Sunday, July 24, 2011

"Năm huyền thoại về quốc tế hóa"

Bản dịch bài viết của Jane Knight dưới đây là do Kim Khôi dịch cho Bản tin Giáo dục của ĐH Hoa Sen, và đã được đăng trên trang web của trường này kèm với lời giới thiệu. Xin được đăng lên blog này để chia sẻ với mọi người. Bản gốc tiếng Anh có thể tìm được theo đường link được cung cấp.
---------------

Nguồn: http://www.che.de/downloads/ICE_Winter_2011_newsletter_end_of_internationalisation.pdf

Jane Knight
Vũ Kim Khôi dịch

Cùng với sự trưởng thành của quốc tế hóa, quá trình này ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp. Đồng thời, nó cũng trở thành một khái niệm rắc rối và dễ nhầm lẫn. Quốc tế hóa giờ đây không còn là một cái gì được thực hiện chỉ để « làm màu » trong ngắn hạn, mà đã được kết hợp vào tuyên bố sứ mạng của các trường, vào chính sách, chiến lược cũng như vào khung pháp lý quốc gia. Điều này cho thấy quốc tế hóa đã chín muồi, và đã trở thành một khung pháp lý cho chính sách, thực tiễn và nghiên cứu trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, do quốc tế hóa được xem là một khái niệm quá quan trọng rộng và “nổi tiếng”, nên nó đã được dùng để mô tả bất cứ điều gì có liên quan đến toàn thế giới, mang tính chất liên văn hóa, toàn cầu hóa hoặc có bản chất quốc tế. Tóm lại, nó đã trở thành một cụm từ thuận tiện để chỉ nhiều vấn đề và vì thế mất đi ý nghĩa và định hướng ban đầu. Bài viết này ngụ ý rằng trong nhiều năm qua đã có rất nhiều giả định – hoặc đúng hơn là các huyền thoại – về quốc tế hóa, và chúng cần được phơi bày và suy xét cặn kẽ. Dưới đây là 5 điều huyền thoại phổ biến nhất về quốc tế hóa:

Huyền thoại 1: Sinh viên quốc tế là tác nhân của quá trình quốc tế hóa

Một huyền thoại đã tồn tại lâu đời là việc cho rằng sự hiện diện của sinh viên quốc tế trong trường sẽ tạo ra một văn hóa trường học mang tính quốc tế và giúp quốc tế hóa chương trình đào tạo của trường. Mặc dù điều đó có thể là mong đợi của nhiều trường đại học, nhưng bức tranh thực tiễn lại hoàn toàn khác biệt. Tại nhiều trường đại học, các sinh viên quốc tế thường cảm thấy bị tách biệt về mặt xã hội cũng như về mặt học thuật, và thường phải chịu áp lực do sự khác biệt chủng tộc. Thường thì các sinh viên trong nước rất hay chống đối, hoặc, ít ra là thường tỏ ra dửng dưng trong việc tham gia vào những đề án hợp tác đào tạo hoặc tiếp xúc với các sinh viên quốc tế - trừ những chương trình đào tạo do chính trường của họ hay do các giáo viên hướng dẫn xây dựng. Các sinh viên quốc tế thường có khuynh hướng tụ họp lại với nhau và mỉa mai thay là chính họ lại có được nhiều kinh nghiệm liên văn hóa có ý nghĩa hơn các sinh viên nội địa mà không cần phải tiếp xúc quá sâu với nền lịch sử và văn hóa của nước bản địa. Tình trạng này tất nhiên không đúng với tất cả các trường, tuy nhiên nó cho thấy một vấn đề đối với giả thuyết ít bị nghi ngờ là việc tuyển sinh viên quốc tế sẽ giúp quốc tế hóa văn hóa trường học. Mặc dù đây là mục đích hoàn toàn chính đáng để thực hiện quốc tế hóa, nhưng thường thì mọi việc không diễn ra đúng như vậy, mà thay vào đó, nó chỉ che đậy những động cơ khác như tạo thêm nguồn thu cho trường, hoặc nỗ lực cải thiện thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Huyền thoại 2: Danh tiếng quốc tế là một thước đo chất lượng

Huyền thoại này dựa trên quan điểm là một trường đại học càng quốc tế hóa thì nó càng nổi tiếng ; quốc tế hóa ở đây được tính trên sự hiện diện của các sinh viên, giảng viên quốc tế, các chương trình đào tạo và công trình nghiên cứu, các thỏa thuận hợp tác và sự tham gia vào các hiệp hội và tổ chức quốc tế. Điều này liên quan mật thiết đến quan điểm sai lầm là trường càng có danh tiếng quốc tế thì càng có chất lượng. Đã có nhiều ví dụ về những trường đại học có chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp đáng ngờ; những trường này hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu và “giá trị thương hiệu” của các sinh viên quốc tế. Những trường hợp như vậy là bằng chứng đanh thép khẳng định rằng quốc tế hóa không phải lúc nào cũng tương đồng với chất lượng cao hay có chất lượng. Ngoài ra, huyền thoại này còn bị làm phức tạp thêm bởi cuộc đua tranh giữa các trường nhằm đạt thứ hạng cao trong các hệ thống xếp hạng như THE hay ARWU. Liệu các bảng xếp hạng có đo được chính xác tính quốc tế hóa của các trường hay không là một điều cần xem xét lại, và quan trọng hơn là liệu yếu tố quốc tế hóa có luôn là một chỉ số đáng tin cậy về chất lượng hay không.

