốt trước khi cho họ bước ra thị trường lao động rồi. Nếu kỳ thi ấy của chúng ta làm tốt thì chúng ta cũng có thể tin tưởng ít nhiều rằng đầu ra của chúng ta là tốt, theo những tiêu chuẩn đánh giá của chúng ta.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đấy để kết luận về năng lực của sinh viên tốt nghiệp thì rõ ràng là không ai tin, vì nó không khách quan. Một cách nào đó, khi chúng ta nói đến năng lực của sinh viên tốt nghiệp thì cũng giống như chúng ta nói về chất lượng đầu ra của sản phẩm mà chúng ta sản xuất. Nếu chúng ta là công ty sản xuất nước suối đóng chai, thì mặc dù chúng ta đã có quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh cho người tiêu dùng, thì việc kiểm định chất lượng nước uống trong chai vẫn phải do một bên thứ ba thực hiện, ví dụ Viện Pasteur. Chứ chúng ta không thể bảo rằng chai nước này tôi đã kiểm tra rồi, được 10 điểm, mọi người chỉ việc tin và dùng đi thôi, nó tốt lắm.
Năng lực đầu ra của sinh viên thì cũng y như thế thôi. Chúng ta cần chứng nhận của bên thứ ba để biết được đầu ra của sinh viên chúng ta có tốt hay không. Nhưng làm điều này như thế nào nhỉ, vì ở VN lâu nay chúng ta không đặt vấn đề này. Để trả lời, tốt nhất là tìm hiểu xem thế giới người ta làm gì, rồi từ đó mới tìm cách điều chỉnh và áp dụng cho VN.
Tôi phải chạy đi làm đây, sáng nay có hẹn, tối về sẽ viết tiếp sau, nhưng xin nói nhanh thế này: Các bạn có thể tìm đọc tài liệu của OECD năm 2008 có tựa là ASSESSMENT OF LEARNING OUTCOMES IN HIGHER EDUCATION: A COMPARATIVE REVIEW OF SELECTED PRACTICES (OECD Education Working Paper No. 15). Cứ chép nguyên cái tựa này lên google search là ra tất thôi các bạn ạ, mà tôi cũng đã có giới thiệu tài liệu này trên blog của tôi từ lâu rồi đấy. Những gì mà tôi định viết thì cũng dựa trên tài liệu này mà thôi (tóm tắt, và kèm thêm bình luận, diễn giải của tôi).
See you!
Monday, October 10, 2011
Đánh giá năng lực đầu ra của sinh viên như thế nào? Kinh nghiệm thế giới (1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment