Saturday, November 21, 2015

Bài phỏng vấn PA trên Báo Giáo dục và Thời đại

Dẫn: Quanh vụ tích hợp hay không tích hợp môn Sử, tôi đã được nhiều nơi phỏng vấn, chỉ vì một lý do đơn giản: trong khi mọi người ầm ầm phản đối việc tích hợp môn Sử với các môn khác thì tôi là một trong số rất ít những người ủng hộ tích hợp.

Và báo Giáo dục và Thời đại, một tờ báo do Bộ Giáo dục làm chủ quản, đã thực hiện phỏng vấn tôi; âu cũng là điều dễ hiểu. Bài đã được đăng trên mạng và trên báo in số ra ngày hôm nay (tôi không đọc báo in nên sẽ không biết được là bài của mình được đăng nếu tôi không hỏi người đã thực hiện phỏng vấn).

Link dẫn đến bài phỏng vấn ở đây: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/neu-tich-hop-mon-su-cung-khong-the-bien-mat-1453776-v.html

Còn đây là bài gốc, chưa biên tập. Xin mời các bạn.
--------------


1. Với chủ trương tích hợp môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông thổng thể, là một người trực tiếp đứng lớp, có những nghiên cứu, quan sát, so sánh... quan điểm của cô là như thế nào?


Tích hợp là một quan điểm mới trong thiết kế chương trình giáo dục đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Tôi nghĩ, chủ trương tích hợp các môn học lại  với nhau là một chủ trương đúng của Bộ và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tất nhiên, để làm được điều này thành công không phải là dễ dàng, cần nhiều thời gian và công sức của nhiều người,và đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm học tập trong những nền giáo dục tiên tiến. Không dễ, nhưng cũng không thể vì thế mà không làm, vì đó là xu hướng chung và là sự tiến bộ của bộ môn khoa học về phát triển chương trình dào tạo.


2. Khi những tranh luận nổi lên việc tích hợp môn Sử, hay môn Sử đứng riêng... Nhiều người đã so sánh, rằng nếu thế thì không một môn nào tích hợp được, vì môn học nào cũng quan trọng... Cô nghĩ sao về điều này?


Tôi nghĩ, những người phản đối tích hợp chẳng qua là chưa nhìn thấy các nước đã làm việc này như thế nào mên mới cho rằng không thể làm. Chứ thực ra thì gần như bất cứ môn nào cũng có thể tích hợp, và theo tôi thì cần tích hợp (dù, xin nhắc lại, điều này không dễ).

Nếu chúng ta nhìn việc học như là sự chuẩn bị cho học sinh giải quyết những vấn đề của thế giới, thì rõ ràng là để giải quyết bất kỳ vấn đề nào cũng đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Tích hợp chính là nhằm đáp ứng yêu cầu này, và nó cũng làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn, thú vị hơn đối với học sinh. Mới đây báo chí của VN có nơi đã đưa tin rất "giật gân" rằng Phần Lan đã bỏ môn toán, thực ra môn toán chỉ được tích hợp với môn khác mà thôi. Nếu điều này xảy ra ở VN, có lẽ các nhà toán học và các nhà sư phạm toán cũng sẽ la ầm lên rằng Bộ GD có âm mưu "xóa sổ môn toán" chăng - một môn quan trọng như thế! Tôi nghĩ, mọi người phản ứng chẳng qua là do chưa quen nên không tin tưởng mà thôi.



3. Cô có đề cập trên facebook cá nhân rằng nếu tích hợp môn Sử thì môn Sử cũng không thể biến mất, không thể bị xóa sổ! Xin hỏi cơ sở nào cô có thể khẳng định như vậy?


Lịch sử vốn có sự sống của nó bên ngoài môn Sử và độc lập với các nhà viết Sử. Vì lịch sử chỉ là những gì đã xảy ra cho những con người cụ thể ở những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với một xã hội, một dân tộc, một nhóm người nào đó, và để lại những bài học cho những người có liên quan và cho toàn nhân loại. Thử tưởng tượng các xã hội bán khai, không có chữ viết, và tất nhiên là không có các nhà sử học, vậy chẳng lẽ họ không có sử? Không đâu, họ vẫn có chứ; lịch sử của họ được lưu giữ lại trong ký ức những người cùng thời, những người có liên quan hoặc những người đã tình cờ chứng kiến. Những điều ấy vẫn cứ còn trong ký ức tập thể của cộng đồng, và nó sẽ được truyền lại bằng cách bằng cách truyền khẩu qua lời mẹ kể lại cho con, được ghi lại bằng những bài thơ, những dấu tích hoặc vật thể mang ý nghĩa tượng trưng, hoặc những vị thần thánh vốn đại diện cho các nhân vật trong sự kiện lịch sử nào đó. Đấy, ngay cả khi không có môn sử thì lịch sử vẫn tồn tại qua các tượng thần, các hòn đá thờ, các câu chuyện, bài thơ ... tích hợp là ở đấy chứ còn đâu nữa!


4. Ta học hỏi các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác. Xin hỏi hiện trên thế giới có bao nhiêu quốc gia đã và đang tích hợp môn Lịch sử? Trong quá trình tiến hành đổi mới giáo dục, họ có gặp phải những khó khăn, hoài nghi như những gì đang diễn ra tại Việt Nam không?


Tôi không nghiên cứu về môn sử, lại càng không theo dõi các quá trình đổi mới theo hướng tích hợp trên toàn thế giới nên không thể trả lời câu này. Tuy nhiên ở những nền giáo dục mà tôi biết  - tôi chủ yếu biết về những nền giáo dục của các nước nói tiếng Anh - thì tôi đều thấy môn sử có được tích hợp vào môn khác (như Singapore, Mỹ, Úc, Canada). Cũng phải nói thêm là ngay cả ở các nước tôi vừa nếu thì vẫn tồn tại cả hai quan điểm: Môn sử cần là một môn học độc lập, và môn sử cần tích hợp lại với các môn học khác. Tôi cho rằng không có phương pháp nào thay thế được tài năng và lòng yêu nghề của người thầy, nên dù có tích hợp hay không thì người thầy vẫn là quan trọng nhất.


5. Thưa cô, phải chăng dù bàn tích hợp hay không, để riêng hay sáp nhập, thì điều quan trọng nhất vẫn chính là những người gắn chặt với nội dung giáo dục lịch sử: Học sinh học như thế nào, giáo viên dạy ra sao? Vậy đối tượng học sinh sẽ đóng vai trò như thế nào trong những tranh cãi này? Làm thế nào để dung hòa được những điều mong muốn của các bên liên quan trong môn Lịch sử, thưa cô?


Câu này đã được trả lời một phần ở trên. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là người thầy. Học trò yêu môn sử, thích môn sử hay không là do thầy truyền cho cảm hứng. Vì vậy tôi phản đối quan điểm vì môn sử quan trọng nên phải bắt buộc, phải độc lập, phải thi.... . Ngoài ra tôi cũng cho rằng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của môn sử trong nhà trường, mà còn là việc của cả xã hội. Sự tôn trọng lịch sử nước nhà có lẽ thể hiện rõ nhất qua văn học nghệ thuật, và qua các ứng xử hàng ngày của báo chí truyền thông. Nếu toàn xã hội đều coi thường lịch sử, ví dụ nếu các sự kiện lịch sử quan trọng như cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 hoặc sự kiện đảo Gạc Ma đều bị cả hệ thống truyền thông im bặt đi, thì làm sao có thể trách thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử nước nhà? (phần màu đỏ này đã bị kiểm duyệt cắt bỏ)

6. Được biết mỗi quốc gia có một cách làm khác nhau về tích hợp các nội dung môn học. Với góc độ cá nhân, theo cô, Giáo dục Việt Nam nên tích hợp như thế nào với môn Lịch sử? 


Tôi nghĩ là cần tích hợp, nhưng quan trọng hơn là cần làm một cách cẩn thận, với sự đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết về việc xây dựng chương trình tích hợp.  Nếu chủ trương tích hợp của bộ không được nhiều người hưởng ứng thì cũng bởi vì bộ chưa tạo được niềm tin ở công chúng nói chung, qua một số việc làm nóng vội và chưa xem xét thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề. (phần màu đỏ này đã bị kiểm duyệt cắt bỏ)


Để tích hợp môn Lịch sử tốt nhất, khó khăn gặp phải theo cô sẽ là gì?


Tập hợp chuyên gia có kinh nghiệm và tôn trọng các ý kiến khác biệt,thuyết phục được các quan điểm trái ngược nhau để đi đến đồng thuận , đó là điều tôi mong đợi, và có thể cũng sẽ là điều khó khăn nhất.

No comments:

Post a Comment