--------------
Bài viết này có lẽ cần có một chút dẫn nhập.
Cách đây ít lâu tôi có viết một bài mang tính bình luận và ý kiến trên báo SGTT, và sau đó thì bị một số người mà tôi nghĩ là có những đồng nghiệp của tôi phản bác dữ dội. Thậm chí, có người nói là tôi xúc phạm dân tộc!
Tôi hiểu được sự phản bác này. Chẳng ai thích bị xem là có "văn hóa đạo văn", khi đạo văn đang bị lên án khắp nơi như một hành vi vi phạm đạo đức rất nặng nề của người trí thức. Cho nên, nếu tôi nói (như một số người khác, chủ yếu là phương tây đã nói) là người Việt và châu Á nói chung có "văn hóa đạo văn", thì bị những người Việt (hoặc người châu Á) khác phản bác có lẽ cũng không có gì lạ.
Điều quan trọng hơn, theo tôi, không phải là 2 bên cứ khăng khăng, một bên cho rằng mình không có "văn hóa đạo văn", còn bên kia thì bảo rằng có. Mà quan trọng hơn, là cố gắng hiểu xem (1) tại sao người ta bảo rằng mình có "văn hóa đạo văn", hay nói cách khác, khi người ta nói mình có "văn hóa đạo văn" thì người ta muốn nói cái gì, và (2) nếu điều người ta nói có phần nào đúng, thì mình nên nghĩ ra những phương cách giúp thay đổi để cho mọi việc tốt hơn. Đó chính là điều tôi muốn làm rõ trong bài viết này, để bổ sung thêm cho bài viết gây tranh cãi kia.
Cần nói rõ: tôi không quan tâm xem người khác (ví dụ, các nước phương tây) có "văn hóa đạo văn" hay không (tôi chưa bao giờ nói là họ không có; họ có thể có, có thể ít hoặc nhiều, nhưng đơn giản là tôi không quan tâm và không đề cập trong bài viết của tôi mà thôi).
Về điểm thứ nhất, tại sao người ta nói mình có văn hóa đạo văn, tôi nghĩ trước hết phải xem người ta nói "văn hóa đạo văn" là gì. Có 2 từ cần định nghĩa ở đây: "văn hóa" và "đạo văn". Văn hóa, theo nghĩa phổ biến của phương tây (nói chính xác là định nghĩa trong tiếng Anh), cũng là nghĩa mà tôi đã đưa trong bài viết của tôi, là thói quen, lề thói, hoặc giá trị chung của cộng đồng. Một định nghĩa trung tính, mang tính mô tả, chứ không phải là một từ có yếu tố phán đoán giá trị (value judgement) trong đó.
Để kiểm tra xem có phải tôi bị phản bác chủ yếu là do bị hiểu lầm vì sự khác biệt trong ngôn ngữ của tôi (dùng theo định nghĩa của tiếng Anh) và ngôn ngữ mà những người phản bác hay không, tôi đã tra lại từ "văn hóa" trong cuốn từ điển tôi hay dùng là Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin 1999.
Quả đúng như tôi đoán, từ "văn hóa" trong từ điển này có 5 nghĩa, nhưng tất cả đều có nghĩa nói lên một cái gì đó tốt đẹp, cao cả, tinh thần, học thức, hoặc truyền thống lâu đời vv. Định nghĩa "văn hóa" trong từ điển đó như sau:
1. Những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử;
2. Đời sống tinh thần của con người;
3. Tri thức khoa học, trình độ học vấn;
4. Lối sống, cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh;
5. Nền văn hóa một thời kỳ lịch sử cổ xưa, xác định được nhờ tổng thể những di vật tìm được có những đặc điểm chung.
Như vậy, rõ ràng là khi tôi nói đến "văn hóa đạo văn" như người phương tây vẫn nói về châu Á chúng ta, là tôi đang sử dụng một định nghĩa khác với một số cách hiểu khác, có thể là phổ biến ở VN ở một thời điểm nào đó (chẳng hạn vào thời điểm xuất bản cuốn từ điển mà tôi đã nêu ở trên, tức cách đây hơn 10 năm).
Vì vậy, sự tranh cãi kia trước hết là do không đồng ý với nhau về định nghĩa văn hóa, và nếu hai bên không chấp nhận định nghĩa của nhau thì mọi việc nên chấm dứt nơi đây. Vì bất kỳ sự tranh cãi nào dựa trên các định nghĩa khác nhau về khái niệm thì đều không dẫn đến kết cục nào cả!
Tôi, thì tôi chấp nhận định nghĩa của phương Tây, để có thể tiếp tục xét xem là với định nghĩa như vậy, họ muốn nói gì về chúng ta?
Nhưng để có thể thực sự hiểu họ, thì còn một từ khác cũng cần định nghĩa là đạo văn. Trong bài viết của tôi (đã đăng trên SGTT), tôi không đưa định nghĩa về "đạo văn" vì có vẻ như ai cũng biết nó là cái gì rồi. Nhưng thực ra, định nghĩa thế nào là đạo văn có lẽ là nguyên nhân chính của các tranh cãi. Vì theo tôi, định nghĩa thế nào là đạo văn của VN và của phương tây chắc chắn là có nhiều khác biệt.
Để kiểm tra lại cái phần "theo tôi" ấy, tôi cũng tra từ điển Nguyễn Như Ý, và, bất ngờ khám phá ra rằng trong cuốn từ điển nói trên hoàn toàn không tồn tại từ "đạo văn"!!!!! Thật là một khám phá bất ngờ! Ai cần kiểm tra lại thì có thể sử dụng những chi tiết sau:
Ở trang 596, cột thứ hai, có các entry sau: "đạo thầy nghĩa tớ", "đạo tin lành", "đạo trệ", "đạo vật tổ", "đạo vợ nghĩa chồng", rồi sang entry mới là "đáp". Tức là hoàn toàn không có "đạo văn" (lẽ ra phải nằm ở sau entry "đạo trệ").
Phải hiểu về điều này như thế nào đây? Riêng tôi, tôi diễn giải việc không chọn đưa từ "đạo văn" vào cuốn từ điển ấy là một dấu hiệu cho thấy rõ ràng "đạo văn" không phải là một vấn đề đáng quan tâm đối với VN, ít ra là cách đây hơn 10 năm.
Mặc dù cách đây 10 năm thì ở VN vẫn có "đạo văn" tràn lan xét theo nghĩa của phương Tây, dù cố tình hay không cố tình, chứ không phải chỉ bây giờ mới có. Vì thời đó ở Khoa Anh của trường XH-NV khi tôi còn công tác tại đấy, khi liên kết với một đại học của nước ngoài để đào tạo thạc sĩ thì những bài đầu tiên của sinh viên đều bị trả lại vì "đạo văn" (chép thoải mái của người khác giống như vụ đạo văn mới bị phát hiện đây).
Trước đây tôi cũng đã viết về đạo văn, có thể tìm thấy ở đây, và cũng có đăng trên blog này, các bạn có thể search blog dùng từ khóa "đạo văn" sẽ tìm được những đường dẫn đến tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh.
Với những định nghĩa nghiêm nhặt như vậy, thì đạo văn ở VN là nhiều lắm. Nhưng trước đây có thể không có cơ hội để phát hiện, hoặc nếu bị phát hiện thì cũng chỉ một số người biết với nhau, chứ không làm rùm beng lên như bây giờ. Chỉ đến bây giờ, khi hội nhập vào thế giới nhiều hơn, thì VN mới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo văn, và ý thức cũng như định nghĩa về đạo văn mới chặt chẽ hơn lên.
Tóm lại, nếu định nghĩa "văn hóa" là thói quen, thì rõ ràng khi nói VN có "văn hóa đạo văn" là không hề nói quá. Văn hóa đó thể hiện ở 2 khía cạnh:
(1) Đạo văn xảy ra thường xuyên (tần suất cao hơn ở phương tây, xét theo các vụ bị phát hiện tại các trường đại học nước ngoài; đó là lý do phương tây mới có cái thành kiến cho rằng người VN hay người châu Á hay đạo văn, dù điều đó không đúng với mọi trường hợp);
(2) Những vụ đạo văn bị phanh phui ít khi được xử lý đến nơi đến chốn, và ngay cả người bị đạo văn nhiều khi cũng có thái độ chấp nhận. Vì nếu làm cho ra lẽ mà người vi phạm bị một hình phạt gì đó thì có khi chính nạn nhân của đạo văn lại bị lên án vì đã xử sự không có "tình" với đồng nghiệp, chẳng hạn.
Đấy là điểm thứ nhất. Về điểm thứ hai tôi sẽ viết trong một entry khác.
