Sunday, December 6, 2009

GD VN trên báo nước ngoài: "Tham nhũng trong giáo dục đại học Việt Nam"

Nguyên tác bằng tiếng Anh của bài viết này ở đây.

Link: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number50/p25_McCornac.htm

Đây là trang web của Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế (CIHE) thuộc Trường ĐH Boston, do GS Phillip Altbach, nhà nghiên cứu giáo dục đại học nổi tiếng thế giới làm giám đốc.

Bài viết đã được đăng trên trang web này một năm nay rồi, từ mùa đông năm 2008, nên một số thông tin đã cũ. Nhưng vấn đề thì vẫn còn mới nguyên, chưa hề được giải quyết, nếu không nói là có một số điểm còn tệ hơn, ví dụ, việc mở các trường đại học ... lôm côm!

Bản dịch tiếng Việt do chủ nhân của blog này cung cấp để có thể phổ biến đến những người quan tâm. Phần in đậm nghiêng(bold italics) là nhấn mạnh của người dịch, không phải của tác giả.

Xin mọi người đọc và sử dụng với mục đích phi lợi nhuận, nhưng không phổ biến lại nơi khác nếu chưa được phép của dịch giả
.

Email liên hệ: vtpanh@gmail.com
--

Tham nhũng trong Giáo dục Đại học Việt Nam
Dennis C. McCornac
Dennis C. McCornac là Phó Giáo sư kinh tế tại Trường Anne Arundel Community College, 101 College Parkway, Arnold, MD, Hoa Kỳ. E-mail: dmccornac@aacc.edu.

---------------------------------------------------------------

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Việt Nam bắt đầu sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Chính sách đổi mới, thường được dịch sang tiếng Anh là “economic renovation” tức đổi mới kinh tế, đã thúc đẩy nhiều thay đổi quan trọng trong các tổ chức xã hội và kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và mức sống của người dân. Tuy nhiên, mặc dù đã có những phát triển tích cực như trên, Việt Nam vẫn là một đất nước kém phát triển, và các tệ nạn liên quan đến cuộc sống ở đây vẫn chưa hề được giảm thiểu. Tham nhũng vẫn còn hoành hành trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, và trong năm 2007 Tổ chức Minh bạch quốc tế đã chấm cho Việt Nam một điểm số rất đáng buồn là 2,6 điểm trên thang 10, trong đó điểm 10 là là ít tham nhũng nhất.

Tham nhũng trong giáo dục
Tham nhũng trong giáo dục rất phổ biến, đặc biệt liên quan đến hành vi của người học và giảng viên. Hối lộ trong việc xin nhận vào trường học, trong các kỳ thi, và kết quả đánh giá, đây chỉ là một vài ví dụ thực tế trong cả hai lĩnh vực giáo dục trung học và đại học. Mặc dù những vấn đề này được các phương tiện truyền thông của nhà nước và cơ quan giáo dục theo dõi rất kỹ, nhưng khi xem xét các tài liệu viết về vấn đề này ta thấy có rất ít nghiên cứu chính thức về tham nhũng trong giáo dục. Điều này có thể là do cả hai thành phần nêu trên đều không sẵn sàng cung cấp thông tin về các giao dịch bất hợp pháp cũng như mức độ tham nhũng.

Phương pháp nghiên cứu
Việc thu thập dữ liệu thông qua một công cụ điều tra chính thức đã không được thực hiện do những hạn chế về mặt định chế. Vì thế, tác giả đã tiến hành điều tra phi chính thức trong các lớp học khác nhau mà mình đã giảng dạy trong thời gian dạy học của mình tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Kích thước mẫu là khoảng 150 sinh viên năm thứ nhất và 100 học viên sau đại học năm đầu tiên. Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn sâu đã được thực hiện với gần 35 học sinh thuộc các cấp học khác nhau, 13 giáo viên, và 5 nhà quản lý. Những cuộc phỏng vấn sâu này được tiến hành theo phương pháp bán cấu trúc, chủ yếu sử dụng câu hỏi mở.

