Monday, November 16, 2015

Có thể tích hợp môn Sử vào môn học khác? (3): Ông DTQ thất vọng về Bộ, còn tôi thì thất vọng về ông DTQ

Đang quan tâm đến cuộc tranh luận về môn lịch sử (có thể tích hợp nó vào môn khác được chăng?), tôi bỗng nhìn thấy tựa bài báo này liên quan đến đúng điều mà tôi quan tâm. Không những thế, nó còn có cái tựa rất thu hút: "Thất vọng với phát biểu của Bộ Giáo dục."

Tôi vội vào đọc lướt qua, và nhìn thấy một đoạn khiến tôi phải viết bài này, với cái tựa như các bạn đã thấy ở trên. Với tư cách phó chủ tịch hội sử học, ông DTQ phát biểu như sau:


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/that-vong-voi-y-tuong-bo-mon-lich-su-20151107221139307.htm

Không thể lãng quên lịch sử
“Chúng tôi chia sẻ với mong muốn của Bộ GD-ĐT là tìm một giải pháp tốt nhưng cung cách làm của bộ gây ra sự không yên tâm. Đặc biệt, tích hợp mới chỉ là ý tưởng mà chưa có một thử nghiệm hay giáo trình, phương hướng cơ bản nào. Đây chỉ là dự án của một nhóm tác giả do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, chưa từng được lấy ý kiến rộng rãi mà đã tuyên bố như công cụ để thay thế. Không phải giới lịch sử chúng tôi đề cao môn học này mà bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản” - ông Dương Trung Quốc nhìn nhận.

Ông DTQ thất vọng về Bộ. Còn tôi thì thất vọng về ông DTQ. Ông ấy nói như vậy có nghĩa là ông ấy chưa bao giờ biết ở nước ngoài người ta làm gì với môn lịch sử cả. Cứ nghe tích hợp là dãy nảy \lên, cho rằng như thế là "xóa sổ" môn lịch sử.

Tôi cũng thất vọng là ông ấy đòi Bộ phải hỏi ý kiến Hội sử học trước khi quyết định tích hợp. Thưa, hội sử học là những người nghiên cứu sử, tức là phần nội dung. Còn bộ giáo dục làm chương trình và SGK là chuyện liên quan đến phương pháp, là chuyên môn sâu của dân sư phạm mà bộ phải là người nắm vững nhất. Nhưng ông DTQ dường như không phân biệt được các vai này, nên cứ phán lung tung cả lên. Và, để có thêm trọng lượng cho phát biểu của mình, ông ấy cứ lôi sự quan trọng của môn sử, của tình hình đất nước ra, để cản trở không cho bộ đổi mới PHƯƠNG PHÁP (chứ không phải nội dung) dạy sử. Không nghe lời ông ấy thì ông ấy bảo là xóa bỏ lịch sử, là quên truyền thống cha ông, vv và vv.

Thế thì, xin hỏi ông là lâu nay môn sử dạy không thành công dù không hề tích hợp, vậy mà bây giờ cứ giữ nguyên như thế thì nó có thành công hơn không? Nếu không nên dạy như cũ, mà sáng kiến của Bộ đưa ra thì các ông phản bác, vậy ông phải đưa ra giải pháp nào khác đi chứ?

Bực, bực là!

Đây, chương trình khung "môn xã hội" - một môn tích hợp tất tần tật mọi môn xã hội vào trong một môn - của bang Ohio, năm học 2014-2015: http://education.ohio.gov/Topics/Ohios-Learning-Standards/Social-Studies
----------------
Dưới đây là những đoạn tôi đã viết lăng nhăng trên fb sáng giờ về chủ đề này, nay chép lại để khỏi quên:

1.
Họ chụp mũ Bộ Giáo dục ghê quá!

Tôi chẳng biết nội dung chương trình tích hợp môn sử với một môn mà nghe tên có vẻ giống môn giáo dục công dân do Bộ Giáo dục phác thảo ra có gì ở trong khiến người ta phản ứng như vậy, nhưng nếu chỉ dựa vào việc tích hợp các môn học lại với nhau mà phán rằng việc ấy là tùy tiện, vô căn cứ thì xin thưa với quý vị rằng thế giới người ta đã làm lâu rồi, chứ có mới mẻ gì đâu.

