Tuesday, December 8, 2009

GD VN trên báo VN: "Chống tham nhũng từ cấp 3: Học cho vui?"

Tin đáng chú ý: Đưa nội dung chống tham nhũng vào chương trình cấp 3!
Dưới đây là thông tin từ vietnamnet, với ý kiến của một thầy giáo, và thông tin từ một quan chức ngành giáo dục

--

Chống tham nhũng từ cấp 3: Học cho vui?

Cập nhật lúc 14:48, Thứ Ba, 08/12/2009 (GMT+7)
,
Đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục vừa được phê duyệt.

Bạn Hà Văn Thịnh (ĐH Khoa học Huế) thắc mắc: Đề án có nói đến kinh nghiệm của Trung Quốc, Thuỵ Điển, Singapore…, nhưng có thực là với 4-5 tiết học (ở THPT, đại học) là đủ để xác lập được “văn hoá chống tham nhũng” trong HS - SV hay không?

Và, liệu có trở thành phong trào (học cho vui) và tốn tiền (nghiên cứu triển khai Đề án), mất thì giờ (dạy và học), nếu cứ tiếp tục cưỡi ngựa xem hoa trong lĩnh vực giáo dục đạo đức?

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu ý kiến của bạn Thịnh.
--

"Văn hóa tham nhũng” ở đâu ra?

Cái nền móng thứ nhất của “văn hoá” tham nhũng chính là thế hệ cán bộ được đào tạo vội vàng, trao chức quyền rất vội vàng sau chiến tranh.

Đấy là những người chưa được giáo dục đầy đủ về “văn hoá quyền lực”; nói tóm lại là thiếu hẳn cái tâm, cái tầm, cái dũng khí của một người được giao trọng trách.

Nếu truy nguyên thì có thể thấy rõ là cán bộ - “nông dân một nửa, công nhân một nửa” khi có quyền lực thì không còn “sản xuất” ra lúa mì nữa mà chỉ “bán” và thu lợi một cách dễ dàng! Không phải ngẫu nhiên mà các vụ tham nhũng ở ta, hơn 80% liên quan đến đất đai – cái nền đầy tính lãng mạn và thực dụng của tư tưởng tiểu nông.

Cái nền móng thứ hai là cơ chế quản lý quan liêu, cồng kềnh, lãng phí, thủ tục hành chính rườm rà và vô số kẽ hở. Thêm vào đấy, các chế tài trừng phạt giơ cao đánh khẽ theo kiểu “tham nhũng to bằng con voi nhưng xử lý to bằng con kiến” đã “góp phần” tạo điều kiện cho tham nhũng lộng hành.

Một khi cán bộ nhiều như thế (cấp phó có 5,7, thậm chí 13 vị) thì sự chồng chéo, “nhàn cư vi bất thiện” là lẽ đương nhiên.

Không phải tự nhiên mà nhiều cán bộ đua nhau học đại học, kiếm bằng cấp cho bằng được rồi đua nhau vào làm ở các cơ quan nhà nước.

Dạy chống tham nhũng: Bắt đầu từ người thầy

Nếu học sinh, ngay từ khi được học buổi học đầu tiên được giáo dục một cách đầy đủ rằng sự trung thực là yếu tố quan trọng nhất của đạo đức, thiếu nó là một con người khiếm khuyết, thiếu tự trọng thì chắc chắn giá trị sẽ lớn hơn nhiều so với 4-5 tiết học phòng chống tham nhũng.

Một khi tính trung thực được coi là kim chỉ nam của cuộc đời, lòng nhân ái là mục đích sống có ích, tốt đẹp nhất, ăn cắp của người khác, dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là tội lỗi không thể tha thứ, thì sẽ không có “văn hoá” tham nhũng.

Mặt khác, xét về tính khoa học, mấy tiết học có đủ để dạy cho học sinh, sinh viên nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng như nguyên nhân, tác hại, thái độ, ứng xử của học sinh với hành vi tham nhũng…?

Xin dẫn ra đây 2 câu chuyện có thật qua ngày 20/11 vừa rồi.

Có người bạn cũng dạy học ở Vinh gọi điện cho tôi, hỏi rằng 20/11 được “mấy chục”? Tôi nghe mà đau xót bởi đó dường như là tình trạng phổ biến thời nay.

Câu chuyện thứ hai là lúc 2 vợ chồng ngồi hỏi nhau xem tìm món quà nào tặng cô giáo thì con bé Cún 6 tuổi chen ngang: “Cô con thích tiền”.

