Friday, December 21, 2012

"Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế: Hợp chuẩn và lệch chuẩn" (SGGP)

Đọc báo mạng, tình cờ đọc được bài này đúng ý tôi, mà lại có nhắc đến tên tôi nữa chứ, nên chép lại ở đây để lưu và ... để khoe! Nguồn ở đây: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2012/12/307261/





-------------------------
Theo một cuộc khảo sát bỏ túi mới đây của SV khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM, có đến 60% người học đến từ các nước trên thế giới băn khoăn khi chọn trường ĐH tại Việt Nam. Đối với SV trong nước, được hỏi ĐH nào nổi tiếng nhất Việt Nam, các phiếu khảo sát cho rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng có đến 52,8% số phiếu không chắc về đáp án mình đưa ra. Vậy, ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?

Sinh viên Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam học tập qua mạng. Ảnh: MAI HẢI

Bước đầu hội nhập
Trung tuần tháng 11-2012, tại Hội nghị Giáo dục quốc tế QS APPLE diễn ra ở Indonesia, ĐH FPT Việt Nam chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế 3 sao (408 điểm) theo thang bậc xếp hạng của Tổ chức QS (tên tiếng Anh đầy đủ là Quacquarelli Symonds), một trong những tổ chức xếp hạng ĐH được xem là có uy tín trên thế giới.

Trước đó, để đạt được chứng nhận này, tập thể thầy và trò đã trải qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ dựa trên các tiêu chí: “đầu ra” sinh viên sau đào tạo, cơ sở vật chất, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên nước ngoài, số lượng bằng sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học đăng ký quốc gia và quốc tế, học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên…

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, chứng nhận này có giá trị trong vòng 3 năm. Do đó, mục tiêu phấn đấu tiếp theo của nhà trường trong 1-2 năm tới là cán mốc 550 điểm - xếp hạng 4 sao theo quy chuẩn đánh giá của tổ chức này.

Trước đó, ĐHQG Hà Nội cũng từng lọt vào top 300 trường ĐH hàng đầu châu Á do tổ chức này xếp hạng. Ngoài ra, vào năm 2009, ĐHQG TPHCM cũng từng đứng ở bậc 57 trên tổng số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới do tổ chức 4icu (For International Colleges and Universities) bình chọn dựa trên số lượng người truy cập vào website của trường. Ngoài ra, một số ĐH khác ở Việt Nam như ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Quốc tế TPHCM hiện cũng đang ưu tiên thực hiện công tác trao đổi sinh viên nước ngoài nhằm nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh ĐH Việt Nam ra thế giới.

Mới đây, ĐHQG TPHCM công bố đã có 6 khoa/bộ môn trực  thuộc đơn vị này được công nhận chuẩn giáo dục AUN-QA, chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN. Hiện Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Quốc tế TPHCM đang hoàn tất hồ sơ, dự báo sẽ là đơn vị tiếp theo được công nhận đạt chuẩn.

Cẩn trọng với “chuẩn”
Công nhận đạt chuẩn luôn là mơ ước, mục tiêu phấn đấu của các trường ĐH. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, trên thế giới hiện nay đang tồn tại hơn 10 bảng xếp hạng ĐH, mỗi loại đánh giá dựa trên những tiêu chí hoàn toàn khác nhau.

Trong đó, chỉ có hai tổ chức xếp hạng được đánh giá là có uy tín, nhiều người tin cậy là bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) hợp tác với hãng thông tấn Thomson Reuters và bảng xếp hạng của ĐH Thượng Hải (Trung Quốc). Việt Nam chưa từng có ĐH nào lọt vào hai bảng xếp hạng này. Riêng hệ thống xếp hạng QS-Stars của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) cũng được xem là đáng tham khảo do trước đây công ty này từng hợp tác với tạp chí Times Higher Education xếp hạng ĐH.


Tuy nhiên, từ năm 2010, tạp chí Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS, thay vào đó kết hợp cùng Thomson Reuters tạo ra hệ thống đánh giá mới. Qua đó cho thấy vấn đề xếp hạng ĐH hiện nay chưa đồng nhất, ở đó một trường ĐH có thể lọt vào bảng xếp hạng này nhưng hoàn toàn vắng bóng ở bảng xếp hạng kia.

Do đó, lời khuyên của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, là các trường không nên quá chạy theo chuẩn xếp hạng mà bỏ quên nhiệm vụ, sứ mạng đào tạo được xã hội giao phó. Việt Nam muốn có các trường nằm trong các bảng xếp hạng quốc tế cần có một cuộc cải cách lâu dài, hoặc là phát triển các trường ĐH đang có trở thành ĐH đẳng cấp, hoặc thành lập riêng một số trường ĐH mới với các mục tiêu đào tạo trọng yếu.


Còn theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM: “Việc chạy theo chuẩn này chuẩn nọ không khéo sẽ trở thành lệch chuẩn. Hiện nay mỗi trường có một mục tiêu, sứ mạng đào tạo khác nhau…”. Chính vì vậy, kết quả thứ bậc theo hệ thống xếp hạng này hay hệ thống khác chỉ mang tính tương đối, giúp người học có thêm lựa chọn môi trường đào tạo phù hợp, không phải là cơ sở so sánh trường này với trường kia.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được đưa ra là hiện nay đang có tình trạng một số trường ĐH mới nổi lấy “chuẩn” - bất kể chính thống hay không chính thống làm phương tiện quảng bá hình ảnh, thu hút thêm học viên. Trong khi đó, nhiều trường ĐH lâu năm, đã có bề dày thành tích lại cẩn trọng hơn trong việc tham gia sân chơi này. Do đó, người học cần tìm hiểu rõ ràng, thứ bậc xếp hạng của một trường không quan trọng bằng việc trường đó có phù hợp với yêu cầu và năng lực học tập của từng cá nhân

Thu Tâm

1 comment:

  1. Thưa cô, theo em được biết thì một đại học (university) có nhiều trường (school), một trường có nhiều khoa (faculty/ department), điều đó có đúng không ạ?

    Nếu đúng, thì tầm của đại học FPT cao lắm chỉ bằng một school mà thôi, các khoa/bộ môn trực thuộc ĐHQG thì hiển nhiên là tương đương với faculty/department rồi.

    Đưa điều này ra, vì có một nguyên tắc trong kiểm định là: đơn vị càng nhỏ, càng gọn, hoạt động càng chuyên biệt thì càng dễ dàng đạt được các tiêu chuẩn kiểm định. Nghĩa là cùng một thứ hạng trong cùng một tiêu chuẩn, ĐHQG phải đáp ứng nhiều chuẩn mực hơn ĐH FPT, và ĐH FPT cũng phải đáp ứng nhiều chuẩn mực hơn các khoa/ bộ môn.

    Đây chỉ là những nhận định cá nhân của em, mong nhận những lời góp ý từ cô

    ReplyDelete