Sunday, September 27, 2009

Bài đáng đọc trên Tuần Việt Nam về GD VN

Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/7960/index.aspx

Đổi tư duy đầu não để thoát khủng hoảng giáo dục
17/09/2009 06:11 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - “Trước nhất vẫn là thay đổi tư duy từ đầu não, từ đó mới truyền xuống đội ngũ bên dưới tư tưởng đổi mới. Nếu không, bên dưới mà đổi mới thì cũng dễ bị vô hiệu hóa” - Nhà báo Trường Giang, nguyên Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.

Chủ soái: Tư duy phải đổi mới và “toàn thân” cho giáo dục




Nhà báo Trường Giang. Ảnh: L.T


- Theo ông, cái thiếu nhất, khủng hoảng nhất hiện nay trong ngành GD là gì?


- Đó là tư duy không đổi mới và hiện đại.


- Từ góc độ nào ông có thể đưa ra nhận định này?


Sứ mệnh của ngành GD chính là đào tạo ra thế hệ như thế nào? Trong nền kinh tế tri thức, đó phải là thế hệ năng động sáng tạo, biết thích ứng và có khả năng xử lý thực tiễn chứ không phải chỉ thừa hành một cách máy móc.


Nhưng nhiều thế hệ mà GD chúng ta đào tạo xưa nay là thừa hành - dù là thừa hành tích cực, chăm chỉ, gương mẫu, đứng đắn… Tất cả những phẩm chất đó vẫn khó phát huy, nếu thiếu năng động sáng tạo.


Hiện nay, GD vẫn là kiểu thầy nói trò nghe, thầy bảo trò vâng, thầy diễn thuyết triền miên, học sinh thụ động nghe triền miên và ra đời thì...quên. Phương thức đào tạo phổ biến chỉ là nhồi nhét.


Chỉ khi có một thế hệ nhân lực năng động, sáng tạo, thì mới có dân giàu, nước mạnh. Và để làm được điều đó, cần có một chủ soái dám đổi mới và hiện đại.

- Vậy theo quan niệm của ông, một chủ soái của GD bây giờ phải như thế nào?


Phải là con người có tư duy đổi mới và “toàn thân” cho giáo dục, “toàn thân” chứ không phải là “bán thân”. Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân hiện nay lại còn là Phó Thủ tướng phụ trách tới 6 Bộ.


Người lãnh đạo GD, một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, càng quan trọng hơn lúc nào hết trong thời cuộc hội nhập hiện nay, không nên là “cầu thủ đá một chân”, càng không nên là tay trái.


Tất nhiên, người đó lãnh đạo được GD phải học rộng và thông minh.


- Nhưng có thể tìm được ở đâu?


Nước mình không thiếu. Căn bản là cách nhìn thôi.


- Từ năm 2000 đến nay, với công cuộc đổi mới, mà mục tiêu và phương thức GD được xác định là đổi mới phương pháp GD. Ai cũng biết và nhận thức được cần thay đổi, nhưng sự thực thì chưa đổi được bao nhiêu, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã thất bại. Theo ông, vì sao?


Mời xem thêm:
Đổi mới quản lý giáo dục: Nói và làm
Đột phá giáo dục và những “người quản lý GD xấu xí”
Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Giáo dục và dân chủ
- Căn cốt là do không có sự thay đổi tư duy thực sự. Năm cuộc cải cách GD của ta từ 1945 đến nay đều không mấy thành công, không tạo ra chuyển biến đáng kể về mục tiêu. Đó chỉ là sự thay đổi về hệ thống, chương trình, sách giáo khoa, thêm các hệ đào tạo…Nhưng cái thực chất nhất để làm thay đổi chất lượng là phương thức đào tạo thì ta chưa bàn.

Cũng từng có, trong lịch sử CCGD, ngành GD đã đưa ra “cải cách phương thức đào tạo”, thời Bộ trưởng GD Nguyễn Văn Huyên: “GD kết hợp lao động sản xuất…” nhưng chủ trương đó không hiệu quả.


