Saturday, February 18, 2012

Nghĩ về “hội thảo”, “tập huấn” và thời loạn tiên tri

Trước khi viết, xin có đôi lời với những độc giả thường xuyên của blog này. Có một số người hỏi tôi tại sao lúc này im ắng thế, chán blog rồi, hay là bận, hoặc có việc gì không ổn chăng. Xin trả lời chung cho mọi người quan tâm như thế này: tôi im ắng chỉ vì quá bận thôi, việc nhà, việc cơ quan chính thức (nơi được trả lương), việc tự nguyện cho các tổ chức xã hội (không được trả lương, mà móc tiền túi ra làm vì cảm thấy nó có ích), rồi còn hướng dẫn luận văn, giúp đỡ sinh viên cũ mới vv, rồi chuẩn bị đi dạy, rồi đề tài đề tiếc, mà lại còn blog bliếc nữa, thì lâu lâu cũng phải im để … thở, và để tiêu hóa những gì mình đã đọc chứ.

Thực ra thì tôi cũng đang viết, cũng như ấp ủ nhiều điều khác muốn viết, sẽ đăng lên để chia sẻ với mọi người khi đã hoàn tất. Những vấn đề đang làm tôi hết sức quan tâm lúc này là sự phân biệt giữa trường tư lợi nhuận và phi lợi nhuân, vì theo tôi đây là một vấn đề rất cốt lõi cần được đặt ra trong luật giáo dục đại học sắp được Quốc hội thông qua. Mặt khác, tôi cũng đang quan tâm đến “văn hóa chất lượng”, vì đây là một “trào lưu” mới trong phong trào đảm bảo chất lượng ở VN, và sắp tới đây, ngày 22-24/2/2012, Cục Khảo thí sẽ tổ chức một hội thảo lớn về vấn đề này ở Vinh. (Tôi có 2 báo cáo ở hội thảo này, sẽ đăng lên sau khi trình bày xong ở hội thảo.)

Nhưng hôm nay tôi muốn nói ghi lại ở đây những cảm nghĩ vụn, nhỏ thôi, nhân một cuộc tranh luận khá nóng bỏng trên điện thoại di động giữa tôi và một đồng nghiệp nhỏ. Cuộc tranh luận ấy xoay quanh một “hội thảo chuyên đề” mà một trường đại học đang đứng ra tổ chức, về một chủ đề mà tôi tin chắc là người viết thông báo không thực sự hiểu nó là cái gì mà chỉ nghe lơ mơ, nhưng vẫn thu tiền của người tham dự, với diễn giả là người nước ngoài và trình bày qua phiên dịch – mà tôi e rằng người phiên dịch nào đó chắc cũng chẳng hiểu gì về vấn đề mình sẽ dịch. Một việc làm mà tôi cho rằng rất thiếu trách nhiệm, thậm chí giống như là lừa đảo, dù vô tình hay cố ý.

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng việc tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm cập nhật thông tin mới đến người nghe là điều cần thiết và đáng hoan nghênh. Điều mà tôi phê phán ở đây là có rất nhiều nơi dám đứng ra tổ chức những lớp tập huấn, hội thảo vv như vậy nhưng lại không có hiểu biết về nội dung chuyên môn của vấn đề mà mình đứng ra tổ chức. Nó giống như mình không biết rằng mình đang bán hàng gì mà vẫn cứ mua về bán, lại còn quảng cáo om xòm với những từ ngữ đao to búa lớn, dù có thể chỉ để thu được một số tiền lời rất ít ỏi, hoặc thậm chí không có lời mà chỉ huề vốn. Mà bán tri thức theo kiểu mò mẫm như thế này thì còn tệ hơn nhiều, vì nó sẽ dẫn đến sự loạn tri thức của cộng đồng, mà hậu quả của nó là gì thì có lẽ ai cũng biết.

Nhưng những người đang làm như vậy không hề nghĩ rằng mình có chút lỗi lầm gì cả, không hề nghĩ rằng họ đang góp phần vào việc làm cho những người hiểu biết thật, vốn đã hiếm hoi ở VN, bỗng biến thành thiểu số tuyệt đối và tiếng nói gần như bị triệt tiêu. Còn đám đông, vốn xưa nay đã lờ mờ, nay có sự dẫn dắt của các “tiên tri giả” như vậy, thì cứ hàng đàn quờ quạng dắt nhau đi như ma Hời (mượn ý thơ Chế Lan Viên), vật vờ chẳng biết đi đâu. Để rồi rất lâu sau, sau khi đã bị trả giá vì sự ngu muội của mình, mới bắt đầu học lại từ đầu từ những bài học xương máu của chính mình.

Tôi diễn đạt có thể nặng nề, nhưng tôi không nói quá. Thì đó, những việc như “đại học đẳng cấp thế giới”, rồi “xếp hạng đại học”, rồi “cải cách tuyển sinh”, tất cả cứ làm đi làm lại, luẩn quẩn không lối thoát, tất cả chẳng phải cũng phản ánh cái tình trạng của một đám ma Hời đang quờ quạng đó sao?

Xin trở lại với chủ đề của entry. Theo tôi, cách tổ chức tập huấn, hội thảo vv bát nháo như hiện nay có liên quan trực tiếp đến một việc rất phổ biến ở các trường công lập trong một thời gian rất dài, dễ đến cả chục năm, liên quan đến việc mời các giáo sư Mỹ do chương trình Fulbright cung cấp đến làm việc tại các trường đại học của VN. Xin nhấn mạnh đây là một việc làm rất tốt, và tôi không có chỉ trích gì đối với chương trình này. Quả thật, những người được gửi đến VN đều là những giáo sư thực thụ, làm việc ở những nơi trường đại học tử tế ở Mỹ, và được chương trình Fulbright chi trả kinh phí để sang làm việc tại VN, với mức chi phí hoàn toàn không nhỏ.

Những học giả này tất nhiên cần có một trường ở VN nhận, và sẽ phải làm việc theo nhu cầu và yêu cầu của trường – tất nhiên là sau một quá trình tuyển lựa giữa 2 bên. Tuy nhiên, những học giả này khi sang VN thì được yêu cầu làm rất nhiều điều hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực chuyên môn và kinh nghiệm của họ, và vì đã cam kết sang VN trong một thời hạn nhất định với kinh phí do chính phủ Mỹ cấp, nên họ thường cố gắng đáp ứng bằng mọi giá mọi yêu cầu của phía VN, dù không muốn. Và tai họa bắt đầu xảy ra từ đó.

Tai họa như thế nào ư? Xin hãy nghe ví dụ cụ thể. Khi tôi còn ở cơ quan cũ, khoảng năm 2007-2008, lúc ấy từ “quản trị đại học” đang là một buzzword (tạm dịch là từ thời thượng) ở VN, vì chủ trương của chính phủ/Bộ giáo dục lúc ấy đang là cải cách quản trị trường đại học. Thực ra vào lúc ấy, và có lẽ cả cho đến bây giờ, ở VN chằng có ai đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là “quản trị đại học” cả. Trong bối cảnh như vậy thì rõ ràng là có ai đó đưa ra một lớp “tập huấn” về “quản trị đại học” thì chắc chắn sẽ nhiều người quan tâm, và tôi bị rơi vào tình thế bị bắt buộc đi học một lớp học như vậy do một trung tâm thuộc một trường đại học công lập tổ chức, người đứng lớp là một chuyên gia Mỹ, học giả Fulbright, tên tuổi qua CV nghe cũng om xòm, ồn ào lắm. Tiền học thì do cơ quan trả (bằng kinh phí nhà nước cấp), không hề rẻ, với số lượng học viên lớn.

Quả là một “phi vụ làm ăn” rất thành công về mặt tài chính, vì tôi biết là học giả Fulbright khi sang VN đã được nhận kinh phí từ chính phủ Mỹ, từ vé máy bay đến lương hàng tháng (với mức khá cao, hình như 5000 USD/tháng) nên phía VN không phải đóng góp bao nhiêu ngoài một số chi phí nhỏ cho việc ăn ở.

Nhưng khi chúng tôi tham gia thì … hỡi ôi! Lỗi, tất nhiên không phải là ở diễn giả; tôi tin là ông đã làm hết khả năng, và làm đúng theo yêu cầu của bên tổ chức: ông trình bày những kiến thức tổng hợp từ các tài liệu về quản trị nói chung, chủ yếu là quản trị doanh nghiệp, vốn sẵn có mà nếu ai đọc được bằng tiếng Anh thì cũng có thể tìm được. Trong khi đó, các học viên, những người rất bận rộn, là trưởng phó các bộ phận trong một cơ quan công lập lớn, lại phải ngồi nghe những vấn đề không mấy ăn nhập đến nhu cầu của mình, trong một “lớp học” chỉ phù hợp với sinh viên đại học chưa có bất cứ kinh nghiệm nghề nghiệp nào. Nên mọi người cảm thấy khá là ngao ngán, đến nỗi một học viên trong lớp – một vị có thể xem là trưởng lão – đã thẳng thừng hỏi: “Tóm lại, mục tiêu của lớp học này là cái gì thế?”

Nhưng vấn đề chính là thời gian thì quá ít, nội dung quá ôm đồm mà lại chỉ trình bày lý thuyết xuông, và tai họa là ở chỗ, người phiên dịch lại hoàn toàn không biết một chút gì về nội dung mà diễn giả trình bày. Hình như người phiên dịch này do một công ty du lịch cung cấp, vì vậy anh ta chỉ có thể dịch sát nghĩa từng chữ, và rất nhiều lần lúng túng phải khựng lại không thể dịch được nữa. Và các thuật ngữ thì cứ dịch loạn cả lên, rối rắm. Đến nỗi nhiều chỗ tôi phải đứng ra dịch thay, mặc dù tôi cũng đã phải đóng tiền để tham dự khóa học. Vì cảm thấy … tội nghiệp diễn giả khi bị đẩy vào tình huống như vậy.