------
Nhân tiện, GS Nguyễn Văn Tuấn cũng có bài trên blog của ông về đạo văn mà theo ông đó là vấn đề kiến thức chứ không phải là vấn đề văn hóa. Bài viết của ông có phần nêu một nghiên cứu khảo sát trong đó có phân biệt các loại đạo văn rất đáng tham khảo. Tuy nhiên, kết luận của ông thì khác của tôi, vì ông thuộc "trường phái" cho rằng không có văn hóa đạo văn, mà đấy chỉ là vấn đề "kiến thức" (tôi nghĩ ở đây nên dùng "hiểu biết" thì hợp hơn?)
Tôi nghĩ, sự khác biệt này cũng xuất phát từ định nghĩa thế nào là văn hóa. Nếu chọn định nghĩa văn hóa là thói quen thì tôi muốn tranh luận với tác giả bài nghiên cứu kia rằng chỉ có "kiến thức" thôi thì sẽ không thay đổi được thói quen, mà bên cạnh đó phải kèm theo sự rèn luyện thông qua nhắc nhở và thưởng phạt của hệ thống giáo dục, pháp luật và cả các ràng buộc về đạo đức nữa, thì việc "không đạo văn" mới trở thành một thói quen như một loại "phản xạ tự nhiên".
Vì đạo văn về bản chất giống như ăn trộm. Hái trái cây trong vườn của nhà hàng xóm ở VN có thể không bị xem là ăn trộm mà chỉ là chuyện trẻ con nghịch ngợm, nhưng ở một nước khác có thể bị xem là ăn trộm và có thể bị phạt nặng. Vậy nếu không biết mà vi phạm thì đó là lỗi do không biết (nhưng vẫn phạm tội!), tức là vấn đề kiến thức (trong đạo văn thì là đạo văn không cố tình).
Nhưng nếu đã biết đó là điều không được phép, mà thấy nếu có vi phạm cũng chẳng ai nói gì, pháp luật không nghiêm, người xung quanh không phê phán, và hình như có nhiều người làm, thì sẽ dẫn đến tình trạng biết mà vẫn làm. Giống như đi đường, ai cũng biết leo lề là có lỗi, nhưng công an cũng chẳng phạt, mà ai cũng làm thế, nên khi cần thì mọi người cũng ... leo lề. Như thế, thì vấn đề này đã trở thành văn hóa (= lề thói chung của cả cộng đồng) rồi đó.
Kết quả của nghiên cứu được nêu trong bài viết của GS Tuấn cho thấy (1) sự hiểu biết về các loại đạo văn giữa sinh viên Úc với du sinh từ châu Á chẳng có gì là khác nhau; và (2) giữa nhận thức/hiểu biết về đạo văn và hành vi đạo văn có một mối tương quan nghịch ở mức thấp, tức hiểu biết nhiều thì đạo văn ít và ngược lại. Hệ số tương quan ở mức gần 0.4. Dựa vào 2 kết quả trên, dường như GS Tuấn có ý khẳng định rằng cái gọi là "văn hóa đạo văn" của châu Á chỉ là một thành kiến hoặc thậm chí kỳ thị của phương Tây.
Tuy nhiên, tôi nghĩ với 2 kết quả trên thì vẫn chưa đủ để phản bác cái "thành kiến" dai dẳng kia. Vì như đã nêu ở trên, nhận thức về đạo văn của sinh viên Á và sinh viên Úc có thể không khác nhau, nhưng hành xử vẫn có thể khác nhau (nhận thức không đồng nhất với hành vi). Còn về sự tương quan đã nêu, vì không có số liệu gốc nên tôi không biết rằng tương quan đó được tính riêng cho từng nhóm (du sinh và sinh viên Úc) hay tính chung cho 2 nhóm. Nếu tính riêng từng nhóm thì có lẽ sẽ thuyết phục hơn. Vì nếu sự tương quan đó có thể cao ở nhóm Úc mà thấp ở nhóm du sinh, thì khi tính chung sẽ không còn chính xác.
Tôi nghĩ, muốn chứng minh VN hay châu Á không khác gì phương tây trong việc đạo văn (tức đây chỉ là vấn đề kém hiểu biết hoặc đạo đức ở mức độ cá nhân chứ không phải vấn đề văn hóa tức mức độ cộng đồng) thì cần có một nghiên cứu so sánh tỷ lệ các vụ đạo văn giữa du sinh và sinh viên Úc qua các năm học chẳng hạn. Nếu có ai có thời gian làm được điều này thì cũng rất tốt, vì "cải thiện" được hình ảnh đất nước, dân tộc. Nhưng tôi thì tôi không nghĩ đến việc to tát thế, mà chỉ đơn giản nghĩ (một cách thực tế) rằng nếu muốn chống đạo văn, thì tốt nhất hãy tạo ra thói quen (= thay đổi văn hóa) cho cả cộng đồng, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó giáo dục là quan trọng nhất.
Chỉ có thế thôi, mà sao mọi người tranh cãi đến thế nhỉ?
-----------
Cập nhật sáng ngày 12/11/2010
Có một người bạn nhỏ của tôi đọc bài này rồi gửi mail cho tôi một vài ý kiến liên quan đến chủ đề plagiarism. Bạn ấy không gửi vào comment vì trong mail còn có một số việc riêng, nhưng những ý kiến rất hay mà không đưa lên thì thật tiếc, nên tôi chép lại từ trong mail và cắt đi những chỗ riêng tư để đưa lên đây. Mọi người đọc nhé.
Em gửi paper này, đã được đăng trên Ethics and Behaviour. Em thấy cũng hợp với đề tài trên blog của cô. (Trong list các tạp chí Philosophy ở http://www.nla.gov.au/policy/review_phil.html thì thấy có 1 tạp chí Ethics and Behaviour xếp thứ 10 dựa theo impact factor).
Đây là nghiên cứu định tính, dựa trên interviews (focus group interviews?), còn nghiên cứu bác Tuấn đưa ra về đạo văn hình như là định lượng (?).
[...]
Thật ra với em thì hiện nay chuyện văn hóa và đạo văn vẫn còn "inconclusive". Nói sâu hơn tí thì em nghĩ thế này (chỉ là nghĩ thôi, chứ em cũng chưa đọc nhiều nghiên cứu về vấn đề này nên chưa nắm hết):
1. Thật ra một tí học thuộc lòng cũng cần thiết (như chuyện con nít học bảng cửu chương). Nếu muốn chỉ trích, có lẽ mình nên chỉ trích một số trường hợp học thuộc lòng cụ thể (chẳng hạn như học cả các ý cần thiết khi bình một bài văn hay thơ, để đáp ứng yêu cầu của những đáp án văn chi li đến từng 0,25 điểm --> cái này chẳng liên quan gì đến chuyện kính trọng tiền nhân cả), hay chuyện không nêu nguồn (ngay cả GS vẫn viết kiểu "ai đó đã nghĩ", "ai đó đã nói",...),...Đó chính là mầm mống cho việc đạo văn.
2. Chữ "văn hóa" theo nghĩa cô dùng trong mấy bài viết gần đây giống với định nghĩa trong xã hội học (= faith, beliefs, norms,...). Có điều sau này chắc mình nên cẩn thận hơn khi dùng những từ có vẻ nhạy cảm, nếu có định nghĩa rõ ràng từ đầu càng tốt.
------------
Rất cám ơn bạn đã gửi thông tin cho tôi. Tôi sẽ đọc bài nghiên cứu đó và nếu rảnh và có hứng thì sẽ viết entry mới và đưa lên đây. Riêng về học thuộc lòng thì tôi nhớ là mình cũng chưa bao giờ nói đạo văn ở VN hay châu Á xuất phát từ nguyên nhân duy nhất là học thuộc lòng, mà đó có thể là ý kiến (phổ biến?) của một số người khác (phương Tây) khi phân tích về nguyên nhân đạo văn. Nói thế để thấy là trong tranh luận nếu không bình tĩnh và rất dipciplined thì rất dễ gán ý của mình vào lời của người khác, rồi kết án người ta.
Tôi cũng bị, và ai cũng có thể bị mắc phải điều này. Và khi đã biết như thế, thì theo tôi cách chữa là chịu khó nghe kỹ người khác xem người ta có chút gì hợp lý không (bất kể những chỗ chưa hợp lý), rồi ráng mà đồng ý với họ ở những chỗ họ đúng, dù chỉ một phần. Nhưng hình như ở VN thì người ta hay tuyệt đối hóa vấn đề, chỉ có đúng hoặc sai, và thường là ... tôi đúng, anh sai! Nên tranh luận rất khó dẫn đến sự tăng thêm hiểu biết cho cả hai phía, mà thường dẫn đến xung đột, đổ vỡ. Một điều vô cùng đáng tiếc.
No comments:
Post a Comment