Dẫn:
Đây là phần đầu của bản thảo đầu tiên của báo cáo cùng tên mà tôi đang thực hiện trong khuôn khổ đề tài "Áp dụng tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN ở các trường đại học ngoài
công lập tại TP HCM" của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM giao cho Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) chủ trì thực hiện trong 2 năm 2014-2015 và do tôi làm chủ nhiệm đề tài. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo AUN" sẽ được tổ chức tại UEF vào ngày 6/12/2014 sắp tới. Ai quan tâm đến Hội thảo này xin gửi thư đến địa chỉ mail của tôi tại vtpanh@gmail.com để nhận thêm thông tin.
Đánh giá chương trình đào tạo theo
AUN: Kinh nghiệm từ các chương trình đạt chuẩn
Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh của giáo dục đại học Việt
Nam, ngày càng có nhiều trường theo đuổi việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng
của khu vực và thế giới cho các chương trình đào tạo của mình. Bộ tiêu chuẩn chất
lượng chương trình của AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) là một ví
dụ. Tính đến thời điểm viết bài này, đã có trên dưới 20 chương trình đào tạo của Việt Nam được AUN đánh
giá chính thức và công nhận đạt chuẩn chất lượng. Đây là một nguồn thông tin vô
cùng quý giá cần được chia sẻ rộng rãi trong hệ thống để các trường có thể học
tập và đối sánh. Bài viết này không nằm ngoài mục đích nói trên.
Cấu trúc của bài viết gồm 3 phần chính: (1) Việt Nam và quá
trình tham gia đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN; (2) Phân tích kết quả
đánh giá của một số chương trình đạt chuẩn; (3) Kinh nghiệm thành công của những
chương trình đạt chuẩn. Phần kết luận của bài viết nêu những khuyến nghị chung
nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của Việt Nam.
1. Việt Nam và quá
trình tham gia đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN
1.1. Sơ lược
về AUN-QA
AUN, tức Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (tiếng Anh là
ASEAN University Network) là một hiệp hội đại học ra đời năm 1995 do sáng kiến
của Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy việc đào tạo và phát
triển nhân lực trong khu vực thông qua sự gắn kết giữa các trường đại học hàng
đầu của các nước thành viên.
Ngay từ khi ra đời, AUN đã đặt nặng công tác đảm bảo chất lượng
vì đây là cơ sở tạo sự tin cậy giữa các trường thành viên đến từ các nước có điều
kiện kinh tế xã hội rất khác nhau. Vì vậy, chỉ 3 năm sau khi ra đời, vào năm
1998 AUN đã thành lập một “mạng lưới con” gọi là AUN-QA, tức Mạng lưới đảm bảo
chất lượng AUN. AUN-QA bao gồm các nhân
sự phụ trách đảm bảo chất lượng của các trường thành viên do lãnh đạo các trường
chỉ định làm đầu mối điều phối các hoạt động nhằm tạo sự đồng bộ về chất lượng
giữa các trường và liên tục cải tiến[1].
Việc thường xuyên đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo của các trường
thành viên là hoạt động cốt lõi nhằm tạo sự đồng bộ và liên tục cải tiến nói
trên.
Khi mới ra đời năm 1995, AUN bao gồm 11 trường đại học hàng
đầu của 6 nước được xem là mạnh hơn trong khu vực (không có các trường của 4 nước
: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Việt Nam chính thức gia nhập vào mạng
lưới này vào năm 1999 với hai thành viên là hai đại học quốc gia; đây là những thành
viên đương nhiên do bộ trưởng Bộ Giáo dục của Việt Nam chỉ định để tham gia AUN.
Đến năm 2013, Việt Nam có thêm một thành viên là Đại học Cần Thơ, được kết nạp
sau khi có chương trình được đánh giá đạt chuẩn – là yêu cầu đặt ra cho các
thành viên được kết nạp sau năm 2007 khi AUN-QA bắt đầu thực hiện đánh giá
chính thức. Như vậy, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có tổng cộng 3 trường là
thành viên của AUN.
1.2. Hoạt
động đánh giá chất lượng của AUN-QA
Như đã nêu ở trên, AUN-QA là Mạng lưới đảm bảo chất lượng của
AUN, ra đời năm 1998. Trong thời gian gần 10 năm đầu sau khi thành lập, AUN-QA
tập trung thiết kế mô hình và xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng, phát triển
quy trình và công cụ đánh giá, và đào tạo tập huấn chuẩn bị nhân sự để đưa có
thể đưa hoạt động đánh giá chất lượng thường xuyên vào chính thức.
Đợt đánh giá chính thức đầu tiên của AUN-QA là vào năm 2007
với trường đại học Malaya (UM) của Malaysia. Việt Nam chính thức tham gia đánh
giá lần đầu tiên vào cuối năm 2009 với 4
chương trình (1 chương trình của ĐHQG Hà Nội, 3 chương trình của ĐHQG-HCM). Theo
thông tin chính thức từ trang web của AUN, tính đến cuối năm 2013, AUN-QA đã tổ
chức được 24 đợt đánh giá với tổng cộng 58 chương trình. Việt Nam có 18/58
chương trình được AUN đánh giá chính thức (8 chương trình của ĐHQG Hà Nội, 10
chương trình của ĐHQG-HCM)[2],
chiếm 31% tổng số chương trình được đánh giá. Điều này cho thấy Việt Nam đánh
giá rất cao tác động của việc tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn AUN.
Dưới đây là danh sách các chương trình của Việt Nam đã được
đánh giá theo AUN tính đến năm 2013.
STT
|
Tên chương trình
|
Thời gian đánh giá
|
1
|
Công nghệ thông tin, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 6, Tháng 12/2009
|
2
|
Công nghệ thông tin, ĐH Tự nhiên, ĐHQG-HCM
|
Đợt 7, Tháng 12/2009
|
3
|
Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
|
Đợt 7, Tháng 12/2009
|
4
|
Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM
|
Đợt 7, Tháng 12/2009
|
5
|
Kinh tế quốc tế, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 10, Tháng 12/2010
|
6
|
Công nghệ sinh học, ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
|
Đợt 13, Tháng 12/2011
|
7
|
Cơ khí chế tạo, ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM
|
Đợt 13, Tháng 12/2011
|
8
|
Việt Nam học, ĐH KHXH-NV, ĐHQG-HCM
|
Đợt 13, Tháng 12/2011
|
9*
|
Ngôn ngữ Anh (chương trình tài năng), ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 14, Năm 2012
|
10*
|
Hóa học, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 14, Năm 2012
|
11
|
Quản trị kinh doanh, ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
|
Đợt 16, Tháng 12/2012
|
12
|
Toán, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 18, Tháng 5/2013
|
13
|
Sinh học, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 18, Tháng 5/2013
|
14
|
Ngữ văn Anh, ĐH KHXH-NV, ĐHQG-HCM
|
Đợt 19, Tháng 9/2013
|
15
|
Công nghệ hóa học, ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM
|
Đợt 19, Tháng 9/2013
|
16
|
Kỹ thuật xây dựng, ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM
|
Đợt 19, Tháng 9/2013
|
17
|
Ngôn ngữ Anh, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 24, Tháng 12/2013
|
18
|
Ngôn ngữ học, ĐHQG Hà Nội
|
Đợt 24, Tháng 12/2013
|
Bảng 1: Danh
sách các chương trình đào tạo của VN đã được đánh giá theo AUN (tính đến cuối
năm 2013)
2. Phân tích kết
quả đánh giá của một số chương trình đạt chuẩn
Theo những thông tin do báo chí đăng tải sau các đợt đánh
giá, tất cả 18 chương trình được nêu trong Bảng 1 đều đạt chuẩn AUN, tức đạt tối
thiểu 4 điểm trở lên trên thang 7. Tuy nhiên, mức độ công bố thông tin về các
chương trình đạt chuẩn của các trường là khác nhau; có nơi chỉ thông báo tên
chương trình đạt chuẩn nhưng không nêu mức điểm đạt, nơi khác chỉ thông báo điểm
tổng quát của những chương trình đạt chuẩn mà không công bố điểm của từng tiêu
chuẩn/tiêu chí, và có nơi vừa thông báo tên chương trình đạt chuẩn vừa công bố toàn bộ báo cáo tự
đánh giá của chương trình đã đạt chuẩn lên Internet. Ngoài những thông tin do
chính các trường công bố, một số nghiên cứu phân tích đánh giá của các chuyên
gia về đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước cũng cung cấp thêm một số thông
tin chung về các chương trình đã đạt chuẩn. Vì vậy, phân tích dưới đây của
chúng tôi đôi khi chỉ đề cập nhiều đến chương trình này mà không đề cập hoặc ít
đề cập đến chương trình khác, tùy thuộc vào mức độ chi tiết của thông tin về từng
chương trình mà chúng tôi có thể tiếp cận trong quá trình nghiên cứu.
(còn tiếp)
-------------------------------------
[1]
Guidelines for AUN quality
assessment and assessors & Framework of AUN-QA strategic plan 2012-2015
(AUN 2013:2); truy cập tại http://www.aunsec.org/qualityassurance_details.php?id=3
[2] aunsec.org/programmelevel.php
*
Hai chương trình 9 và 10 bị bỏ sót trong danh sách các chương trình đã được AUN
đánh giá trên trang web của AUN. Bổ sung theo thông tin từ báo cáo của Johnson Ong
Chee Bin, công bố tại Hội thảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học”,
ĐHQG-HCM T11/2014.
No comments:
Post a Comment