Monday, September 14, 2009

Suy nghĩ về GD ĐH VN - trả lời phỏng vấn của PA

Dưới đây là phần suy nghĩ của tôi - để trả lời phỏng vấn của Báo TN Tiếng Anh. Có thể được dùng, có thể không, nhưng là suy nghĩ thật về việc thật, nên cứ đưa lên đây để ai đọc thì đọc - và chia sẻ.

1. Mới đây, hai nhà nghiên cứu Thomas Vallely và Ben Wilkinson của trường lãnh đạo Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ đã công bố một bản nghiên cứu ngắn với tựa đề “Giáo dục đại học Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó” (Higher Education in Vietnam: Crisis and Response), bản báo cáo nói rằng giáo dục đại học Việt Nam còn lạc hậu, kể cả so với các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Ông/bà nhận định gì về điều này? Nếu đúng hoặc sai xin cho biết lý do.

- Tôi nghĩ nhận định này hoàn toàn đúng. Cơ sở của nhận định này dường như cũng đã được đưa ra trong báo cáo: VN không hề có một trường đại học nào được xếp hạng trong 2 hệ thống xếp hạng đại học quốc tế là SJTU (hệ thống xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc) và THES (hệ thống xếp hạng của Phụ trương Giáo dục Đại học của Tuần báo Times, Anh Quốc). Các nước Đông Nam Á khác bét ra cũng có một vài trường lọt vào top 500 của THES. So sánh các công bố khoa học của giáo dục đại học Việt Nam với các nước trong khu vực cũng cho kết quả tương tự.

2. Theo ông/bà, lương giảng viên đại học đóng vai trò như thế nào trong việc quyết định chất lượng giáo dục đại học?

- Rất lớn. “Chất lượng của một nền giáo dục không thể nào vượt quá chất lượng của đội ngũ giáo viên” , tôi nhớ ở đâu đó đã có một phát biểu như thế. Lương của giảng viên dù không phải là yếu tố quyết định duy nhất vẫn luôn là yếu tố căn bản tác động đến chất lượng làm việc của những con người làm nên chất lượng giáo dục đại học.

3. Năm 1987: tỉ lệ giảng viên/sinh viên là 1/6.6, còn nay: tỉ lệ đó là 1/28  điều này thể hiện quy mô sinh viên tăng nhưng số lượng giảng viên tăng không kịp với nhu cầu. Theo ông/bà, đâu là nguyên nhân chính khiến lượng giáo viên ko thể theo kịp lượng sinh viên?
Có phải một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt giảng viên là do lương không cao khiến ít người muốn theo đuổi vào nghề giáo hoặc phải bỏ cuộc giữa chừng?

- Đúng là có một sự thiếu hụt về số lượng, nhưng tôi không nghĩ sự thiếu hụt về số lượng này là điều cần phải lưu tâm ngay lập tức, mà quan trọng hơn là chất lượng của giảng viên thực sự tham gia giảng dạy. Có thể nói như thế này: hiện nay đội ngũ giảng viên đại học đang rất thiếu những người thực sự có chất lượng, nhưng lại thừa rất nhiều những người thừa bằng cấp và danh vị nhưng lại thiếu trình độ và nhiệt tâm thực sự để có thể đóng góp vào nền giáo dục đại học của nước nhà. Còn mức lương và thu nhập thực tế của giảng viên hiện nay, tôi cho rằng so với mặt bằng chung thì cũng thuộc hàng kha khá chứ không phải là quá tệ. Vấn đề là mức lương này vẫn quá thấp đối với những trí thức là nhà khoa học thực sự, và ngược lại thì lại quá cao với những giảng viên “thợ dạy”, chỉ biết ôm cặp đi dạy từ sáng đến tối mà không hề cập nhật kiến thức, nghiên cứu, và có những hoạt động gắn kết với thực tế của nghề nghiệp mà mình dạy.

4. Giả sử bây giờ lương cao, nhưng giáo viên vẫn phải dạy nhiều vì để thay đổi được tỉ lệ 1/28 ko thể một sớm một chiều. Theo ông/bà, liệu tăng tiền lương có phải là giải pháp chủ yếu để thu hút thêm giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục?
- Không phải là cứ tăng lương là sẽ giảm được tỷ lệ giảng viên/ sinh viên và liền sau đó là nâng cao chất lượng giáo dục. Khâu then chốt trong việc cải thiện chất lượng là việc thay đổi cơ chế quản trị của một trường đại học. Đây là một đề tài lớn và không thể trả lời trong vài câu như thế này.

5. Theo đề án cải cách giáo dục của bộ, trong phần lộ trình tăng lương có đề cập: vào năm 2009, lương giáo viên đại học bình quân sẽ là 4,463 triệu đồng một tháng. Và vào năm 2014 sẽ là 7,412 triệu/tháng.

Việt Nam đang ngày càng mở cửa, trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy với nhiều trường quốc tế đã và đang mọc lên cả nước. Ở những trường này, chắc chắn lương giáo viên sẽ cao hơn nhiều so với các trường công lập trong nước.

Theo ông/bà, có thể có hiện tượng chảy máu chất xám giảng viên bỏ trường công sang các trường tư thục và quốc tế? Và liệu lộ trình cải cách tiền lương này có hữu hiệu trong việc ngăn chặn chảy máu chất xám nói trên không khi vài năm tới đã có nhiều chuyên gia dự báo số lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và các trường quốc tế sẽ tăng lên đáng kể?

- Hiện nay, theo tôi biết thì lương bình quân của giảng viên ở khu vực có yếu tố nước ngoài đã là 10 triệu đồng/ tháng. Như vậy, nếu năm 2014 lương của giảng viên ở khu vực nhà nước mới chỉ khoảng 7.5 triệu thì rõ ràng là kế hoạch cải cách tiền lương như vừa nêu sẽ không có ý nghĩa gì đáng kể trong việc ngăn chận nạn “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư.

Tuy nhiên, việc “lưu thông chất xám” giữa từ khu vực công sang khu vực tư nên được xem là một điều bình thường trong tình hình khu vực tư ở Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển như một chiến lược giảm tải đối với nguồn lực công. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có một sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trong việc thu hút giảng viên, nhưng tôi tin rằng chỉ có những trường có cơ chế quản trị tốt – bất kể là công hay tư – mới có thể thu hút được những giảng viên tốt nhất đến làm việc cho mình. Và một yếu tố then chốt của “cơ chế quản trị tốt” là chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và phát triển giảng viên.

6. Về vấn đề tự chủ tài chính ở bậc đại học, chính phủ đã “bật đèn xanh” một vài năm trước đây, nhưng thực tế rất nhiều hiệu trưởng và các nhà giáo dục vẫn cho rằng đây mới chỉ là vấn đề trên giấy tờ. Ông/bà nhận định vấn đề trên như thế nào đối với việc tăng lương cho giáo viên? Liệu việc tự chủ tài chính có khả thi với đa số các trường đại học không khi hằng năm nhà nước vẫn chi trả phần lớn cho giáo dục? (Theo số liệu của bộ GD-ĐT, năm 2006, chi nhà nước cho GD đại học chiếm 63.3% tổng chi phí đào tạo đại học)

- Tôi có một số bạn bè làm việc ở một số trường đại học tư và hiểu rằng, mặc dù các trường tư hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhưng quả thật tôi rất “ganh tỵ” với họ về quyền tự chủ rất lớn về tài chính, đặc biệt trong việc quyết định mức học phí và quyết định lương giảng viên và cán bộ quản lý, phục vụ của mình. Trong khi đó, các trường công lập tuy nhận được mức đầu tư khá lớn của nhà nước, nhưng lại bị bó chân bó tay vì những quy định thu chi tỉ mỉ, làm giảm rất nhiều mức độ hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước, và làm hạn chế khả năng huy động sự đóng góp từ xã hội.

Có thể nêu một vấn đề cụ thể: với mức học phí đại học cào bằng cho mọi đối tượng như hiện nay thì những người nghèo cảm thấy quá cao (thậm chí kể cả mức học phí khi chưa tăng), nhưng đối với những người có thu nhập khá trong xã hội thì họ sẵn sàng trả một mức học phí cao gấp hàng chục lần để nhận được một chất lượng giáo dục tốt hơn. Như thế có nghĩa là với mức học phí cào bằng và tương ứng với mức học phí đó là chất lượng giáo dục hiện nay đã chằng làm cho ai vừa lòng cả: đối với người nghèo thì học phí là quá nặng, đối với người khá giả thì chất lượng là quá thấp, còn nhà trường thì không có tiền để có thể trả lương tốt hơn cho giảng viên để giữ được những người giỏi nhất, tóm lại là một cái vòng lẩn quẩn.

