Friday, December 25, 2009

Đọc và bình bài viết "Tránh mập mờ giữa đánh giá môn học và chất lượng giảng dạy" của Lê Minh Tiến

Gửi các bạn học viên cao học đo lường đánh giá

Bài này được đăng ở đây. Hoặc có thể đọc dưới đây, kèm lời bình của PA dưới góc độ chuyên môn. (Lời bình sẽ được viết bằng font in nghiêng - italics - để phân biệt với bài viết, font bình thường.) Những chỗ in đậm trong chính văn là do PA nhấn mạnh.
--


Tránh mập mờ giữa đánh giá môn học và chất lượng giảng dạy

TT - Việc sinh viên đánh giá giảng viên không phải là điều mới tại các nước phát triển. Ở nước ta, do mới bắt đầu tiến hành và trong bối cảnh văn hóa luôn đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo nên việc trao cho sinh viên quyền đánh giá giảng viên làm nhiều người lo ngại.

Dướng như việc chống lại đánh giá giảng viên không hẳn là do "tôn sư trọng đạo", vì nếu thế thì đâu có các vụ như trò tạt axit vào thầy mới dây? Lời giải thích hợp lý hơn là vì trước đây giáo viên là vua trong lớp học, muốn giảng dạy ra sao cũng được, nay lại trao quyền đánh giá cho sinh viên thì ... thật là bất tiện quá (lỡ mình dạy dở, nó đánh giá lòi ra thì khốn). Nên mới chống lại việc này, nhưng khoác chiếc áo đạo đức: truyền thống tôn sư trọng đạo!

Ngày nay, trước sự gia tăng của tâm thức duy lý trong xã hội hiện đại cùng với sự thay đổi về triết lý giáo dục chuyển từ “người thầy là trung tâm” sang “người học là trung tâm” thì dù muốn dù không, việc sinh viên được quyền nói lên suy nghĩ của mình trong quá trình mình được giáo dục và đào tạo là điều trước sau cũng phải làm. Vấn đề là làm thế nào cho đúng. Theo tôi, cần phải lưu ý các vấn đề sau đây:

(hoàn toàn đồng ý với nhận định này. nó còn được gọi là quá trình dân chủ hóa trong giáo dục - trao quyền cho những người ở vị trí thấp hơn trong tương quan về địa vị và quyền lực!)

1. Tránh sự mập mờ giữa đánh giá môn học với chất lượng giảng dạy

Một khả năng rất dễ xảy ra là khi sinh viên không thích một môn học nào đó thì họ cũng sẽ đánh giá thấp chất lượng giảng dạy của giảng viên dạy môn đó. Khả năng này rất dễ xảy ra đối với những môn thuộc phần kiến thức đại cương hoặc kiến thức bổ trợ vì tâm lý chung của sinh viên hiện nay là thích những môn học “sát sườn”, cung cấp cho họ những kiến thức và kỹ năng ứng dụng thực tiễn ngay tức thì. Còn những môn mang tính chất làm nền cho tư duy như triết học chẳng hạn thì sinh viên thường không thích... Do đó phải làm sao để tránh được nguy cơ nói trên.

Hai điều đáng bàn luận ở đây:
- Đồng ý là phải phân định rõ môn học và giảng viên, nhưng ở đây tác giả chỉ nêu vấn nạn, mà không có giải pháp? đồng ý cần phải tránh, nhưng tránh thế nào đây?
- Không đồng ý với việc do bản chất môn triết trừu tượng khiến sinh viên không thích, nên việc đánh giá thấp là do môn học chứ không phải do giảng viên. Vì vẫn có những giảng viên dạy triết thành công hơn các giảng viên, mặc dù cũng vẫn là môn triết?
-

2. Thời điểm tiến hành đánh giá

Thời điểm tiến hành cho sinh viên đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng là vấn đề phải lưu ý. Đánh giá ngay khi buổi học đầu tiên vừa kết thúc, đánh giá khi môn học đã qua nửa chặng đường, đánh giá vào buổi học cuối cùng, đánh giá sau mỗi buổi học hay đánh giá sau khi sinh viên đã biết điểm thi môn học sẽ cho ra những kết quả hoàn toàn khác nhau. Nếu đánh giá sau khi sinh viên đã biết kết quả thi thì những sinh viên điểm cao thường sẽ có những đánh giá tích cực về người dạy, và ngược lại với các sinh viên điểm thấp. Do đó tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên vào lúc nào là điều cần phải suy nghĩ.

Tương tự ở trên: Vấn đề là cho độc giả lời khuyên nên đánh giá vào lúc nào! Chứ đặt câu hỏi mà không nêu câu trả lời thì đúng là bắt bí độc giả quá đỗi!

