Sunday, September 20, 2009

Tự do học thuật: Một đánh giá thực tế

Tự do học thuật: Một đánh giá thực tế
Philip Altbach 2009 - Nguồn: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number57/p2_Altbach.htm

Dường như ai cũng ủng hộ quyền tự do học thuật. Thật vậy, khi các nhà lãnh đạo các trường đại học hoặc các bộ trưởng giáo dục được hỏi, họ sẽ cho rằng đặc quyền này được thực hiện phổ quát khắp nơi. Tuy vậy các vấn nạn liên quan đến tự do học thuật lại tồn tại hầu như ở mọi nơi - được tạo ra do những thay đổi trong thực tiễn hàn lâm, áp lực chính trị, phát triển thương mại hóa và thị trường hóa của giáo dục đại học, hoặc áp lực pháp lý. Tự do học thuật cần phải được định nghĩa một cách cẩn thận để nó có thể được bảo vệ trong một không khí toàn cầu phức tạp. Một định nghĩa mới và có lẽ chặt chẽ hơn về khái niệm tự do học thuật là cần thiết trong thời đại của Internet và nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Công bố lần đầu tiên trên tạp chí International Higher Education (Giáo dục đại học quốc tế)

Một chút lịch sử

Tự do học thuật có một lịch sử lâu dài trong giáo dục đại học, nhưng luôn bị các lực lượng bên ngoài trường đại học tranh cãi. Từ thời của Martin Luther và Socrates, vẫn luôn có các giáo sư bị ngược đãi bởi quan điểm của mình - do các giới chức nhà nước hoặc tôn giáo hoặc các nhóm lợi ích có quyền lực và không thích các quan điểm chống đối hoặc các sự thật gây khó chịu.

Khái niệm tự do học thuật hiện đại có lẽ được soạn thảo lần đầu tiên bởi Wilhelm von Humboldt khi ông phát triển các trường đại học nghiên cứu tại Berlin năm 1818. Khái niệm tư do học thuật theo kiểu Đức có phạm vi khá giới hạn. Nó bao gồm ‘lehrfreiheit’ - sự tự do của các giáo sư trong công việc giảng dạy tại lớp và thực hiện nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn trực tiếp của mình. Lý tưởng tự do học thuật kiểu Humboldt không bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm ngoài lãnh vực chuyên môn của giáo sư. Nước Đức ở thế kỷ 19 vẫn xử lý kỷ luật những học giả dám bày tỏ ý kiến chống đối về các vấn đề chính trị, cũng như cấm các nhà hoạt động có tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoặc các quan điểm đối lập khác được bổ nhiệm chức vụ khoa học. Cần lưu ý là sinh viên cũng được đảm bảo ‘lehrfreiheit’ - sự tự do để nghiên cứu những gì họ muốn.

Hiệp hội giáo sư đại học Hoa Kỳ (AAUP) tập trung vào vấn đề tự do học thuật lần đầu tiên vào năm 1915, với một tuyên bố nhấn mạnh ba nguyên tắc chính: "thúc đẩy sự tìm tòi khám phá và nâng cao tổng kiến thức của nhân loại"; "cung cấp việc giảng dạy các kiến thức tổng quát đến sinh viên" và "phát triển chuyên gia trong các lãnh vực dịch vụ công cộng khác nhau". Với sự đồng ý của các Hiệu trưởng trường đại học, AAUP mở rộng phạm vi hiệu lực của khái niệm tự do học thuật vào năm 1940 để bao gồm quyền phát biểu của các giáo sư về các chủ đề ngoài chuyên môn học thuật trực tiếp của họ. Nói cách khác, các giáo sư đã có quyền tự do ngôn luận ở một phạm vi rộng hơn, mặc dù bản tuyên bố cũng nhấn mạnh trách nhiệm thuộc về các giáo sư, cũng như công nhận một số hạn chế của quyền này.

Trong cả hai trường hợp của Đức và Mỹ, tư do học thuật bao gồm việc bảo vệ quyền tự do bổ nhiệm các chức vụ khoa học thông qua hệ thống “biên chế suốt đời” (tenure system): các giáo sư không thể bị mất việc do thực hiện các nghiên cứu hoặc có những quan điểm riêng về nhiều chủ đề. Thậm chí, các giáo sư còn được bảo vệ với tư cách là thành viên của một cộng đồng khoa học. Họ không thể bị xử lý kỷ luật khi phản đối lãnh đạo các trường đại học về các vấn đề liên quan đến quản trị học thuật hoặc chính sách. Định nghĩa này rộng hơn, bắt nguồn từ cả hai truyền thống Đức và Mỹ, dường như được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu tại các nước có cam kết truyền thống về tự do học thuật, mặc dù mặt khác cũng có thể chỉ ra nhiều vi phạm đối với các chuẩn mực đã được chấp nhận này.


