Saturday, July 9, 2011

Nhân kỳ thi tuyển sinh 2011, lật lại đề án cải cách tuyển sinh (đề án 2 trong 1!)

Cách đây ít hôm, một người bạn đồng môn, đồng khóa, và cũng là đồng nghiệp cũ của tôi có viết một bài ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ, đại khái đặt câu hỏi là kỳ thi tuyển sinh đang được tổ chức tại VN hiện nay thực ra có cần thiết hay không?

Hỏi, có lẽ cũng là đã trả lời. Một điều có lẽ "ai cũng hiểu, chỉ một (số) người không hiểu". Mà điều này đã được đặt ra nhiều lần rồi, câu trả lời cũng đã được đưa ra nhiều lần rồi, chỉ cần chọn thời điểm mà áp dụng thôi. Không hiểu sao vẫn khó khăn thế.

Tò mò, tôi bèn tìm lại một đề án đã được vạch ra cách đây vài năm, mà tôi rất quan tâm. Lúc ấy, đề án đó cũng nổi đình đám lắm, với mốc đặt ra là năm 2010 phải thực hiện. Với tên gọi ban đầu là kỳ thi 2 trong 1 (sau này do dư luận phản đối nên không gọi là 2 trong 1 nữa, mà gọi là 1 kỳ thi quốc gia).

Và sực nhớ là TTKT nơi tôi làm việc cho đến hôm nay (nhưng sẽ rời vào ngày 1/8, rất sắp rồi - vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do cá nhân) cũng đã tổ chức một hội thảo lớn, có in một cuốn sách nữa, về kỳ thi này. Nay phải tìm lại để lưu, để xem đề án này bao giờ sẽ được thực hiện, hay là sẽ bị trôi vào quên lãng, rồi lại làm lại từ đầu: đặt vấn đề, tìm hiểu hiện trạng, đề xuất giải pháp (nhưng không thực hiện giải pháp, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, không theo dõi và đánh giá hiệu quả ...).

Thì đây, tìm thấy một lô, cần lưu lại, làm tư liệu.

1. Đề án kỳ thi 2 trong 1: nước đã đến chân. Đăng trên Tuổi Trẻ ngày 12/1/ 2009. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Ngay trong phương hướng năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Và để chuẩn bị, trong năm học 2008-2009 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung chính sách cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường căn cứ khung chính sách để tuyên bố tiêu chí và các điều kiện xét tuyển vào trường. Tuy vậy, đến thời điểm này câu trả lời có tổ chức kỳ thi như vậy hay không và tổ chức vào thời điểm nào các trường vẫn chưa nhận được.


2. Về kỳ thi 2 trong 1: tôi vẫn bàn ngang. Ý kiến của GS Văn Như Cương, đăng trên trang mạng của tờ Xứ Nghệ, 24/4/2008, ở đây.

Về các ý kiến của GS Văn Như Cương, tôi thấy có những ý đúng, nhưng cũng có những ý chưa đúng. Riêng chuyện "bàn ngang" này thì đúng là ... ngang thật! Việc đại sự quốc gia, có lẽ GS nên đóng góp chân tình, dù không đồng tình, chứ sao lại bàn ngang thế nhỉ?

Đáng trích dẫn:
Tôi nghĩ rằng, Bộ cũng nên giao quyền tự chủ cho các Sở trong việc thi tốt nghiệp THPT. Bộ chỉ nên quyết định 6 môn thi chung cho toàn quốc, còn mọi khâu tổ chức khác đều do Sở chịu trách nhiệm.

Thời điểm thi có thể khác nhau nhưng được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Đề thi do Sở tự ra trong khuôn khổ của chuẩn chương trình đã ban hành. Chúng ta nên tổ chức thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng hơn.

Như vậy theo tôi đề án đổi mới thi nên định hướng như sau: “Thi tốt nghiệp THPT giao về cho các Sở, thi tuyển ĐH, CĐ, TC giao cho các trường ĐH, CĐ và TC”.

