Monday, July 11, 2011

"Cải cách tuyển sinh, đi lòng vòng!"

Đó là tựa bài viết của tôi đăng trên báo Pháp luật TP HCM ngày hôm nay, 11/7/2011, ở đây.

Bài viết đã được biên tập lại chút ít, và tựa bài đã được đặt lại. Cũng như mọi lần, việc biên tập của tờ báo quả là có làm cho bài viết hay hơn một chút - rõ ràng hơn, gãy gọn hơn. Trừ cái tựa thì tôi không thích lắm, vì nghe ... nặng quá. Nhưng tựa cũ của tôi thì dài dòng, có lẽ cũng không hay.

Thôi thì cứ đăng bài gốc lên đây, vì dù sao nó cũng là sản phẩm của mình. Bài đã biên tập xin xem trên báo, theo đường link đã đưa ở trên.
-------------
Hướng đến một kỳ thi quốc gia, lật lại đề án cải cách tuyển sinh
Vũ Thị Phương Anh

Tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học “ba chung” như hiện nay, trong khi đã có một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng được tổ chức ở cấp quốc gia, liệu có cần không? Đó là một câu hỏi đã được dư luận trong nước đặt ra từ nhiều năm nay.

Câu trả lời chính thức của Bộ rất rõ ràng: cho đến năm 2011 này, kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn chưa thể bỏ được. Cần nhắc lại rằng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo là người đã đề ra kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm 2010. Lý do khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện, trích lời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong một phát biểu được đăng trên trang VNExpress năm 2009 , là: Bỏ thi tuyển sinh đại học là một chủ trương lớn, cần có thời gian để đạt sự đồng thuận cao của xã hội; ngoài ra, bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi nói trên.

Điều đáng nói là cách làm hiện nay của Bộ cũng không đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về kỳ thi tuyển sinh, nhưng hầu như mọi người đều đồng ý là việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia liền nhau như hiện nay vừa trùng lắp không cần thiết, vừa quá tốn kém. Trong hai kỳ thi ấy, tốt nhất chỉ nên giữ lại một.

Đó cũng là mục đích của việc cải cách thi cử mà ngành giáo dục đã đặt ra cách đây vài năm. Lật lại đề án cải cách thi cử với mục tiêu chỉ còn một kỳ thi quốc gia vào năm 2010 (nay đã quá hạn), ta thấy những yếu tố hoàn toàn phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến đã từng được đề xuất:

1. Chỉ giữ lại một kỳ thi quốc gia; kỳ thi đó sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ dự thi 8 môn trong chương trình học, và đa số các môn thi sẽ áp dụng hình thức trắc nghiệm. Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp, nên yêu cầu của kỳ thi cần vừa sức, nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt mức trung bình thì đã có thể đậu, mặc dù để đạt điểm cao vẫn sẽ không dễ dàng.
2. Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ là một yếu tố quan trọng để xét tuyển vào đại học, nhưng không bắt buộc phải là yếu tố duy nhất. Không loại trừ việc các trường đại học tổ chức thêm một kỳ thi riêng nếu thấy cần thiết.

Nếu thực hiện đúng như trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có vai trò tương tự với kỳ thi Tú tài trước năm 1975 (kết quả thi Tú tài thời ấy được phân thành 5 hạng Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ, Thứ). Kết quả của kỳ thi này được sử dụng để xét tuyển vào đại học đối với những trường thuộc loại “ghi danh” (ví dụ như Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học), hoặc là điều kiện để dự thi đại học ở những trường có tổ chức kỳ thi riêng (như Đại học Sư phạm, Đại học Y).

Đề án này khi đưa ra lấy ý kiến góp ý đã vấp phải một số ý kiến không đồng thuận, như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ở trên. Thực ra, có nhiều điều tranh cãi chỉ xoay quanh là những vấn đề kỹ thuật cụ thể, và có thể điều chỉnh dễ dàng khi triển khai. Mối quan tâm lớn hơn của xã hội vào thời điểm ấy, cũng như bây giờ, là chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp. Một tiền đề quan trọng để thực hiện cải cách tuyển sinh vì vậy đã được đặt ra, đó là: chỉ bỏ thi đại học sau khi đã tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và đúng thực chất.

Ngay từ năm 2007, ngành giáo dục Việt Nam đã chịu đau để thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp theo hướng thực chất và chấp nhận một tỷ lệ tốt nghiệp khá thấp, nhưng vẫn được xã hội ủng hộ. Tiếc thay, vì nóng vội và sợ sức ép của dư luận, chúng ta đã vội vã thay đổi mỗi khi có ý kiến trái chiều, khiến cho việc tổ chức kỳ thi không năm nào hoàn toàn giống với năm nào. Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp của các năm cũng không hoàn toàn so sánh được với nhau. Để giờ đây, dư luận lại có quyền nghi ngờ chất lượng của kỳ thi, khi tỷ lệ thi tốt nghiệp năm 2011 đã trở về tương đương với mức trước cải cách.

Phải chăng chúng ta đã đi một vòng để trở về đúng chỗ cũ? Theo tôi, mọi việc không hẳn là như thế. Những nỗ lực cải cách của ngành giáo dục trong những năm qua chắc chắn đã có những tác dụng của nó. Chính vì đã có những kinh nghiệm – cả tốt lẫn xấu – cũng như rất nhiều tranh luận, nên xã hội đã hiểu rõ hơn về yêu cầu của các kỳ thi khác nhau, cũng như vai trò của thi cử tại Việt Nam như một phần của nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

Chỉ có điều, những cải thiện đang diễn quá chậm chạp, trong khi đòi hỏi của thực tế vô cùng ráo riết. Giờ đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng áp dụng những giải pháp đã được đề ra trong đề án cải cách tuyển sinh với những lộ trình và bước đi cụ thể đã được xây dựng sẵn.

Công việc chắc chắn sẽ rất nhiều, và không hề dễ. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được, với một điều kiện: Bộ dứt khoát không bao biện, làm thay cho cấp dưới, mạnh dạn trao thêm quyền cho các địa phương trong việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia (thi chung ngày, sử dụng chung đề thi, và áp dụng và quy trình chung của Bộ), và trả lại quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học.

Đến khi nào thì Bộ Giáo dục hoàn toàn sẵn sàng để thực hiện sự trao quyền này? Câu trả lời xin được nhường lại cho các vị có trách nhiệm của ngành giáo dục.

No comments:

Post a Comment