Sự khủng hoảng của
khối C: Tự cứu hay chờ trời cứu?
Dẫn nhập: Bài này tôi
viết theo đặt hàng của Tạp chí Tia Sáng, và cũng là điều tôi trăn trở từ lâu
với tư cách của một người vốn tốt nghiệp khối ngành XH-NV và đã có thâm niên
giảng dạy gần 30 năm trong lãnh vực này. Với tư cách này, tôi nghĩ mình có thể
phát biểu như một người trong cuộc, và cũng đã gửi cho một người bạn, cũng là
một người trong cuộc, hiện đang là trưởng khoa của một khoa lớn của một trường
đại học lớn trên cả nước thuộc khối ngành “đau khổ” này để xem người khác nghĩ gì về bài viết.
Phản ứng của bạn tôi khi đọc bài này, đó là: những nhận định của tôi trong bài viết thật xác đáng, và cũng thật … đau!
Phản ứng của bạn tôi khi đọc bài này, đó là: những nhận định của tôi trong bài viết thật xác đáng, và cũng thật … đau!
Tôi cũng rất đau khi
viết bài này nhưng vẫn cứ phải viết. Rất cám ơn Tia Sáng đã đặt hàng, và đã sử
dụng bài (đã đăng trên số mới nhất, ra ngày 20/5 vừa qua). Tôi chưa đọc báo giấy nên chưa rõ
bài viết có được biên tập lại không. Xin gửi nguyên văn bài gốc ở dưới đây.
---------------------------
Tầm quan trọng của khối ngành nhân văn đối với sự phát triển
ổn định và bền vững của xã hội là điều không có gì để tranh cãi. Tuy nhiên, tại
Việt Nam
sự xuống dốc của khối ngành này đã kéo dài nhiều năm và đang trở thành một vấn
nạn hết sức đáng lo ngại.
Sự suy giảm của các ngành nhân văn được tin là có nguyên
nhân khách quan. Ai cũng biết hiện nay
khối ngành nhân văn (tuyển sinh khối C) khó kiếm việc làm; nếu may mắn có việc
cũng thường được trả lương khá thấp so với nhiều ngành khác. Với nhiều người,
đây là lỗi của nhà tuyển dụng vì chỉ chăm chăm tuyển người để dùng ngay nên không
đánh giá cao những người tốt nghiệp các ngành nhân văn; hoặc là lỗi của thí
sinh và gia đình vì chỉ thích chọn những ngành giúp họ có thu nhập cao, một
biểu hiện của lối sống thực dụng đang lên ngôi (!) như ai đó đã từng nói.
Những phân tích trên có lẽ không sai, nhưng chưa đủ. Sự
khủng hoảng của khối C không thể không liên quan đến những người đang làm công
tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong khối ngành ấy. Nhưng dường
như họ chưa bao giờ đặt cho mình câu hỏi: Phải chăng chính bản thân nội dung chương
trình, cách tổ chức giảng dạy, và cách giảng dạy và học tập của khối ngành nhân
văn đã dẫn đến sự “tẩy chay” của người học và của toàn xã hội?
Một trong những tiêu chí khách quan của nhà tuyển dụng đối
với mọi sinh viên tốt nghiệp khi bắt bước vào thị trường lao động là trình độ
ngoại ngữ, cụ thể là trình độ tiếng Anh trong thời đại hiện nay. Khả năng ngoại
ngữ vốn phải là một thế mạnh của những người hoạt động trong khối ngành nhân
văn, vì hơn ai hết, họ là cần có một ngoại ngữ phổ biến làm công cụ giúp họ hiểu
biết về những gì đang diễn ra trên thế giới, trao đổi và tiếp thu ý kiến của
các đồng nghiệp và các nhà tư tưởng lớn, hay tự mình đi sâu vào kho tàng giá
trị tinh thần đã được tích lũy từ nhiều đời trước và truyền lại cho đời sau. Thông
thạo ngoại ngữ, thậm chí không chỉ một ngoại ngữ mà là nhiều ngoại ngữ, đó cũng
là một dấu ấn riêng biệt và đậm nét của những người hoạt động trong lãnh vực xã
hội và nhân văn của một vài thế hệ trước ở Việt Nam .
Nhưng ngày nay thì điều này không còn đúng. Dù có những
ngoại lệ, nhưng nhìn chung những người tốt nghiệp đại học ở một ngành nhân văn
thường có trình độ ngoại ngữ kém nhất. Kém ngoại ngữ trong một thời đại tri thức
và hội nhập toàn cầu, khi mọi thay đổi đang diễn ra thần tốc hàng ngày, khi tri
thức của nhân loại chỉ sau vài năm lại tăng lên gấp đôi; liệu những người với
năng lực như vậy có khả năng tự học, khả năng học tập suốt đời để đáp ứng nhu
cầu cập nhật của chính bản thân, và đóng góp vào sự phát triển của xã hội?