Việc các trường đó lựa chọn cách tuyển sinh như thế nào là tùy họ, thi hay không thi cũng tùy họ, thi môn gì, điểm sàn bao nhiêu cũng tùy họ (cố nhiên phải theo đúng luật pháp và các quy chế của Bộ).

Nhận xét thêm: Tuy nói là bàn ngang, nhưng tựu trung ý kiến của GS Văn Như Cương là Bộ nên trao quyền xuống cấp dưới (Sở, trường đại học). Về điểm này, tôi thống nhất quan điểm với GS VNC.

3.Chưa nên thực hiện 2 trong 1 trong năm 2009. Đăng trên CAND 17/5/2008, ở đây.

Đáng trích dẫn:
GS. TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GDTNTN&NĐ Quốc hội: Lộ trình của đề án quá vội vã

Đề án nếu được nghiên cứu và điều chỉnh kỹ thì có thể thực hiện được. Nhưng trường ĐH chất lượng cao, trường trọng điểm, trường có điểm chuẩn đầu vào cao, trường năng khiếu không thể ghép vào đây. Đề án đưa quá nhiều ý tưởng vào kỳ thi (nhập 2 kỳ thi vào một, bảo lưu kết quả…) trong khi chúng ta đang cần so sánh năm trước với năm sau thì khó có thể thực hiện được. Lộ trình của đề án quá vội vã.

Trong tất cả các ý tưởng, giải pháp của đề án, chọn một vấn đề để thực hiện là tốt lắm rồi. Cần phải có lộ trình và bước đi vững chắc. Bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp thì có thể chấp nhận, nhưng bảo lưu kết quả để xét vào ĐH thì không được. Hình thức thi trắc nghiệm chỉ nên áp dụng với những môn đã tổ chức trong vài năm vừa rồi. Đề án cần được hoàn thiện ở mức nhất định để thực hiện thắng lợi mục tiêu.

Nhận xét của tôi: Những ý kiến chưa đồng tình hầu như không có ai chống lại mục tiêu cải cách, mà chỉ băn khoăn về những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu mà thôi. Vậy giờ đây, sau vài năm chờ đợi, liệu ta đã có thể áp dụng được chưa? Hay chúng ta bàn bạc cho chán rồi ... bỏ?

4. Giữ hay bỏ kỳ thi đại học? Bài viết mới, ngày 22/2/2011, nhưng có nhiều thông tin mang tính lịch sử. Đáng đọc, không phải vì ý kiến hay, nhưng vì có rất nhiều thông tin, tư liệu. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Để bổ khuyết cho các cách làm trên, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã đưa ra “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG”. Đề án này đưa ra các biện pháp chủ yếu như sau:

“Ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định: thi 6 môn, bao gồm 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả thí sinh (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ); 1 môn do Bộ quy định hằng năm, 2 môn do thí sinh tự quyết định trong số các môn còn lại của kỳ thi.

Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa đánh giá được khả năng vào học trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp.

Phần còn lại trong đề thi ứng với khoảng 40% số điểm có nội dung trong chương trình trung học phổ thông chuẩn và chương trình trung học phổ thông nâng cao, đòi hỏi thí sinh làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu phân loại trình độ thí sinh để tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Không chia cơ học các câu hỏi thành 2 phần riêng biệt trong đề thi.” (Nguyễn Hùng, báo Dân trí)

Đặc biệt, yêu cầu tổ chức kỳ thi này phải được nghiêm minh như kỳ thi tuyển sinh vào đại học hiện nay.

Nhưng nội dung của đề án này quá rắc rối và có nhiều phần không hợp lý như nhiều tác giả đã phân tích (Văn Như Cương, Đỗ Văn Xê, Phạm Tất Dong …).

Mặt khác, như ta đã thấy, khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tương đối nghiêm minh trong 2 năm 2007, 2008 thì số học sinh trượt tốt nghiệp ở con số thê thảm.

Niên khóa 2006 – 2007 chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào) thêm cả lần hai là 80,38%; hệ trung học bổ túc cả hai đợt là 46,26% so với năm học 2005-2006: THPT: 92% BTTH: 74,6%.

Niên khóa 2007 – 2008 tỷ lệ đỗ khoảng 76%.

