http://forum.hanu.vn/forums/t/5642.aspx
--
"Tham nhũng trong giáo dục” là gì?
Từ lâu, thế giới đã quan tâm đến vấn nạn tham nhũng trong giáo dục. Vì theo định nghĩa, môi trường giáo dục phải sạch, tinh khiết còn hơn cả các phòng thí nghiệm nano, do lẽ đó chính là cỗ máy luyện ra con người. Cỗ máy không sạch làm sao sản xuất ra sản phẩm sạch?
IIEP (Viện Quốc tế về công tác kế hoạch hóa giáo dục), thuộc Tổ chức UNESCO, định nghĩa tham nhũng trong giáo dục: “Đó là việc sử dụng cơ sở công vì lợi ích riêng tư gây tác động đến việc tiếp cận giáo dục một cách có chất lượng và công bằng” (tr. 17).
Theo báo cáo của IIEP, tham nhũng “gộc” trong giáo dục là ở nơi những quan chức có vị trí chiến lược trong bộ máy quản lý lĩnh vực giáo dục, đặc biệt quan tâm đến những ai có tiếp xúc với viện trợ nước ngoài, mà khối lượng tiền bạc lớn có thể khuyến khích hành vi tham ô. Tham nhũng “tép riu” là nơi những ai có ảnh hưởng hạn chế trong bộ máy giáo dục, và đặc biệt hơn cả là có ảnh hưởng nơi các đối tượng của mình (thường là các giáo viên).
Chống tham nhũng từ đâu đây? Từ các tay “gộc” hay “tép riu”? Báo cáo cho biết “khuynh hướng thời thượng là việc các quan chức cao cấp, các chính khách cố ý thiên về các dự án hạ tầng cơ sở lớn lao, song bất cần biết liệu các chính sách đó có đáp ứng các nhu cầu giáo dục cấp bách của người nghèo hay không” (tr.17).
Hậu quả của tình trạng tham nhũng “gộc” là “không thể dạy dỗ đạo đức gì nơi học sinh, cũng chẳng thể thuyết phục gì được giáo viên sửa đổi hành vi của họ, khi mà chính các hiệu trưởng và các quan chức cấp cao lại công khai dính líu vào các hành vi tham ô” (tr.60).
Còn để giải quyết vấn nạn tham nhũng “tép riu” trong giáo dục, báo cáo ghi nhận thực tế éo le: “Thật không thích hợp chút nào nếu như không quan tâm đến bối cảnh nghèo khó trong đó giáo viên đang phải sống. Khó có thể giải quyết bài toán “dạy/ học kèm” nếu như không giải quyết vấn đề lương giáo viên thấp” (tr.61).
Vậy bắt đầu từ đâu? Báo cáo lưu ý rằng giữa tham nhũng “gộc” và tham nhũng “tép riu” có mối quan hệ “qua lại”: tham nhũng “gộc” thường lan thấu xuống bên dưới; tham nhũng “tép riu” dai dẳng miết là do được tham nhũng “gộc” dung túng, trong khi đó tham nhũng “tép riu”, ngược lại, cũng làm ngơ trước tham nhũng “gộc”. Thế cho nên có chống phải chống cả hai.
Báo cáo khuyến cáo chống tham nhũng trong giáo dục phải nằm trong nỗ lực chống tham nhũng chung của cả nước. Ở Uganda, người ta sử dụng báo chí làm công cụ chống tham nhũng một cách phổ biến nhất, cho mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Báo chí mỗi tháng đều đăng ngân sách, kinh phí trung ương rót xuống địa phương là bao nhiêu, cho những hạng mục gì. Cho trường học này, trường học kia bao nhiêu để dân chúng có thể so sánh giữa kinh phí được rót và những gì đã thực hiện (tr.69).
Song, vấn đề mới nảy sinh lại là: Làm thế nào kiểm tra độ tin cậy và độ chính xác của dữ kiện thu thập được? Có thể huy động các khảo sát thăm dò cảm nhận của những “người trong cuộc”, từ người dân đến các đoàn thể, để xem dị biệt hay nhất trí cảm nhận đến đâu.
Đến đây, IIEP lại nhắc đến Công ước về quyền trẻ em, mà nhiều quốc gia đã ký và phê chuẩn, có nêu rõ ba quyền chính: quyền được phát triển, giáo dục và thông tin. Viện dẫn quyền được thông tin đó, ở Ấn Độ, tại một số bang, các công dân - phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường công khai ngân sách cấp cho nhà trường, sử dụng như thế nào (tr.71).
Báo cáo cho biết ở những nước như Ấn Độ chẳng hạn có đạo luật quyền được thông tin (RTI), thì ở đó dễ chống tham nhũng hơn (tr.73).
Thử đọc trên mạng Desicritics của Ấn Độ, một bài báo đăng hôm 25-12: “Một trong những cú sét lớn nhất giáng xuống đầu tham nhũng có tổ chức tại Ấn Độ là luật RTI. Cho dù là chính quyền trung ương, tiểu bang hay địa phương, luật này cũng trưng ra trước ánh sáng ban ngày những nhà ra quyết định; kết quả là nếu có một nhóm nào đó phạm pháp trong tiến trình ra quyết định, cũng sẽ phải rút lại quyết định do sợ bị đưa ra trước thanh thiên bạch nhật.
Với luật RTI, ngoại trừ trong một vài lĩnh vực hạn chế, bất cứ công dân nào cũng có thể yêu cầu được thông tin về bất cứ khía cạnh nào của chính phủ mà không phải tốn phí gì. Thông tin đó phải được cung ứng cho người yêu cầu, bằng không sẽ bị hình phạt.
Đạo luật RTI vừa được thông qua năm 2005 có phải là “phép mầu” hay không? Nhật báo India Express 24-12-2006 cho là như thế khi viết: “Trong suốt sáu thập niên sau khi giành được độc lập, vẫn chẳng có gì hoạt động ra hồn cả tại khu vực Naraini ở Banda.
Dân chúng thi thoảng kêu la, song chẳng ai nghe. Cho đến khi họ khám phá ra luật RTI, và mọi việc đã thay đổi chỉ trong vòng ba tháng. 14.000 dân của ngôi làng đó, cách thị trấn Banda 60km, hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, không đường, không điện, không cầu bắc qua sông. Trạm xá gần nhất thì cách xa những 15km.
Ngày 1-7 năm nay, họ điền đơn yêu cầu được thông tin về chuyến viếng thăm của ông quận trưởng vào tháng ba năm ngoái, muốn biết xem ông quận trưởng đã có ra lệnh gì sau chuyến thăm, và chi tiết số tiền cấp cho làng của họ là bao nhiêu. Chỉ trong một tháng, họ đã có được những gì họ mong ước từ 60 năm qua: 7,8km đường và một cây cầu đã được khởi công vào tháng chín vừa qua, điện cũng đang được kéo về...”.
Thật ra, đạo luật RTI (quyền được thông tin) đó cũng sẽ “chẳng là gì”, trừ phi có một ý muốn chính trị chấp nhận công khai thông tin, chủ yếu là thông tin về chi tiêu, để quản trị quốc gia tốt hơn.
24H.COM.VN (theo TT)
Friday, December 11, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment