Sunday, July 3, 2011

Làm gì để thoát cảnh "dân số vàng, dân trí thấp"?

Tựa của entry này dựa trên cái tựa của bài viết rất hay và đáng suy nghĩ của PV Mai Lan đã đăng trên tờ Pháp Luật TP HCM ngày 3/7, ở đây.

Không có thời gian để viết nhiều hơn, tôi chỉ xin trích ở đây một đoạn từ bài viết kèm bình luận nhanh của tôi về việc cần thay đổi tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào để tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện nay:

Trình độ học vấn bậc phổ thông chỉ là nền tảng kiến thức cơ bản của một đời người, trình độ kỹ thuật chuyên môn của nhóm dân thuộc độ tuổi lao động mới thực sự là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước. Song, đáng tiếc Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện tại. Đây là sự lệch pha kéo dài minh chứng hiệu quả của giáo dục đào tạo rất thấp. Ngành giáo dục không tạo được nhiều cơ hội đào tạo kỹ năng, nghề và kỹ thuật chuyên môn ở các cấp độ sau phổ thông cho thanh niên ở độ tuổi vàng. Và có vẻ như giáo dục VN vẫn chưa có động thái nào thoát khỏi sự lệch pha này. Những nỗ lực ôm đồm qua các kỳ thi phổ thông mà chúng ta vừa chứng kiến cho thấy những người làm giáo dục chỉ đang tiếp tục lối mòn, thúc đẩy sự lệch pha ngày càng trầm trọng hơn thay vì rẽ hướng mới.


Vậy phải làm gì để thúc đẩy phát triển giáo dục sau trung học? Tôi nghĩ, ngay lập tức cần thực hiện cùng lúc một số giải pháp sau đây:

- Chấm dứt ngay việc tổ chức 2 kỳ thi quốc gia cùng một lúc vào cuối thời gian học trung học như hiện nay: vừa thi TN THPT, sau đó lại thi tuyển sinh đại học. Trong 2 kỳ thi ấy, nhà nước chỉ cần kiểm soát 1 kỳ cho tử tế. Tôi thiên về giữ lại kỳ thi TN THPT, nhưng đó phải là một kỳ thi nhẹ nhàng, vừa sức, dù nghiêm túc. Vì kỳ thi này giống như một loại tổng điều tra dân số của ngành giáo dục, để biết được mặt bằng chung của học sinh tốt nghiệp THPT của cả nước, và có những chính sách vĩ mô phù hợp.

- Kỳ thi đại học thì nên trả lại cho các trường, trong đó, nên khuyến khích việc xét tuyển dựa trên kỳ thi TN THPT và quá trình học tập ở THPT. Không nên ngại việc đầu vào kém nếu không thi tuyển (!), vì đó là trách nhiệm đào tạo của trường tiếp nhận. Khi sv vào trường mà thiếu kỹ năng, kiến thức gì thì trường cần tổ chức dạy, có thể là dự bị, có thể là phụ đạo vv (cái này giống như ở Mỹ có các lớp remedial courses cho sv các đại học cộng đồng).

- Cho phép các trường đại học tự xác định mức học phí phù hợp để có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra, nhưng có cơ chế hữu hiệu để hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi và các đối tượng chính sách. Để buộc các trường phải có trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình, nên áp dụng một cơ chế tài chính cho giáo dục tương tự như ở Mỹ: sinh viên có quyền vay tiền để đóng học phí (lãi suất bằng không trong suốt thời gian học, chỉ bắt đầu trả sau khi tốt nghiệp 1 năm, và lãi suất thấp vv), với điều kiện phải học ở những trường được kiểm định. Cần chú trọng kiểm định các trường nước ngoài đang hoạt động tại VN!!!!!!!

- Triển khai kiểm định độc lập với Bộ Giáo dục, và nhanh chóng cho phép thành lập tổ chức kiểm định tư nhân, nhấn mạnh kiểm định nghề nghiệp (professional accreditation). Nhà nước chỉ làm trọng tài, xử phạt các tổ chức kiểm định này (kể cả tổ chức kiểm định do nhà nước thành lập). Trong các yêu cầu kiểm định, đặc biệt chú trọng yêu cầu sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.

Mọi giải pháp (về mặt kỹ thuật) đều đã tồn tại trên thế giới, chỉ cần nhà nước VN có quyết tâm để làm thôi! Còn tại sao không quyết tâm, do ưu tiên cái gì khác ... thì tôi không rõ, nên xin không trả lời ạ!!!!!!

No comments:

Post a Comment