Thông lệ chứ không phải là ngoại lệ
Thông tin mà các sinh viên, giảng viên, và nhà quản lý cung cấp đã cho thấy rõ ràng rằng tham nhũng trong giáo dục đại học ở Việt Nam không thể khống chế vì đã được thể chế hóa. Tham nhũng đã trở thành thông lệ chứ không phải là ngoại lệ, và tạo ra một môi trường thiếu lòng tin và đầy ngờ vực đối với những người bị buộc phải tham gia vào hệ thống này.

Trong cuộc điều tra phi chính thức trong các lớp học, hơn 95 phần trăm sinh viên báo cáo rằng họ đã gian lận ít nhất một lần trong lớp, và tất cả đều đã quan sát thấy sự gian lận của các sinh viên khác. Gian lận được xem là một hiện tượng phổ biến đến nỗi những người không tham gia sẽ bị rơi vào thế bất lợi. Xã hội và áp lực của bạn bè đóng một vai trò quan trọng khiến các sinh viên quyết định phải gian lận, và điều này được xem như là một thành phần cần thiết của kinh nghiệm giáo dục. Cả sinh viên và giảng viên đều nhận xét rằng gian lận chẳng qua là do "ở Việt Nam nó thế”.

Giáo viên và các kỳ thi
Các cuộc phỏng vấn khác nhau đã làm lộ ra câu chuyện về sự tham nhũng của các giảng viên, đặc biệt là trong thời gian thi cử. Ví dụ như trong một kỳ thi, một phụ nữ (không phải là giáo viên của lớp) đã xuất hiện trong lớp học và hướng dẫn các giám thị cho phép một trong những thí sinh rời phòng thi. Khi thí sinh này trở về, cậu ta đã có trong tay một mảnh giấy, rõ ràng là do phụ nữ kia cung cấp, trong đó có câu trả lời cho bài kiểm tra. Những câu trả lời cũng được cung cấp cho các sinh viên khác, trong khi các giáo viên đang coi thi đã không hề làm gì để ngăn chặn. Người sinh viên đã báo cáo lại câu chuyện này phát biểu: "Em cảm thấy rất thất vọng vì em đã học tập rất chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng những người không học hành gì và gian lận trong kỳ thi lại được điểm cao hơn."

Các giảng viên thừa nhận họ đã không nghiêm trong việc thực hiện các quy định coi thi. Nhà trường thì hoặc là thiếu chính sách nghiêm ngặt để đối phó với việc gian lận, hoặc cũng có thể đã có một sự đồng thuận chung rằng chẳng cần phải làm gì. Tản bộ dọc các hành lang của một trường đại học Việt Nam, sẽ dễ dàng quan sát thấy sinh viên công khai nói chuyện, trao đổi bài hoặc giấy nháp, và tha hồ chép bài của bạn trong thời gian kiểm tra.

Việc hối lộ
Do mức lương ngành giáo dục thấp, các nhà giáo tại Việt Nam thường phải tham gia vào thực tiễn tham nhũng. Hầu hết các giảng viên và các nhà quản lý được phỏng vấn đều thừa nhận có nhận được khoản bồi dưỡng để nâng điểm hoặc để hỗ trợ hay bảo lãnh một sinh viên nhập học vào trường đại học.

Một ví dụ điển hình do một cá nhân nêu ra về một người bạn đã vượt qua được kỳ thi đại học mặc dù học kém và chẳng chuẩn bị gì cho kỳ thi. Sinh viên này sau đó thú nhận rằng các hiệu trưởng của trường đại học đã được nhận là 100 triệu đồng (khoảng 6.200 USD) do người cha chi trả để đảm bảo việc nhập học của mình.

Một số sinh viên báo cáo về các hoạt động diễn ra vào ngày Lễ Nhà giáo, một ngày lễ kỷ niệm trong tháng mười một hàng năm. Vào ngày này, thông thường sinh viên, học sinh sẽ đến nhà giáo viên và tặng hoa. Tuy nhiên, hiện nay việc sinh viên tặng cho giáo viên những món quà đắt tiền như điện thoại di động hoặc các túi xách hàng hiệu vv đã trở nên phổ biến, với hy vọng họ sẽ đạt kỳ thi cao hơn và các ưu đãi khác để đáp trả lại.

Nền kinh tế đang phát triển chỉ làm tình hình nghiêm trọng hơn vì cuộc cạnh tranh tìm kiếm các cơ hội việc làm cho sinh viên đang tăng lên, còn giảng viên thì có nhu cầu lớn hơn trong việc tăng thêm thu nhập.

Kết luận
Không nghi ngờ gì nữa, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang cần được cải cách nghiêm chỉnh. Tham nhũng lan rộng như một bệnh dịch, và cần phải có những hành động nhằm thay đổi môi trường dung dưỡng cho các tệ nạn này. Quyết định gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc áp dụng các biện pháp mới và nghiêm ngặt hơn đối với các kỳ thi quốc gia, cũng như sự quan tâm nhiều hơn của các phương tiện truyền thông về vấn đề tham nhũng là những bước đi đúng hướng. Khẩu hiệu cho chiến dịch cải cách giáo dục hiện nay là "Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục." Tuy nhiên, hiện nay không chỉ có sự thất vọng của tất cả các bên có liên quan, mà còn là sự lo ngại rằng rằng tình hình hiện tại khó có thể thay đổi.

Nếu Việt Nam mong muốn có được một hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì yêu cầu cải cách là thực sự cần thiết đối với tất cả các bên. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất là phải có một sự thay đổi tận gốc về thái độ và tư duy của học viên, giảng viên, và phụ huynh. Giáo dục là một thứ quyền, và là một đặc quyền mà người nhận phải bỏ công sức ra để được hưởng, chứ không phải là một món hàng được bán ra bởi các nhà quản lý và các giảng viên.

Bản dịch do PA cung cấp, hoàn tất ngày 6/12/2009

8 comments:

  1. Sao không gửi nó lên báo Vietnamnet?

    ReplyDelete
  2. A, bác đã đọc rồi ư?
    Tôi đã bắt đầu dịch bài này lâu rồi, dịch cẩn thận lắm đấy bác ạ (không phải là do không hiểu, mà là chọn lựa từ sao cho đắt, để có vẻ tự nhiên như chính người Việt viết). Bác thấy đọc được không? ;-)
    Do bài này đã cũ cả năm rồi nên tôi cũng chẳng có ý gửi đi đâu. Bác nghĩ vẫn có nơi muốn đăng sao?

    ReplyDelete
  3. Gửi cho Trần Hữu Dũng để ông ta đăng lên là nó đình đám ngay. Còn nếu không thì tôi cho chị mượn cái blog của tôi để đăng rồi từ từ mọi người sẽ biết thôi.

    ReplyDelete
  4. Chẳng biết nói gì chị ạ.
    hề hề

    ReplyDelete
  5. Dear Bác Hải,
    Nếu bác thấy bài này đáng cho nhiều người đọc, và nếu bác thấy blog của bác có thể là nơi có nhiều người đến, thì nhờ bác cho tôi mượn cái blog của bác vậy. Còn gửi cho Trần Hữu Dũng thì ... có yếu tố nước ngoài, "em" ngại lắm bác ạ!

    ReplyDelete
  6. bài này trên Vietnamnet. Chị nên tham gia viết bài về chủ đề này.

    Bài dịch của chị có ý tưởng. Để tôi gửi link cho anh Ba Sàm nhen.

    ReplyDelete
  7. Vâng, cám ơn bác.

    Ý tưởng và vấn đề thì nhiều, mà thời gian thì ít bác ạ. Để tôi cố xem, vì sách giáo khoa cũng là vấn đề tôi bức xúc từ lâu rồi.

    Tôi vẫn có ý định đi sưu tầm lại bộ sách giáo khoa cũ đã được sử dụng trước năm 1975, không biết bây giờ tìm ở đâu nhỉ (chắc là các nhà sách cũ? không biết Thư viện quốc gia có còn lưu không?)

    ReplyDelete