Thursday, May 19, 2011

Đạo văn ư, cẩn thận đấy!

Một sinh viên cũ của tôi, hiện đang học cao học TESOL trong một chương trình liên kết với nước ngoài tại VN, vừa gọi điện cho tôi trong tâm trạng hết sức lo lắng (kèm theo sự xấu hổ tột cùng) vì vừa nhận được điểm cho bài tiểu luận đầu tiên bị điểm F (không đạt) kèm lời phê: "This is outright plagiarism, which I consider the worst case of unethical practices in an academic environment!"

Cô ấy nói với tôi: "Đúng là em có chép thật, vì em thấy hoàn toàn đồng ý với những gì em đọc được. Và vì tiếng Anh kém, nên em có sử dụng lại cách diễn đạt của tác giả, vì thấy nó rất hay. Nhưng em cũng có cắt xén và sửa đổi đôi chút, và có thêm một vài ý tưởng của mình nữa. Nhưng không hiểu tại sao ông thầy (người ngoại quốc, tất nhiên) của em lại giận dữ như vậy?"

Nghe xong, tôi thực tình không biết nói sao. Đúng thật là một câu hỏi ngây thơ ... vô số tội! Mà đấy là một học viên cao học, học với nước ngoài, lại là một ngành có cơ hội tiếp xúc với văn hóa và giá trị của phương Tây, mà còn như thế!

Tôi hỏi lại cô học trò: "Nhưng em có hiểu rằng chép của người khác là sai hay không? Mà lại là tiếng Anh nữa, vốn là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới." Và câu trả lời tôi nhận được là: "Nhưng mà em tưởng chép nguyên cả chương của người ta thì mới bị xem là đạo văn chứ, đằng này em có sửa lại cơ mà?"

Nghe xong, mà phát ... cáu. Tôi không trả lời nữa, mà đi tìm những tài liệu giải thích thế nào là đạo văn, và tìm thấy bài viết này trên mạng, của trường ĐH Ottawa của Canada, ở đây.

Một bài viết rất đáng đọc, đặc biệt cho các bạn học viên cao học có suy nghĩ hoặc hoàn cảnh giống người học trò mà tôi nêu ở trên. Tôi hiểu, có thể có nhiều bạn chưa hiểu rõ thế nào là đạo văn theo quan điểm của cộng đồng học thuật quốc tế. Nhưng việc chưa hiểu rõ không làm cho một việc sai thành ra đúng. Và nếu các bạn không hiểu, thì vai trò của các thầy cô, giống như tôi, là phải làm cho các bạn hiểu. Không chỉ bằng cách viết về đạo văn như tôi đang viết đây, mà còn phải bằng những hành động cụ thể, như ông thầy của bạn, tức là đánh rớt (cho điểm F), và có những lời phê nặng nề như mô tả ở trên.

Còn dưới đây là một vài ý chính từ bài viết của ĐH Ottawa mà tôi đưa link ở trên.

Đạo văn là gì?
PLAGIARISM is taking another person’s words, ideas or statistics and passing them off as your own. The complete or partial translation of a text written by someone else also constitutes plagiarism if you do not acknowledge your source.

Since we cannot always be original it is entirely acceptable to present another person’s ideas in your work. However, it must be done properly to avoid plagiarism.

Đấy: không phải là bạn cần phải tự nghĩ ra tất cả; hoàn toàn có thể dùng lời, ý tưởng, hoặc số liệu của người khác, nhưng phải làm cho đúng cách!!!!

Thế đúng cách là như thế nào? Bạn hãy đọc tài liệu tôi đã gửi link, trang 4. Tôi xin trích một đoạn mà tôi nghĩ là nhiều người VN hay bị, và cô học trò của tôi (mô tả ở trên) cũng bị.

Even though you mention your source, you use many of the author’s words without quotation marks.Mặc dù có dẫn nguồn, nhưng bạn đã dùng quá nhiều lời văn của tác giả mà không để trong ngoặc kép.

Hoặc
Though most of the words have been changed, the sentence structure has remained the same. This is paraphrasing without indicating the original source. Mặc dù có thay đổi hầu hết mọi từ, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc câu. Đây chỉ là diễn nghĩa (paraphrase) mà không chịu nêu tài liệu gốc.

Và, các bạn chú ý nhé: ngay trang đầu tiên của tài liệu này có nêu một câu cảnh báo kèm số liệu đáng chú ý:
Last year, more than 100 University of Ottawa students who were accused of plagiarism received various sanctions, including expulsion from the University. Năm vừa qua, hơn 100 sinh viên của ĐH Ottawa bị cáo buộc đạo văn đã chịu nhiều hình thức kỷ luật khác nhau, kể cả việc buộc thôi học.

Đấy, ở nước ngoài người ta nghiêm nhặt thế, nên mới ít nhiều chống được nạn đạo văn. Còn mình thì ... cứ thông cảm, dễ dãi cho qua, nên không làm cho mọi người xem là quan trọng, đâm ra thành một thói quen, một cách làm, một ... loại văn hóa mất rồi!

Nhưng bây giờ thì hội nhập quốc tế, và công nghệ phát triển, nên có lỡ "đạo" của ai thì cũng dễ bị phát hiện lắm, không trước thì sau. Mà lỡ bị rồi thì hậu quả khó lường lắm các bạn ạ.

Tóm tắt trong một câu: bạn có ý định đạo văn ư (ừ, theo tài liệu nói trên, it's easy, and it's tempting), thôi, hãy quên ngay ý định ấy đi.

Đấy chính là ý nghĩa của cái tựa entry này của tôi.

Nhân tiện, tôi chợt nhớ gần đây cũng có vụ 2 luận văn thạc sĩ ngành TESOL trong nước giống y hệt nhau (well, có sửa lại đôi chút, nhưng còn ít hơn những ví dụ nêu trên). Thế rồi bị phát hiện, chẳng biết sau đó bị xử lý ra sao.

Chà, nhưng mà những luận văn này bằng tiếng Anh, có thể bây giờ được bỏ qua, nhưng sau này biết đâu lại có sinh viên nước ngoài nào đó tìm để tham khảo và phát hiện ra. Biết đâu lúc ấy chủ nhân của luận văn "đạo" này lại làm chức to, như bộ trưởng gì bên Đức ấy, và scandal nổ ra, thì khổ lắm!

Đạo văn ư, cẩn thận đấy!!!!!!

1 comment:

  1. Chính cái nền giáo dục VN đã tạo ra những cách nghĩ sai ngay từ lúc nhỏ, đến khi cứ tưởng những việc làm đó là bình thường thì đã quá muộn. Chính những phương pháp dạy thầy đọc trò chép, đi thi thì bê nguyên si vào bài thi thì được điểm cao, những cái tưởng chừng như nhỏ nhặt đó đã hình thành nên một cách suy nghĩ ngây thơ của hầu hết thế hệ trẻ. Dạy học tại VN vẫn còn dồi nhét và áp đặt suy nghĩ lên con người, đến khi hội nhập với nền trí thức quốc tế thì mới nhận ra được sự khập khiễng đến ngây ngô.

    ReplyDelete