Vậy đó, nhưng cuối cùng sau khóa học, dù chẳng học được gì, ngay cả đến vài thuật ngữ được dịch ra cho tử tế cũng không, nhưng mọi người đều được cấp chứng chỉ nghe tên rất kêu, và rồi người tổ chức thì ghi trong lý lịch khoa học của mình kinh nghiệm tổ chức những lớp học với tên nổ lốp bốp như thế, và, đau lòng hơn, là thỉnh thoảng lại có cả việc những “chuyên gia” bất đắc dĩ như vậy sau đó lại cũng dùng kinh nghiệm đó để tiếp tục quay lại làm chuyên gia ở VN, mới chết chứ.

Ví dụ trên đây chỉ là một trong khá nhiều ví dụ mà tôi có thể nêu ra, chứ không hề là ví dụ duy nhất. Điều đáng nói là hiện nay những lớp tập huấn, hội thảo như vậy lại diễn ra khá nhiều, mà bây giờ chúng diễn ra chủ yếu trong các trường đại học, thậm chí ở nhiều trường vốn được xem là có danh tiếng. Những nơi mà đáng lẽ ra phải làm việc tìm ra chân lý, giữ gìn riềng mối, giúp cho xã hội biết cái đúng cái sai, thì lại kinh doanh niềm tin của xã hội, sử dụng cái tên của mình để đảm bảo cho uy tín của các lớp “tập huấn” mà vốn mình cũng không hiểu nó là cái gì, và những điều mà mình yêu cầu các “chuyên gia” làm liệu có phù hợp với năng lực của họ hay không. Theo kinh nghiệm của tôi, thường là chính người tổ chức cũng không biết là mình muốn gì ngoài việc muốn được chút danh tiếng, được chút kinh phí, và hiểu thêm một chút, lơ mơ thôi, về những điều mà mình nghe nhan nhản nhưng không rõ nó là cái gì.

Có lẽ tôi cực đoan, nhưng tôi cho rằng chưa bao giờ ở VN là “loạn chuyên gia” đến như vậy. Tôi biết có những người học ngôn ngữ học, văn học lại tự nhiên nhảy ra thành những nhà văn hóa lớn, do cóp nhặt đây đó mỗi nơi một ít. Lại có những người tâm lý học thì thành những nhà đo lường, đánh giá giáo dục. Và có những người vốn là toán thống kê, lại được xã hội tung hô thành các chuyên gia y học, đến nhầm lẫn cả tiến sĩ với bác sĩ (tiếng Anh đều là doctor mà). Rồi do xã hội tung hô quá, cho nên những người này cũng tin rằng mình là một loại Know-All, cái gì cũng biết, cũng có thể phán như chuyên gia cả, rồi phê phán, phản biện loạn xị ngậu cả lên. Thì rõ ràng vẫn có đệ tử thắp nhang, hương khói xì xụp mà lại. Và thế là cả xã hội lại quờ quạng, như một đám ma Hời!

Thì … ở VN nó thế, biết làm sao được, hầy dà, khổ thế.

Tôi chợt nghĩ, gần đây trên mạng có ầm ĩ vụ trí thức phải có trách nhiệm phản biện xã hội, meaning, phản biện lại nhà cầm quyền. Tôi thì tôi nghĩ thế này: trước hết, trí thức VN nếu mà biết trung thực và nghiêm khắc với chính mình trong chuyên môn, biết thì nói biết và không biết thì nói là không biết, đừng dễ dãi nhận vơ những điều mình còn biết lơ mơ mà bảo rằng mình biết (lại là chuyên gia nữa chứ), và không khai thác sự mù mờ của xã hội để trục lợi, thì xã hội này đã khá hơn nhiều lắm rồi, chứ chẳng cần phải làm gì hơn thế nữa.

Chẳng lẽ ngay cả một điều nho nhỏ như thế mà những người có học, và những trường đại học, nơi đào tạo ra những người có học, cũng không làm nổi hay sao?

2 comments:

  1. Bài viết thật hay và sâu sắc, nhưng ám chỉ "kinh" quá! Về thông tin ám chỉ một vị là TS toán thống kê được tung hô là BS,... e rằng tác giả chưa điều nghiên và kiểm tra kỹ nên có phần sai lệch?! (Hay tôi đang nghĩ đến một vị khác so với ám chỉ của tác giả bài viết? Tôi tin là không.)

    ReplyDelete
  2. Bạn viết quá đúng!
    Cám ơn tác giả!
    Tôi cũng đã một số lần từ chối đóng tiền nghe Tây dạy!

    ReplyDelete