Wednesday, May 30, 2012

Khái niệm “Chất lượng” trong giáo dục đại học

Minh Anh (ĐH Đông Á dịch), Phương Anh hiệu đính và biên tập ngôn ngữ


Trang 11



Chất lượng” là một thuật ngữ gây nhiều tranh cãi.  Với một số người,  “chất lượng” cũng giống như câu cái đẹp, vốn “nằm trong mắt của người thưởng thức”. Những người này cho rằng chất lượng chỉ là vấn đề tương đối, trong khi một số khác cho rằng chất lượng bao gồm nhiều thành tố xác định khác nhau; nói cách khác chất lượng là một cái gì đó hoàn toàn khách quan. Từ chất lượng (quality) bắt nguồn từ từ ‘qualis’ trong tiếng Latin, có nghĩa là loại gì. Đây là một từ đa nghĩa và nhiều hàm ý, một khái niệm khó nắm bắt (Pfeffer and Coote, 1991). Để minh họa cho tính chất phức tạp và khó nắm bắt của khái niệm ”chất lượng” và những sự nhầm lẫn xung quanh khái niệm này, rất nhiều tác giả (Nigvekar, 1996; Warren và đồng nghiệp, 1994; Sallis, 1996) thường trích dẫn đoạn sau đây của tác giả Pirsig (1974).



Chất lượng … bạn biết nó là cái gì, nhưng lại cũng chẳngbiết nó là cái gì. Điều đó thật mâu thuẫn.  Nhưng rõ ràng chúng ta biết rằng có những điều thực sự tốt hơn điều khác, tức là chúng  có chất lượng hơn. Nhưng khi bạn cố gắng mô tả chất lượng đó là gì, độc lập với những vật “có chất lượng” đó, thì tất cả đều trở nên rối loạn! Chẳng còn gì để có thể nói về nó. Nhưng nếu bạn không thể nói được chất lượng là gì, thì làm sao bạn biết nó là gì, hoặc  nó có thực sự tồn tại hay không? Nếu không ai có thể giải thích thuyết phục được chất lượng là gì, thì có thể lý luận rằng nó không tồn tại. Nhưng trong thực tế quả là nó thực sự tồn tại cơ mà … Và cứ thế, mọi việc cứ tiếp tục xoay vòng như vậy, như một con quay cứ mãi xoay mà không tìm thấy lực bám ở nơi nào. Chất lượng là cái quái gì thế nhỉ? (p.171)



Tới đây, có thể hiểu rằng với những người khác nhau thì chất lượng có những ý nghĩa khác nhau.



2.1 Định nghĩa chất lượng



Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (British Standards Institution, viết tắt là BSI) định nghĩa chất lượng là “toàn bộ các đặc trưng cũng như tính chất của một sản phẩm hoặc một dịch vụ giúp nó có khả năng đáp ứng những yêu cầu được xác định rõ hoặc ngầm hiểu” (BSI, 1991). Green và Harvey (1993) đã xác định năm (05) cách tiếp cận khác nhau để định nghĩa chất lượng như sau:



  • Chất lượng là sự vượt trội ( đạt tiêu chuẩn cao và vượt quá yêu cầu);
  • Chất lượng là tính ổn định  (thể hiện qua tình trạng “không có khiếm khuyết ” và tinh thần “làm đúng ngay từ đầu”, biến chất lượng thành một văn hóa);
  •  Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu (tức sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng đúng những mục đích đã đề ra, theo đúng các đặc tả  và sự hài lòng của khách hàng);/



Trang 12



  • /Chất lượng là đáng giá đồng tiền (có  hiệu quả và hiệu suất cao); và
  • Chất lượng là tạo sự thay đổi  (những thay đổi về chất lượng).