Hai ví dụ trên thấy rằng một bộ phận không nhỏ các thầy giáo, cô giáo hiện nay đã xuống cấp về mặt đạo đức. Chúng ta không nên “bưng tai” trước sự thực ấy.

Hãy trả lương sao cho giáo viên đủ sống, có tích luỹ để người thầy trở thành tấm gương đầu tiên không tham nhũng trong con mắt của bọn trẻ.

Giá trị của sự trong sáng, đáng kính ấy sẽ lớn hơn rất nhiều mấy tiết học phòng chống tham nhũng.

Tôi cho rằng sự tha hoá về đạo đức của người thầy là nguy cơ lớn nhất trong việc phòng chống tham nhũng ở trường học.

Hà Văn Thịnh (ĐH Khoa học Huế)
--
Đọc xong những dòng này, nghe buồn quá, nhưng mà đúng quá!

--

Tiến sĩ Đỗ Gia Thư - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (nơi xây dựng Đề án)

TS Đỗ Gia Thư
Học sinh hiện đang bị quá tải, không chỉ các chương trình học chính mà các em phải học quá nhiều các môn lồng ghép, tích hợp như Luật giao thông, môi trường, tiết kiệm năng lượng điện... nay lại thêm nội dung phòng chống tham nhũng. Khi xây dựng Đề án, Thanh tra Chính phủ có tính đến yếu tố này không?

Tôi cũng thấy rằng chương trình dạy học hiện nay của chúng ta đang rất quá tải nên trong quá trình xây dựng đề án chúng tôi cũng đã tính toán đến điều này. Đối với học sinh THPT thì mức độ chỉ để các em nhận biết thế nào là chống tham nhũng, chủ yếu lồng ghép vào các môn giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn và không tạo thành các môn học riêng.

Còn đối với bậc ĐH,CĐ, TCCN... thì mục đích nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân về phòng chống tham nhũng.

Qua đó, giúp cho các đối tượng này phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Riêng đối với các trường chuyên về Luật, Học viện Hành chính, hoặc liên quan trực tiếp đến công tác nội chính như Toà án, Kiểm sát, Công an thì bổ sung thêm nội dung cơ bản của Pháp luật về phòng chống tham nhũng, kỹ năng phòng chống tham nhũng và kinh nghiệm nước ngoài về phòng chống tham nhũng.

Thời lượng dạy nội dung này thì được tính thế nào thưa ông?

Ở các trường ĐH,CĐ thì nội dung phòng chống tham nhũng được lồng ghép vào môn Pháp luật đại cương với thời lượng là 5 tiết cho tất cả các ngành đào tạo, các trường trung cấp thì thời lượng là 4 tiết.

Nhưng đối với các trường chuyên về luật hoặc liên quan đến công tác nội chính thì nội dung này cũng được tích hợp trong môn học Pháp luật nhưng với thời lượng khoảng 15 tiết. Trong đó có ít nhất 5 tiết tự nghiên cứu.

Ngoài ra, các trường chủ động lựa chọn nội dung hoạt động ngoại khoá để đưa để đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào như báo cáo chuyên đề trong sinh hoạt HSSV hàng năm, thi tìm hiểu pháp luật, văn hoá, văn nghệ, xây dựng chuyên mục phòng chống tham nhũng trên các trang thông tin điện tử của trường ... Tôi cho rằng như thế cũng không quá tải.
(Theo Dân Trí)

2 comments:

  1. Tôi đọc bài "Giáo viên phải là người đầu tiên học phòng chống tham nhũng" trên DÂN TRÍ mag không hiểu ông Gia Thư nói gì. Hay PV chép không chuẩn?
    “Mục đích của đề án phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục đào tạo, bồi dưỡng là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời xây dựng ý thức cho cán bộ công chức trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì tham nhũng chủ yếu tập trung ở các đối tượng thực hiện quyền lực của nhà nước, các cán bộ công chức, để từ đó nâng cao ý thức, phát huy các vai trò của các tổ chức xã hội, tạo ra một phòng trào, một thói quen văn hoá chống tham nhũng.(sic)

    Tôi không hiểu người ta định làm gì.

    ReplyDelete
  2. Thưa anh Kiên,

    Tôi cũng không hiểu nốt, khi đọc đoạn trích của anh (đọc đi đọc lại rồi!)

    Cám ơn anh đã chia sẻ. Về vấn đề này có lẽ tôi sẽ phải viết tiếp một chút anh ạ. Khi có thêm một ít thời gian.

    PA

    ReplyDelete