Chỉ năm sau, việc thi lại trở lại bình thường và con số học sinh tốt nghiệp THPT dần trở lại con số tốt đẹp như cũ. Vậy, liệu có thể có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc như kỳ thi ĐH, CĐ hiện nay không. Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Khả năng kỳ thi 2 trong 1 khó có thể thực hiện.



5. Nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học như thế nào?
Bài này là phần tiếp của bài trên, đăng ngày 1/3/2011. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Chúng tôi không có điều kiện tham khảo việc tuyển sinh nhiều nước trên thế giới, nhưng muốn giới thiệu về tuyển sinh đại học ở Mỹ. Mô hình tuyển sinh ở Mỹ cũng nên tham khảo để chúng ta cải cách việc tuyển sinh đại học.Mô hình này cũng đang được một số nước trong đó có Hàn Quốc học tập để áp dụng. Cũng là để thấy rằng việc tuyển sinh của chúng ta có quá nhiêu khê, quá tốn kém, loại bỏ nhân tài, tước bỏ quyền tự chủ của các trường đại học… như chỉ trích của một số bài báo hay không.

Tôi không hiểu sao một số bài báo lại khẳng định, ở Mỹ không có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học và kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Việc thi tốt nghiệp trung học (high school ) tùy theo quy định của từng bang. Chúng tôi không rõ kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Mỹ được tổ chức như thế nào, chỉ xin nêu 1 ví dụ như sau: bằng tốt nghiệp trung học ở Bang Iowa của Mỹ do Sở Giáo dục của Bang cấp và có chữ ký của Giám đốc Sở Giáo dục của Bang . Như vậy, không thể không có kỳ thi tốt ghiệp trung học được mà bằng tốt nghiệp được cấp chính quyền ký như vậy.

Việc tuyển sinh đại học ở Mỹ thì phức tạp và tốn kém hơn ở Việt Nam nhiều. Theo cuốn Study Ametica 2008 do Tổ chức Giáo dục quốc tế Mỹ tại Việt Nam ( IIE Việt Nam) ấn hành và 1 số trang web của trường đại học Mỹ, 1 thí sinh muốn được tuyển vào đại học ở Mỹ phải gửi cho trường đại học mà mình xin học các hồ sơ sau để được xét tuyển:

- Đơn đăng ký học vào trường đại học mà bạn xin học.

- Bằng tốt nghiệp trung học.

- Học bạ trung học: diểm học tại trường trung học được tính trong việc xét tuyển vào trường đại học ( điểm GPA). Người ta còn quan tâm đến thứ hạng của thí sinh đạt được trong lớp trung học như ở trong top 5%, hay 10% của lớp.
(Còn nhiều nữa, nhưng các bạn tự đọc thêm trong bài nhé!)

Nhận xét của tôi: Có lẽ tác giả bài viết này nhầm! Người ta không ai nói là Mỹ không có kỳ thi tuyển sinh, vì các kỳ thi SAT, ACT thì ai cũng biết mà. Người ta chỉ nói rằng, các kỳ thi ấy không do Bộ Giáo dục nắm giữ. ACT hoặc SAT là do tư nhân làm. Còn trường nào tuyển sinh ra sao thì do trường ấy tự quyết. Bộ Giáo dục cấp liên bang của Mỹ chỉ làm định hướng chính sách và tạo điều kiện về kinh phí cho các tiểu bang và các trường đại học để họ trực tiếp làm mà thôi!!!!!!

Đọc đến đây, tôi mệt quá. Hình như hiểu biết về các kỳ thi của VN vẫn còn nhiều chỗ hổng lắm. Mà Bộ thì hình như rất dễ bị dư luận tác động, thành ra giống như đẽo cày giữa đường. Thế này thì bao giờ mới cải cách được đây?

Sẽ còn mệt lắm, thi cử ở VN!
----
PS: Ai quan tâm đến đề án này xin tìm đọc tại đây: http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.15&script=viewdoc&view=13224&opt=brpage.

1 comment:

  1. Rầu thật, giờ chỉ mong bớt bệnh thành tích là mừng lắm rồi cô ơi!

    ReplyDelete