Monday, January 21, 2013

Bỏ chương trình khung: Suy nghĩ về quyền tự chủ và cơ chế giải trình

Bài viết này tôi viết theo đặt hàng của Tạp chí Tia Sáng nhân việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 57 sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (thông tư này sẽ có hiệu lực trong tháng 2/2013). Hôm nay thấy đã đăng trên trang mạng của Tia Sáng với tựa đđược thay đổi đôi chút (ngắn gọn hơn và ... hay hơn) nên tôi đăng lên đây để lưu cho mình và chia sẻ với những đồng nghiệp, bạn bè hay đọc blog này.

Enjoy!
-----------
Link:http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6085&CategoryID=6


Xây dựng cơ chế giải trình hiệu quả

Vũ Thị Phương Anh


Trao quyền tự chủ cho các trường đại học của Việt Nam là một điều tất yếu. Tuy nhiên tự chủ chỉ có thể tồn tại song với trách nhiệm giải trình, và những quốc gia nơi các trường đại học có sự tự chủ cao nhất cũng chính là những nơi có cơ chế giải trình hiệu quả nhất.
------------------------------------------------
Trong một loạt các động thái chứng tỏ quyết tâm thay đổi cung cách quản lý trong giáo dục đại học, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 57/TT sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (thường được biết đến dưới tên gọi Quy chế 43). Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2/2013 sắp tới. Những thay đổi trong Thông tư nói trên chủ yếu liên quan đến Chương trình đào tạo, trong đó quan trọng nhất là quy định liên quan đến Điều 2 của Quy chế (Chương trình đào tạo). Nếu trước đây theo Quy chế 43 mọi chương trình đào tạo ĐH phải được xây dựng dựa trên chương trình khung do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, thì hiện nay với thông tư mới, hiệu trưởng các trường đại học đã được trao quyền ban hành các chương trình đào tạo được thực hiện trong trường của mình.

Xin trích nguyên văn các điều khoản quy định có liên quan trong hai văn bản nói trên: Quy chế 43 quy định rằng “Chương trình được các trường xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành” (Điều 2, Khoản 2). Nhưng trong Thông tư 57, điều khoản này đã được sửa lại thành “Hiệu trưởng ban hành chương trình thực hiện trong trường mình” (Điều 2, Khoản 4). Chỉ một câu ngắn, nhưng đó là dấu hiệu của một thay đổi căn bản từ mô hình quản trị do nhà nước kiểm soát sang mô hình tự chủ mà các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến đã theo đuổi từ lâu. Mặc dù tự chủ trong các hoạt động chuyên môn – trong đó thấp nhất là sự tự chủ trong xây dựng chương trình – chỉ mới là mức độ tự chủ tối thiểu của một trường đại học, nhưng đây vẫn là một bước phát triển quan trọng để cải cách giáo dục đại học tại Việt Nam.    

Dường như có một điều kỳ lạ đang diễn ra. Trong khi lâu nay tại Việt Nam các trường luôn mong mỏi được trao thêm quyền tự chủ còn Bộ Giáo dục thì cho rằng mình cần giữ nhiều quyền trong tay để kiểm soát chất lượng giáo dục đại học, vốn là điều cần thiết trong tình trạng nhiều trường đại học tại Việt Nam vẫn còn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, với Thông tư 57 thì Bộ bỗng chủ động thay đổi, dù không có căn cứ nào để nói rằng giờ đây tất cả các trường đã đủ lớn mạnh để được trao thêm quyền tự chủ. Như vậy, có hai câu hỏi có thể được đặt ra, đó là: (1) Việc bỏ chương trình khung liệu sẽ đem lại những lợi ích gì cho nền giáo dục đại học của Việt Nam? Và (2) Làm thế nào để bảo đảm rằng việc trao quyền tự chủ về chương trình đào tạo cho các trường không dẫn đến tình trạng hỗn loạn, mạnh ai nấy làm, bất chấp chất lượng?

Nhìn ra thế giới, có thể thấy tất cả các nền giáo dục thành công đều dựa trên nguyên tắc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường. Không giống như ở Việt Nam, nơi mọi chương trình đào tạo trong cùng một ngành học ở mọi trường đều na ná giống nhau, hoàn toàn không có bản sắc (vì được xây dựng dựa trên cùng một chương trình khung), chương trình đào tạo ở các nước có thể có những khác biệt đáng kể. Cùng là ngành Ngôn ngữ học ứng dụng nhưng một trường có thể chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngôn ngữ, trường khác nhấn mạnh việc thu thập và phân tích ngữ liệu người học (learner corpora) để nghiên cứu quá trình phát triển ngôn ngữ, còn một trường khác nữa thì quan tâm đến khoa học trắc nghiệm với các phương pháp định lượng để kiểm tra – đánh giá năng lực người học cho chính xác, chẳng hạn.

Không cần tìm ở đâu xa xôi, ngay tại một số nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, hoặc Malaysia thì quyền tự chủ tối thiểu về chuyên môn là tự xây dựng chương trình đào tạo của mình cũng đã được bảo đảm từ lâu. Việc xác định được “bản sắc” của từng trường và từng chương trình đào tạo cũng là một trong những yêu cầu của đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN, tức Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á mà hai đại học quốc gia của Việt Nam đang là thành viên. Cạnh tranh bằng sự khác biệt với các “đối thủ” đã trở thành suy nghĩ bình thường của lãnh đạo các trường đại học. Vì vậy, nếu Việt Nam cứ khư khư với việc tiếp tục giữ chương trình khung thì điều đó đồng nghĩa với việc buộc các trường đại học của mình phải tạo ra những chương trình thiếu bản sắc, hao hao giống nhau, không thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, và càng không thể nào có được tính cạnh tranh cần thiết trong một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng sự tự chủ của các trường đại học trên thế giới không phải là không có điều kiện. Tự chủ chỉ có thể tồn tại song với trách nhiệm giải trình, và những quốc gia nơi các trường đại học có sự tự chủ cao nhất cũng chính là những nơi có cơ chế giải trình hiệu quả nhất. Cơ chế ấy thường bao gồm những yếu tố sau: một thị trường cạnh tranh lành mạnh, nơi “người tiêu dùng” (ở đây là người học và gia đình) được đảm bảo quyền thông tin chính xác và đầy đủ cùng sự tự do lựa chọn; một hệ thống các luật lệ, quy định ở tầm vĩ mô đủ chặt chẽ và rõ ràng để có thể thực thi nhưng cũng đủ thoáng và rộng để không vô tình xâm phạm vào quyền tự chủ của các trường; và một cơ chế tự kiểm soát của giới chuyên môn thông qua các hội nghề nghiệp và quá trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo gắn với việc đáp ứng nhu cầu chuyên môn của thị trường nhân lực thuộc các lãnh vực nghề nghiệp. Với một cơ chế giải trình như vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước có thể nói là khá nhẹ nhàng, vì chỉ cần tạo ra sân chơi cho mọi người và sau đó thì lui về giám sát, khuyến khích và hỗ trợ những người chơi tốt hoặc cần được hỗ trợ, và xử phạt những trường hợp vi phạm nếu có.

Khi xét tình hình Việt Nam theo các yếu tố của một cơ chế giải trình hiệu quả hiện như đã nêu ở trên, có thể thấy hiện nay chúng ta cũng đã có đa số yếu tố, dù đôi chỗ chỉ mới ở mức sơ khai: thị trường cạnh tranh (đôi khi chưa hoàn toàn lành mạnh), quyền thông tin của người học (vẫn còn ở mức thấp, chủ yếu thông qua “ba công khai”), tự do lựa chọn (ở mức tương đối), khung pháp lý để vận hành các chương trình đào tạo (đôi khi còn mơ hồ, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ). Yếu tố còn sơ khai nhất, thậm chí có thể nói là chưa tồn tại, đó là yếu tố cuối cùng: vai trò của các hội nghề nghiệp trong quá trình tự kiểm soát thông qua kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thuộc các ngành nghề khác nhau. Và đây chính là việc mà Việt Nam cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới, nếu muốn các chương trình đào tạo của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của một thị trường lao động chung của khu vực mà ASEAN đang đặt mốc thời gian là năm 2015 – một thời gian không còn bao xa nữa!

Trao quyền tự chủ cho các trường là một điều tất yếu để nền giáo dục của Việt Nam có thể cất cánh, nhưng đó sẽ không phải là một việc làm dễ dàng và chỉ cần sự tự nguyện trao quyền của Bộ. Để việc trao quyền tự chủ có thể diễn ra một cách thuận lợi và đem lại những tác động tích cực nhất, nhất thiết phải tập trung vào việc xây dựng một cơ chế giải trình hiệu quả. Những động thái gần đây của Bộ Giáo dục, và nói rộng ra hơn nữa là của cả hệ thống chính trị Việt Nam, đang cho thấy sự thay đổi quan điểm và phương pháp ngày càng tiệm cận với cách làm chung của thế giới, cho phép ta có thể có ít nhiều hy vọng vào một sự cải cách đúng hướng. Đường đi sẽ còn rất dài, nhưng nếu đã chọn đúng đường và bắt đầu đi những bước đầu tiên, thì chắc chắn việc đạt đến đích chỉ còn là vấn đề thời gian. 

---


Tài liệu tham khảo

Thông tư http://vnu.edu.vn/upload/vanban/2013/01/04/TT57-2012.pdf


Quy chế 43 http://dt.ussh.edu.vn/_tailieu/Quy%20che%20quy %20dinh/Quy%20che%20dao%20tao%20theo%20tin%20chi%20-%20Bo%20GD&DT%5B1%5D.pdf
Accademic autonomy http://www.university-autonomy.eu/dimensions/academic/

Luật Giáo dục đại học: http://www.ndun.edu.vn/vi/download/ Luat/Luat-giao-duc-Dai-hoc-so-08-2012-QH13-ngay-18-thang-6-nam-2012/

Chương trình khung của các ngành do Bộ ban hành, ví dụ http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu/Thong-tu-02-2012-TT-BGDDT-Chuong-trinh-khung-giao-duc-dai-hoc-nganh-Su-pham-vb134582t23.aspx

1 comment:

  1. Xin phép cho hỏi, nếu cơ sở GD van63n đào tạo theo hình thức niên chế, học phần thì có còn bắt buộc theo ct khung của bộ nữa kg ?

    ReplyDelete