Một năng lực quan trọng khác của thị trường lao động ngày
nay là năng lực về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông. Chúng
ta không đang nói đến việc phát minh, sáng chế ra các công cụ, thiết bị hoặc quy
trình công nghệ, mà nói đến sự thành thạo của một người sử dụng, tức sự hiểu
biết và khả năng lựa chọn về các công cụ, kỹ thuật và phương pháp khác nhau nhằm
phục vụ hữu hiệu nhất cho nghề nghiệp của mình. Hiện nay ở Việt Nam ,
không kể những ngoại lệ hiếm có, những người tốt nghiệp đại học các ngành thuộc
khối C thường được xem là những người có trình độ sử dụng công nghệ kém nhất.
Trong khi đó trên thế giới, khối ngành nhân văn đang là một
lãnh vực ứng dụng quan trọng để tiếp nhận các thành tựu mới nhất của công nghệ
thông tin-truyền thông, cả phần mềm lẫn phần cứng. Bất kỳ một nhà sử học, nhà khảo
cổ học hoặc nhà nghiên cứu văn học/văn hóa nào khi tiếp cận với một văn bản
cũng có thể cần sử dụng các kho ngữ liệu trực tuyến (online corpora) hoặc các
phần mềm phức tạp để tìm hiểu các ẩn ý của từ ngữ trong văn bản, so sánh các dị
bản khác nhau để tìm ra bản gốc, hoặc xác định văn phong xem nó có khả năng là
một tác phẩm chưa công bố của một tác giả quá cố nào đó. Nhà báo khi tác nghiệp
có thể cần sử dụng bút thông minh (smartpen) để vừa ghi chép vừa ghi âm và sau
đó chia sẻ pencast cho đồng nghiệp; cần sử dụng các công cụ trực tuyến như
trang Evernote để lưu lại và tổng hợp mọi ghi chép, tài liệu bằng hình, video,
email, web links mọi lúc, mọi nơi; cần tham gia các mạng xã hội để tạo quan hệ
và nắm thông tin; cần tương tác với độc giả trên từng bài viết; cần có blog cá
nhân để nối dài những ý tưởng cho mục mà mình phụ trách trên tờ báo giấy, vốn
luôn có phiên bản trực tuyến kèm theo. Danh sách trên mới chỉ là một số ví dụ
gần gũi mà ai cũng biết.
Gần gũi hơn nữa, có thể nói về công việc của giáo viên. Ở
nhiều nước, cả các nước đang phát triển ở gần Việt Nam như Thái Lan hoặc
Philippines, giáo viên tất cả các cấp học khi giảng dạy một môn học không chỉ
có giáo án trên giấy hoặc bản cứng của sách giáo khoa, hoặc cao lắm là các file
trình chiếu trên phần mềm powerpoint với những đoạn video clip như ở Việt Nam,
mà có hẳn những cổng thông tin với các lớp học ảo trên mạng hoạt động 24/7. Ở đó, giáo viên có thể làm
tất cả các thao tác cần thiết của quá trình dạy học: soạn bài, giảng bài, chấm
bài, lưu bài làm và điểm số của người học, thu thập và lưu trữ các tài liệu tham
khảo qua nhiều năm, giao lưu với các đồng nghiệp khác trong và ngoài nước, gửi
các thông báo đột xuất hoặc thường kỳ cho cả lớp hoặc cho từng học viên.
Cũng trên những lớp học ảo đó, các học viên có thể tương tác
với nhau hoặc với giáo viên bất kể những cách biệt về không gian và thời gian,
lưu giữ các phiên bản khác nhau của các bài tập lớn, tạo hồ sơ học tập cho
riêng mình, và giao lưu với bạn bè thế giới khi cần. Đáng nói hơn là các cổng
thông tin hỗ trợ học tập này có thể hoàn toàn miễn phí, mỗi giáo viên ở bất cứ
nơi đâu (kể cả ở Việt Nam) cũng đều có thể tự tạo cho mình, chẳng cần phải có những
hệ thống học tập trực tuyến cồng kềnh và tốn kém của các trường như cách đây
một vài thập niên. Tất cả những gì mà giáo viên và học viên cần là khả năng
tiếp cận với một máy tính được nối mạng Internet trong một vài giờ mỗi ngày.
Một điều mà hầu hết giáo viên và học viên của Việt Nam ngày nay đều có khả năng làm
được, dù chẳng mấy ai làm.