3. Thiết kế bộ tiêu chuẩn đánh giá

Chúng tôi rất đồng ý với chủ trương của Bộ GD-ĐT là không cần thiết phải đặt ra một bộ tiêu chí đánh giá chung cho mỗi trường mà để cho các trường tự thiết kế bộ tiêu chuẩn đánh giá phù hợp với đặc điểm đào tạo của trường. Nếu bộ tiêu chuẩn được thiết kế không phù hợp hoặc không khoa học thì các thông tin thu được cũng không đáng tin cậy. Đặc biệt là phải tránh trao cho sinh viên cái quyền vượt quá khả năng của họ, chẳng hạn không nên đề nghị họ đánh giá trình độ chuyên môn của giảng viên, bởi việc đánh giá chuyên môn của giảng viên chỉ có hội đồng khoa học của khoa hoặc trường mới có đủ năng lực để đánh giá.

Tôi không đồng ý với từ "bộ tiêu chuẩn" trong cái tựa này. Có lẽ ở đây muốn nói đến "bộ câu hỏi" trong phiếu hỏi? Hình như hiện nay mình đang bị "lậm" những từ như "tiêu chuẩn", "chuẩn mực", và "đẳng cấp" thì phải?

4. Xử lý và phân tích thông tin

Về mặt khoa học, thì ý kiến, nhận định, đánh giá của sinh viên tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như giới tính, năng lực học tập (kết quả học tập), nguyện vọng vào học ngành đang học... Chẳng hạn, những sinh viên có học lực khá, giỏi thường có đánh giá khác với những sinh viên trung bình hoặc yếu kém, những sinh viên siêng năng có cái nhìn khác với những người lười biếng...Trong một lớp thì số sinh viên khá, giỏi hoặc siêng năng thường chiếm tỉ lệ rất ít, nên nếu tính chung thì những ý kiến của các sinh viên này không ảnh hưởng đến kết quả tổng thể vì họ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Do đó trong phân tích thông tin cần phải phân tích thật sâu mới có thể tránh những kết luận không xác đáng về chất lượng giảng dạy của giảng viên.

Hoàn toàn đồng ý. Có thể xem việc lấy ý kiến phản hồi (đừng gọi là "đánh giá giảng viên", please!!!!!!!) là một nghiên cứu dạng survey nho nhỏ. Nên phải luôn quan tâm đến các yếu tố người trả lời để có thể hiểu câu trả lời. Việc này những người có nghề sẽ làm tốt. Vấn đề là hiện nay dường như ai cũng có quyền diễn giải kết quả rồi phán đoán lung tung về chất lượng giảng viên???

LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)

2 comments:

  1. Nếu người ra câu trắc nghiệm có khả năng nghiên cứu khoa học đúng và chuẩn thì các câu hỏi sẽ châủn và đưa ra từ 1 phương pháp nghiên cứu đúng. Việc làm tiền cứu và thống kê định lượng để đánh giá chất lượng giảng dạy của từng giảng viên tương đối chính xác.

    Nhưng không cần thế, chỉ cần mỗi trường có nhiều giảng viên dạy cùng 1 môn và cho phép sinh viên tự đăng ký và chọn giảng viên để học thì tự động sự thanh lọc sẽ có. Lúc đó môn học sẽ được truyền đạt có chất lượng cao, như 1 bài viết của tôi là giáo dục cần cái nhìn duy lý.

    ReplyDelete
  2. Thưa bác Hải,

    cám ơn bác đã comment. vâng, đúng là chỉ cần cho chọn giảng viên thì cũng sẽ dẫn đến việc cải thiện chất lượng giảng dạy bác ạ.

    nhưng tôi muốn góp thêm vài ý sau:

    - về mặt quản lý, chỉ cần dùng cách mà bác nêu. tuy nhiên, điều kiện cần có là: (1) có nhiều giảng viên cùng dạy một môn (ở VN nhiều khi không có); (2) các giảng viên phải đa dạng về phong cách, phương pháp vv và tất nhiên phải có tự do để thể hiện cái riêng của mình (vì nếu có nhiều giảng viên nhưng người nào cũng chỉ cắm đầu cắm cổ đọc cho sinh viên chép cho kịp chương trình ấn định sẵn, thì chọn lựa để làm gì?)

    - vì vậy, buộc phải làm cách 2: lấy ý kiến về các giáo viên. để tìm ra những cái gì nổi bật - cực hay hoặc cực dở, để mà còn chia sẻ kinh nghiệm hay và tìm cách giải quyết các tồn tại. ngoài ra, nếu làm survey tốt thì còn có thể tìm ra các môn tương quan ngầm và bất ngờ khác, giúp hiểu hơn về các mối liên hệ trong môi trường dạy học. Tất nhiên phải có nghề!

    Bác thấy tôi nói vậy được không bác?

    Kính bác

    PA

    ReplyDelete