Vì vậy, tự chủ tài chính là một giải pháp mang tính chiến lược cho việc phát triển giáo dục đại học của Việt Nam, và cần sớm được triển khai. Chắc chắn sẽ khả thi thôi: cứ nhìn vào khu vực tư hiện nay thì sẽ rõ! Tất nhiên đối với khu vực công thì sự tự chủ phải đi kèm với các chính sách rõ ràng, nhất quán, một hệ thống thông tin minh bạch, sự giám sát và hậu kiểm nghiêm nhặt, để đảm bảo việc sử dụng ngân sách đúng mục đích và có hiệu quả. Đây cũng là một chủ đề lớn không thể trả lời trong vài phút, nhưng ý kiến của tôi là nó không những là khả thi mà là điều tất yếu phải thực hiện, càng sớm càng tốt!

7. Theo một cựu chuyên viên cao cấp của bộ GD-ĐT nhà giáo Trần Hữu Trù, cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên trong đó ông đề cập 2 quan điểm chính: phải chăm lo hơn nữa về chế độ phụ cấp, đãi ngộ cho giáo viên và bao gồm cả chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Theo thầy/cô còn thêm những biện pháp nào nữa?

- Cải cách cơ chế quản trị! Đây cũng là chủ đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn cho năm học này, phải không?

8. Ông/bà có muốn bổ sung thêm những ý kiến/kiến thức/kinh nghiệm gì cho bài này không ạ? Ông/bà đã từng đi học ở một số nước phát triển trên thế giới. Ở các nước đó họ quan tâm đến giáo dục và đời sống giáo viên như thế nào? Và Việt Nam, trong điều kiện kinh tế xã hội của mình, có thể học hỏi gì từ những nước đó?

- Tôi không rõ lắm vì lúc đi học thì là mình chỉ là sinh viên nên không thể hiểu rõ về đời sống giảng viên. Nhưng có một điều tôi cảm nhận rõ là mối quan hệ giữa giảng viên và khối quản lý rất khác với ở Việt Nam. Ở các nước tiên tiến, giảng viên được xem là thuộc tầng lớp “chuyên gia” (professional), nên họ phải được cung cấp những điều kiện làm việc tốt nhất để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc. Một số điều kiện mà tôi ghi nhận là: có phòng làm việc riêng và các thiết bị văn phòng tối thiểu, được phục vụ tối đa trong các nhu cầu thông tin khoa học chuyên ngành (vd: hàng năm được chọn và đặt mua sách vở và tạp chí chuyên môn, được trang trải tiền đi dự hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước), được đảm bảo sự tự do rất cao trong các hoạt động chuyên môn..

Nhìn chung, tôi cảm nhận là họ nhận được một sự tôn trọng rất cao như một trí thức, một nhà khoa học, và có lẽ đây là điều mà các giảng viên đại học ở Việt Nam còn thiếu thốn nhất. Và tôi nghĩ, có lẽ để giữ các giảng viên trong khu vực công không chạy (hẳn) sang khu vực tư thì có lẽ nên tập trung vào cải thiện điều này trước nhất (nhà nước sẽ có điều kiện để làm tốt hơn tư nhân), chứ không phải là chỉ tập trung vào tiền lương. Vì lương thấp thì có lẽ các giảng viên của ta cũng đã quen rồi (!), và đã có cách để sống chung với nó từ lâu rôi, vd bằng cách … dạy thêm cho khu vực tư (nhưng vẫn giữ biên chế ở khu vực công). Điều này trong thời gian trước mắt chắc là vẫn sẽ còn tồn tại và chắc là cũng phải chấp nhận thôi! Cho đến khi cơ chế quản trị đại học của Việt Nam được cải thiện triệt để hơn.

No comments:

Post a Comment