Tuesday, May 12, 2020

Giáo dục cộng đồng và học tập cộng đồng (1)

Dẫn: Có thể các bạn đã từng nhìn thấy nhưng không chú ý các bảng hiệu mang tên "Trung tâm Giáo dục cộng đồng" ở nhiều nơi nhiều địa phương ngay trong thành phố này. Học tập cộng đồng là một phần của phong trào giáo dục cộng đồng đã được  UNESCO  phát động  từ thập niên 1960 của thế kỷ trước. Nhưng giáo dục cộng đồng hoặc học tập cộng đồng có nghĩa là gì vậy? Xin đọc bài viết dưới đây.
-------
Nguồn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1635236186689387&substory_index=0&id=1425422397670768
A. Định nghĩa Giáo dục Cộng đồng
Nhiều nhà giáo dục và xã hội học đã định nghĩa khác nhau hai từ ngữ giáo-dục và cộng-động. Nhưng thông thường, chúng ta có thể nhiểu:
1. Giáo dục: (giáo: dạy bảo, làm thay đổi về phương diện tinh thần; dục: nuôi nấng, làm thay đổi về phương diện vật chất là dẫn dắt, đem con người từ tình trạng hiện hữu đến một tình trạng khả quan hơn, bằng những phương tiện thích hợp.
2. Cộng đồng: (cộng: chung; đồng: cùng) một nhóm người (trẻ con và người lớn) cùng ở chung một địa phương rộng hay thu hẹp (khối cộng đồng) cùng có chung một truyền thống văn hóa và những nhu cầu, nguyện vọng giống nhau.
3. Giáo dục cộng đồng: trong phạm vi nền giáo dục quốc gia, giáo dục cộng đồng có thể hiểu là một đường lối giáo dục thực tiển, linh động, phù hợp với thực trạng xã hội nước nhà, ở mọi địa phương, nhằm dạy dỗ trẻ con và hướng dẫn dân chúng thu thập một số kiến thức tối thiểu và khả năng chuyên môn để có thể nâng cao mức sống và góp phần vào việc xây dựng xã hội.

B. Mục đích của Giáo dục Cộng đồng
Một nền giáo dục song phương như giáo dục cộng đồng nhằm các mục đích sau đây:
1. Tạo sự thăng bằng cho mức tiến bộ giữa dân chúng: Giáo dục Cộng đồng nhằm vào sự cải thiện cộng đồng nông thôn và các khu xóm lao động ở thành thị, bởi vì chính những vùng đó mới không được hưởng thụ, hay nếu có, thì cũng rất ít ỏi, ánh sáng của văn minh tiến bộ về kỹ thuật.
Sự thăng bằng nói trên là thiết yếu vì đường lối của Chính phủ luôn luôn là giúp cho mọi tầng lớp dân chúng tiến bộ đồng loạt.
2. Giáo dục thành phần tráng niên để giúp cho việc giáo dục trẻ em đạt được kết quả tốt đẹp:
Công cuộc giáo dục của học đường chỉ có thể đạt được kết quả tốt đẹp, nếu học sinh khi bước chân ra khỏi trường không thấy những điều trái ngược với lời thầy dạy bảo. Cho nên, sự giáo huấn của thầy, cô phải đi đôi với việc cải tạo hoàn cảnh bên ngoài.
Một nhà giáo dục đã nói rằng: "Nhà trường dạy cho trẻ em thi đậu, nhưng chúng tập sống bằng cách nhìn người khác sống. Và nếu ở nhà trường người ta dạy cho chúng một điều gì mà trong gia đình dạy cho chúng một điều trái lại, thì kinh nghiệm lúc nào cũng chiếm phần ưu thế".
Do đó, cần có một công cuộc giáo dục song phương để giúp cho tất cả thành phần trong cộng đồng có thể tiến bộ.
3. Giúp cho trẻ em hiểu biết địa phương của chúng để có thể khai thác những tài nguyên sẵn có nơi đó và yêu mến địa phương của chúng.
Theo nguyên tắc sư phạm là dạy trẻ em từ gần đến xa, từ những điều đã biết đến những điều chưa biết, giáo dục cộng đồng dùng ngay cảnh vực địa phương làm nguồn tài liệu giáo dục và dùng giáo dục làm phương tiện cải thiện lần lần hoàn cảnh địa phương, nâng cao điều kiện sinh hoạt của dân chúng. Đối với những học sinh không có điều kiện tiếp tục việc học cho đến bậc Trung học, Đại học, chúng sẽ ở lại với địa phương và trở thành những phần tử tiến bộ biết khai thác những nguồn lợi của địa phương và yêu mến địa phương mình.

C. Hoạt động Giáo dục Cộng đồng
1. Trong học đường: Dạy cho học sinh đọc, viết, tính toán và những kiến thức phổ thông, theo một phương pháp hoàn toàn cải thiện, mục đích đào tạo trẻ em sau này thành những công dân tốt, yêu mến địa phương và phục vụ hữu hiệu cho đời sống cộng đồng.
2. Ngoài học đường: Phổ biến trong dân chúng những kiến thức khoa học, những kỹ thuật tiến bộ để cải thiện đời sống xã hội về các phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế... Phương pháp áp dụng rất mềm dẻo, linh động cho sát với thực trạng địa phương và với tâm lý, nguyện vọng khả năng của dân chúng.

Trích trong sách giáo khoa GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG của bậc Tiểu học trên toàn miền Nam trước 1975. Bộ sách này được sự bảo trợ kỹ thuật của UNESCO được áp dụng từ những năm đầu 1960.
Tài liệu có thể được tải từ địa chỉ http://www.namkyluctinh.com/eBooks/Giaoduc-congdong-1971.pdf

No comments:

Post a Comment