Sự kết hợp chung chung như thế, không giải quyết chất lượng đào tạo, chỉ làm cho học sinh biết về sản xuất một cách thô thiển, không giải phóng phương pháp.


Điều quyết định là phải thay đổi cách đào tạo người thầy, thì mới tạo ra người thầy giảng dạy theo phương pháp mới. Nếu vẫn đào tạo như các trường sư phạm hiện nay, thì người thầy cũng sẽ dạy cho học sinh phổ thông cái mà họ tiếp thu được ở trường sư phạm. Muôn đời không thay đổi được.

- Thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, ngành GD cũng đã lúng túng không biết nên cải cách sư phạm trước hay phổ thông trước. Cuối cùng kết luận là song hành..


Phải đi đôi. Phải “cải tạo”, thay đổi phương pháp giáo viên đứng lớp phổ thông, đồng thời cải cách đào tạo sư phạm.


Giáo dục phải “đi trước” thời đại



Hiện nay, phương thức đào tạo phổ biến chỉ là nhồi nhét (Ảnh minh họa)

- Trong cơ chế vận hành GD hiện nay, điểm yếu nhất là gì, theo ông?


Yếu nhất là chỗ quản lý GD quá lạc hậu. Cơ chế xin - cho vẫn rất nặng nề, nhất là trong cách quản lí ĐH hiện nay. Vụ chức năng thò tay rất sát vào các hoạt động của các trường. Chương trình tài liệu đều phụ thuộc Bộ GD và ĐT. Mới năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh là do trên nắm hết. Trường muốn xin thêm ít sinh viên, cũng phải chạy để người ta kí cho.


Những cái đó làm nên sự trì trệ. Đó là cơ chế tạo kẽ hở làm giàu cho những người có chức có quyền.


Ở các quốc gia có nền GD phát triển, các trường ĐH là một “vương quốc” riêng. Họ có đủ tư cách để toàn quyền độc lập và sáng tạo.


Hãy trả lại sự chủ động, độc lập, sáng tạo cho các trường ĐH.


Phải nói rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là người hoạt động rất tích cực. Nhưng những tiến bộ hiện nay là tiến bộ phong trào. Ông đang kêu gọi chống bệnh thành tích, nhưng e rằng chính ông đang vướng phải căn bệnh này.


- Các trường ĐH hiện đang đòi quyền tự chủ hơn nữa. Nhưng việc trao quyền tự chủ cho các trường vẫn còn là câu chuyện dài…


Đó là câu chuyện chưa muốn chia sẻ quyền lực và quyền lợi. Đó là “vết dơ” của quá khứ còn lại.


- Ông có niềm tin rằng cơ chế quản lý kiểu xin - cho sẽ thay đổi?


Có. Không phải vì tôi tin vào thiện chí hay sự ban phát của những người có chức quyền. Mà là tôi tin vào tính khách quan của sự phát triển.


Lịch sử sẽ vẫn đi tới, đè bẹp các sức cản, dù anh có muốn hay không.


- Nhưng có người nói, đổi mới GD luôn chịu sự chi phối và phải đi sau “hệ thống mẹ”?.


GD là động lực phát triển, do đó, GD phải đi trước thời đại. Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển, ngay châu Á như Singgapor là nhờ có GD thay đổi mà cất cánh.

"Trí thức GD Việt Nam không thắng được chính mình"



Hãy trả lại sự chủ động, độc lập, sáng tạo cho các trường ĐH. Ảnh: Vnchanel

- Về đội ngũ quản lý GD các cấp hiện nay, ông nhìn nhận vai trò của họ như thế nào trong việc giải quyết khủng hoảng GD?


Đây chính là cửa đột phá của ngành GD, nếu khai thông được thì mới tạo được nhiều con đường đi lên.


Ta cần có một bộ máy tinh và tư duy đổi mới. Đột phá bằng công cuộc “rèn cán chính cơ” tích cực, vừa thay đổi nhân sự, vừa rèn luyện nhân sự sẵn có.


Trong kháng chiến mình rất có kinh nghiệm về chuyện này, nhưng lại chưa áp dụng cho GD.


Song trước nhất vẫn là thay đổi tư duy từ đầu não, từ đó mới truyền xuống tư tưởng đổi mới. Nếu không, thậm chí bên dưới mà đổi mới thì cũng bị “vô hiệu hóa”.


- Các công chức trong bộ máy ăn lương, thường chỉ thực thi các chủ trương mà ít khi phản biện lại chính sách. Theo ông vì sao?


Đó là “cái hèn” của trí thức Việt Nam. Người tán thành quan điểm này cũng không ít, chỉ có điều người ta không dám thẳng thắn thừa nhận thôi. Nhưng cũng có một GS nổi tiếng, có lần nói thẳng: “Trí thức VN hèn lắm. Tôi cũng hèn lắm. Thằng C. này là hèn số 1.”


Dĩ nhiên, không phải tất cả, vì cũng có một số trí thức lớn khảng khái, thẳng thắn nói rõ chính kiến, nhưng nhìn chung trí thức trong ngành GD ở ta không thắng được chính mình, còn là do vốn tri thức hiện đại chưa nhiều. Mang trong mình nhiều tri thức lễ giáo nho giáo, sức nặng tri thức cũ kéo mình lại. Nếu được tiếp xúc tri thức hiện đại, thì nó sẽ đè bẹp quá khứ.


Ngược lại, cũng có nhiều vị lãnh đạo kêu gọi góp ý với lãnh đạo Bộ GD. Kêu gọi thế, nhưng khi bị góp ý mạnh quá, thẳng quá thì họ lại tự ái, phản ứng tầm thường.


Tôi cũng đã từng phát biểu nhiều hội nghị về trí thức: Thông minh, hiểu biết, yêu nước, nhưng hèn, nghĩ đến cái tôi nhiều, nên không thoát lên được.


Thứ hai là, họ ít nhạy cảm với thời đại. Điểm trên đầu người hiện nay, bao nhiêu trí thức trong ngành GD có tri thức thời đại. Có người có hiểu biết phong phú, nhưng không tư duy độc lập được.


- Vậy cuối cùng, theo ông giải pháp tháo gỡ cho sự khủng hoảng GD?


Cần có cuộc cải cách GD mạnh mẽ, mà đột phá là xây dựng bộ máy và cơ chế quản lý GD mới. Nếu vẫn bộ máy cũ, tư duy cũ thì không điều hành được cuộc cải cách như thế. Phải thay đổi tổ chức bộ máy phù hợp yêu cầu thời đại. Vì sự phát triển, chứ không vì cơ cấu nào. Lấy tiêu chí đổi mới tư duy làm đầu. Tạo động lực mạnh mẽ phát triển.


Chúng ta cần có ý tưởng về một ngôi trường lớn - một xã hội học tập, và một phương pháp GD mới, linh hoạt, mềm dẻo, kích thích mọi năng lực sáng tạo.


Xã hội hóa GD, theo quan niệm Bộ GD, chỉ thô thiển là động viên nhân dân đóng góp. Nhưng theo tôi, nói đến nội hàm xã hội hóa là nghiêng về khái niệm: Tạo ra một xã hội, mọi thành viên đều là thầy và cũng đều là trò. Khái niệm thầy trò hết sức linh hoạt. Không còn cố định thầy trò chuyên nghiệp. Ở đó, mọi người đều học liên tục, từ trẻ già, từ mọi vị trí. Không nhất thiết anh mãi là thầy hoặc trò, mà tùy từng vấn đề, tùy lúc thì anh là thầy hay trò. Học không nhất thiết ở trường lớp, mà ở mọi nơi.


Những cái gì học ở trường, chỉ là nền tảng. Trên cái nền tảng ấy, muốn trở nên tài năng phải tiếp tục tự học, tự GD và giao lưu. Sự giao lưu là một trong những con đường tích lũy nhanh nhất và thích hợp nhất cho sự trưởng thành của con người.

Kỳ Duyên - Linh Thủy (thực hiện)

No comments:

Post a Comment