Những nhầm lẫn đương đại

Cùng một lúc, các định nghĩa về tự do học thuật đang vừa được mở rộng lại vừa bị thu hẹp vượt quá những chuẩn mực chung được chấp nhận.

Một số người giờ đây định nghĩa tự do học thuật hầu như là tất cả mọi thứ có thể giúp giảng dạy và nghiên cứu có hiệu quả - sự tham gia của giảng viên trong quản trị, cung cấp đầy đủ ngân sách cho các trường đại học, tạo điều kiện phù hợp cho việc dạy và học như phòng học phù hợp và tiếp cận các công nghệ. Điều này kéo dãn khái niệm tự do học thuật đến mức bao gồm tất cả mọi thứ cần thiết cho một trường đại học thành công. Ở cực đối lập, một số quốc gia hoặc các trường đại học mặc dù tuyên bố tuân thủ tự do học thuật, nhưng lại có các chính sách hạn chế những gì có thể được dạy trong các lớp học hoặc chủ đề có thể nào cho nghiên cứu và xuất bản.
Các thực tiễn đương đại cũng tạo thêm những phức tạp. Internet, giáo dục tầm xa và các sáng chế công nghệ có liên quan, cũng như sự gia tăng của các tập đoàn truyền thông đa quốc gia có khả năng kiểm soát việc phân phối kiến thức, đã đặt ra những câu hỏi về quyền sở hữu tri thức. Các vấn đề có liên quan đến quyền tự do học thuật đã được lồng vào trong các cuộc tranh luận về công nghệ.

Phải chăng tự do học thuật là một điều kiện cần thiết để tạo ra các trường đại học chất lượng cao đạt “đẳng cấp thế giới” ngày nay?

Các chứng cứ dường như cho thấy đây quả thật là một yêu cầu. Các bảng xếp hạng đại học quốc tế khác nhau đã cho mức điểm cao nhất đối với các cơ sở giáo dục có mức độ tự do học thuật cao. Rất ít vị trí xếp hạng cao dành cho các trường vi phạm có hệ thống các chuẩn mực của tự do học thuật. Một mức độ tự do học thuật cao là điều đặc biệt quan trọng đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhưng tất cả các lĩnh vực khoa học đều có lợi khi được bảo đảm quyền tự do tìm tòi khám phá cũng như khi ý thức rằng trường đại học nơi mình hoạt động có cam kết về tự do phát biểu các ý tưởng mới.

Cần một sự đồng thuận mới

Tự do học thuật rõ ràng là một giá trị cốt lõi đối với giáo dục đại học. Trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21, khái niệm tự do học thuật cần được xem xét lại, trước tất cả các áp lực mà giáo dục đại học đang phải đương đầu do quá trình đại chúng hóa, thương mại hóa, và trách nhiệm giải trình. Điều cần thiết hiện nay là sự trở về với những khái niệm cốt lõi của tự do học thuật đã được phát triển bởi Humboldt và mở rộng trong Tuyên bố năm 1940 của AAUP.

Suy cho cùng, tự do học thuật là quyền hạn của các giáo sư để giảng dạy mà không bị hạn chế trong lĩnh vực chuyên môn của mình, thực hiện nghiên cứu và xuất bản, và phát biểu trong không gian công cộng (báo chí, internet vv). Tự do học thuật nhìn chung là sự bảo vệ việc làm của các giáo sư cũng như cung cấp những bảo đảm chắc chắn nhất có thể được - thông qua một hệ thống “biên chế suốt đời” chính thức hoặc các hệ thống dịch vụ dân sự, hoặc những phương cách khác.

Một tuyên bố do các giáo sư tại trường Đại học Cape Town ở Nam Phi đã được trích dẫn trong quyết định nổi tiếng năm 1957 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ nêu rõ:

"Công việc của một trường đại học là cung cấp bầu không khí thuận lợi nhất để tư duy, thử nghiệm và sáng tạo. Đây là một bầu không khí trong đó 'bốn quyền tự do thiết yếu' của một trường đại học được ưu tiên áp dụng -- nhà trường có quyền tự quyết những vấn đề học thuật như ai là người được giảng dạy, giảng dạy những gì và giảng dạy như thế nào, cũng như ai là người có thể được nhận vào học. "

Những lý tưởng này đã tóm gọn nhiều ý tưởng thiết yếu của khái niệm tự do học thuật.

Tự do học thuật về cơ bản không liên quan đến việc trường đại học được quản lý như thế nào, họ có đầy đủ nguồn kinh phí hay không, hoặc thậm chí các giảng viên được trả lương như thế nào. Tự do học thuật không đảm bảo rằng các giáo sư sẽ có một vai trò trong quản trị nhưng phải đảm bảo rằng họ có thể nói ra về các vấn đề quản lý nội bộ mà không sợ bị xử phạt.

Tự do học thuật không liên quan đến trách nhiệm giải trình. Trường đại học có quyền hợp pháp để yêu cầu giảng viên đạt được mức năng suất thích hợp. Kết quả công việc của một giáo sư có thể được đánh giá, hiệu suất không đạt có thể dẫn đến bị trừng phạt hoặc thậm chí, trong những trường hợp đặc biệt, bị đuổi việc nhưng chỉ sau khi các thủ tục nghiêm nhặt và không vi phạm quyền tự do học thuật đã được thực hiện. Tự do học thuật bảo vệ quyền tự do của các giáo sư trong công việc giảng dạy, nghiên cứu và tự do phát biểu – ngoài ra không có gì khác.

Vấn đề hiện nay

Ngày nay tự do học thuật truyền thống đang bị đe doạ ở nhiều nơi, tạo ra nhu cầu phải chú ý nhiều hơn đến các thách thức đương đại. Rất nhiều khủng hoảng, từ việc các giáo sư bị trừng phạt nặng nề vì việc giảng dạy, nghiên cứu hoặc phát biểu - bao gồm mất việc, tù đày hoặc thậm chí là bạo lực. Các nhóm hoạt động như nhóm Scholars at Risk (Các học giả bị đe dọa) nhằm hỗ trợ cho các học giả này và đưa ra công khai các vấn đề của họ.
Tại một số nước, người ta hạn chế cả những gì có thể được nghiên cứu, giảng dạy và xuất bản. Trong một số trường hợp, những hạn chế này được nêu rõ ràng, nhưng trong phần lớn trường hợp 'đường ranh màu đỏ' cấm vượt qua không hề được nêu rõ. Tuy nhiên các học giả có thể bị xử phạt nếu vi phạm các điều khoản này.

Danh sách các quốc gia cũng như các lĩnh vực nghiên cứu bị cấm như vậy rất tiếc là khá dài.

Tại Hoa Kỳ, nơi nói chung quyền tự do học thuật được bảo vệ khá hiệu quả, một số vấn đề đang nổi lên. Gần đây Toà án đã phán quyết rằng các học giả khi phát biểu công khai chống đối các chính sách tại trường đại học của mình và bị trừng phạt cho các hành động như vậy sẽ không được bảo vệ bởi quyền tự do học thuật. Một số lượng ngày càng tăng các giáo viên làm việc bán thời gian ở nhiều quốc gia đang không có sự bảo vệ hữu hiệu về quyền tự do học thuật của họ, vì họ thường chỉ làm việc trong một khóa học hoặc một khoảng thời gian ngắn và thường không xác định thời gian. Quyền sở hữu tri thức của các tập đoàn đa quốc gia hoặc thậm chí của các trường đại học đã trở thành một vấn đề tranh cãi ở một số nước.
Phải chăng đó là sự vi phạm quyền tự do học thuật khi để cho một tổ chức bên ngoài kiểm soát các công bố thông qua quyền sở hữu? Quyền tự do học thuật có bị vi phạm không nếu chính quyền áp đặt những yêu cầu khác nhau về chương trình đào tạo, như trường hợp của một số lượng đáng kể các quốc gia?

Nói tóm lại, quyền tự do học thuật ngày nay đang chịu những sức ép đáng kể, và việc mở rộng định nghĩa của khái niệm then chốt này để bao gồm tất cả mọi thứ về cơ bản đã làm cho việc bảo vệ các thành tố thiết yếu của tự do học thuật trở nên ngày càng khó khăn. Sự phức tạp của thế kỷ 21 đòi hỏi phải chú ý cẩn thận đến những nguyên tắc cốt lõi của tự do học thuật để có thể được bảo vệ nó trong một môi trường đang ngày một khó khăn hơn.

* Philip G Altbach là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College ở Mỹ.

* "Tự do học thuật: Một đánh giá thực tế" lần đầu tiên được công bố trong ấn bản mới nhất của Giáo dục Đại học quốc tế, Số 57 Mùa thu năm 2009, một ấn phẩm của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế. Được đăng lại trên UWN với sự cho phép của tác giả.

No comments:

Post a Comment