Huyền thoại 3: Các thỏa thuận hợp tác, liên kết quốc tế

Mọi người thường tin rằng một trường đại học càng có nhiều thỏa thuận hợp tác, hoặc là thành viên của càng nhiều tổ chức quốc tế thì trường đó càng nổi tiếng và càng hấp dẫn đối với các sinh viên hoặc với các trường khác. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy rằng, hầu hết các trường thường không thể quản lý, thậm chí chẳng thu được lợi lộc gì từ hàng trăm thỏa thuận hợp tác như vậy. Việc duy trì các mối quan hệ chủ động và thành công đòi hỏi ở các trường nhiều đầu tư về nhân lực cũng như tài lực từ bản thân các giảng viên, các khoa, và phòng hợp tác quốc tế của các trường. Vì vậy, nếu một trường có một danh sách dài lê thê các đối tác quốc tế thì danh sách đó chỉ có giá trị trên giấy mà thôi, chứ không hẳn đó là những mối quan hệ có hiệu quả. Một lần nữa, số lượng thường được xem là quan trọng hơn chất lượng, và danh sách các mối quan hệ quốc tế thường được dùng như một biểu tượng cho vị thế của trường, hơn là hồ sơ các mối quan hệ học thuật thiết thực. Tuy vậy, xu hướng gần đây của các trường là cắt giảm các mối quan hệ xuống còn từ 10 đến 20 trường đối tác ưu tiên. Điều này có thể thúc đẩy các mối quan hệ toàn diện và bền vững, mặc dù cũng sẽ phần nào khiến các giảng viên và nhà nghiên cứu không hài lòng về cách tiếp cận quốc tế hóa theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống, cũng như sự thu hẹp những quan tâm cá nhân về nghiên cứu và chương trình đào tạo quốc tế.

Huyền thoại 4: Kiểm định quốc tế

Việc được kiểm định từ các cơ quan đánh giá chất lượng của nước ngoài (thường là của Hoa Kỳ) hoặc được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chuyên ngành thuộc khối ngành kỹ thuật và doanh thương hiện đang là xu thế phổ biến đối với các trường đại học tại khắp nơi trên thế giới. Giả thuyết ở đây là, một trường càng được nhiều tổ chức kiểm định quốc tế công nhận thì trường đó càng có tính quốc tế hóa, và hiển nhiên là trường đó sẽ phải tốt hơn các trường khác. Điều này hoàn toàn không đúng. Việc được một tổ chức kiểm định quốc tế công nhận về chất lượng không thể khẳng định được phạm vi, quy mô hoặc giá trị của những hoạt động quốc tế trong giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thông qua quan hệ với xã hội hoặc với doanh nghiệp.

Huyền thoại 5: Xây dựng thương hiệu quốc tế

Huyền thoại thứ 5 liên quan đến giả định sai lầm rằng mục đích của việc quốc tế hóa tại một trường đại học là để cải thiện thương hiệu hay vị thế quốc tế của trường đó. Điều này gây nhầm lẫn giữa kế hoạch tiếp thị quốc tế với kế hoạch quốc tế hóa một trường đại học. Tiếp thị quốc tế là quảng cáo và xây dựng thương hiệu cho trường; trong khi quốc tế hóa lại là một chiến lược để tích hợp các yếu tố như tính quốc tế, liên văn hóa và toàn cầu vào mục tiêu sứ mạng của trường, vào những chức năng cơ bản của một trường đại học là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Những mục tiêu, kết quả dự kiến và đầu tư vào một sáng kiến xây dựng thương hiệu toàn cầu hoàn toàn khác với những gì cần thiết để thực hiện quốc tế hóa học thuật của một trường. Vì vậy, huyền thoại này chính là việc coi kế hoạch tiếp thị quốc tế tương đương với kế hoạch quốc tế hóa. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận thực tế rằng một chương trình quốc tế hóa mang tính chiến lược và thành công có thể làm cho một trường được biết đến hơn trên thế giới, tuy nhiên đó không phải là mục tiêu mà chỉ là một sản phẩm phụ mà thôi.

Năm huyền thoại vừa nêu có một điểm chung, đó là người ta tin rằng những lợi ích từ việc quốc tế hóa hoặc từ một phần của quốc tế hóa có thể đo được bằng con số cụ thể – như là số lượng sinh viên, giảng viên quốc tế, số lượng các mối quan hệ quốc tế, chương trình liên kết đào tạo, các đề án nghiên cứu, kiểm định quốc tế, các chi nhánh trường tại nước ngoài, v.v… Việc lượng hóa những kết quả đạt được thành những chỉ số hoạt động cốt lõi có thể đáp ứng được những yêu cầu về sự minh bạch, tuy nhiên những chỉ số đó không thể nào đo lường được những tác động vô hình từ sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và cộng đồng lên những lợi ích thu được từ quốc tế hóa.

Kết luận

Năm huyền thoại trên không hoàn toàn đúng với mọi trường đại học hay mọi quốc gia, tuy nhiên, chúng phản ánh rất rõ những giả định sai lầm và rất phổ biến. Tất nhiên là trên thực tế còn tồn tại nhiều huyền thoại cũng như những sự thật căn bản về quốc tế hóa mà ta cần phải tranh luận và suy xét. Mục đích của việc xác định và suy xét những huyền thoại và sự thật đó là để định hướng đúng việc quốc tế hóa và để đảm bảo rằng chúng ta nhận thức được những hậu quả mong đợi cũng như không mong đợi khi nền giáo dục đại học toàn cầu đang vượt qua thời kỳ tương đối hỗn loạn khi mà sự cạnh tranh, việc xếp hạng và thương mại hóa tồn tại như là những động lực thúc đẩy chính.

No comments:

Post a Comment