Saturday, July 9, 2011

Nói chuyện tiếng Anh (7): Viết sao cho dễ đọc

"Viết sao cho dễ đọc" là cách tôi dịch một cụm từ rất đơn giản nhưng không hề dễ dịch của tiếng Anh, "plain language".

Plain language nếu dịch sát nghĩa thì phải dịch là "ngôn ngữ đơn giản", tức là viết (nói) bằng ngôn ngữ bình thường, dễ đọc. Nhưng nếu dịch nguyên xi như trên thì lại chẳng dễ đọc chút nào. Ngôn ngữ đơn giản là ngôn ngữ làm sao, thế nào cũng có người hỏi thế. Chứng tỏ ngôn ngữ VN chẳng đơn giản chút nào!

Có một ngộ nhận phổ biến ở VN khi viết tiếng Anh, đặc biệt là với những người học tiếng Anh chuyên ngữ (như tôi chẳng hạn). Tức là những người chọn English làm ngành học của mình ở đại học ấy. Họ vào đó để học tiếng (Anh, tất nhiên), rồi học về lý luận ngôn ngữ, và lý luận văn học, học văn hóa, văn minh của các nước nói tiếng Anh, và học các tác phẩm văn chương Anh-Mỹ.

Những người này hẳn là giỏi tiếng Anh hơn người bình thường (well, ít ra là trên lý thuyết). Nhưng những người này - và từ họ, nhiều người khác cũng bị như vậy, do ảnh hwỏng, vì trong số những người học tiếng Anh chuyên ngữ có nhiều người đi dạy tiếng Anh - có một ngộ nhận cần sửa, đó là viết lách khá cầu kỳ, khó đọc.

Cầu kỳ, khó đọc, nhưng nếu được khen là hay thì thôi cũng ... ráng. Điều đáng nói là phong cách viết của tiếng Anh lại không thích viết lách cầu kỳ. Họ chỉ thích viết đơn giản, dễ đọc, rõ ràng, sáng sủa mà thôi.

Nghe thì dễ vậy, chứ làm thì khó lắm đấy! Đôi khi viết trong sáng, rõ ràng lại khó hơn viết dài dòng, rối rắm, bí hiểm rất nhiều. Vì trước hết chính đầu óc của người viết phải rõ ràng, chặt chẽ.

Vậy làm gì để đạt được đến năng lực viết sao cho dễ đọc? Well, câu trả lời ngắn là: viết, viết nữa, viết mãi. Practice makes perfect cơ mà.

Nhưng trả lời ngắn thế thì thà đừng trả lời còn hơn, vì có mấy ai tự làm được điều đấy? Ừ thì có câu trả lời dài đây: Phải tuân theo một số hướng dẫn.

Những hướng dẫn mà tôi giới thiệu ở đây được lấy taừ trang web Plain Language của Mỹ, một trang có đuôi .gov tức là của chính phủ Mỹ. Các bạn đọc ở đây này.

1. Chú trọng xem độc giả của mình là ai. Cái này quá đúng. Người VN dường như chỉ viết cho mình, nên không cần biết độc giả của mình là ai, và sẽ nghĩ gì. Nên viết ra xong rồi, hồi hộp chờ xem người ta có thích hay không. Thế thì thụ động quá phải không?

2. Cấu trúc bài viết theo nhu cầu người đọc. Là hệ quả logic của lời khuyên trên. Viết thế thì mới dễ đọc, chứ viết rất hay nhưng toàn là những điều người ta không cần, thì ai thèm đọc, phải không?

3. Hãy bắt đầu bằng cách nêu thông điệp chính. Nói cách khác, hãy nói toạc móng heo ra. Tất nhiên cần nói sao cho dễ lọt tai, nếu thông tin không tốt. Điều này sẽ nói ở đoạn sau. Còn ở đây, chỉ cần biết rằng ai cũng muốn nhanh chóng biết được thông điệp chính là gì. Dù xấu, dù tốt. Để mà còn chuẩn bị ra quyết định.

4. Hãy sử dụng một văn phong thân ái. Để cho người đọc dễ chấp nhận những điều mình nói, vậy thôi. Nhưng thân ái là sao? Tuyệt đối tránh những lời văn mang tính lên án. Ví dụ, thay vì nói, "anh đã không làm rõ ...", nên nói "chúng tôi chưa rõ ...". Đại khái thế.

5. Viết thành những đoạn ngắn. Những đoạn văn dài lê thê là tối kỵ, vì thông thường người ta chỉ đọc lướt vài câu đầu và câu cuối của một đoạn. Những đoạn văn quá dài sẽ bị bỏ qua, không đọc. Mà độc giả đã không đọc thì làm sao họ hiểu được chúng ta? Khó hiểu là cái chắc!

Còn một số lời khuyên khác, kỹ thuật hơn trong bài viết, nhưng thôi, để cho các bạn đọc chứ! Thông điệp chính của tôi đã đưa ra rồi: cần viết sao cho dễ đọc, chứ đừng phô trương khả năng ngôn ngữ và kiến thức hàn lâm, viết dài lằng ngoằng như viết luận văn tiến sĩ. Chẳng có ai đọc đâu, tôi nói thật đấy! Trừ chính tác giả của nó, và những người ngồi trong hội đồng để chấm cuốn luận văn đó, chắc thế;-)!

Enjoy!

1 comment:

  1. Nếu chị viết súc tích hơn thì ảnh hưởng của blog này sẽ cao hơn vì có nhiều người đọc.

    ReplyDelete