Ví dụ, việc dạy môn giáo dục công dân thường là rất khô khan (ở đâu cũng thế, riêng ở VN thì khỏi nói rồi), nên trên thế giới người ta dạy theo các chủ đề mang tính tổng hợp, ví dụ, chủ đề "người dân tộc thiểu số ở VN", trong đó tích hợp luôn cả lịch sử, cả địa lý, và cả văn hóa vào nữa. Thông qua đó, dạy cho học sinh sự hiểu biết về quê hương mình (đẹp đẽ, thú vị, đa dạng, hào hùng, ví dụ thế), rồi ý thức về dân tộc tính và lòng yêu nước, muốn bảo vệ tổ quốc .... 

Chắc chắn là học như vậy sẽ hay và hiệu quả hơn học từng bài sử rời rạc, theo kiểu hồi đó ở chỗ đó (chả biết chỗ đó là chỗ nào, chỉ học thuộc lòng cái tên thôi) có xảy ra chuyện đó do mấy người đó đó (chả biết là ông nào bà nào) làm ra, ý nghĩa của việc đó là như thế này thế này, tụng đi các con để mà trả bài trong những môn thi rồi lấy điểm ghi vào học bạ cho nó đẹp.

Xin thưa với các vị rằng nếu không chịu thay đổi mà cứ giữ khư khư như hiện nay thì chính các vị đang giết chết môn sử đó. Chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới rồi. Tôi có kinh nghiệm đi học ở nước ngoài, lại học về giáo dục, đây là vấn đề mà tôi quan tâm, tôi có tìm hiểu nên tôi biết, trời ạ!!!!

Không, tôi không bênh vực Bộ Giáo dục làm gì cả, vì tôi về hưu rồi (hồi còn đi làm tôi còn chẳng bênh nữa là!). Tôi cũng không tin rằng với cách làm lâu nay của Bộ Giáo dục thì bộ sẽ làm được một bộ giáo trình tích hợp hay và nhanh chóng để phục vụ chương trình đổi mới. Nhưng thay vì cùng ủng hộ chủ trương đúng đắn ấy và cùng với Bộ tìm ra lối thoát, thì các vị ấy (toàn cây đa cây đề ngành sử) lại buông ra những lời mang tính chụp mũ. Đem lòng yêu nước cùng sự trung thành với truyền thống ra mà dọa thì còn ai dám hó hé gì nữa các vị ơi.

Thôi được. Tôi mà là Bộ Giáo dục thì tôi sẽ ... dỗi, mặc kệ mấy người. Cứ dạy như cũ đi, cho học sinh nó tha hồ chê trách, nhiếc móc, cười cợt. Và cứ để cho học sinh nó vỗ tay reo hò khi nghe thấy trong kỳ thi tốt nghiệp không có môn sử, cứ để cho học sinh xé nát đề cương môn sử thả xuống sân trường đi. Các vị ấy muốn vậy mà.

Còn nếu ai tò mò muốn biết ở nước ngoài người ta làm cái gì mà tôi mạnh miệng thế, thì đọc thử bài này, trong đó người ta cải cách việc giáo dục công dân (và các môn xã hội nói chung) bằng cách tích hợp. Cụ thể, người ta tích hợp cả công dân, sử, địa vào chung một môn đây này, ai tin thì đọc ai không tin thì ... tự nhận hậu quả thôi.

(Có lẽ tôi phải nhanh chóng chuyển sang làm một nghề mà trước đây tôi đã được phân công làm nhưng rồi từ chối: Nghề tư vấn du học. Vì coi bộ cải cách giáo dục phổ thông ở VN còn khó khăn lắm, với mấy vị bô lão hùng hồn chụp mũ như thế này!)
Ôi quê hương biết mấy tự hào, hu hu hu!!!!
-----
PS: Muốn biết "họ" là ai, cứ tìm đọc báo về vụ này, ắt sẽ hiểu thôi.