Những quan niệm khác nhau về chất lượng này đã khiến Reeves và Bednar (1994) kết luận rằng: “… Cuộc tìm kiếm một định nghĩa thống nhất và một phát biểu có tính quy luật về chất lượng đã bị thất bại”. Theo Gummesson (1990), có lẽ cần làm sao để mọi người cùng đồng thuận về cách hiểu cái thực thể mơ hồ nhưng phức tạp và đa diện mà ta gọi là chất lượng hơn là tìm cách đưa ra một định nghĩa về chất lượng. Garvin (1988) đã phân loại các định nghĩa chất lượng ra thành năm (05) nhóm chính:



(1)  Những định nghĩa mang tính “tiên nghiệm”.  Đây là những định nghĩa dựa trên cảm nhận chủ quan. Những định nghĩa này tồn tại rất bền vững, nhưng không thể đo lường và cũng không thể mô tả một cách logic. Có thể nói chúng cũng giống như những khái niệm về ‘tình yêu’ hoặc ‘cái đẹp’.



(2)  Những định nghĩa dựa trên sản phẩm. Chất lượng được coi như những biến số đo lường được. Căn cứ để đo lường là dựa trên những thuộc tính khách quan của sản phẩm.



(3)  Những định nghĩa hướng về người sử dụng. Chất lượng là một phương tiện để đáp ứng sự hài lòng của khách hàng. Điều này khiến những định nghĩa này có phần chủ quan và mang tính cá nhân.



(4)  Những định nghĩa dựa trên hoạt động sản xuất. Chất lượng được xem là sự đáp ứng những yêu cầu và thông số kỹ thuật của sản phẩm.



(5)  Những định nghĩa dựa trên giá trị. Những định nghĩa này xác định chất lượng trong mối tương quan với chi phí. Chất lượng được coi là sự cung cấp những giá trị tốt so với chi phí bỏ ra (Largosen và đồng nghiệp, 2004).



Quanh khái niệm chất lượng ta có thể nhận ra một số ý tưởng chính yếuỷ, đó là: Chất lượng có tính  tuyệt đối, chất lượng có tính tương đối, chất lượng như một quá trình, và chất lượng như một văn hóa.    



Khi chúng ta xem chất lượng là tuyệt đối, nó được xem như là những tiêu chuẩn cao nhất có thể có. Ví dụ như bức tranh “Mona Lisa” của Da Vinci, Kim tự tháp Hy Lạp hoặc Lăng Taj Mahal ở Ấn Độ là những tuyệt tác với tiêu chuẩn chất lượng tuyệt vời. Xét theo khía cạnh sản phẩm, chúng luôn đi kèm với những “thương hiệu” cao, có lợi thế vè đẳng cấp và vị trí. Những tổ chức giáo dục như Oxford, Cambridge và Stanford ở phương Tây có thể được hiểu là đạt chuẩn chất lượng theo nghĩa tuyệt đối, mặc dù khi xét trong trường hợp của ngành giáo dục điều này vẫn có ít nhiều cảm tính. Quan niệm “chất lượng là tương đối” thì cho rằng chất lượng của một sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ có giá trị tương đối. Chất lượng ở đây có thể được đo lường bằng những tiêu chí nhất định. Theo Mukhopadhyay (2005) việc tuân thủ các “đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm thực sự là điều kiện tối thiểu về chất lượng, nhưng không phải là điều kiện đủ”. Điều kiện đủ là sự hài lòng của khách hàng và hơn thế nữa” (p.19). /



Trang 13

/Quan niệm ‘chất lượng như một quá trình’ cho rằng để đạt được chất lượng của một sản phẩm hoặc dịch vụ, nhất thiết phải trải qua những quá trình nhất định và tuân theo những yêu cầu về thủ tục. Do đó, chất lượng là kết quả của những hệ thống và quy trình được lập ra cho một mục tiêu. Cuối cùng - chất lượng như một văn hóa – công nhận tầm quan trọng của việc một tổ chức xem chất lượng là một quá trình chuyển đổi, trong đó mỗi bộ phận đều quan tâm và thừa nhận tầm quan trọng của chất lượng. Quan niệm cuối cùng này đặc biệt đáng quan tâm trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên các ý tưởng khác về chất lượng đều có vai trò của chúng. Để tóm lược những thảo luận trên đây, Barnett (1992) đã trích dẫn một khái niệm được đưa ra bởi Barrow (1991) để định nghĩa ‘chất lượng’ trong giáo dục đại học:



