Tuesday, April 20, 2010

Tham nhũng học thuật, tại sao?

Thời gian vừa qua, trên báo Người Lao Động (online) đang có một loạt bài mà tôi cho là rất hay, vì nó đụng chạm đến một vấn đề nóng và quan trọng trong giáo dục VN hiện nay, đó là "đạo văn". Ở đây

Loạt bài trên báo NLĐ được viết nhân vụ phát hiện ra mấy cuốn sách bị "luộc" của Trường ĐH Kinh tế. Nạn nhân của vụ luộc sách ấy tất nhiên là trí thức, một giảng viên có chức danh PGS (hình như thế) của Trường ĐH Kinh tế. Điều đáng nói là thủ phạm của vụ đạo văn này cũng là những người được xã hội xem là trí thức, cũng là giảng viên một trường đại học khác, và nhân vật chính trong nhóm thủ phạm này cũng có chức danh PGS (chà chà, đây là cái mà tôi sẽ suốt đời không có, chắc thế vì bây giờ cũng đã sắp về hưu rồi còn gì mà vẫn chưa thể có!!!!).

Tôi đồ rằng thủ phạm chính trong vụ trên không chỉ có chức danh PGS, mà có lẽ còn có những chức vụ quan trọng khác ở ngôi trường ấy, thật vậy. Vì một ngôi trường vốn là một trường trung cấp rồi lên cao đẳng rồi lên đại học vù vù, dạy tới mấy chục ngàn sinh viên học sinh từ công nhân kỹ thuật cho đến sinh viên đại học và sau đại học, lại còn các chương trình liên kết với nước ngoài, thì rõ ràng là rất cần các giảng viên có bằng cấp cao, có học hàm học vị như ... những vị (tự nhận là) trí thức kia. Chẳng trách trong loạt bài đã nêu của báo NLĐ, người ta đã nêu một câu hỏi mà khi đọc tôi cảm thấy rất đắng: Trí thức như vậy sao?

Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Ừ, tại sao nhỉ?

Tôi nghĩ, tệ trạng đó ở VN là hậu quả của triết lý giáo dục không rõ ràng, cùng với sự thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể, thiếu "ngay ngắn" của luật pháp và cuối cùng là sự thiếu nghiêm minh của việc thực thi luật pháp. Xã hội hãy đầu tư đúng tầm cho hai vấn đề này mới mong không còn những chuyện buồn lòng nói trên.

Nói thêm, tôi biết rõ có những trường hợp mà ai cũng biết là bằng cấp "lôm côm", năng lực vô cùng hạn chế, chức vụ có được là do chạy chọt, nhưng một khi đã chiếm được một vị trí nào đó rồi thì ... mọi người cũng phải (giả vờ) kính trọng cho tương xứng với bằng cấp (dỏm), học vị (khả nghi), chức danh (chạy chọt), chức vụ (lo lót) đó, mặc dù sau lưng thì sẵn sàng lên tiếng chê bai, phản bác. Với cách làm như vậy, thì thử hỏi chẳng phải là ta đang vô tình khuyến khích sự giả dối, lừa đảo và đạo đức giả trong giáo dục đó sao?

Những ý kiến trên đây có lẽ khá chủ quan, nhưng tôi cũng mạnh dạn nêu lên, ít ra cũng giúp cho mọi người tranh luận cho ra vấn đề. Cũng để làm tròn bổn phận của trí thức đối với xã hội mà thôi.

2 comments:

  1. Thưa cô Phương Anh,
    Em là Phạm Thị Lan Phượng, đang học NCS tại Đức. Em mới bắt đầu theo dõi diễn đàn trên blog (không biết em gọi vậy có đúng không) của cô vài tháng nay. Những vấn đề cô đưa ra rất thời sự và giúp người đọc có được một nhận thức đúng đắn hơn về nền GD VN.
    Về vấn đề đạo văn, em nghĩ có người vi phạm chỉ vì thiếu hiểu biết, nhất là đối với SV. Những người chỉ tiếp xúc với GD trong nhà trường ở VN có thể chưa hiểu hết thế nào là đạo văn. Thời em học đại học vào giữa những năm 1990, em không hề được GV hướng dẫn về tránh đạo văn.
    Bây giờ đạo văn đã được nhận thức rộng rãi và được coi là vô đạo đức, vậy việc lập ra quy chế chống đạo văn trong các trường ĐH VN có khả thi ko? Theo cô thì cơ chế đảm bảo chất lượng trong nhà trường có thể phát huy tác dụng trong việc chống đạo văn không?
    Học trò (tự nhận) của cô,
    Lan Phượng

    ReplyDelete
  2. Hi Lan Phượng,

    Cám ơn em đã tự nhận làm học trò của cô. Nhưng coi chừng bị thất vọng đó nhe!

    Vấn đề em nói rất hay, có điều cô đang bận quá nên chưa có ý kiến gì hơn, ngoài một câu nhận xét ngắn gọn này thôi:

    Đạo văn là một vấn đề đạo đức, và để cho con người có đạo đức thì không thể chỉ bằng biện pháp hành chính, và cũng không bao giờ nhanh được, em ạ!

    Vấn đề này rõ ràng là còn cần được bàn luận thêm, phải không em?

    Thân mến

    ReplyDelete