2.
Bài này là bài duy nhất hợp lý trong cuộc tranh luận ầm ĩ hiện nay về môn sử. Tôi hoàn toàn ủng hộ.
--------------
Trích:
Thực ra, giáo dục lịch sử, giáo dục về ngôn ngữ và những môn học thứ khác cho học sinh cũng chỉ là phương tiện thôi. Điều đạt được là nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của nó. Khi trao đổi về vấn đề tích hợp, nên phân biệt rõ điều này.


Ngoài ra, môn học nào, kiến thức nào là nội dung, còn hình thức thực hiện nội dung là một chuyện khác. Cuối cùng, phải xem xét tích hợp hay không tích hợp thì tốt. Nếu để dạy về lòng yêu nước, một môn học riêng biệt khó mà thực hiện tốt nhiệm vụ ấy. Thí dụ, lịch sử không kết hợp với văn học chưa chắc đã phải là hình thức giáo dục lòng yêu nước tốt nhất. Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” là một áng văn hay, nhưng lại rất có giá trị giáo dục về lịch sử và lòng yêu nước. Đôi khi, kiến thức tích hợp của nhiều môn học như lịch sử, văn học, địa lý phối hợp lại mới tạo được một cơ sở để thực hiện tốt nhất mục đích là giáo dục lòng yêu nước.
---------
PS: Riêng câu chót, tôi xin đổi từ "Đôi khi" (ở đầu câu) thành "Hiện nay các nhà sư phạm trên thế giới đã khẳng định rằng". Vâng, tôi nói với tư cách một người được đào tạo về giáo dục nói chung (và giáo dục ngôn ngữ nói riêng), và xin nhận mọi trách nhiệm về tôi. Ai ném đá xin cứ ném đi ạ.

Chỉ muốn hỏi các nhà sử học và các nhà giáo dạy môn sử một vài câu nho nhỏ:

- Lâu nay môn sử vẫn đứng độc lập, không hề tích hợp. vậy học sinh VN có yêu mến môn sử và có lòng yêu nước và tự hào dân tộc hay không? Hay càng ngày càng mờ nhạt?


- Không lẽ chỉ có một mình môn sử được trao cái trách nhiệm nặng nề là giáo dục lòng yêu nước thôi à? Các môn xã hội , nhân văn khác chẳng lẽ không giáo dục lòng yêu nước? Ví dụ, nếu các vị bắt thi sử như một môn bắt buộc, và môn sử thì đầy những bài học tự hào về quá khứ hào hùng, về dân tộc vinh quang, nhưng khi các em bước ra khỏi cổng trường thì rác vứt đầy đưòng, cướp giựt khắp nơi, người trẻ mở miệng là văng tục, nhìn đểu là đâm nhau, dân thì bị côn đồ hành hung khi chỉ cần chạy xe làm văng bụi bẩn, thì các em có tự hào dân tộc và yêu nước hay không?


- Nếu có ai đó nói rằng lòng yêu nước hiện nay giảm sút, thì các nhà sử học và các nhà giáo dạy sử có nhận đó là trách nhiệm của mình hay không. và họ có đang làm gì để cải thiện tình hình không? Hay chỉ đổ cho Bộ giáo dục và xã hội rằng mọi thứ tệ quá, tệ quá, và tất cả là do mọi người coi thường môn sử? Thế trước khi bị coi thường thì các nhà sử học và các nhà sư phạm dạy môn sử ở đâu mà không làm cho tình hình tốt lên trước khi quá muộn?


- Thế nếu thế giới người ta bảo tích hợp chính là giải pháp để học sinh không chán môn sử (tôi, người viết status này, có thể nêu rất nhiều ví dụ trên thế giới) thì các vị nói sao? Nếu các vị nói như thế là sai thì giải pháp của các vị để nâng cao vị thế của môn sử và hiệu quả của việc dạy sử là gì, các vị có thể nói ra cho mọi người biết hay chăng? Hay các vị cho rằng hiện nay mọi thứ đã hoàn hảo?