… một quá trình giáo dục được đánh giá cao khi được chứng minh rằng, qua quá trình đó sự phát triển về giáo dục của sinh viên đã được nâng cao … những sinh viên này không những đạt được những mục tiêu đã đề ra của khóa học, mà còn hoàn thành những mục tiêu giáo dục tổng quát như  khả năng độc lập tham gia vào những cuộc tranh luận dựa trên lý lẽ, khả năng tự đánh giá một cách khách quan, và có nhận thức đúng đắn về những hệ quả sâu xa của mọi suy nghĩ và hành động (p.61).  


Từ những thảo luận trên đây, có thể nhận thấy rằng khái niệm chất lượng là một khái niệm không xác định và phụ thuộc vào ngữ cảnh. Nó có một phổ nghĩa từ  “chuẩn mực” đến “xuất sắc”. Cả hai nghĩa này đều đã bám rễ sâu và được thể hiện qua cách hoạt động của từng cá nhân, tổ chức, và, như bạn sẽ thấy dưới đây, của cả một đất nước. “Chuẩn mực có thể được hiểu bằng khái niệm ‘ngưỡng’ tối thiểu mà theo đó hiệu quả của công việc sẽ được đánh giá (Ashcroft & Foreman-Peck, 1996, p.21). Trong bối cảnh này, chất lượng đồng nghĩa với hoạt động đánh giá, được hiểu theo nghĩa nó là tập hợp các tiêu chuẩn  dựa trên quy chiếu nhóm chuẩn (norm-referenced standards), chẳng hạn như Tiêu chuẩn của NAAC, được xây dựng dựa trên yêu cầu vềmức tối thiểu cao hơn. Ở phía bên kia của phổ nghĩa quan điểm xem chất lượng sự xuất sắc (tương tự như những gì Green và Harvey gọi vượt trội). Xuất sắc là trạng thái thành tích đặc biệt, vượt trội, không có lỗi và đạt mức hài lòng cao nhất từ các bên liên quan. Trong giáo dục đại học, mục tiêu của chúng ta là đạt được  các “chuẩn mựcvà tiến gần hơn về sự xuất sắc.

2.2 Vì sao cần quan tâm đến chất lượng?




Là giảng viên, hiệu trưởng, trưởng khoa, người lập kế hoạch và hoạch định chính sách, bạn có thể đang tự hỏi – tại sao tôi phải quan tâm đến chất lượng? Không chỉ vì các chỉ thị UGC yêu cầu bạn suy nghĩ về chất lượng, mà thật ra chất lượng phải được tiếp cận từ dưới lên, và tất cả mọi người



(hết Trang 13)

Trang 14

cần ý thức rõ tại sao chúng ta phải quan tâm về chất lượng giảng dạy,, về chương trình và về đơn vị của chúng ta. Sau đây là một số lý do:



1. Sự cạnh tranh. Chúng ta đang bước vào một thời đại mới, thời đại của sự cạnh tranh cao độ giữa các cơ sở giáo dục để thu hút sinh viên và kinh phí. Cùng với quá trình toàn cầu hoá và GATS (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ), môi trường giáo dục càng trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Để có thể tồn tại được trong tình hình này, các cơ sở giáo dục cần phải quan tâm đến chất lượng của mình.



