Tuesday, January 20, 2015

Học tiếng Anh: cần một định hướng rõ ràng! (Một mẩu tin cách đây 10 năm)


Học tiếng Anh: cần một định hướng rõ ràng!


Hoc tieng Anh can mot dinh huong ro rang
Giờ học môn Anh văn của SV năm 2 lớp khoa học vật liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM)
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, ĐH Quốc gia TP.HCM, gần 10.000 sinh viên (trung bình bắt đầu năm 3) tham gia một cuộc điều tra khảo sát về năng lực tiếng Anh chỉ đạt khoảng 360-370 điểm TOEFL hoặc 3,5 điểm IELTS.

Ở mức độ này, sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn chưa đủ trình độ để tham gia các chương trình tiếng Anh dự bị đại học, chưa nói là tham gia các chương trình đào tạo sau đại học hay hội thảo, hội nghị...
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh: “Việc qui đổi trên chỉ thực hiện trên bài thi vốn chỉ chú trọng ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu mà chưa kiểm tra đến kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu kiểm tra cả bốn kỹ năng của thí sinh thì kết quả qui đổi trình độ tiếng Anh sang chuẩn quốc tế sẽ còn thấp hơn nhiều”. Thêm nữa, mỗi cơ sở đào tạo lại có cách đánh giá trình độ theo “chuẩn” riêng của mình. Vì thế hiện nay có tình trạng nhiều người đã có bằng C tiếng Anh, được xem là đã ở trình độ thành thạo tiếng Anh, nhưng khi dự phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh vẫn toát mồ hôi và không thể nói tròn một câu đủ ý và chuẩn xác.
Ông Duncan Wilson, giám đốc Hội đồng Anh TPHCM, cho biết đó là do trước đây họ chỉ tập trung học những kỹ năng tiếng Anh thụ động là đọc, viết, từ vựng và văn phạm mà không được rèn luyện kỹ năng để giao tiếp trong những tình huống thực tế và trình bày (nói hoặc viết) về một vấn đề nào đó bằng tiếng Anh.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Duncan Wilson, vấn đề cốt lõi là chúng ta cần áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chung đã được nhiều nước, nhiều tổ chức trường học, học viện quốc tế, các công ty đa quốc gia công nhận như Hệ thống tiêu chuẩn ngôn ngữ châu Âu (CEF) với các chứng chỉ Cambridge (KET, PET, FCE, CAE và CPE, IELTS...).
Các kỳ thi này không chỉ kiểm tra kỹ năng đọc - viết mà còn đánh giá kỹ năng nghe - nói một cách toàn diện. Người học cần học có định hướng hơn, cần biết mình đang ở đâu trong hệ thống đánh giá trình độ này và cần vươn tới trình độ nào để đáp ứng nhu cầu học tập hoặc làm việc của mình. Thêm vào đó, người dạy cũng biết được mục tiêu dạy học để cả thầy và trò cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung.
Tại VN hiện nay, chúng ta cần dùng một thước đo chung được quốc tế công nhận để đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh của người học, có thể là một hệ thống quốc tế sẵn có như IELTS hay một hệ thống hợp tác giữa VN và quốc tế như EICAS (English for International Communication Assessment System) - dự án giữa ĐH Quốc gia TP.HCM, Hội đồng Anh VN và Hội đồng thi tiếng Anh ĐH Cambridge, một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế được xây dựng cho chính người VN.
Điều quan trọng kế tiếp, theo ông, là chúng ta cần dạy theo phương pháp giao tiếp, tức là hướng dẫn người học có kỹ năng nghe và nói tốt để sử dụng tiếng Anh trong đời sống thực tế. Tiếng Anh không phải là môn khoa học để bạn nghiên cứu mà là công cụ để sử dụng và sống với nó. Vì vậy người học cần một môi trường giao tiếp và sử dụng tiếng Anh, nếu không họ sẽ không thể tiến bộ.
Cuối cùng, người học cần đặt mục tiêu học tập thực tế phù hợp với mình, một mục tiêu mà họ có thể đạt được. Các bạn cần cảm thấy say mê, yêu thích và thoải mái khi học tiếng Anh, tức là hình thức học phải vui, phải thú vị. Thêm vào đó, các bạn nên tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện để thực hành tiếng Anh, như thế các bạn sẽ tự tin và thành thạo hơn.
Kết quả giai đoạn 1 dự án khảo sát khả năng tiếng Anh được tiến hành trên 50 sinh viên năm 1 của ĐHQG TP.HCM do Hội đồng Anh, ĐH Cambridge và ĐHQG TP.HCM thực hiện cho thấy 100% sinh viên không đủ khả năng đọc hiểu tiếng Anh ở trình độ sơ cấp A2 theo tiêu chuẩn chung châu Âu (CEF).
Nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân là do sinh viên còn hạn chế hiểu biết về các kiến thức thế giới, kiến thức tổng quát cũng như những tình huống đời sống thực đang diễn ra và một phần chưa quen với kỹ thuật thi mới. Qua quá trình khảo sát, kết quả cũng cho thấy sinh viên chưa quen trả lời các câu hỏi liên quan đến cá nhân, mang tính sáng tạo, nhưng lại rất thông thạo khi trả lời những câu hỏi chuẩn được học thuộc từ trước.
Theo Nguyễn Thanh Hằng (Hội đồng Anh)
Tuổi Trẻ
Việt Báo (Theo_ Dân trí)

No comments:

Post a Comment