Bài viết này nhằm cung cấp thông tin cho một số bạn đồng nghiệp mà tôi đã gặp trong Hội thảo vừa kết thúc tại Vinh ngày hôm qua, có quan tâm đến việc kiểm định chương trình theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Xin nói thêm là hiện nay rất nhiều trường muốn được “kiểm định bởi AUN”; đây là một nhầm lẫn lớn vì AUN không phải là một tổ chức kiểm định mà chỉ là một hiệp hội các trường đại học, trong đó có một bộ phận thực hiện công tác đảm bảo chất lượng gọi là AUN-QA. Việc AUN-QA đánh giá các chương trình đào tạo của các thành viên của mình nếu muốn gọi đúng tên thì phải gọi là “kiểm toán”, nhưng ở VN thì từ này rất ít người sử dụng nên ai cũng gọi là “kiểm định”. Thôi thì dùng sai thuật ngữ cũng không sao, nhưng vấn đề là AUN-QA sẽ KHÔNG nhận đánh giá bất cứ chương trình nào của các trường không phải là thành viên của nó.
Vì vậy, nếu các trường của VN – trừ hai ĐHQG là hai thành viên của AUN – muốn được kiểm định quốc tế thì tốt nhất là tìm hiểu qua các hệ thống kiểm định khác, mà AACSB tôi giới thiệu dưới đây chỉ là một. Các bạn đọc để biết nhé.
-----
Vào thời điểm 1/7/2011, khi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (tên viết tắt là UEF, tức là University of Economics and Finance) được chính thức công nhận là thành viên của tổ chức AACSB thì nó vẫn còn là một thành viên duy nhất của Việt Nam. Vậy mà chỉ 8 tháng sau, tại Hội thảo Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học do Cục Khảo thí tổ chức tại Vinh ngày 22 đến 24/2/2012, khi mọi người vào cơ sở dữ liệu của AACSB để tìm hiểu về tổ chức kiểm định nghề nghiệp có thâm niên hoạt động gần một thế kỷ này thì Việt Nam đã có đến 3 thành viên chính thức: ngoài UEF, còn có ĐH Quốc tế của ĐHQG-HCM, viết tắt là IU, và Đại học Quốc tế Sài Gòn, viết tắt là SIU.
Mặc dù đây chỉ là một số lượng rất nhỏ so với tổng số hơn 400 trường đại học và cao đẳng của VN, nhưng sự gia tăng gấp 3 lần trong vòng chỉ 8 tháng cho thấy sự quan tâm lớn lao của các trường đại học Việt Nam đối với việc đạt kiểm định của tổ chức AACSB. Entry này vì vậy nhằm cung cấp một số thông tin căn bản về tổ chức AACSB và những điều cần biết khi một trường đại học muốn tham gia kiểm định chương trình của tổ chức kiểm định có uy tín lừng lẫy của khối ngành doanh thương này. Những thông tin trong bài có nguồn từ các bài viết trên trang chủ của tổ chức AACSB.
Giới thiệu tổng quát về AACSB
AACSB là từ viết tắt của cụm từ Association to Advance Collegiate Schools of Business, tạm dịch là “Hiệp hội phát triển các trường đại học doanh thương”. Đây là một hiệp hội nghề nghiệp ra đời cách đây gần một thế kỷ (năm 1916), với nhiều hoạt động và dịch vụ, trong đó nổi tiếng nhất là dịch vụ kiểm định các chương trình doanh thương và kế toán ở bậc đại học.
Trong suốt thời gian gần một trăm năm hoạt động, tổ chức AACSB đã có những thay đổi nhỏ về tên gọi cũng như trụ sở làm việc (mặc dù vẫn giữ tên gọi tắt là AACSB), phản ánh những thay đổi của bối cảnh bên ngoài và sự phát triển trong các hoạt động và dịch vụ mà tổ chức này cung cấp. Trụ sở hiện nay của AACSB được đặt tại thành phố Tampa thuộc bang Florida, bắt đầu từ cuối năm 2004. Sau một thời gian dài chỉ thực hiện kiểm định các trường đại học trong nước, từ năm 2001 AACSB đã cho phép các trường doanh thương bậc đại học của tất cả các nước được tham gia kiểm định. Tên gọi hiện nay của tổ chức này có gắn thêm từ “International” (AACSB International) để phản ánh sự mở rộng phạm vị kiểm định này.
Do tại Hoa Kỳ kiểm định là hoàn toàn tự nguyện, nên bước đầu tiên của việc tham gia kiểm định với AACSB là việc đăng ký trở thành thành viên của tổ chức này. Cần chú ý rằng việc một trường “là thành viên” của AACSB không có nghĩa là các chương trình của trường này đương nhiên có chất lượng tốt, hoặc chất lượng cao hơn các trường không là thành viên, vì chất lượng của chương trình chỉ có thể được xác định thông qua kiểm định. Chính sách của AACSB quy định rất rõ về việc các trường thành viên KHÔNG sử dụng logo của AACSB để quảng cáo là để tránh hàm ý nói trên. Mặt khác, việc một trường “là thành viên” của AACSB vẫn có ý nghĩa quan trọng của nó, vì nó cho thấy ý định nghiêm túc của một trường trong việc học hỏi từ các chuyên gia về giáo dục doanh thương (business education) của AACSB cũng như các thành viên khác, đặc biệt là các thành viên đã được kiểm định, để phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng của chương trình.
Tính đến thời điểm viết bài này (tháng 2/2012), AACSB International có tổng cộng gần 1200 thành viên trên 78 quốc gia, và là tổ chức kiểm định nghề nghiệp lớn nhất thế giới cho khối ngành doanh thương. Trong số các thành viên sáng lập của AACSB (bắt đầu từ cách đây cả trăm năm) có những trường đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ như Columbia, Harvard, New York, Ohio State, Pittsburgh, Wisconsin-Madison, UCLA, và Yale. Rõ ràng với những tên tuổi như vậy thì AACSB không thể dễ dàng cho qua và công nhận kiểm định đối với những chương trình không nghiêm túc và kém chất lượng từ những thành viên khác. Mức phí thành viên AACSB năm 2011 là 2500 USD.
Quan hệ giữa AACSB với cộng đồng bên ngoài không chỉ có các trường đại học thành viên, mà còn có các “đối tác”, tức là những cá nhân, tổ chức cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động mà AACSB đặt ra cho mình, với mục đích cuối cùng là phát triển các trường đại học doanh thương. Các “đối tác” của AACSB có thể là các tổ chức công lập, phi chính phủ, hoặc các doanh nghiệp, với các mức phí khác nhau, thấp nhất là 1,000 và cao nhất là 10,000 USD.
Dịa chỉ trang web của AACSB: www.aacsb.edu, nơi các bạn có thể tìm thấy khá nhiều tài liệu liên quan đến việc giảng dạy và học tập trong khối ngành quản trị và doanh thương. Một kho tài liệu quý, vừa cập nhật, vừa thực tiễn, nhưng cũng không thiếu nền tảng lý luận vững chắc cả về sư phạm lẫn về quản trị.
(còn tiếp)
Saturday, February 25, 2012
Kiểm định các chương trình doanh thương theo tiêu chuẩn của AACSB: Những điều cần biết (1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment