Tuesday, May 12, 2020

Giáo dục cộng đồng ở bậc tiểu học thời VNCH

Dẫn: Trong post trước tôi đã nhắc đến các Trung tâm học tập cộng đồng mà hiện nay chúng ta có thể thấy nhan nhản khắp nơi, mặc dù không rõ những trung tâm này hoạt động như thế nào và có tác động ra sao. Thậm chí, khái niệm giáo dục cộng đồng dường như cũng là một khái niệm được xem là mới đối với nhiều người VN hiện nay, đi đôi với phong trào giáo dục thường xuyên và các khái niệm học tập suốt đời (lifelong learning) và xã hội học tập (learning society).

Nhưng có thật đây là khái niệm mới trong giáo dục không? Các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng từ trước năm 1975, khái niệm giáo dục cộng đồng đã được viết thành sách giáo khoa, còn thực tế thì đã áp dụng từ giữa thập niên 1950 (chính xác là sau năm 1954) tại miền Nam ngay từ thời tiểu học. Tôi vẫn còn nhớ những cuốn sách giáo khoa thời VNCH mà tôi được học từ tiểu học, sách do USAID tài trợ, trên có in logo 2 bàn tay nắm vào nhau. Những cuốn sách giáo dục công dân và vệ sinh thường thức rất gần gũi đời thường, mà tôi còn nhớ như in bài đầu tiên nói về mấy anh chị em sáng ra ngủ dậy đánh răng rửa mặt trước khi đi học. Thậm chí còn nhớ cả những câu văn trong bài học ấy: "Lan ngồi dậy vươn vai. (? không nhớ rõ tên gì) ngồi dậy dụi mắt. Cường còn ngủ."

Hóa ra, có những việc chúng ta đã từng làm rất sớm, thậm chí bắt nhịp được với thế giới, mà rồi do các biến cố thời cuộc đã bị bỏ mất và bây giờ cần phải mày mò làm lại. Buồn, nhưng buồn thì cũng chẳng làm được gì. Thôi thì chúng ta hãy làm những gì mình có thể làm, và với tôi, đó là đi tìm lại những tài liệu cũ để đưa về đây phổ biến cho mọi người cùng biết. 

Bài dưới đây chính là lời giới thiệu được chép từ trong cuốn tài liệu giáo khoa có tựa là Giáo dục cộng đồng, Ban Giáo dục cộng đồng, thuộc Tiểu học và Giáo dục cộng đồng biên soạn, và Trung tâm học liệu thuộc Bộ Giáo dục (VNCH), xuất bản năm 1971 tại Sài Gòn. Xin mời các bạn.
---------------
"Giáo dục cộng đồng", những tiếng ấy hôm nay không còn lạ tai đối với quảng đại quần chúng như 10 năm trước nữa.

Thực vậy, phương thức giáo dục cộng đồng được chính thức áp dụng tại nước nhà vào năm 1956. Số trường cộng đồng lúc sơ khởi là 18, lên đến 852 trong niên khóa 1966-1967, rồi 1336 trong niên khóa qua (1968-1969). Đến nay thì giáo dục cộng đồng đã nghiễm nhiên đóng một vai trò chính yếu của bậc tiểu học do nghị định số 2463/GD/PC/NĐ ngày 25/11/1969 của Bộ Giáo dục, nhất loạt cộng đồng hóa tất cả các trường của bậc tiểu học trên toàn quốc, bắt đầu từ niên khóa 1969-1970.

Để đáp ứng nhu cầu đang lên ấy, nhiều khóa hội thảo, tu nghiệp, huấn luyện đã được tổ chức và nhiều tài liệu về chủ trương, đường lối và phương pháp của giáo dục cộng đồng đã được phổ biến đến các Ty, Sở để các giáo chức có phương tiện tham khảo và nghiên cứu.

Sau một thời gian áp dụng , thử thách, rút kinh nghiệm, các tài liệu trên được tu chỉnh và được Bộ Giáo dục xuất bản với nhan đề Giáo dục cộng đồng vào năm 1966.

Giáo dục là một công tác linh động, biến chuyển, mà giáo dục cộng đồng lại càng linh động hơn, luôn chuyển mình theo cuộc sống của từng địa phương, phù hợp với hoàn cảnh, với tâm tình, với cảm nghĩ của người dân mới mong đem lại một thành quả đúng với ý nghĩa cao cả của nó. Thưc hiện sứ mệnh giáo dục cộng đồng, giáo chức phải đặt mình trọn vẹn trong cộng đồng sinh hoạt, ở thành thị cũng như ở nông thôn.

Giáo chức sẽ tìm thấy trong tập Giáo dục Cộng đồng được tu chỉnh và bổ túc này những gì cần thiết cho chính mình, những hành trang vô cùng thiết yếu để vững bước trên con đường Giáo dục cộng đồng.

Tôi hết lòng ca ngợi những tác giả đã đóng góp cho tập tài liệu này được dồi dào, những nhân viên Ban Giáo dục Cộng đồng Nha, những người bạn trẻ yêu nghề, hăng hái hoạt động, tận tụy đóng góp thiện chí và kinh nghiệm cho nền giáo dục cộng đồng.

Tôi cũng hết lòng tin tưởng vào hàng hàng lớp lớp giáo chức trên mọi nẻo đường đất nước đã và đang âm thầm đào tạo một thế hệ tương lai cho xứ sở, trong sự điêu tàn đổ nát từ vật chất đến tâm linh, mà chiến tranh dằng dai đang tàn phá quê hương nhỏ bé này.

Với niềm tin sắt đá vào thiên chức của nhà giáo, tôi hân hoan giới thiệu tập "Giáo dục cộng đồng" này là kim chỉ nam của đường lối giáo dục mới trong giáo dục tiểu học.

Sài Gòn ngày 10 tháng 12 năm 1969
Giám đốc Nha Tiểu học và Giáo dục cộng đồng
TRƯƠNG VĂN ĐỨC

Tài liệu gốc có thể tải ở đây, bản pdf: http://www.namkyluctinh.com/eBooks/Giaoduc-congdong-1971.pdf

Cũng có thể truy cập từ trang này: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/



No comments:

Post a Comment