Rất mong các vị đang tranh cãi rất hăng với Bộ GD trả lời cho nhà em biết cho bớt ngu ạ!

http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/27972102-giao-duc-long-yeu-nuoc-moi-la-muc-dich-cua-mon-lich-su-tich-hop.html  

3.
Nhà nghiên cứu lịch sử, hay còn gọi là nhà sử học, thì cần nghiên cứu lịch sử sao cho lịch sử đúng là lịch sử như nó đã là. Không cắt xén, thêm thắt, che đậy, tô hồng.

Hội đồng chương trình và sách giáo khoa thì cần thiết phải đưa ra được những kết quả mong đợi mà chương trình giáo dục cần đạt. Ví dụ, dạy cho học sinh những hiểu biết căn bản về lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước, cũng như những hiểu biết về các ngành khoa học tự nhiên, về thế giới quanh ta. Và sắp xếp các nội dung theo một trình tự hợp lý nhất. Hội đồng ấy tất nhiên cần đa ngành, phải làm việc cật lực, có nhiều tranh cãi (các nhà khoa học tranh cãi với nhau, không phải bạ ai cũng có thể có ý kiến, và không nên có các nhà chính trị ngồi trong ấy. Xin trả khoa học cho người làm khoa học.)

Còn hội đồng viết sách giáo khoa và các nhà sư phạm (phương pháp) thì cần bàn xem với những mục tiêu và nội dung cần dạy thì phải làm cách nào để người học có thể học hành có hiệu quả nhất. Tích hợp hay không tích hợp nằm ở chỗ này. Và riêng về mặt phương pháp soạn sách giáo khoa cũng như phương pháp giảng dạy thì tích hợp là một tiến bộ. Không có lý gì tự nhiên lại gạt bỏ nó, trong khi chúng ta đã đặt vấn đề đổi mới và tích hợp từ nhiều năm nay rồi.

Một khi đã quyết định tích hợp và có sách giáo khoa tích hợp thì chẳng có môn nào mất đi mà chỉ là thay đổi cách lên lớp. Các giáo viên bộ môn Sử, Địa, Công dân có thể cùng ngồi bàn bạc trên một cuốn SGK mang tính tích hợp, để sau đó dù ai có chuyên ngành hẹp nào thì cũng có thể lên lớp giảng dạy môn học tích hợp của 2, hoặc 3, bộ môn riêng lẻ trước đó. Vâng, có gì là khó đâu ạ, kiến thức phổ thông, các em học sinh hiểu được thì tại sao thầy cô của họ dù không được dào tạo sâu về ngành đó nhưng có chuẩn bị bàn bạc (và giáo trình có sẵn) lại không dạy được cơ chứ?

(Tất nhiên, sau khi đã có chương trình tích hợp thì có thể đào tạo giáo viên mới sao cho có thể dạy tốt các môn tích hợp như vậy - đây là chuyện sẽ phải nghĩ đến cùng lúc với việc soạn lại chương trình.)
Tóm lại, tích hợp là điều nên làm, điều quan trọng là làm như thế nào, chuẩn bị ra sao, đặc biệt là hai khâu trước đó đã làm đến đâu, đồng thuận hay chưa thôi.

Các vị cây đa cây đề ngành sử lẽ ra phải bàn chuyện của đoạn thứ nhất (nghiên cứu sử cho khoa học, khách quan) hoặc đoạn hai (bàn những nội dung cần dạy sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục) thì lại nhảy ra lo lắng mất môn Sử. Ơ hay, các thầy có phải là giáo viên đứng lớp đâu mà sợ bị "mất dạy"? Chuyện ấy sẽ bàn sau, nhưng việc của các thầy phải lo là làm sao cho nội dung môn sử (dù là tích hợp hoặc không tích hợp) khách quan nhất và đạt hiệu quả cao nhất, đem lại sự yêu thích cho các em học sinh, và giáo dục được lòng yêu nước hay gì gì đấy, thì mới đáng là các cây đa cây đề ngành sử chứ ạ?

No comments:

Post a Comment