2. Sự hài lòng của khách hàng. Sinh viên, phụ huynh, và các tổ chức tài trợ, những khách hàng của một cơ sở giáo dục,có ý thức rất cao về quyền lợi của mình và giá trị nhận được so với thời gian và tiền bạc mà họ đã bỏ ra. Họ càng ngày càng đòi hỏi chất lượng giảng dạy phải tốt hơn và phải được cung cấp những kỹ năng cần thiết cho việc tuyển dụng, vì thế chúng ta phải không ngừng quan tâm đến sự gắn kết giữa các khoá học cũng như những chương trình đào tạocủa nhà trường với nhu cầu của thị trường lao động.



3. Duy trì các chuẩn mực. Với tư cách là một cơ sở giáo dục, chúng ta luôn quan tâm đến việc đặt ra chuẩn mực riêng của mình và thường xuyên duy trì những chuẩn mực này qua thời gian. Để làm điều này , chúng ta cần nỗ lực để nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục cũng như các phương pháp cung cấp dịch vụ giáo dục và cơ sở vật chất.



4. Trách nhiệm giải trình. Mỗi tổ chức đều có trách nhiệm giải trình đối với các nhóm thành viên của nó về nguồn quỹ (cho dù là công hay tư) mà mình sử dụng. Mối quan tâm về chất lượng sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn quỹ và thông báo cho các bên liên quan để đưa ra những quyết định thích hợp. Do đó, chất lượng có thể được coi như một cơ chế giám sát.



5. Khích lệ động lực và tinh thần của nhân viên. Mối quan tâm về chất lượng của cả một tổ chức sẽ nâng cao tinh thần và động lực cho nhân viên trong việc thực hiện những nhiệm vụ và trách nhiệm của họ. Nếu một hệ thống chất lượng được triển khai, những quá trình nội bộ sẽ được hệ thống hoá, giúp cho từng bộ phận có thể bổ trợ cho nhau và giúp nâng cao sự hài lòng trong nội bộ, dẫn tới tinh thần và động lực trong công việc được nâng cao.



6. Sự tín nhiệm, uy tín và đẳng cấp. Nếu bạn quan tâm đến chất lượng một cách liên tục chứ không phải chỉ thỉnh thoảng một lần, điều đó sẽ mang lại sự tín nhiệm đối với từng cá nhân và toàn đơn vị của bạn, bởi sự nhất quán sẽ dẫn đến hoạt động thông suốt, nâng đẳng cấp và giá trị thương hiệu.



7. Hình ảnh và khả năng quảng bá. Những tổ chức có chất lượng có thể thu hút được sự hỗ trợ tốt hơn từ các bên có liên quan, ví dụ như tuyển được những sinh viên ưu tú ở cả gần lẫn xa, tăng các khoản tài trợ/ trợ cấp từ các nhà hảo tâm / cơ quan tài trợ, và mối quan tâm nhiều hơn của nhà tuyển dụng tạo khả năng xin việc dễ dàng hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.



(hết Trang 14)

Trang 15

2.3 Tóm tắt



Chất lượng được định nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Nó là một khái niệm được sử dụng rất nhiều nhưng lại ít được hiểu nhất. Trong phần này, chúng ta đã thảo luận về những cách xem xét vấn đề chất lượng – từ ‘không có khiếm khuyết’ đến ‘phù hợp với mục tiêu’. Tuy nhiên, chất lượng trong giáo dục đại học được hiểu theo nghĩa một quá trình giáo dục có thể đảm bảo được cho sinh viên đạt được những mục tiêu của chương trình, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và góp phần vào công cuộc phát triển quốc gia.



Trong phần tới, chúng ta sẽ thảo luận về lịch sử của phong tràochất lượng nói chung và chất lượng giáo dục tại Ấn Độ nói riêng.





Hoạt động



1. Bạn định nghĩa thế nào là chất lượng? Hãy diễn đạt điều này bằng lời của chính bạn.

2. Điều gì khiến bạn tìm đến chất lượng trong hoạt động và vì sao?


No comments:

Post a Comment