Học tiếng Anh 10 năm trong trường không sử dụng được : Kiểm tra đánh giá đang là khâu yếu nhất
(Bài 2): Nguyên nhân, giải pháp
Một giờ học Anh văn của sinh viên năm 3 lớp kế toán kiểm toán 2 Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng TP.HCM. Ai trong số họ sử dụng thành thạo tiếng Anh khi ra trường? Ảnh: NHƯ HÙNG |
Thiếu hiểu biết về vai trò của hoạt động kiểm tra đánh giá...
Việc kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo luôn là
công việc của chính các giáo viên đứng lớp. Chính giáo viên là người tự
ra đề kiểm tra trong lớp học, tự thực hiện chấm điểm và cũng là người tự
quản lý, sử dụng kết quả kiểm tra của chính mình để phản hồi cho người
học và cải thiện quá trình giảng dạy (ngoài việc gửi sang bộ phận quản
lý, để bảo đảm rằng công việc giảng dạy đang được thực hiện theo đúng kế
hoạch). Do đó nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời đề nghị là phải nâng cao
chất lượng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ tại các trường một cách toàn
diện, để họ có thể đưa ra những quyết định và áp dụng những cách làm có
tác động tốt đến quá trình giảng dạy. Và điều này chỉ có thể làm được
thông qua việc nâng cao vai trò chuyên môn của bộ môn ngoại ngữ tại các
trường.
Sự thiếu chú trọng đến vai trò của người học trong quá trình đào tạo
Vai trò của người học trong quá trình đào tạo hiện nay
đã được cải thiện đến đâu, và đem lại hiệu quả gì cho việc dạy và học
tiếng Anh trong trường đại học?
Để trả lời câu hỏi này cần phải có những nghiên cứu với
những chứng cứ và số liệu chính xác. Tuy nhiên, với những thông tin mà
chúng ta đã có được trong bài viết này, có thể thấy vai trò của người
học vẫn chưa thật sự được cải thiện. Chẳng hạn, người học vẫn chưa có
quyền lựa chọn đối với các yếu tố nào trong quá trình đào tạo như lựa
chọn chương trình đào tạo theo trình độ sẵn có; lựa chọn cơ sở đào tạo,
giáo trình học tập và giảng viên phù hợp với hoàn cảnh, thói quen học
tập của mình; hoặc lựa chọn loại chứng chỉ chứng nhận trình độ theo mục
tiêu sử dụng đầu ra của từng người.
Những qui định rất bất hợp lý như chỉ được miễn học nếu
có chứng chỉ trình độ của cơ sở đào tạo này mà không phải của cơ sở
kia, kể cả khi sử dụng các chứng chỉ quốc tế (ví dụ, phải là chứng chỉ
TOEIC của ETS mà không phải là PET hoặc BULATS hay BEC của Cambridge?),
hoặc phải bắt buộc học một chương trình bắt buộc cho tất cả mọi sinh
viên cho dù có trình độ cao hơn (hoặc thấp hơn) rất nhiều mà không có
bất kỳ một lời giải thích nào, cho thấy vai trò của người học rõ ràng
vẫn bị xem nhẹ.
Giải pháp cho việc giảng dạy tiếng Anh hiện nay
Tình hình trên cho thấy căn nguyên của tình trạng hiện
nay không phải do sự thiếu quyết tâm của những nhà quản lý, cũng không
phải do thiếu chính sách hoặc thiếu nguồn lực (mặc dù những điều này tất
nhiên cũng có tác động đến hiệu quả của toàn bộ quá trình giảng dạy),
mà chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết đầy đủ về toàn bộ quá trình giảng
dạy tiếng Anh của các bên có liên quan, đặc biệt là giáo viên và học
viên, dẫn đến sự thiếu thống nhất về mục tiêu và phân tán nguồn lực vào
những mục tiêu riêng lẻ. Trong tất cả sự thiếu hiểu biết đó, sự khiếm
khuyết lớn nhất nằm ở khâu kiểm tra đánh giá, khâu có tầm quan trọng
mang tính quyết định đến hiệu quả đào tạo.
Vấn đề cốt lõi của việc nâng cao hiệu quả giảng dạy
ngoại ngữ trên thế giới là làm sao tích hợp được ba thành tố cơ bản và
quan trọng nhất của quá trình dạy và học, đó là giảng dạy, học tập, và
kiểm tra đánh giá. Riêng đối với Việt Nam, kiểm tra đánh giá vẫn đang là
khâu yếu nhất và vì thế cần có sự quan tâm nhiều nhất. Có thể nói, cho
đến khi nào việc kiểm tra đánh giá chưa được kết hợp chặt chẽ với khâu
xây dựng chương trình và lựa chọn giáo trình thì có thể tin rằng đến lúc
ấy hiệu quả đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam vẫn chưa thể có những cải
thiện đáng kể.
Tóm lại người viết có một số đề xuất sau:
- Có kế hoạch phổ biến rộng rãi CEFR (khung qui chiếu
trình độ chung châu Âu) đến các đối tượng có liên quan trong quá trình
dạy và học tiếng Anh, mà đặc biệt là giáo viên và học viên như một phong
trào "bảo vệ người tiêu dùng" (consumer protection), và sử dụng CEFR
như một ngôn ngữ chung trong mọi trao đổi về việc xây dựng chương trình,
lựa chọn giáo trình, xác định mức trình độ đầu vào, đầu ra, mức tăng
trưởng và kiểm tra đánh giá người học. Việc phổ biến này có thể được
"thể chế hóa" bằng cách đưa vào chương trình đào tạo/bồi dưỡng giáo viên
chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh như một chuyên đề tự chọn/bắt buộc
chẳng hạn.
- Khuyến khích khai thác hệ thống kiểm tra trực tuyến
miễn phí DIALANG (địa chỉ web:
http://www.dialang.org/english/index.htm), một sản phẩm ứng dụng các
thành tựu của CEFR dựa trên hệ thống mô tả năng lực người học, để học
viên thường xuyên tự kiểm tra trình độ, cũng như để giáo viên khai thác
và kết hợp đưa vào kế hoạch giảng dạy của mình.
- Xác định rõ mức trình độ đầu ra tối thiểu theo CEF,
trong đó cần phấn đấu nhanh chóng đưa người học đạt trình độ B1 (sơ
trung cấp, tương đương IELTS 4.0-5.0) sau mười năm học tiếng Anh ở
trường trước khi đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn. Sở dĩ chọn mức B1
là vì đây là mức bắt đầu sử dụng độc lập trong một số tình huống hạn
chế, là mức tối thiểu mà một nhà tuyển dụng mong đợi ở nhân viên (dưới
mức này thì không thể gọi là có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công
việc được).
- Trên cơ sở xác định mục tiêu đầu ra cuối cùng của quá
trình đào tạo (trên dưới mười năm), cần xác định các mốc trình độ trung
gian cần đạt trong suốt mười năm đó (chẳng hạn, đạt A2 khi tốt nghiệp
trung học phổ thông, đạt A1 khi tốt nghiệp trung học cơ sở), từ đó xác
định thời gian cần thiết để giúp người học đạt các trình độ này...
TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
(giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP.HCM)
(giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP.HCM)
No comments:
Post a Comment