"Sợ 'chuẩn châu Âu'" là một phần của cái tựa của mẩu tin ngắn đăng trên Thanh Niên ngày hôm qua. Nguyên văn của nó, nếu tôi nhớ không lầm, là "Sợ 'chuẩn châu Âu', 40% giáo viên bỏ thi". Có thể đọc ở đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130312/so-chuan-chau-au-40-giao-vien-bo-thi.aspx.
Tựa thì ngắn, tin cũng ngắn, nhưng những gì chứa sau mẩu tin ấy là một câu chuyện dài vô tận, dài tính từ ngày hôm nay trở về quá khứ thì đã đành mà có thể cũng còn rất dài khi nhìn tới tương lai nữa. Ý tôi muốn nói là quá khứ đã để lại một di sản nặng nề là sự yếu kém của giáo viên tiếng Anh, còn làm sao để giải quyết cái di sản này thì hình như cho đến giờ vẫn chưa thực sự có giải pháp.
Không, thực ra thì giải pháp đã có rồi, ít ra là có trên giấy. Đề án 2020 đã được lập ra chính là để làm sao đến năm 2020 thì tiếng Anh phải trở thành thế mạnh của Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những chuẩn mực về trình độ đầu ra tiếng Anh cho từng đối tượng. Ví dụ, hết tiểu học thì học sinh phải đạt tiêu chuẩn A1, hết trung học cơ sở là A2, và hết trung học cơ sở là B1. B1 cũng là trình độ đầu ra tối thiểu của sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tất nhiên là trừ những sinh viên tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Anh (cử nhân Anh văn như ta thường gọi). Những sinh viên này khi tốt nghiệp tất nhiên phải đạt cao hơn, tối thiểu phải đạt B2, nếu không thể đạt C1.
Những ai không phải là dân chuyên giảng dạy tiếng Anh thì chắc không hiểu A1, A2, B1, B2 vv là gì, mà chỉ biết đơn giản, đó là "chuẩn châu Âu"! Mà chuẩn châu Âu thì hẳn phải là một cái gì đó ghê gớm lắm, vì ai chẳng biết mức sống ở châu Âu cao như thế nào so với Việt Nam. Nên chắc hẳn trình độ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu cũng phải là một trình độ rất cao, khó lòng đạt nổi đối với giáo viên VN. Tôi nhớ đã có lần đọc trên báo có một giáo viên nào đó than rằng, trả lương (bèo) như vậy mà đòi chúng tôi đạt chuẩn châu Âu, nghe vừa buồn cười, vừa đau lòng quá đỗi. Vì chuẩn châu Âu hay chuẩn Mỹ (như TOEFL, TOEIC) hoặc chuẩn Anh, Úc (IELTS), thậm chí chuẩn ... Tàu (vì TQ cũng có thiết kế một loại đề thi tiếng Anh cấp quốc gia cho riêng mình) thì cũng chỉ là để đo các mức trình độ tiếng Anh từ mới học đến thành thạo mà thôi.
Mà giáo viên của mình hiện nay đã là 2013, còn có 7 năm nữa là đều phải đạt cỡ C1 hết, vậy mà bây giờ thì ngay ở trình độ B1, tức trình độ mới bắt đầu có thể sử dụng độc lập (ngày xưa hay gọi là trình độ trung cấp, thậm chí tiền trung cấp) còn chưa đạt được, thì dạy dỗ người học như thế nào đây? Nên mới có cái gọi là "nỗi buồn tiếng Anh" là như thế. (Cái cụm từ này là do một người bạn của tôi đặt ra đấy, nhại theo "nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh.)
Về nỗi buồn tiếng Anh này tôi còn có thể nói được dài dài, nhưng tạm thời hôm nay cứ mào đầu như thế đã. Sẽ viết thêm sau. Còn dưới đây là một mẩu tin chi tiết hơn, lấy từ trang Sống mới (SM) online, nhưng tiếc là tôi quên chép link lại nên không có link, đành tạm đăng lên thế.
Biết làm gì đây?
-------------------
Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, ông Nguyễn Đắc
Hùng cho biết, 40% giáo viên bỏ thi trong cuộc thi khảo sát “chuẩn châu
Âu” B1, B2 tháng 2/2013 .
Ông Hùng quan ngại việc triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ gặp nhiều bất cập khi kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên (GV) ở nhiều tỉnh/TP chỉ có 2-3 % GV đạt chuẩn châu Âu. Đại bộ phận GV chưa đạt chuẩn châu Âu chiếm tới 97%-98%. Tỉ lệ này đang đe dọa đến sự thành công của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Theo kế hoạch của Bộ, GV tiếng Anh THCS phải thành thạo 4 kỹ năng cơ bản với trình độ ngôn ngữ tương đương IELTS 5.5 hoặc TOEFL 500.
Trong một cuộc thi khảo sát trên máy nhằm kiểm tra năng lực của giáo viên Đồng Nai do Hội đồng Khảo thí ĐH Cambridge tại Việt Nam tổ chức. Các thí sinh sẽ được nhận mã bài thi và thực hiện khảo sát trên máy. Kết quả cho thấy, bậc tiểu học có 174/319 GV đạt và vượt chuẩn (54,5%), THCS: 65/819 GV đạt và vượt chuẩn (7,9%), THPT có 13/335 GV đạt chuẩn (3,8%).
Muốn triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tất yếu phải chuẩn hóa
đội ngũ GV giảng dạy, sau đó mới chuẩn hóa ở đầu ra cho giáo sinh vì GV
chính là mắt xích quan trọng trong Đề án, nhưng bản thân các trường sư
phạm gặp khá nhiều khó khăn khi đào tạo GV đáp ứng đủ yêu cầu của bộ vì
lâu nay các trường vẫn đào tạo theo “tiêu chí Việt Nam”.
Trong khi đó, thực tế muốn đào tạo GV “chuẩn Âu” yêu cầu sinh viên sư
phạm phải có nền tảng từ bậc phổ thông. Mà ở bậc phổ thông, chủ yếu các
em được học về ngữ pháp, trong khi đó, yêu cầu lớn nhất của Đề án đòi
hỏi người dạy phải có kỹ năng nghe, nói. Đó là rào cản lớn nhất của
người học. Bên cạnh đó, GV giỏi tiếng Anh thường đi làm trái nghề, công
việc thu nhập cao, không muốn theo nghiệp nhà giáo với thu nhập hạn chế.
Trong kỳ thi cao học tháng 8/2013 của Trường Đại học sư phạm HN, cũng
như nhiều trường Đại học khác, các thí sinh không chuyên tiếng Anh muốn
dự thi phải có bằng B1, điều này khiến không ít người lo sợ, đổ xô thi
vào đợt tháng 3/2013, tạo áp lực khá lớn cho người muốn theo học sau đại
học. Nhà nước muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng cần phải dựa trên
tình hình thực tế. Trong khi từ trước luôn đào tạo theo “tiêu chí Việt
Nam” bỗng dưng ngay lập tức đổi chuẩn châu Âu, khiến GV khó đáp ứng kịp. 40% giáo viên bỏ thi trong cuộc khảo sát B1, B2 vì họ biết chắc là sẽ
không đạt.
Chưa thấy Bộ sẽ có hình thức nào để xử lý các giáo viên “cúp cua” kiểu này. Song qua sự việc trên, cũng có thể thấy chất lượng dạy và học, ở ngay tầm của giáo viên cũng đang phổ biến ở mức thấp, huống chi tính đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cấp mà năm nao Bộ GD&ĐT cũng nêu cao khẩu hiệu.
No comments:
Post a Comment