Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Là một người được đào tạo trong nghề giảng dạy ngoại ngữ, tất nhiên là tôi quan tâm đến đề án này. Một đề án quan trọng mà nếu thực hiện được thì tôi tin rằng sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho đất nước. Tuy nhiên, muốn biết bao giờ ta có thể đi đến đích thì trước hết cần phải biết xuất phát điểm của mình ở đâu. Và muốn vậy thì cần phải có một cuộc khảo sát lớn về trình độ tiếng Anh hiện tại của người Việt. Trước đây, tôi cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát như thế qua một đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đặt hàng, và đã được nghiệm thu vào năm 2004.
Kết quả của cuộc khảo sát ấy (được thực hiện trên một mẫu chủ định có cỡ khoảng 1000 sinh viên thuộc các trường đại học lớn đóng trên địa bàn TP HCM) không lấy gì làm khả quan: sinh viên học gần xong năm thứ ba của những trường thuộc hạng top của chúng ta lúc ấy chỉ mới đạt khoảng 360-370 điểm TOEFL (paper-based), là một mức rất thấp vì chỉ tương đương khoảng 3.0-3.5 IELTS mà thôi!
Tất nhiên cuộc khảo sát ấy đã khá lâu, cũng gần 10 năm rồi vì số liệu để thực hiện cuộc nghiên cứu ấy được thu thập từ năm 2002. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi và rất cần có một cuộc khảo sát khác, đặc biệt là khi bắt đầu triển khai đề án 2020. Chẳng biết trong các thành phần của đề án ấy có thành phần nào dành cho việc thường xuyên khảo sát trình độ tiếng Anh của người Việt hay không - tôi vẫn tò mò tự hỏi. Vì phải khảo sát thường xuyên như thế thì mới đánh giá được mức độ hiệu quả của đề án.
May sao, việc khảo sát ấy ta chưa làm thì đã có nơi làm giúp cho ta rồi. Vì mới đây, một tổ chức tư nhân tên EF (viết tắt của cụm từ English First) đã thực hiện khảo sát và phân loại trình độ tiếng Anh của 44 nước trên thế giới (tất nhiên là những nước nơi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, hoặc là ngôn ngữ thứ nhất như Singapore). Thú vị hơn nữa là EF còn thực hiện xếp hạng các quốc gia theo trình độ tiếng Anh dựa trên kết quả khảo sát này. Trong số các quốc gia được EF xếp hạng đó, có nhiều nước láng giềng châu Á của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan vv. Tất nhiên là có nhiều quốc gia thuộc các khu vực địa lý khác nữa, trong đó có nhiều nước châu Âu.
Vậy chứ đố biết Việt Nam đứng ở đâu so với các nước khác trên thế giới? Ai muốn biết, xin vào đây để download về đọc, ắt sẽ rõ thôi. Chà chà, hồi hộp quá phải không? Chẳng biết là mình hơn hay kém mấy nước láng giềng nữa đây. Thôi thì ... để tôi nói đại nhé: kết quả chẳng hay ho gì đâu! Có 5 loại từ cao đến thấp, thì chúng ta được xếp vào loại thấp nhất, loại thứ 5, Very Low Proficiency! Còn nếu xếp hạng, thì chúng ta xếp thứ ... 39/44, hơn được 5 nước là Panama, Columbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Kazakstan. Hic! Buồn thế, nhưng thôi, cũng còn một điều an ủi: ta còn đứng trên Thái Lan kia mà!!!!
Thế mấy nước láng giềng khác của ta thì đứng ở đâu? À, cả hai người khổng lồ của Châu Á là TQ và Ấn Độ đều lọt vào loại thứ 4, là loại Low Proficiency. Đài Loan cũng nằm trong loại 4 này. Còn loại 3 thì có các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hồng Kông. Đây là loại Moderate Proficiency, trong đó có cả nhiều nước châu Âu. Hai loại trên cùng - High Proficiency và Very High Proficiency thì tuyệt đại đa số là các nước châu Âu, chỉ trừ có một nước Đông Nam Á khá gần gũi ta. Đố biết là ai nào?
Thôi, không cần đoán nữa, đó là Mã Lai, với hạng 9/44. Đáng nể chưa? Đó chính là kết quả của các chính sách giáo dục rất đúng đắn và đột phá dưới thời thủ tướng Mahathir của Mã đấy. Một chính sách được thực hiện rất kiên trì và ráo riết trong vòng mấy chục năm trời.
Nào, bây giờ thì chúng ta nhắm mắt lại và hình dung xem năm 2020 thì tiếng Anh của chúng ta sẽ ở đâu nhé? Chỉ còn có 9 năm nữa mà thôi!
--------
Cập nhật ngày 12/4/2011
Nhân viết bài này, tôi đi tìm lại những thông tin của kỳ khảo sát trước đây của tôi, và may quá, vẫn còn tìm thấy một vài bài viết trên Internet viết về cuộc khảo sát này. Xin lưu lại dưới đây, cho chính mình và cho những bạn bè có quan tâm.
1. Tiếng Anh của sinh viên VN ở trình độ rất thấp so với thế giới.
2. Học tiếng Anh 10 năm ở trường không sử dụng được.
Tôi cũng sẽ tìm lại báo cáo nghiệm thu của mình và đăng lên trên blog này để chia sẻ với mọi người, nếu tìm thấy. Tôi có một điều rất dở là không biết lưu giữ và phổ biến một cách chính thống những kết quả nghiên cứu của mình, mà chỉ làm vì cảm thấy cần có câu trả lời đúng cho chính mình để có thể đưa ra những lời tham mưu cho hệ thống hay những quyết định cho chính mình. Nây có blog, việc lưu giữ và phổ biến thông tin của tôi đã trở nên thuận tiện hơn một chút.
Thưa cô PA,
ReplyDeleteem đã tải bảng xếp hạng về để xem thứ hạng của Philipine, tiếc là Asia EF EPI Ranking lại ko có. Gần đây lượng người Philippin sang VN sống & làm việc khá nhiều, 1 số người là GV dạy tiếng Anh. Em đã & đang học với 2 giáo viên Philipine. Ko biết trình độ của họ nằm ở mức nào nhỉ? có tương đương Malaysia ko?
một điều đáng suy ngẫm
ReplyDelete