Tuesday, January 20, 2015

Học tiếng Anh 10 năm trong trường không sử dụng được: Đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp? Bài 1

Đào tạo tiếng Anh bậc đại học: 4 cái thiếu


Học tiếng Anh 10 năm trong trường không sử dụng được: Đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp? Bài 1:
Dao tao tieng Anh bac dai hoc 4 cai thieu
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie đang làm bài kiểm tra tiếng Anh bằng trắc nghiệm Ảnh: Như Hùng
LTS: Liên tục trong các số báo vừa qua, TT đã nêu ý kiến bạn đọc về tình trạng giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường với hàng loạt bất cập, kém hiệu quả.
Từ số báo này, TT "đặt hàng" các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục tiếp tục "mổ xẻ”, từ đó đưa ra một giải pháp khả thi để cải thiện tình hình trong thời gian tới.
Một câu hỏi không còn gì là mới mẻ lại đang được đặt lên bàn nghị sự của các nhà lãnh đạo ngành giáo dục của VN, đó là "Tại sao học sinh, sinh viên VN học tiếng Anh trong nhà trường từ phổ thông đến đại học tổng cộng trên dưới 10 năm mà vẫn không thể sử dụng được?". Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
Ở đây, người viết dựa vào một đề tài nghiên cứu qui mô lớn về hiệu quả đào tạo tiếng Anh tại địa bàn TP. HCM do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2001-2004 và do tác giả bài viết này làm chủ nhiệm, để thuận tiện cho việc theo dõi sự phát triển của tình hình và sử dụng lại các số liệu. Nhóm nghiên cứu chỉ ra bốn điểm bất cập liên quan đến toàn bộ quá trình đào tạo tiếng Anh bậc đại học tại VN hiện nay, đó là (1) thiếu quan tâm đến trình độ đầu vào của sinh viên; (2) thiếu các tiêu chí thống nhất để đánh giá trình độ của người học; (3) thiếu quan tâm đến vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo; và (4) thiếu quan tâm đến vai trò của người học trong quá trình đào tạo.
Thiếu quan tâm đến trình độ đầu vào...
Sự thiếu quan tâm này thể hiện rất rõ qua số liệu thu thập được trong đề tài, trong đó các sinh viên có trình độ rất chênh lệch đang phải ngồi học chung một lớp. Để giải quyết điểm bất cập này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một giải pháp hiển nhiên là tổ chức các kỳ thi xếp lớp ở đầu vào để có thể phân loại sinh viên theo trình độ nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Gần ba năm sau khi đề tài được nghiệm thu, việc tổ chức thi xếp lớp ở đầu vào đã trở nên rất phổ biến ở các trường, nhưng hiệu quả đào tạo hiện nay (có thi xếp lớp) so với trước đây (không thi xếp lớp) hầu như không được cải thiện. Điều này là vì đâu?
Để có số liệu mới nhất phục vụ báo cáo này, người viết đã thực hiện một cuộc điều tra bỏ túi kèm phỏng vấn không chính thức với trên 50 học viên cao học đang học môn Language test construction and validation tại lớp cao học khóa 1 của chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (TESOL) tại Trường ĐH Mở TP.HCM vào ngày 20-5-2007. Với câu hỏi: "Tại sao đã thi xếp lớp rồi, tức trên nguyên tắc sinh viên đã có trình độ đồng đều, mà hiệu quả giảng dạy vẫn không tăng lên nhiều so với trước đây?", câu trả lời mà tác giả nhận được từ các học viên là: Các giáo viên thường làm đề thi xếp lớp bằng cách lấy những câu có sẵn trong các tài liệu luyện thi các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là TOEFL và TOEIC vì những sách luyện thi này có rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, thật ra chẳng mấy ai hiểu là phải diễn giải các điểm số đạt được ra sao, ví dụ: thí sinh làm đúng 63/100 câu của bài thi nào đó thì nên xếp vào trình độ nào là phù hợp?
Vì không thế diễn giải ý nghĩa của điểm số cho nên cách làm phổ biến hiện nay là sau khi có kết quả thì xếp đại các sinh viên có số điểm gần nhau vào một lớp, rồi phân ra hai, ba trình độ theo chương trình và giáo trình đã qui định của nhà trường để dạy thôi, chứ không chắc là sinh viên có thật sự đang được học đúng trình độ của mình hay không!
Vì thế, quá trình đào tạo tiếng Anh bậc đại học tại VN đã bị trục trặc ngay từ khâu đầu tiên. Chẳng trách nào hiệu quả đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học của VN cứ mãi nằm ở mức thấp!
Thiếu những tiêu chí thống nhất làm cơ sở đánh giá trình độ của người học
Sự trục trặc ở khâu phân loại trình độ đầu vào như đã nêu ở trên tuy có ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy, nhưng vẫn có thể được giáo viên và học viên điều chỉnh trong quá trình dạy và học, nếu yêu cầu của nhà trường đối với người học được làm rõ qua các tiêu chí đánh giá rõ ràng và thống nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm mà đề tài được nghiệm thu vào cuối năm 2004, sự thiếu tiêu chí đánh giá trình độ người học vẫn còn là một bất cập lớn. Điều này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giảng dạy, vì hệ thống các tiêu chí đánh giá chính là sự cụ thể hóa các mục tiêu cần đạt, mà nếu thiếu chúng thì không thể nào xác định được mục tiêu đào tạo đã đạt được hay chưa.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất là "xây dựng (...) một hệ thống các tiêu chí và công cụ kiểm tra trình độ ngoại ngữ có giá trị và đáng tin cậy, và có khả năng qui đổi sang các chứng chỉ quốc tế". Khi viết đề xuất này, tác giả nghĩ đến việc cần cải thiện hệ thống chứng chỉ quốc gia A, B, C bằng cách chuẩn hóa và thực hiện so sánh quốc tế thông qua một đề tài nghiên cứu lớn ở tầm cỡ quốc gia.
Việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế thay cho hệ thống chứng chỉ A, B, C vốn chưa hoàn chỉnh của VN có thể là một quyết định đúng đắn nếu quyết định này dựa trên những mục tiêu xác đáng và những lập luận chuyên môn phù hợp, có cân nhắc những điều kiện thực tế tại VN. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong số các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hết sức đa dạng đang được đưa vào sử dụng trên thị trường VN, thì chứng chỉ TOEIC xem ra có sự "đổ bộ" ồ ạt và có vẻ thành công nhất, với sự áp dụng rất hào hứng của một số trường đại học ở TP.HCM và các vùng lân cận.
TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP.HCM)
(còn tiếp)
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ)

No comments:

Post a Comment