Wednesday, October 12, 2011

“Đại học mọc như nấm”, bây giờ làm sao?

“Đại học mọc như nấm” là tựa của một bài viết hay, và “điểm trúng huyệt”, trên báo Tuổi Trẻ hôm nay. Có thể đọc ở đây. Nhân tiện, bài báo có phần phỏng vấn tôi ở cuối bài, với (một trong những) tư cách mới của tôi (khoe tí!). ;-)

Nhân đọc bài viết, tôi có thêm một vài suy nghĩ muốn chia sẻ ở đây với tất cả những ai quan tâm. Tôi nghĩ, những việc như thế này nếu chỉ một mình Bộ Giáo dục nói riêng, hoặc nhà nước nói chung, thì không bao giờ giải quyết được. Ở các nước, người ta nói đến vai trò điều chỉnh của thị trường. Tất nhiên chỉ một mình thị trường cũng không được (sẽ có những vấn nạn khác), mà phải có cả hai: vừa thị trường, vừa nhà nước. Kinh điển rồi.

Suy cho cùng, việc các ngành đóng cửa, và một số trường có nguy cơ phá sản, đặc biệt là các trường NCL, chẳng qua cũng là phản ứng theo kiểu “tức nước vỡ bờ” của thị trường đối với những cái chưa hợp lý và lúng túng trong ngành giáo dục hiện nay. Xin nhắc lại, nhà nước nói chung, và Bộ Giáo dục nói riêng, đã làm hết cách, và hết trách nhiệm, tôi tin rằng thế. Chỉ có điều, một mình nhà nước thì không đủ. Giống như gia đình có 2 vợ chồng, chỉ người chồng gánh vác gia đình, người vợ ở nhà chờ chồng nuôi thì rõ ràng sẽ không tốt, ngay cả dù người chồng có thể kiếm đủ tiền để nuôi. Người vợ cần phải được ra ngoài, trước hết là để hiểu biết, để phát triển chính mình, và sẽ cùng gánh vác với chồng tốt hơn. Thành ra, phải để cho cả hai người đi làm, mới tốt.

Vậy thì, trong việc xây dựng và phát triển nền giáo dục của VN, đặc biệt là ở bậc đại học, nơi việc giáo dục có yếu tố thị trường và đầu tư cá nhân rõ nét nhất, chắc chắn là cần có sự tham gia của thị trường vào việc điều chỉnh và định hướng cho sự phát triển giáo dục. “Người chồng nhà nước” cần để cho “người vợ thị trường” tham gia vào việc quản lý “gia đình giáo dục”. Người chồng tất nhiên vẫn đóng vai trò chủ đạo, dìu dắt và định hướng cho người vợ, nhưng đồng thời cũng phải để cho người vợ tự do hoàn toàn trong khuôn khổ và theo những nguyên tắc mà hai vợ chồng cùng đồng ý với nhau. Thì gia đình sẽ phát triển bền vững.

Bằng không thì ông chồng sẽ hết sức vất vả, và bà vợ thì vừa dốt, vừa nhàn rỗi, đâm sinh tật (nhàn cư vi bất thiện) rồi lại bồ bịch lăng nhăng, hoặc đánh cờ, đánh bạc …

Cho phép thị trường (tức tư nhân và sự lựa chọn cá nhân theo lợi ích tư) tham gia vào việc giám sát và quản lý sự phát triển của giáo dục, phải chăng đó cũng là nội dung chính của cái gọi là “xã hội hóa giáo dục” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước?
----
Tình cờ lại đọc được bài này, việc thì khác nhưng ngẫm lại thì bản chất cũng giống việc mà tôi nói ở trên, nên đưa về đây luôn để mọi người cùng đọc. Link đây: http://bee.net.vn/channel/4461/201110/Lan-viec-1814419/

Lẫn việc?
11/10/2011 14:16:32

Bộ GD-ĐT sẽ ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bộ GD-ĐT có làm lẫn việc của xã hội dân sự hay không? Bộ này đã làm thay một số việc của các trường và xã hội dân sự, như quy định chương trình học hay quyết định nhân sự của các đại học...
----
Ba cột trụ - nhà nước, thị trường và xã hội dân sự - như ba cái chân của của một xã hội hiện đại. Ba cái chân ấy đều phải mạnh và cân đối thì xã hội mới phát triển vững bền.

Một thời người ta quyết xóa bỏ thị trường, cái chân thứ hai teo lại; người ta cũng “tạo ra” cái chân thứ ba giả như công cụ của nhà nước. Cái chân nhà nước quá dài và quá mạnh, ba chân khập khiễng nên cái kiềng xã hội chẳng thể vững.


Rồi cuộc sống buộc người ta phải chấp nhận thị trường và chủ động tạo dựng các thể chế thị trường. Tuy vậy việc làm thay thị trường, việc can thiệp vào công việc của doanh nghiệp vẫn còn và hai cái chân này - nhà nước và thị trường - vẫn tiếp tục cần được cải thiện sao cho ngày càng cân đối và mạnh hơn. Thế nhưng, nếu vẫn không tạo điều kiện cho cái chân xã hội dân sự phát triển và mạnh một cách cân đối, thì cái kiềng xã hội sẽ vẫn khập khiễng.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa là mảng hoạt động có nhiều chồng lấn giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Phân vai trong các lĩnh vực này không dễ nhưng có rất nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi tuy không nên sao chép một cách thụ động.

Ban đại diện cha mẹ học sinh có nên là một loại tổ chức cứng của hệ thống giáo dục đào tạo như dự kiến của Bộ GD-ĐT hay là loại tổ chức xã hội dân sự? Theo tôi có lẽ nên là loại thứ hai và không nên có các quy định “bắt buộc” trên thực tế, tuy vẫn được coi là để “tham khảo”? Lẫn việc có thể gây thiệt hại. Nó bóp nghẹt sáng kiến từ dưới lên, nó tạo sự “đồng đều- đồng phục” ngược với sự đa dạng vốn có của xã hội.

Hãy tạo khuôn khổ, khuyến khích xã hội dân sự phát triển và dùng các biện pháp khác, như học kinh nghiệm tốt để “hướng dẫn” chúng, thay cho việc ban hành các điều lệ như vậy.

Nguyễn Quang A

4 comments:

  1. nấm đại học và sự kiểm soát của Bộ là một câu chuyện muôn thuở!

    ReplyDelete
  2. đại học như nấm nên chọn trường tốt mà học hjhj
    www.giasudatviet.com

    ReplyDelete
  3. Theo em ĐH như nấm không có gì là sai. Vấn đề nằm ở chỗ
    1. Bằng Đh nào cũng như nhau.
    2. Cơ chế do nhà nước tạo ra đang hình thành 1 nền "học giả" -> tức bằng ĐH nhưng chất lượng cấp 4.

    Nghe nói Singapore có luật nếu 1 cty mướn 1 người có bằng đh (dù lấy bằng ở quốc gia nào) cũng phải trả lương tối thiểu 1500 SGD tháng.

    VN làm được cái này thì hay.

    ReplyDelete
  4. TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập - cho rằng những quy định về mở trường, mở ngành hiện nay hết sức máy móc, chỉ dựa trên các thông số về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo của các trường mà không dựa vào quy hoạch, không xét đến nhu cầu sử dụng nhân lực (phải có điều tra để xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực).

    Theo quy trình của Bộ là có bước điều tra chị nhé! Nhưng thực tế thì cho qua hết à.

    ReplyDelete