Hôm nay dọn bàn làm việc, tôi tìm thấy một mẩu tin đăng trên trang 5 của tờ báo Khoa học phổ thông, số 16/10 (1391) ra ngày 30/4/2010, số kỷ niệm 35 ngày thống nhất đất nước.
Mẩu tin này là một phần của bài viết có tựa đề là "TP HCM, dấu ấn 35 năm", trong đó điểm qua các thành tựu nổi bật của thành phố trên các lãnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục. Bài viết dài, đăng ngay trang đầu của tờ báo, nhưng vì dài nên phải cắt đôi ra và phần tiếp theo của bài viết được đăng trên trang 5. Trong đó có chứa mẩu tin mà tôi đang đề cập đến.
Mẩu tin gì mà đáng quan tâm thế? Ừ, thật ra thì cũng chẳng có gì quá quan trọng. Đây là thành tựu được nêu cuối cùng trong bài báo, với tựa nhỏ là "Giáo dục đại học: đủ sức hội nhập khu vực".
Cái tựa nghe ấn tượng quá, phải không? Thực ra, có lẽ nói như thế có lẽ cũng ... hơi cường điệu một chút, vì chỉ mới có 3 trong số hàng ngàn (?) chương trình được đánh giá thôi, mà đã khẳng định như cái tựa đó thì thực ra hơi vội. Nhưng quả thật, đây là lần đầu tiên các chương trình đại học của VN tham gia một kỳ đánh giá đồng nghiệp khách quan như vậy. Ở ĐHQG-HCM nơi tôi làm việc, 3 chương trình đó được chọn đăng ký lần đầu tiên, không phải là không có một chút nghi ngại, nhưng cuối cùng cả 3 đều đạt mức trung bình chung của khu vực trở lên.
Chất lượng chương trình đào tạo tất nhiên là do nỗ lực của trường, của thầy cô, và của sinh viên. Và tất nhiên cũng do định hướng của lãnh đạo, sự chỉ đạo, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện triển khai, gì gì đấy ... của đảng, của nhà nước. Có thực chất rồi, thì ai đánh giá cũng được, kết quả cũng đều tốt.
Vấn đề là xưa nay ta đóng cửa, không hội nhập, không đối sánh ra bên ngoài, nên khó mà biết được mình ở đâu so với thế giới. Nên những lời khẳng định kiểu "đạt tầm khu vực, hướng đến chất lượng quốc tế" của các trường hay các vị lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà nước vẫn có thể bị xem là ... empty, ungrounded. Vì: chứng cứ ở đâu mà nói vậy?
May quá, với việc đánh giá 3 chương trình tại ĐHQG-HCM thì ta đã đưa ra được chứng cứ rồi đấy. Đó là lý do tại sao kết quả đánh giá 3 chương trình này lại được đưa vào bài viết điểm qua các thành tựu 35 năm.
Đọc lại mẩu tin, tôi cũng thấy vui vui và chút tự hào: trung tâm nơi tôi làm việc (một trung tâm rất nhỏ) đã đóng góp một phần không thể thiếu vào cuộc đánh giá ấy.
Xin lưu lại mẩu tin ấy ở đây, và mong đợi nhiều tin tốt lành như vậy về giáo dục đại học của VN trong tương lai.
----------------
Giáo dục đại học: đủ sức hội nhập khu vực
Việt Nam đã khẳng đinh chất lượng giáo dục của mình ngang tầm khu vực, thông qua việc tham gia đánh giá chất lượng của mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN). Trong đó, chương trình đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) của Trường đại học khoa học tự nhiên đạt điểm số đánh giá cao nhất (4.92), chương trình CNTT của Trường đại học quốc tế đạt 4.61, chương trình điện tử - viễn thông đạt 4.1. Điểm cao nhất cho đến nay của các trường khác trong khu vực ASEAN là 5.2 (trên thang điểm 7). Đáng mừng là cả 4 chương trình của VN [chương trình thứ 4 là ở ĐHQG Hà Nội - chú thích của tôi] đều đạt trên điểm 4, ngang với mức trung bình chung của khu vực, chứng tỏ giáo dục VN nói chung và TP HCM nói riêng đủ sức hội nhập.
Mạng lưới đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) được thiết lập từ tháng 11/1995. Đến nay AUN bao gồm 21 trường [thực ra, cho đến tháng 3/2011 thì đã là 26 trường rồi - chú thích của tôi] đại học hàng đầu của các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam có ĐHQG Hà Nội và ĐHQG HTM là thành viên của tổ chức này. Mục đích đánh giá của AUN là tiến tới đào tạo liên thông giữa các trường đạt tiêu chuẩn trong khu vực.
Tuesday, April 5, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment