Entry này nhằm viết tiếp entry mà tôi đã đưa ra hôm qua về "triết học điền dã". Tựa của entry này lạ lùng quá, và đầy các từ ngữ nghe "lùng bùng lỗ tai", phải không các bạn?
Trước hết, hãy giải thích các từ ngữ "lùng bùng lỗ tai" kia. Theo tôi, cách giải thích dễ nhất là cho từ tương đương bằng tiếng Anh. Lý do là vì tiếng Anh, theo tôi, là một ngôn ngữ thuận tiện nhất cho việc tra cứu - hệ thống từ điển phổ thông, từ điển chuyên ngành, từ điển bách khoa, cũng như tạp chí chuyên môn, rồi wikipedia bằng tiếng Anh vv, tất cả đều sẵn sàng và đầy đủ hơn bất kỳ ngôn ngữ nào.
Nó cũng là ngôn ngữ phổ biến nhất nữa, nên ai cũng đọc được. Ngoài ra, nó là ... ngoại ngữ duy nhất mà tôi sử dụng được thành thạo (hic hic, cũng muốn học thêm một ngoại ngữ khác nhưng ... no time, and no money!!!).
Các từ tương đương trong tiếng Anh đây:
- Tư biện = speculative (adj); các từ liên quan: speculate (v); speculation (n)
- Nội quan = introspective (adj); các từ liên quan: introspection (n) (từ này là từ vay mượn, không có động từ introspect, các bạn ạ!)
- Thực nghiệm = experimental (adj); các từ liên quan: experiment (v); experiment (n)
- Điền dã = field (noun as adjective); ví dụ: field methods = các phương pháp điền dã; field experience = kinh nghiệm điền dã.
Ngoài ra, tôi nghĩ cũng cần giải thích nghĩa các từ tiếng Việt, vì có thể một số bạn trẻ sẽ không rõ nghĩa của những từ này. Những định nghĩa dưới đây được cung cấp bởi cuốn Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa - Thông tin (1990):
- Tư biện = chỉ đơn thuần suy nghĩ, không dựa vào kinh nghiệm thực tiễn. vd những kiến giải nặng về tư biện; đầu óc tư biện (NNY 1990, trang 1756, mục từ thứ 3 từ trên xuống).
- Nội quan --> không có trong từ điển NNY, mà chỉ có nghĩa khác liên quan đến đông y. Tuy nhiên, từ này được dùng rất phổ biến trong tâm lý học, và có thể dễ dàng tìm thấy nghĩa của từ này khi gõ "introspection" và "nội quan" vào trong google search. Ví dụ, từ điển tra từ trên mạng cung cấp định nghĩa sau: introspection: Sự tự xem xét nội tâm. Nguồn: tratu.vn/dict/en_vn/Introspection.
- Thực nghiệm = tạo ra những biến đổi nhất định của sự vật để xem xét những hiện tượng nào đó hoặc kiểm tra tính đúng sai của các lý thuyết, của những ý kiến, gợi ý mới. vd: phương pháp thực nghiệm (NNY 190, trang 1616, mục từ thứ 4 từ trên xuống).
Nhân tiện, xin nói thêm: trong tiếng Việt, từ "thực nghiệm" còn được dùng để dịch từ "empirical" trong tiếng Anh, song song với từ "kinh nghiệm". Sự khác biệt giữa "empirical" và "experimental" là ở chỗ empirical có nghĩa rộng hơn vì nó chỉ bất cứ cái gì đã được kinh qua, trải nghiệm, dù đó là trải nghiệm tự nhiên hoặc là trải nghiệm do cố tình trong một cuộc thí nghiệm (experiment).
Như vậy, nếu dùng "thực nghiệm" theo nghĩa tương đương với "empirical" thì nó khá gần với từ "field" trong cụm từ "field experience".
- Điền dã = (1) nơi đồng ruộng, nông thôn; (2) nơi, địa hình thực tế ở xa thành phố, là nơi tiến hành điều tra khảo sát trong khoa học (NNY 1990, trang 633, mục từ cuối cùng).
Nói thêm chút: từ "điền dã", tiếng Anh là field, vốn xuất phát từ nghiên cứu dân tộc học (ethnography), nên nghe nó có chút gì ... ruộng đồng (điền) và hoang dã (dã) (thì tiếng Anh là field mà!). Nhưng sau này nó đã được dùng với nghĩa rộng hơn, để chỉ nơi xảy ra những gì mà người nghiên cứu muốn quan sát, thu thập dữ liệu, tương tự như từ "site" trong tiếng Anh, được dịch là "thực địa", "hiện trường".
Từ này rất hay dùng trong giáo dục, và đi thực tập tại còn được gọi là đi để có "field experience". Ví dụ như ở đây này. http://www.marist.edu/careerservices/fea.html.
Vì vậy, đôi khi field method cũng được dịch là "phương pháp thực địa" hoặc "nghiên cứu hiện trường", bên cạnh thuật ngữ kinh điển thường gặp là "nghiên cứu điền dã".
Rồi, tạm như thế. Mới chỉ là giải thích cái tựa là đã hết thời gian (và hết vốn để viết) rồi! Tôi sẽ viết tiếp về vấn đề này trong entry sau. Các bạn chờ đọc và tranh luận nhé!
Saturday, November 27, 2010
Triết học: tư biện, nội quan, thực nghiệm, và điền dã
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment