Như các bạn đều biết, công tác chính của tôi hiện nay là ... đánh giá chất lượng giáo dục (nghe to tát quá, phải không). Và mặc dù công tác đánh giá chất lượng chủ yếu dựa trên những phán đoán (định tính) của các chuyên gia (=thành viên đoàn đánh giá ngoài), nhưng cơ sở cho những phán đoán đó luôn luôn phải là những số liệu cụ thể, chính xác và so sánh được. Nhưng hình như số liệu giáo dục VN không có được hai tính chất đó - chính xác và so sánh được. Trong bài này tôi chỉ nói đến một loại số liệu là số sinh viên trên giảng viên (tính theo số quy đổi).
Ai đang làm công tác tại các phòng ban trong trường đại học VN, đặc biệt là các phòng như phòng đào tạo (cần tính toán chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm) hoặc phòng đảm bảo chất lượng (cần báo cáo số liệu về thực trạng nhà trường hàng năm) thì đều không xa lạ gì với các hệ số quy đổi giảng viên của VN.
Nhưng cũng có thể có những người không biết, nên xin ghi lại vắn tắt một số điểm ở đây trước khi tôi ghi lại những băn khoăn của tôi về các hệ số quy đổi này.
Trước hết, cơ sở pháp lý của việc quy đổi. Công văn hướng dẫn cho việc quy đổi này được Bộ Giáo dục ban hành vào năm 2007 (công văn số 1325/BGDĐT ngày 09/02/2007). Có thể tìm được văn bản này tại địa chỉ: http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.1&c2=HD (trang web của Bộ Giáo dục).
Một số hệ số quy đổi theo học vị cần nhớ:
Cử nhân = 1
Thạc sĩ = 1.3
Tiến sĩ = 2
Phó giáo sư = 2.5
TSKH = 3
Giáo sư = 3
Ngoài các hệ số quy đổi theo học vị vừa nêu, văn bản hướng dẫn của Bộ còn đưa ra quy định về hệ số quy đổi dành cho giảng viên toàn thời gian, giảng viên kiêm nhiệm, và giảng viên thỉnh giảng như sau:
Cơ hữu (giảng dạy toàn thời gian) = 1
Kiêm nhiệm (= các cán bộ phòng ban) = 0.3
Thỉnh giảng (=ngoài khoa/trường, tức đã tính cơ hữu ở nơi khác) = 0.2
Về quy mô đào tạo cho phép, cần chú ý những quy định tổng quát sau:
1. Số lượng giảng viên cơ hữu phải đảm bảo tối thiểu 60% khối lượng giảng dạy của khoa/trường.
2. Chỉ tiêu tuyển sinh các hệ đào tạo phi chính quy không vượt quá 70% chỉ tiêu sinh viên chính quy đối với khối ngành xã hội-nhân văn, hoặc đa ngành; không quá 90% đối với khối ngành kỹ thuật, và không quá 40% đối với khối ngành y tế.
3. Quy mô đào tạo tính theo tổng số sinh viên quy đổi trên tổng số giảng viên quy đổi vào năm 2012 là 18 sv/gv cho khối ngành xã hội-nhân văn và 15 sv/gv cho các ngành khác, không kể y tế và thể dục thể thao có quy định riêng về quy mô.
(Nhận xét thêm: nếu ai không hiểu sự rối rắm về số liệu giáo dục của VN và sự "khác người" trong công thức quy đổi chi li trong văn bản nói trên thì sẽ thấy những con số về quy mô nói trên là khá ổn, không có gì đáng than phiền. Vì tỷ lệ svqđ/gvqđ của UC Berkeley năm 2009 cũng chỉ là 15.5 - xem ở đây: http://cds.berkeley.edu/pdfs/PDF%20wBOOKMARKS%2009-10.pdf).
4. Hệ số quy đổi sinh viên: sinh viên đại học có hệ số 1, nghiên cứu sinh có hệ số 2.
Tất nhiên những điều tôi liệt kê ở trên chỉ là khái quát, còn chi tiết (khá chi li, tỉ mỉ) thì cần đọc thêm trong văn bản tôi đã nêu và đưa link.
Áp dụng những tỷ lệ trên vào thực tế một khoa mà tôi có số liệu, tôi thấy như sau:
Quy mô sinh viên của khoa: 600 sv cho 4 năm học (chỉ tiêu hàng năm là 150 sv)
Tổng số giảng viên cơ hữu của khoa:
- 4 tiến sĩ (trong đó có 1 trưởng khoa, 1 phó khoa đang đi công tác nước ngoài, 1 giám đốc trung tâm trực thuộc trường, và 1 giảng viên chỉ gửi biên chế ở khoa nhưng cộng tác rất nhiều nơi). Nói cách khác, trong 4 tiến sĩ đó (thực tế chỉ có 3 vì một người đang công tác dài ngày ở nước ngoài) thì chỉ có một người có mặt và là trưởng khoa, tức cũng có chức vụ quản lý, còn lại 2 người chỉ có thể xem là bán thời gian.
Nhưng trên báo cáo thì con số 4 tiến sĩ này vẫn quy đổi ra thành 8 giảng viên (hệ số tiến sĩ là 2).
- 11 thạc sĩ trực tiếp giảng dạy --> quy đổi ra thành 14.3 (hệ số thạc sĩ là 1.3).
- 4 cử nhân tham gia giảng dạy (!) --> quy đổi thành 4.
Như vậy tổng số giảng viên quy đổi là 26.3, tính tròn là 26. Nếu áp dụng công thức về quy mô của năm 2010 cho khối ngành xh-nv là 22svqđ/gvqđ thì tổng số sinh viên hiện nay của khoa là hoàn toàn nằm trong quy mô cho phép, vì riêng giảng viên cơ hữu của khoa đã có thể đảm đương gần hết khối lượng giảng dạy rồi (22*26 = 572), chưa cần mời thêm ở ngoài. (Trên thực tế là có mời, nhưng ít, và chỉ mời những môn khoa chưa có người dạy, hoặc báo cáo chuyên đề vv.)
Khoa này có đào tạo không chính quy, quy mô hiện nay tôi không có số liệu nhưng tạm tính theo quy mô cho phép là 70% số sinh viên chính quy, khoảng 400 sinh viên nữa (600*0.7). Như vậy, tổng số sinh viên của khoa là 1000 cả 2 hệ chính quy và không chính quy. Tất cả đều trong mức quy định, và thậm chí còn phải được xem là rất tốt trong tình trạng tuyển sinh tràn lan tại VN hiện nay.
Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế thì khoa hiện nay đang đảm đương một khối lượng công việc rất nặng, và điều đó có thể thấy rõ qua sự tất bật của khoa, cũng như qua việc quan sát và phỏng vấn trong mấy ngày tôi tham gia đoàn đánh giá tại khoa.
Trước hết là việc phải đảm nhiệm không chỉ việc giảng dạy chính quy mà còn cả không chính quy để tăng thu nhập, tức phải làm việc gấp đôi (việc giảng dạy phi chính quy không được tính vào trách nhiệm mà chỉ được xem là để tăng thu nhập - để bù vào thu nhập ... chết đói khi dạy chính quy). Ngoài ra, toàn bộ giảng viên của khoa đều phải tham gia vào các công tác phụ thêm khác như giáo vụ (các hệ khác nhau), công tác đoàn thể (đảng, công đoàn, đoàn thanh niên), tư vấn và hỗ trợ sinh viên, vì khối phòng ban làm không xuể và lương thấp - thấp hơn lương giảng viên - nên thường rất lạnh lùng hoặc cau có và tắc trách đối với sinh viên.
Vậy có phải chăng các quy định của VN không hợp lý? Vâng, tôi có thể khẳng định là những số liệu hiện nay về quy mô đại học VN là ... không giống ai. Vì tôi cũng vừa đi đánh giá một khoa của ĐH Indonesia, một trường công lập lớn hàng đầu của Indo. Ở đó, cách quy đổi giảng viên và sinh viên sang FTE (full-time equivalent, tức tương đương toàn thời gian) cũng trùng với cách tính trong Bộ dữ liệu chung (Common Data Set) của Mỹ, theo đó việc tham gia toàn thời gian hoặc bán thời gian là sự khác biệt duy nhất giữa các loại giảng viên, chứ họ không hề phân biệt bằng cấp, học hàm học vị. Vì bằng cấp học hàm học vị đã được tính vào những chỉ báo về chất lượng, không thể vừa tính chất lượng rồi lại nhân đôi, nhân ba lên để tính vào số lượng nữa!
Công thức tính của CDS là như sau:
- Giảng viên, sinh viên toàn thời gian hệ số là 1
- Giảng viên, sinh viên bán thời gian hệ số là 1/3.
Khi áp dụng công thức của CDS vào khoa mà tôi mô tả ở trên, ta sẽ có:
- Số giảng viên FTE: 19 (19*1; hệ số của giảng viên cơ hữu là 1)
- Số sinh viên FTE: 600 + 133 (=400*1/3) = 733
--> Tỷ lệ svqđ/gvqđ = 38,58 (gần 40 svqđ/gvqđ, tức gấp đôi con số hiện nay).
Nghĩ lại thì thấy cũng dễ hiểu thôi: hiện nay giảng viên muốn đủ sống (cầm hơi) thì phải dạy ngày, dạy đêm, tức là làm với khối lượng gấp đôi. Thì tính theo số sv/gv cũng là gấp đôi đó, chính xác quá rồi còn gì! Đấy là chỉ mới tính có một chỉ số, chứ còn một chỉ số khác, dễ hiểu và cũng không kém phần quan trọng, là số lượng cán bộ và nhân viên quản lý/phục vụ (tiếng Anh là non-academic) so với số lượng giảng viên. Ở VN, hiện không có quy định về điều này, nhưng thực tế cho thấy là tỷ lệ non-academic staff trên tổng cán bộ, giảng viên/nhân viên cơ hữu chỉ vào khoảng 30-35% tổng số cán bộ, giảng viên/nhân viên cơ hữu. Còn ở các nước thì con số này phải khoảng 50-55%.
Nếu không đủ non-academic staff thì hoặc là khoa phải làm (tức các giảng viên phải chia nhau làm, nếu muốn sinh viên cảm thấy được quan tâm và hài lòng với khoa), vậy ước chừng khoảng 20% công việc của khối phục vụ đã được đẩy qua cho giảng viên. Áp dụng vào khoa mà tôi vừa nêu thì phải mất đi ít nhất là 3 giảng viên toàn thời gian để làm công tác phục vụ (một người lo thư viện khoa, 2 người lo giáo vụ của 2 mảng chính quy và không chính quy). Như vậy số liệu bây giờ sẽ là:
1. GV quy đổi: 16 người
2. SV quy đổi: 733 người
3. Bình quân svqđ/gvqđ = 45.81, một con số quá cao, cao hơn mức của giáo viên tiểu học nữa! Hỏi sao mà chất lượng giáo dục đại học của mình không thấp?
Và đây là câu hỏi, cũng có thể xem là khuyến nghị, của tôi: Chúng ta đang muốn đổi mới quản lý, hội nhập thế giới, và ... xếp hạng đại học, tức so sánh với thế giới để xác định vị trí của mình. Vậy chúng ta có nên tiếp tục sử dụng những con số có tác dụng ... an thần như thế này hay không, hay nên nhìn thẳng vào sự thật?
Vì có biết sự thật thì mới biết cái dở của mình là gì và cải thiện một cách có hiệu quả được chứ, phải không?
Saturday, November 13, 2010
Số liệu giáo dục đại học VN: liệu có so sánh được với ai?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Cũng la GV đại học nhưng chỉ giảng dạy chuyên môn nên tôi ít quan tâm đến các hệ số này, nay mới biết thông qua bài viết của chị. Một GV có học vị và chức danh càng cao thì theo quy định số giờ chuẩn càng được giảm, nghĩa là số SV thực mà mình phụ trách cũng giảm, ấy vậy mà hệ số quy đổi lại tăng lên. Hết sức phi lý! Đúng là ...liều thuốc an thần để ru ngủ!...
ReplyDeletenguyennx
Chào bạn nguyenxn,
ReplyDeleteRất vui gặp lại bạn. Dù không biết mặt, nhưng thấy tên 'nguyenxn' tôi cảm thấy như gặp lại một người bạn thân vậy. Chắc bạn biết tại sao nhỉ!
;-)
Giáo dục VN còn rất nhiều bất cập, vì nhiều lý do. Nhưng tôi vẫn nghĩ mỗi người đều phải cố đóng góp để xây dựng nó, và đó là điều tôi cố làm. Dù đôi khi rất mệt mỏi và cảm thấy hao mòn thực sự, bạn ạ. Chính vì thế, tôi rất ghét các chỉ tiêu phi thực tế, viễn vông.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ.
PA