Trong một thế giới nơi công nghệ có vai trò then chốt như
vậy, ngành nhân văn của Việt Nam
đang trang bị gì cho người học? Cũng vậy, ở đây tất nhiên sẽ có những ngoại lệ,
nhưng nhìn chung các lớp học tại Việt Nam vẫn đang được giảng dạy theo phương
pháp hoàn toàn truyền thống, vẫn sách giáo khoa hoặc tài liệu chính thức của
nhà trường in sẵn trên giấy (mà có khi được người học cũng chẳng đụng đến), vẫn
thầy đọc trò chép hoặc khá hơn là thầy nói-chiếu (powerpoint) còn trò thì vẫn
chép, vẫn phương thức duy nhất là gặp mặt trực tiếp trên giảng đường, nơi tương
tác thầy trò chủ yếu một chiều (từ thầy đến trò), nơi sự tranh luận giữa các
học viên trong cùng một lớp về những vấn đề chuyên môn là vô cùng hãn hữu, và
đừng nói đến việc giao lưu với bạn bè cùng ngành trong cả nước hoặc trên thế
giới.
Đó là chưa kể nội dung của tài liệu và sách giáo khoa của
các ngành nhân văn, vốn đa số rất cũ kỹ, thiếu cập nhật. Các tài liệu này
thường chỉ chấp nhận quan điểm được xem là chính thống, rất hiếm thấy cái nhìn
đa chiều, không được nêu những vấn đề gây tranh luận, và hoàn toàn không xuất
hiện những quan điểm trái chiều. Về hình thức, các tài liệu đa số được trình
bày khô khan dày đặc chữ, ít chú trọng đến khía cạnh thẩm mỹ, rất ít hình ảnh
và màu sắc. Hầu như tất cả các tài liệu và sách giáo khoa ấy không bao giờ có
các đĩa CD-ROM hoặc trang web hỗ trợ kèm theo, mặc dù đó là chuẩn mực xuất bản
của sách giáo khoa trên thế giới. Nhìn tài liệu học tập của các ngành nhân văn
ở Việt Nam
ta nghĩ đến những sản phẩm của cách đây vài chục năm khi thế giới chưa từng
biết đến cuộc cách mạng số.
Tất nhiên, tình trạng lạc hậu so với thế giới cũng xảy ra ở
các ngành học khác, nhưng do nhu cầu bắt buộc phải giao lưu để tiếp cận tri
thức mới của các ngành khoa học-kỹ thuật và kinh tế-thương mại, nên mọi việc
vẫn khá hơn. Có thể nói, sự lạc hậu về nội dung và phương pháp là đặc sản của
các ngành nhân văn do có đối tượng nghiên cứu là những vấn đề đặc thù của Việt
Nam; vì thế những cải cách theo trào lưu của thế giới thường được cho là không
cần thiết.
Trong tình trạng như vậy, thử hỏi ngay cả khi có chính sách hỗ
trợ người học, như miễn học phí, cấp học bổng tương tự như khối ngành sư phạm
hiện nay, và bố trí việc làm sau khi tốt
nghiệp, chúng ta có chắc rằng khối ngành nhân văn sẽ có đủ sức hấp dẫn để thu
hút người học bỏ ra 4 năm trời để theo học hay không? Và ai có thể nói được với cách giảng dạy như
thế thì sau 4 năm, người học sẽ được trang bị những gì để tham gia một cách
hiệu quả vào đời sống hiện đại, đa cực và đầy biến động hiện nay?
Có phải là một nghịch lý không, khi các nhà tuyển dụng luôn
miệng than phiền về sự thiếu kiến thức tổng quát và các kỹ năng mềm của người
tốt nghiệp, trong đó chủ yếu là các kỹ năng giao tiếp, diễn đạt, sử dụng ngôn
ngữ, kỹ năng thông tin, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, vv – tất cả trên lý
thuyết đều phải là thế mạnh của khối ngành nhân văn, nhưng trên thực tế thì
khối ngành nhân văn ngày càng ế ẩm và bị người học quay lưng lại. Phải chăng đó
là dấu chỉ cho thấy khối ngành nhân văn phải tự xem xét lại và thực hiện những
cải cách, trước khi cất lời trách móc người học và xã hội đã không đánh giá
đúng tầm quan trọng của chính mình?
Có những biện pháp để khôi phục các ngành nhân văn tại Việt
Nam là một việc làm cần thiết, thậm chí khẩn cấp, để bảo đảm sự phát triển toàn
diện của mỗi cá nhân và sự phát triển cân bằng, bền vững của toàn xã hội. Nhưng
những giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài chỉ có thể có tác dụng khi chính khối ngành
nhân văn có khả năng tự cải thiện. Bằng không thì mọi giải pháp, mọi chính sách
hỗ trợ từ bên ngoài cũng chỉ có tác dụng nhất thời, chắp vá. Để rồi mỗi năm, cứ
vào mùa tuyển sinh, chúng ta lại tiếp tục được nghe điệp khúc than vãn về sự
quay lưng của người học đối với khối C.
No comments:
Post a Comment