Tuesday, November 17, 2015

Con gái tôi học Sử ở Mỹ như thế nào?

Chép lại status đã đăng trên facebook.
--------------------
Con gái tôi đang học đại học ở Mỹ. Học kỳ này, nó học môn Lịch sử Mỹ như một môn học bắt buộc và độc lập trong số các môn chung cho mọi sinh viên của trường.

Chỉ mới gần một học kỳ thôi, mà đã thấy nó hiểu biết rất nhiều về lịch sử nước Mỹ rồi. Không chỉ là biết những sự kiện, mà là hiểu những vấn đề (issues) của nước Mỹ (người da đen, người nhập cư, giải phóng phụ nữ, quyền con người, kỳ thị chủng tộc, vai trò của nước Mỹ trong hai cuộc thế chiến, vị trí nước Mỹ hiện nay trên thế giới ...).

Nó phải làm bài rất nhiều: quiz để kiểm tra kiến thức sau mỗi chương, viết bài luận sau khi học xong một giai đoạn lịch sử, và, quan trọng hơn cả, là phải thảo luận về bài học, tự đưa ra quan điểm và lập luận, chứng cứ lich sử để bảo vệ quan điểm của mình.

Nó có thích học môn ấy không? Không phải là quá thích, vì phải thảo luận và viết bài mà nó thì tiếng Anh chưa giỏi. Nhưng cũng không ghét, thậm chí đôi khi rất hào hứng khi nói lên một vấn đề nào đó mà nó quan tâm và có quan điểm riêng. Ví dụ, việc sở hữu súng ở Mỹ, nên hay không nên? Và để bảo vệ quan điểm của mình khi tranh luận, nó phải đọc rất nhiều.

Nó, một đứa bé vừa qua sinh nhật 18 tuổi cách đây chưa đầy 1 tháng. Nó, một đứa đã học hết 12 năm học ở phổ thông của VN, và chỉ mới học ở Mỹ có gần 3 tháng. Nó là người VN, và tiếng Anh không quá giỏi (nói đúng là hơi yếu, chỉ mới 5.5 IELTS khi được nhận vào trường). Và học sử ở VN bằng tiếng Việt, còn sử Mỹ thì học bằng tiếng Anh là thứ tiếng nó không rành.

Vậy mà tôi cam đoan là nó đã hiểu về lịch sử nước Mỹ (và vì thế, có lẽ có chút yêu, có chút phục ... nước Mỹ) hơn là nó hiểu về lịch sử VN rồi đó. Ừ thì lịch sử VN nó cũng ... thuộc theo SGK (điểm thi sử toàn 9, 10), nhưng bảo là hiểu, bảo là yêu, thì chắc chắn là không.

Tại sao thế? Đó là câu hỏi mà mọi người cần phải trả lời, và mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Riêng tôi, qua những lần trao đổi với con gái, tôi thấy điều làm cho nó thích thú nhất là quyền được đưa ra quan điểm và bảo vệ quản điểm của mình, miễn là có lập luận và chứng cứ lịch sử thuyết phục. Không bắt buộc phải theo một quan điểm có sẵn và được áp đặt lên nó.

Còn ở VN? Con gái tôi có lần kể với tôi rằng hồi học về sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu (trong môn Sử thế giới), có một đứa bạn trong lớp nó (một cậu con trai lúc ấy mới 16 tuổi hơn) có giơ tay hỏi: Thưa cô, trên thế giới bây giờ chỉ còn có mấy nước theo CNXH, trong đó có VN mình. Nhưng mà mấy nước này đều nghèo, chỉ có TQ là hơi kha khá. Vậy VN có nên theo CNXH nữa không?

Một câu hỏi theo tôi là rất ngây thơ và là một thắc mắc tự nhiên của một cậu bé có quan sát và quan tâm đến các vấn đề của thế giới. Không có hàm ý gì cả.

Và, tất nhiên rồi, cô giáo giận tím mặt, và mắng cậu bé là "phản động". Rồi thôi, nói sang chuyện khác, và không trả lời câu hỏi của cậu bé.

Con bé tôi khi kể lại còn bình phẩm thêm; Thằng đó nó gan ghê, dám hỏi câu đó. Nhưng mà cô mắng nó cũng không đúng, tại nó hỏi như vậy vì nó thắc mắc thật mà. Cô phải trả lời chứ, trả lời sao cũng được, hoặc nói là cô không có thẩm quyền để trả lời, chứ sao lại mắng nó?

Các nhà sử học, các nhà sư phạm, các nhà chính trị của VN có suy nghĩ gì về điều tôi vừa nói hay không?

1 comment: