Sunday, November 16, 2014

Vị trí của các trường thành viên AUN trong bảng xếp hạng châu Á của QS 2014

AUN là từ viết tắt của cụm từ Asean University Network, tức Mạng lưới các trường đại học ĐNA. Đây là một tổ chức theo dạng hiệp hội các trường đại học của ĐNA, hiện có 30 thành viên thuộc 10 nước ASEAN, trong đó có 3 thành viên chính thức của VN là hai đại học quốc gia và ĐH Cần Thơ. Danh sách các trường thành viên AUN có thể xem trong hình dưới đây.


Để biết thêm về tổ chức này, có thể xem thông tin từ trang web chính thức của AUN tại đây: http://www.aunsec.org.

Mục tiêu của AUN là đẩy mạnh nâng cao chất lượng của các trường ĐH thành viên, để khu vực này không còn được biết đến như là một vùng trũng của giáo dục đại học trên thế giới, mà ngược lại được tăng cường hình ảnh, uy tín và sức cạnh tranh đối với các trường đại học của các nước tiên tiến. Và trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, với sự giám sát chặt chẽ của thị trường và những đòi hỏi về thông tin của người tiêu dùng giáo dục như ngày nay, một trong những bằng chứng dễ hiểu nhất đối với công chúng (dù chưa hẳn là hoàn toàn chính xác) về chất lượng của một trường đại học chính là vị trí của chúng trên các bảng xếp hạng khu vực hoặc quốc tế.

Một trong những bảng xếp hạng như vậy là bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tổ chức QS. Bảng xếp hạng này ra đời vào năm 2009 cùng với sự phong trào xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế và tăng cường tính cạnh tranh của các trường đại học tại châu Á. Sở dĩ có bảng xếp hạng riêng cho từng khu vực là vì có nhiều trường nhắm đến đẳng cấp quốc tế nhưng chưa thể lọt vào ngay và vì vậy không thể biết sự phấn đấu của mình có tác dụng gì hay chăng. Với một bảng xếp hạng khu vực, do sự cạnh tranh thấp hơn nên các trường dễ có thể lọt vào bảng xếp hạng để biết được vị trí tương đối của mình so với các trường khác.

Câu hỏi đặt ra là nếu AUN được xem là một tổ chức bao gồm các trường đại học tốt nhất của khu vực ĐNA, thì vị trí xếp hạng của những trường trong các bảng xếp hạng nhìn có cao hơn các trường không phải là thành viên hay không? Kết quả xếp hạng trường đại học châu Á năm 2014, được công bố vào đầu tháng 5 vừa qua, sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên.

Dưới đây kết quả xếp hạng của các trường ĐH thành viên của AUN năm 2014 trên bảng xếp hạng 300 trường đại học tốt nhất châu Á, được công bố vào đầu tháng 5/2014:
(Nguồn: http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/2014#sorting=rank+region=+country=+faculty=+stars=false+search=)

1. NUS (Singapore) chiếm vị trí số 1 với số điểm tuyệt đối là 100/100.
2. NTU (Singapore) chiếm vị trí số 7 với điểm số là 97.3/100.
3. UM (Malaysia) chiếm vị trí số 32 với điểm số là 80.4.
4. Mahidol (Thái Lan) chiếm vị trí số 40 với điểm số là 72.7.
5. Chulalongkorn (Thái Lan) chiếm vị trí số 48 với điểm số là 67.4.
------
6. UKM (Malaysia) chiếm vị trí số 56 với điểm số là 65.4.
7. USM (Malaysia) chiếm vị trí số 57 với điểm số là 64.0.
8. UP (Philippines) chiếm vị trí số 63 với điểm số là 60.7.
9. UI (Indonesia) chiếm vị trí số 71 với điểm số là 58.8.
10. UPM (Malaysia) chiếm vị trí số 76 với điểm số là 57.2.
11. Chiang Mai (Thái Lan) chiếm vị trí số 92 với điểm số là 52.4.
-------
12. Anteneo de Manila (Philippines) chiếm vị trí số 115 với điểm số là 46.4
13. ITB (Indonesia) chiếm vị trí số 125 với điểm số là 45.2.
14. Prince of Songkla University (Thái Lan) chiếm vị trí số 142 với điểm số là 41.8.
15. Universitá Gadjah Mada (Indonesia) chiếm vị trí số 145 với điểm số là 41.5.
--------
16. De La Salle (Philippines) chiếm vị trí trong khoảng 151-160 (không ghi điểm)
17.  ĐHQG Hà Nội (VN) chiếm vị trí trong khoảng 161-170 (không ghi điểm)
18. UBD (Brunei) chiếm vị trí trong khoảng 171-180 (không ghi điểm)
19. ĐHQG HCM (VN) chiếm vị trí trong khoảng 191-200 (không ghi điểm)
--------
20. Burapha (Thái Lan) chiếm vị trí trong khoảng 201-250 (không ghi điểm)
21. UUM (Malaysia) chiếm vị trí trong khoảng 201-250 (không ghi điểm)

Nhận xét (thứ tự được nêu là bất kỳ, không thể hiện mức độ quan trọng):

1. Có tổng cộng 21/30 trường đại học thành viên AUN nằm trong danh sách 300 trường đại học tốt nhất châu Á, chiếm tỷ lệ 70%. Một kết quả không tệ, cho thấy việc đánh giá AUN là bao gồm những trường tốt nhất của các quốc gia không phải là không có căn cứ.

2. Các quốc gia không có trường đại học nào lọt vào bảng xếp hạng là Campuchia (2 trường), Lào (1 trường), Myanmar (3 trường). Tổng cộng là 6/30 trường.

3. Các quốc gia có tất cả mọi trường thành viên AUN nằm trong danh sách là Malaysia (5 trường), Thái Lan (5 trường), Brunei (1 trường), và Philippines (3 trường).

4. Các trường thành viên khác của AUN (không kể 6 trường thuộc 3 quốc gia ở mục số 2 đã nêu ở trên) không có trong danh sách 300 trường tốt nhất là trường SMU (Singapore), ĐH Cần Thơ (Việt Nam), và ĐH Universitas Airlangga (Indonesia).

5. Singapore, Malaysia và Thái Lan có thể được xem là 3 cường quốc giáo dục đại học của ĐNA, với những trường đại học nằm trong danh sách 50 trường tốt nhất châu Á. Singapore có 2 trường đều đứng ở top ten. Malaysia có 1 trường ở vị trí 32. Thái Lan có 2 trường ở vị trí từ 40 đến 50.

6. Nếu tính đến 100 trường tốt nhất thì có thêm 2 quốc gia là Philippines và Indonesia.

7. Malaysia tuy không chiếm thứ hạng quá cao nhưng tỏ ra rất đều, có nhiều trường xuất hiện liên tục trong danh sách 100 trường đầu tiên, và có cả các trường không phải là thành viên của AUN.

8. Hai trường đại học tốt nhất của VN là hai đại học quốc gia chỉ xuất hiện ở vị trí từ 150 đến 200 (sau vị trí 150 sẽ không được nêu điểm chi tiết). Nhưng dẫu sao sự có mặt của các trường đại học của VN trong danh sách các trường tốt nhất châu Á cũng đã là một điểm đáng khích lệ và cần tiếp tục đẩy mạnh.

9. Nếu theo dõi qua nhiều năm sẽ thấy sự có mặt trong bảng xếp hạng châu Á của các trường thành viên ngày càng tăng về số lượng và được nâng cao về vị trí. Điều này cho thấy các hoạt động đảm bảo chất lượng của AUN quả thực đã có tác dụng tốt đối với các trường thành viên.

10. Dựa trên kết quả vừa nêu, có thể tạm xếp hạng vị trí của nền giáo dục đại học của các nước ASEAN như sau: 1. Singapore; 2. Malaysia; 3. Thái Lan; 4. Indonesia; 5. Philippines; 6. Brunei; 7. Việt Nam. 3 nước còn lại đồng hạng. Kết quả này cũng phản ánh sự phân chia 6+4 trong khối ASEAN, trong đó 6 nước mạnh hơn cũng là 6 nước có nền giáo dục mạnh hơn.

Việt Nam nằm trong 4 nước còn lại, và hiện nay đang là nước mạnh nhất trong nhóm 4 nước này, ít ra là về giáo dục đại học. Cũng dễ hiểu, khi VN hiện nay đã có 100 triệu dân và hơn 400 trường đại học, cao đẳng, không thể không tìm ra được 1, 2 trường tốt nhất. Trong khi đó, các nước còn lại có dân số nhỏ hơn nhiều.

Chẳng rõ trong tương lai chúng ta có còn giữ được vị trí hàng đầu so với 3 nước còn lại trong 4 nước yếu của Asean không nhỉ? Vì Campuchia và Myanmar đang có những cải cách đáng kể về mọi mặt. Mà không chỉ giữ vững vị trí, chúng ta còn cần tiến lên nữa chứ! Một thử thách không hề nhỏ, đặc biệt trước viễn cảnh của AEC đang đến.

11. Thử xem GDP/PPP của các nước có mối quan hệ gì với chất lượng giáo dục đại học không nhé? Thông tin dựa trên số liệu của WB giai đoạn 2011-2013.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_%28PPP%29_per_capita

1. Singapore 78,744
2. Brunei 71,759
3. Malaysia 23,298
4. Thái Lan 14,390
5. Indonesia 9,559
6. Philippines 6,533
7. Việt Nam 5,293
8. Lào 4,512
9. Campuchia 3,042

Riêng Myanmar không có số liệu của WB, còn số liệu phỏng đoán của CIA cho giai đoạn 1993-2013 là 1700, tức là đứng cuối cùng.

Thứ hạng các nước tính theo GDP/PPP ở trên gần như trùng khớp hoàn toàn với thứ hạng các nền giáo dục đại học mà ta đã nêu, trừ trường hợp Brunei do ít dân và có thu nhập từ dầu mỏ. Câu hỏi đặt ra ở đây là GDP cao dẫn đến thứ hạng của nền giáo dục đại học cao hay là ngược lại?

Câu trả lời xin dành cho các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước hoặc những nhà nghiên cứu về kinh tế học giáo dục; tôi chỉ xin đưa những nhận xét dựa trên số liệu khách quan và mang tính mô tả mà thôi.

No comments:

Post a Comment