Đây là một phần của báo cáo mà tôi và các bạn trẻ ở TTKT đã viết và báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP HCM ngày hôm nay, 29/11/2010.
Báo cáo ấy có 4 phần, trong đó phần cuối cùng nêu kinh nghiệm triển khai tại ĐHQG-HCM, nhưng tôi sẽ không đăng lên đây vì không muốn bị nghĩ rằng tôi sử dụng trang blog để quảng cáo cho đơn vị. Nên chỉ đăng phần 1, 2, 3, là những phần khách quan mà mọi người có thể đọc và sử dụng được.
Mọi người đọc dưới đây nhé.
---------
Đề cương bài viết
1. Đánh giá CTĐT: lựa chọn chiến lược của AUN-QA
2. Mô hình chất lượng đào tạo của AUN-QA
3. Đánh giá CTĐT theo AUN-QA
(4. Kinh nghiệm áp dụng tại ĐHQG-HCM - phần này sẽ không được đăng lên. Ai có quan tâm xin liên hệ với TTKT để hỏi thông tin.)
Các tác giả:
1. Vũ Thị Phương Anh (đưa ra cấu trúc bài viết, trực tiếp viết phần 1 và 2, kết nối các phần viết lại với nhau, và hiệu đính cuối cùng)
2. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (trực tiếp viết phần 4)
3. Phạm Thị Bích (trực tiếp viết phần 3, sửa lỗi ấn công trên bản thảo)
(Phải ghi kỹ như vậy để khỏi bị vô tình đạo văn hay mang tiếng dối trá, các bạn ạ!)
-----
1. Đánh giá chương trình đào tạo: lựa chọn chiến lược của AUN-QA
1.1. Tính đa dạng và khoảng cách chất lượng giữa các thành viên AUN
AUN (Asean University Network) là hiệp hội đại học mang tính tự nguyện phi lợi nhuân của các trường đại học hàng đầu thuộc các nước khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập năm 1995, là sáng kiến của 11 trường đại học hàng đầu của sáu quốc gia trong khu vực là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan. Việt Nam chính thức gia nhập vào mạng lưới này năm 1999 với sự tham gia của hai đại học quốc gia, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện cho Việt Nam trong Hội đồng Quản trị AUN (mỗi nước chỉ cử một trường làm đại diện trong hội đồng).
Hiện nay AUN có tất cả 26 thành viên thuộc 10 nước vốn rất khác nhau về văn hóa, chính trị, mức độ phát triển kinh tế, và trình độ khoa học công nghệ. Sự đa dạng và khoảng cách về chất lượng giữa các trường thành viên của AUN có thể thấy qua sự có mặt và thứ hạng của các trường đại học thành viên của tổ chức này trong các bảng xếp hạng đại học hàng năm.
Riêng trong năm 2010, AUN có 13/26 thành viên có mặt trong top 500 thế giới theo kết quả xếp hạng của QS, trải dài từ hạng 31 (NUS của Singapore), Chulalongkorn của Thái Lan (hạng 180), UM của Malaysia (hạng 207), UI của Indonesia (hạng 236), đến hai trường được xếp trong nhóm 401-500 là ITB của Indonesia và De La Salle của Philippines. Phân nửa số trường còn lại không hề có mặt trong bất kỳ bảng xếp hạng nào.
1.2 Đánh giá chương trình đào tạo: Điểm xuất phát chiến lược để triển khai ĐBCL trong AUN
AUN-QA xem việc đánh giá chất lượng là một công việc cần được thực hiện thường xuyên ở cả ba cấp độ khác nhau: hệ thống ĐBCL bên trong (IQA), chương trình đào tạo, và cơ sở đào tạo. Để khởi động phong trào đảm bảo chất lượng trong toàn khối AUN, thoạt đầu AUN-QA dự định xuất phát với việc đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Xét về lý luận, điều này là hợp lý vì nếu muốn thúc đẩy công tác ĐBCL thì trước hết phải có một bộ phận thực hiện chuyên nghiệp với các điều kiện và quy trình tối ưu.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi giữa các thành viên, AUN-QA nhận ra rằng thực ra điểm xuất phát tốt nhất không phải là IQA, và lại càng không phải là đánh giá cơ sở đào tạo, vì cả hai mảng công việc này là điều mà dù có hay không có AUN-QA thì các trường cũng đang phải thực hiện theo quy định riêng của từng quốc gia. Trong khi đó, mục tiêu của AUN là tăng cường sự hợp tác giữa các trường thành viên thông qua việc thực hiện các chương trình trao đổi học thuật và nghiên cứu, và việc thực hiện công tác ĐBCL là nhằm thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, và củng cố uy tín và niềm tin vào chất lượng đào tạo đại học của các trường trong AUN. Chính vì vậy, việc tập trung vào chương trình đào tạo là phù hợp nhất, vì nó hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình đang được triển khai trong AUN là trao đổi sinh viên và giảng viên; tăng cường nghiên cứu về ASEAN; và hợp tác trong nghiên cứu giữa các trường thành viên trong những lĩnh vực chuyên môn mà các bên có cùng mối quan tâm.
Sau khi thống nhất chọn CTĐT làm điểm xuất phát để khởi động phong trào ĐBCL trong khối AUN, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA đã được áp dụng để đánh giá chất lượng giáo dục đại học trên cơ sở tự nguyện, tính đến tháng 12/2010 là đợt đánh giá chính thức lần thứ 10 tại Hà Nội. Riêng ĐHQG-HCM đã đăng ký 3 chương trình để tham gia đánh giá ngoài vào đợt đánh giá chính thức lần thứ 7 vào tháng 12/2009. Những kinh nghiệm của ĐHQG-HCM được nêu ở phần cuối của báo cáo.
(còn tiếp)
Tuesday, November 30, 2010
Đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA (1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment